Phóng Sự

Thông dịch viên Việt ngữ tại Hoa Kỳ (kỳ 8)

Sunday, 20/11/2016 - 08:21:00

Chị Bích Ngọc cho biết, các sinh viên ghi danh khóa học này sau khi học hai phần ba chương trình là được gửi đi thực tập tại một số tòa án trong quận Cam khoảng 45 giờ. Sau khi thực tập xong, sinh viên đó được giấy chứng nhận của tòa đã tham gia đủ số giờ thực tập.

Bài BĂNG HUYỀN

Giảng viên Tôn Nữ Bích Ngọc tại Cal State Fullerton (phần 1)

Vào tháng Hai năm 2009, Phòng Giáo Dục Mở Rộng thuộc đại học Cal State Fullerton đã mở khóa học đầu tiên (kéo dài 18 tháng) chương trình huấn luyện Thông Dịch tiếng Việt Tòa Án để giúp các khóa sinh ghi danh theo học có được những kỹ năng thông dịch để vượt qua kỳ thi lấy bằng hành nghề vô cùng khó khăn của tiểu bang California, để trở thành một Thông Dịch Viên Hữu Thệ tại Tòa Án (Certified Court Interpreter). Chỉ tiếc rằng khóa học này được mở ra chỉ có hai khóa (kết thúc khóa 1 năm 2010, kết thúc khóa 2 năm 2012) và ngưng không được tiếp tục nữa.

Chị Tôn Nữ Bích Ngọc (áo dài bên phải) đang phát biểu trong buổi lễ trao bằng tốt nghiệp cho các khóa sinh của lớp Thông Dịch Viên tại Tòa Án đầu tiên thuộc trường Đại Học Cal State Fullerton mở ra. Buổi lễ đã được tổ chức tại trụ sở Viện Việt Học, thành phố Westminster. (Hình cung cấp)


Về lý do khóa học đã không được tiếp tục, chị Tôn Nữ Bích Ngọc (hiện là công chức của Quận Cam, chuyên lo về dịch vụ y tế cho cư dân của Quận Cam), từng là giảng viên phụ trách cùng với các giảng viên khác về các bộ môn thực tập chuyển ngữ (khóa 1 và 2) khóa học Thông Dịch Viên tiếng Việt Tòa Án của đại học Cal State Fullerton, giải thích, “Tôi nghĩ là trường Cal State Fullerton khi mở khóa học ra, mục đích là đào tạo một số kiến thức căn bản cho các sinh viên về chuyển ngữ từ tiếng Anh sang Việt và ngược lại. Bao giờ cũng vậy, khi trường mở một lớp học như vậy thì người sinh viên học ra cũng phải kiếm được việc làm thì những khóa học sau mới tiếp tục được.

“Nhưng sau hai khóa học mở ra thì nhà trường thấy số nhu cầu ở tòa án rất ít. Công việc toàn thời gian thì hầu như không có, tòa án chỉ nhận vào làm bán thời gian, dù người đó đã thi đậu bằng Thông Dịch Hữu Thệ. Tôi nghĩ là trường ngưng mở khóa từ năm 2012 đến nay là vì nhu cầu của Thông Dịch Viên Hữu Thệ Tòa Án làm việc toàn thời gian không có nhiều. Tòa án để xử những người gốc Việt vẫn ít những bản án để xử hơn so với các sắc dân khác. Do đó nhu cầu những người cần đến Thông Dịch Viên Hữu Thệ toàn thời gian làm việc trong tòa án rất ít.

“Khi trường Cal State Fullerton mở ra khóa học, vì trường cho rằng tòa án có nhiều nhu cầu cần Thông Dịch Viên Hữu Thệ. Nhưng thật ra tòa án từ trước đến giờ chỉ có vài người Thông Dịch Viên Hữu Thệ. Những người đó sửa soạn về hưu, thì tòa cũng chỉ tuyển vài người có bằng vào làm. Trong khi mở khóa học, số sinh viên ghi danh theo học mỗi khóa có khi lên tới 40 sinh viên, mà công việc có khi chỉ có một mà thôi, thành ra trường thấy không thể nào tiếp tục chương trình như thế nữa.”

Điều kiện trở thành giảng viên

Chị Tôn Nữ Bích Ngọc cho biết chị đã nộp đơn xin làm giảng viên của lớp Thông Dịch tại trường Cal State Fullerton khi trường mở lớp và được chấp thuận. Về những điều kiện cần có của một giảng viên dạy lớp Thông Dịch tại trường Cal State Fullerton, chị Bích Ngọc nói, “Cal-State Fullerton có những tiêu chuẩn của trường để tuyển giảng viên. Họ đòi hỏi tôi có bằng chuyên môn, có kinh nghiệm giảng dạy và từng có kinh nghiệm soạn giáo án.”

Về những kỹ năng mà một giảng viên dạy lớp thông dịch cần phải có, theo chị, “Tôi tin rằng người giảng viên nào cũng cần tuân theo qui định của trường, yêu mến giảng dạy, và quan tâm đến sinh viên.”

Cơ duyên gắn bó với công việc thông dịch

Kể về cơ duyên gắn bó với công việc thông dịch, chị Tôn Nữ Bích Ngọc tâm sự, “Tôi là cựu nữ sinh trung học Trưng Vương (Sài Gòn), sinh ngữ chính là tiếng Anh và sinh ngữ phụ là tiếng Pháp. Sau đó tôi đã di cư qua Pháp từ ngày 29 tháng 4, 1975. Khi qua Pháp tôi đã hoàn tất bằng tú tài bên Pháp, và đã có cơ hội được một đại học ở Hoa Kỳ nhận cho tôi qua du học từ năm 1976. Ban đầu tôi chọn ngành học đầu tiên trên xứ Mỹ là kỹ sư hóa học, sau khi học xong ra trường, tôi đi làm, rồi tiếp tục học lên cao học.
“Vì lập gia đình tại Mỹ nên tôi trở thành công dân của Mỹ. Từ nhỏ tôi vốn rất yêu sinh ngữ, đây cũng là một đam mê của cả gia đình. Ba tôi làm việc cho Liên Hiệp Quốc, nên gia đình tôi đi rất nhiều quốc gia từ năm 1975 cho đến khi ông cụ về hưu. Vì đi nhiều quốc gia cho nên trong nhà, anh chị em chúng tôi phải học thêm một số sinh ngữ. Ngoài tiếng Anh, tiếng Việt, còn học thêm vài sinh ngữ, riêng tôi chỉ thông thạo đọc, viết ba ngôn ngữ là Việt, Anh, Pháp, còn các em của tôi nói được thông thạo năm ngôn ngữ. Trước khi về sống và làm việc tại Nam California từ năm 1995 đến nay, tôi từng ở nhiều tiểu bang khác trên khắp nước Mỹ, những nơi tôi sống khi ấy không có nhiều người Việt. Nhờ thông thạo Anh-Việt, nên tôi cũng đã đảm nhận thông dịch khi đồng hương của mình khi cần giúp.”

Chị Bích Ngọc nói không bao giờ có ao ước trở thành Thông Dịch Viên Hữu Thệ cho Tòa Án. Vì ngành chính của chị là kỹ sư hóa. Về sau chị có học cao học về thần học, và có học luật nhưng không thi board để lấy bằng hành nghề luật sư.

“Quá trình học của tôi tùy theo nhu cầu và tùy theo học bổng trong công việc làm cho tôi học gì thì tôi học cái đó. Tôi may mắn biết qua nhiều ngành nghề khác nhau, thành ra vì vậy mà có một số kinh nghiệm khác nhau lúc đảm nhận khóa huấn luyện Thông Dịch tiếng Việt Tòa Án của trường Cal State Fullerton.”

Nhắc lại những khó khăn và thuận lợi khi nhận dạy khóa huấn luyện Thông Dịch tiếng Việt Tòa Án của trường Cal State Fullerton, chị cho biết, “Khó khăn của tôi là khuyến khích các sinh viên thực tập và làm bài tập thêm ở ngoài lớp học. Thuận lợi nhất là tôi có kinh nghiệm giảng dạy, yêu mến tiếng Việt, yêu mến văn hóa Việt, và thương mến sinh viên, nên chúng tôi, từ các giảng viên, cho đến các sinh viên khi đến lớp rất vui, và tương trợ lẫn nhau.”

Về tiêu chí tuyển chọn và đào tạo sinh viên học khóa Thông Dịch Viên của Cal State Fullerton, chị cho biết, “Tất cả các sinh viên muốn tham dự chương trình đều phải qua một cuộc thi khảo sát về Anh Ngữ và Việt ngữ, và phải đạt được số điểm đòi hỏi tối thiểu để có thể ghi danh nhập học.”

Mục tiêu và giáo trình

Chị Bích Ngọc cho biết, “Mục tiêu chính của trường khi mở ra khóa học là để hướng dẫn các phương pháp căn bản và tiêu biểu để chuyển ngữ khi nghe và khi đọc văn bản, cũng như giúp các sinh viên quen dần với những danh từ chuyên môn về đề tài chuyển ngữ . Mỗi khóa học kéo dài gần hai năm. Hai khóa học tai Cal State Fullerton đặc biệt huấn luyện các sinh viên về những vấn đề liên quan đến luật pháp và tòa án. Chương trình học có tên là Chuyển ngữ những vấn đề liên quan đến luật pháp nên gồm chung chuyển ngữ từ lời nói, và chuyển ngữ từ các văn bản vào làm một chương trình.”

Riêng lý do giáo trình của chương trình chuyển ngữ dành cho sinh viên Việt Nam lại được dựa theo giáo án của chương trình chuyển ngữ dành cho sinh viên Tây Ban Nha, vì, “Chương trình chuyển ngữ dành cho sinh viên Tây Ban Nha là một chương trình thành công của đại học Cal State Fullerton. Trước khi trường Cal State Fullerton mở ra chương trình chuyển ngữ dành cho sinh viên Việt Nam, thì chưa có một trường nào mở ra dạy thông dịch tiếng Việt, nên trường mới lấy mô hình của tiếng Tây Ban Nha, rồi từ đó xem có thể thay đổi cái gì phù hợp.

“Chương trình này giúp cho các sinh viên nắm vững căn bản về phương cách chuyển ngữ và phiên dịch. Nếu thiếu căn bản thì sẽ dịch và chuyễn ngữ như các máy điện toán dịch vậy. Nghĩa là chỉ dịch chữ, chứ không phải dịch câu, và dịch nghĩa. Chẳng hạn có câu đã được dịch từ máy: Ô Mai được dịch là Tomorrow umbrella, hay Thousand Island dressing là Áo đầm ngàn đảo.”

Chị Bích Ngọc nhận xét, “Đào tạo thông dịch viên là đào tạo cho sinh viên phong cách, văn phạm, từ vựng, sự cảm thông và cảm nhận về văn hóa, cũng như sự nhận biết những điều chung, và những điều khác biệt từ ngôn ngữ nguồn và ngôn ngữ được phiên dịch.”

Còn về trang thiết bị học tập của chương trình học, chị Bích Ngọc giới thiệu, “Trường Fullerton có kỹ thuật điện toán để giúp các sinh viên thâu và nghe lại những lời chuyển ngữ của chính mình. Các giảng viên của cả hai chương trình: Việt ngữ và tiếng Tây Ban Nha thường ngồi chung với nhau để trao đổi kinh nghiệm và soạn giáo trình cùng nhau. Trường cũng có chương trình để giúp các sinh viên dự thính tại tòa án, tại những chương trình của công đồng để thực tập chuyển ngữ. Tài liệu để chuyển ngữ thì rất nhiều trong các thư viện và các trang mạng về pháp lý. Các sinh viên cũng tự tao ra tài liêu để cùng luyện tấp cùng nhau trong nhiều lãnh vự ngoài lãnh vực pháp lý. Tôi rất quí mến và hãnh diện về các sinh viên đã tham dự nhừng khóa học tại Cal State Fullerton. Trường cũng thường xuyên mời các diễn giả đến trình bày những vấn đề liên quan đến thông dịch và chuyển ngữ từ nhiều lãnh vực ngoài lãnh vực luật pháp để mở rộng tầm nhìn của các sinh viên.”

Chị Bích Ngọc cho biết, các sinh viên ghi danh khóa học này sau khi học hai phần ba chương trình là được gửi đi thực tập tại một số tòa án trong quận Cam khoảng 45 giờ. Sau khi thực tập xong, sinh viên đó được giấy chứng nhận của tòa đã tham gia đủ số giờ thực tập.

Trong quá trình thực tập các sinh viên được chia ra thành từng nhóm ba người đến thực tập tại nhiều tòa án tòa khác nhau để quan sát cách thông dịch của Thông Dịch Viên Hữu Thệ trong các vụ xử. Khi vào quan sát, các nhóm sinh viên này luôn có người hướng dẫn là Thông Dịch Viên Hữu Thệ đang làm việc trong tòa giúp giải đáp mọi thắc mắc của sinh viên khi tham dự buổi xử án.

Chị Bích Ngọc giải thích, “Khi vào thực tập trong tòa qua đó mới thấy rằng nhiều sinh viên dịch những câu chuyện ngắn gọn rất hay trong lớp học, nhưng khi vào tòa án, những cảm xúc của người thông dịch, rồi đám đông, sự phân trí sẽ ảnh hưởng đến một người thông dịch chưa có kinh nghiệm ra sao. Đó cũng là một điều rất lý thú với các sinh viên, để họ biết rằng không phải mình đóng cửa thông dịch ở nhà lưu loát, và khi ra tòa án mình cũng dịch được lưu loát như ở nhà. Qua đó để thấy rằng rất cần phải có kinh nghiệm để tích lũy khi làm thông dịch trong tòa.”

Còn việc học trên lớp và các bài thi, “Các sinh viên đòi hỏi phải có mặt trong lớp, phải đủ điểm trong những bài thi cuối khóa, và phải nộp đủ các bài tập để có thể được cấp chứng chỉ khi mãn khóa.”
Nói về việc từ chức của thông dịch viên Thomas Vũ trong thời gian đang làm giảng viên khóa 1 của khóa học do có những bất đồng với chương trình dạy của trường, chị Tôn Nữ Bích Ngọc chia sẻ, “Thầy Thomas Vũ là một người thông dịch trong tòa án có rất nhiều kinh nghiệm, thành ra từ vựng của thầy trong tòa án rất phong phú. Nên thầy hiểu được cách thi như thế nào. Khi thầy nghỉ thì trường cũng mất đi giáo viên mà trường khá quý, sau đó trường cũng có tìm những người từng làm thông dịch viên tại đây để thay thế thầy Thomas Vũ.

“Riêng về chương trình huấn luyện Thông Dịch tiếng Việt Tòa Án tại Cal State Fullerton, vì là trường đại học, thành ra nội dung chương trình học chuyên hướng dẫn về phương pháp nhiều hơn là đào tạo nghề nghiệp. Một số sinh viên thực tâm muốn học luyện thi lấy bằng Thông Dịch Hữu Thệ thì đã có những lớp được mở ra như của thầy Thomas Vũ hay những lớp khác trong cộng đồng có thể giúp sinh viên luyện thi mà không cần phải qua một giáo trình, không cần phải qua chứng chỉ thì đó cũng là một chọn lựa tốt với nhiều người.

“Những sinh viên theo học chương trình huấn luyện Thông Dịch tiếng Việt Tòa Án khóa 1 và 2 trước đây tại Cal State Fullerton để có chứng chỉ, vì những nơi họ đang làm việc phải đối diện với song ngữ. Nếu họ có chứng chỉ đã học qua khóa học thì họ sẽ được sử dụng một cách đặc biệt hơn là những người không có chứng chỉ, họ sẽ được chọn để chuyển ngữ trong những cơ quan chuyên môn mà họ đang làm việc.”
(Còn tiếp)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT