Đạo và Đời

Thưa thầy, thầy ở đâu?

Thursday, 15/01/2015 - 08:46:51

Nghe nói thế, hai môn đệ không thắc mắc, không chần chừ, nhưng liền đi theo Chúa Giêsu. Quay lại, thấy hai ông đi theo mình, Ngài hỏi: “Các anh tìm gì thế?”

Bài LM TRỊNH NGỌC DANH

Đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của mình, thấy Chúa Giêsu đi ngang qua, ông Gioan giới thiệu với hai môn đệ: “Đây là Chiên Thiên Chúa.”
Nghe nói thế, hai môn đệ không thắc mắc, không chần chừ, nhưng liền đi theo Chúa Giêsu. Quay lại, thấy hai ông đi theo mình, Ngài hỏi: “Các anh tìm gì thế?”
Câu hỏi ấy cũng là câu hỏi Chúa Giêsu muốn đặt ra cho mỗi người chúng ta để giúp nhìn lại chính mình, nhìn vào tâm hồn mình để biết chúng ta đang tìm gì, đang tìm ai, và đâu là mối bận tâm hàng đầu mà chúng ta phải tìm kiếm.
Hai môn đệ không trả lời họ tìm gì. Điều này chứng tỏ họ đã tin lời thầy Gioan giới thiệu. Họ không còn thắc mắc Chúa Giêsu là ai? Có phải đúng là Chiên Thiên Chúa không? Nhờ Bí tích Thanh Tẩy, chúng ta cũng được Giáo Hội giới thiệu Thiên Chúa là Đấng nào, và chúng ta đã tin.
Như hai môn đệ, trong cuộc sống hôm nay, cũng có nhiều lúc chúng ta mù mờ về sự hiện diện của Thiên Chúa, vẫn cứ thắc mắc Chúa ở đâu mà cứ để cho những bất công, khốn khổ vẫn mãi tồn tại trên thế giới: “Thưa Thầy, Thầy ở đâu? Sao Thầy mãi im lặng? Sao Thầy vẫn làm ngơ?” Nhưng chúng ta quên rằng Ngài vẫn đứng đó, vẫn đợi chờ con người chạy đến với Ngài. Thiên Chúa vẫn kiên nhẫn đứng đợi chờ chúng ta; tiếc thay chúng ta vẫn không nhận ra Ngài. Câu trả lời của Chúa Giêsu cho hai môn đệ của ông Gioan ngày xưa, cũng là câu trả lời cho chúng ta hôm nay: “Đến mà xem.”
Đến xem và ở lại với Ngài là điều kiện giúp hai môn đệ nhận ra Chiên Thiên Chúa là Đấng Mêsia, là Đấng Kitô. Không những họ đã trở thành môn đệ của Chúa Giêsu mà còn lôi kéo, giới thiệu đến người khác: Ông Anrê về nhà, gặp em mình là Simon và nói: “Chúng tôi đã gặp Đấng Mêsia. Rồi ông dẫn em mình đến gặp Đức Giêsu; và Philiphê, sau khi được Chúa trực tiếp gọi theo Ngài, lại giới thiệu Ngài với Nathanaen.( xem Ga.1: 35-42).
Có thể chúng ta đã đến, đã xem, nhưng chúng ta chưa ở lại với Ngài, vì thế chúng ta chưa nhận ra Ngài. Chính nhờ sự lưu lại với Ngài mà chúng ta được hoán cải tâm hồn, được thêm vững mạnh trong đức tin.
Muốn gặp thì phải tìm. Chúng ta có hai cách tìm: hoặc tự bản thân mình đi tìm hoặc nhờ người khác giới thiệu. Khi tự mình đi tìm, chúng ta sẽ bị những nhận thức, lý luận chủ quan làm chúng ta đáng giá sai đối tượng chúng ta muốn tìm; ngược lại, nếu có ai giới thiệu thì nhận định của chúng ta sẽ khách quan hơn, và hơn nữa, khi người giới thiệu cho chúng ta lại là người có uy tín, đáng tin cậy, thì sẽ giúp chúng ta vững tin hơn.
Ngày xưa, Chúa hiện diện với con người bằng xương bằng thịt mà người ta còn chưa tin, dù đã được tiên báo qua lịch sử và qua các ngôn sứ. Người ta đã tìm gặp Ngài, cũng đã đến để xem, đã nghe Ngài giảng dạy. Nhưng họ không đến xem để tin, nhưng để bắt bẻ, để gài bẫy, để tìm cách chống đối. Chúng ta ngày nay, không gặp Chúa Giêsu bằng xương bằng thịt, nhưng chúng ta tin có thể gặp Ngài cách thiêng liêng bằng lòng tin và lòng mến. Ngài vẫn luôn luôn gần gũi với ai chân thành tìm kiếm Ngài. Để hiểu biết Ngài nhiều hơn, thì chúng ta cũng phải thực hành lời Ngài dạy: Hãy đến mà xem, hãy học và thi hành Tin Mừng, và lưu lại trong Ngài qua phép Thánh Thể. Có cùng sống với Ngài bằng niềm tin và lòng mến, có để Ngài hiện trong tâm hồn mình, thì chúng ta mới có thể gặp Ngài ở khắp mọi nơi, qua nhiều hình thức.
Thiên Chúa kêu gọi chúng ta dưới nhiều cách thức khác nhau, nhưng điều quan trọng là: Hãy đến mà xem. Thiên Chúa không ép buộc chúng ta, nhưng Ngài để cho chúng ta tự do quyết định. Ngài kêu gọi chúng ta đi vào cuộc sống của chúng ta để nhận ra Ngài. Trong suốt cuộc sống, Thiên Chúa lại kêu gọi chúng ta sống xứng đáng với nhân phẩm của con cái Thiên Chúa. Ngài nói với chúng ta nơi thẳm sâu của tâm hồn mình. Ngài kêu gọi chúng ta sống tương quan mật thiết với Ngài.
Trong câu chuyện có tựa đề “Nơi Nào Có Tình Yêu, Nơi Đó Có Thiên Chúa,” văn hào Tolstoy kể về một ông lão sửa giày như sau: một đêm nọ, trong giấc ngủ ông nghe có tiếng nói: Hôm sau, Chúa Giêsu sẽ đến thăm ông.
Sáng hôm sau, ông bắt đầu công việc với một tâm trạng náo nức được gặp Chúa. Thế nhưng hôm sau, ông chỉ gặp toàn là những người khốn khó cùng cực.
Trước tiên là một người hành khất già nua, gầy guộc, khò khè với chứng ho lao. Ông sửa giày mời người hành khất vào nhà, đốt lò cho ông sưởi và mời ông dùng bữa. Kế đó là một thiếu phụ gần như chết cóng, còm cõi, nhếch nhác đang ẵm một đứa bé đói lã. Thấy mẹ con bà ấy cần thực phẩm và quần áo, ông đã chu cấp cho họ. Sau đó một bà bán táo hớt hải chạy đến. Bà hoảng hốt vì một đứa trẻ đã cố ăn cắp một số táo của bà. Ông thợ sửa giày biết mặt đứa trẻ ấy và ông đã giải hòa với nhau.
Ngày hôm ấy, mọi việc xảy ra không như ông mong muốn, nhưng ông vẫn không quên lời Chúa hứa đến thăm. Khi đã mệt nhoài, ông ngã lưng trên chiếc ghế dựa, ông thiếp đi và trong giấc ngủ, ông lại nghe tiếng nói hôm trước: “Ta đói, con đã cho Ta ăn; Ta khát, con đã cho Ta uống; Ta đau yếu, con đã chăm sóc cho Ta.”
Là Kitô hữu, khi đã tìm gặp được Chúa, chúng ta cũng có nhiệm vụ giới thiệu Chúa với những người chưa nhận biết Ngài. Nhưng để việc giới thiệu được hữu hiệu và có sức thuyết phục, thì trước tiên chúng ta phải là những người đã tin và đã sống những gì Chúa đã truyền dạy. Không giới thiệu Chúa với người khác là thiếu bổn phận làm môn đệ của Chúa. Muốn giữ Đấng Mêsia cho riêng mình là sống hẹp hòi, ích kỷ.
Câu hỏi: “Các anh tìm gì thế?” vẫn còn là câu hỏi Chúa muốn gửi đến tất cả mọi người, đặc biệt là người Kitô hữu. Chúng ta tìm gì cho cuộc sống của chúng ta: danh vọng, bạc tiền, phú qúy, giàu sang? Những khát vọng mà chúng mãi miết đi tìm đó, phải chăng là cứu cánh đích thực cho cuộc sống?
Câu hỏi: “Các anh tìm gì?” đưa chúng ta trở về với chính nội tâm mình, đánh thức chúng ta sáng suốt tự do lựa chọn hoặc để cho Chúa hành động nơi chúng ta hoặc để gạt bỏ Ngài ra khỏi ý muốn riêng tư của mình. Sống tự mãn với những gì mình tiếp nhận được vì thói quen, vì tự mãn hay vì hiếu kỳ cũng cần phải có câu hỏi ấy thức tỉnh chúng ta.
Tìm gặp Chúa, đến với Ngài và ở lại với Ngài rồi ra đi thực hành lời Ngài dạy, đó là là những công việc mà người Kitô hữu phải thực hiện. Chúa ví ai đến với Ngài, nghe lời Ngài dạy mà không đem ra thực hành thì giống như người xây nhà trên cát; ngược lại, ai đến với Ngài, nghe lời Ngài dạy mà đem ra thực hành là người xây nhà trên nền đá vững chắc.
Chúa hỏi chúng ta: “Các anh tìm gì thế?” Chúng ta lại hỏi Chúa : Thưa Thầy, Thầy ở đâu?” Thánh Thể, Tin Mừng, những người anh em nghèo khổ trong cuộc sống là câu trả lời rõ nét cho câu hỏi: “Thưa Thầy, Thầy ở đâu?” (tnd)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT