Người Việt Khắp Nơi

Tìm thân nhân của một Tử Sỉ VNCH tên là "Nguyen Van Cu"

Monday, 03/09/2018 - 10:56:00

Vì lúc đó hoàn cảnh còn khó khăn, nhất là tình hình chính trị sau ngày đất nước vừa thống nhất vẫn còn nhiều vấn đề, nên gia đình tạm lấy đất đắp lại thành nấm mộ cho người đã khuất.


Đây là hai tấm thẻ bài (dog tag) còn đeo trên cổ của bộ hài cốt của Tử Sĩ VNCH Nguyễn Văn Cư SQ 73/162220, L.M O. (LNC/Viễn Đông)

Từ Mỹ trở về chiến trường xưa

'Xin giúp tìm thân nhân người lính VNCH sanh năm 1953, đã hy sinh trước năm 1975, và nay xác thân anh vẫn còn nằm tại Phước Long'


Bài LÂM NGỌC CHIÊU

Lời tòa soạn: Đầu tháng Chín này, nhật báo Viễn Đông đã nhận được một lá thư kèm theo một bài viết cùng với bốn tấm ảnh của ông Lâm Ngọc Chiêu, một cựu Trung Úy Lôi Hổ. Ông Chiêu cho biết ông muốn “chia sẻ những gì thật ngoài sức tưởng tượng.” Đó là thông tin về một bộ hài cốt của một quân nhân Việt Nam Cộng Hòa với hai thẻ bài còn đeo trên xác mà ông mong được mọi người “giúp cho trong việc tìm thân thân người Tử Sĩ có tên Nguyen Van Cu , khi hy sinh lúc đó còn quá trẻ 22 tuổi, thật vừa đáng kính vừa quá tội nghiệp.” Dưới đây là nguyên văn bài viết của ông Lâm Ngọc Chiêu.

Nước non ngàn dặm ra đi
Nước non ngàn dặm ra đi
Dù đường thiên lý xa vời
Dù tình cố lý chơi vơi
Cũng không dài bằng lòng thương mến người.
(Phạm Duy)

Bất ngờ nhận được điện thọai từ một người con gái bên quê nhà, người mà tôi chưa bao giờ được gặp, cô đã gọi qua Mỹ cho tôi, cho biết gia đình cô ở gần vùng Đồng Xoài, Phước Long nay có tên mới là tỉnh Phước Bình. Vì năm xưa trong lúc phát rừng làm nhà và trồng cây đã vô tình gặp thi hài của một người lính VNCH hy sinh trong cuộc giao tranh trước năm 1975 tại Phước Long cùng với hai thẻ bài (giống nhau) còn đeo trên bộ hài cốt.

Vì không biết nhờ ai báo tin để giúp tìm kiếm thân nhân người đã nằm xuống, do đó gia đình nhân hậu này đã phải chờ đợi nhiều năm, cho đến một hôm gia đình tình cờ xem được chương trình Tiếng Hát Hậu Phương do hai cô danh ca Phương Hồng Quế và Trang Thanh Lan phỏng vấn tôi trên đài truyền hình Hồn Việt tại Little Saigon, California, đã được phổ biến rộng khắp nơi trên thế giới kể cả Việt Nam, nên nhờ thế cô mới liên lạc được với tôi qua số điện thọai mà tôi đã cho khán giả biết trong cuộc phỏng vấn.

Chuyện gì có thể hẹn lần, hẹn mòn để chờ dịp thuận tiện, nhưng riêng trường hợp nếu ai từ quê nhà tìm thấy tông tích (thi hài) của bất cứ chiến hữu VNCH nào mà chưa được ai biết đến thì tôi có thể cố gắng giúp đỡ với tính cách cá nhân, và tôi tự coi đây như một cái duyên do Trời Đất sắp đặt, và mỗi trường hợp tương tự như vậy, tôi thường tìm cách về Việt Nam sau khi đã thông báo hợp pháp cho hai chính phủ Hoa Kỳ và Việt Nam biết, để đến tận nơi, thấy tại chỗ nơi người Tử Sĩ đó đã hy sinh như thế nào, rồi sau đó sẽ tìm cách giúp tìm kiếm thân nhân người tử sĩ đó sau.

Dĩ nhiên mọi chi phí tôi phải cố gắng tự chi trả bằng tiền túi khiêm nhường của bản thân là chính, còn anh em hay bà con ai biết đến mà phụ thêm một tay lo cho người đã nằm xuống, có thì cũng tốt mà không thì cũng phải cố gắng tự thực hiện một mình dưới sự chứng giám của Đất Trời một cách vô vụ lợi, và vô điều kiện.

Riêng lần này, khi về đến quê nhà và sau khi thăm mẹ già, người sắp gần đất xa Trời xong, từ Nha Trang tôi đã vội đến Phước Long để gặp gỡ và cám ơn gia đình ân nhân đã giúp săn sóc tử tế hài cốt và mộ phần của một đồng đội VNCH mà tôi chưa từng gặp, cũng như có dịp hỏi thăm cho rõ ngọn nguồn việc tìm thấy hài cốt của Chiến Hữu, mà trên tấm thẻ bài đã khắc tên: Nguyễn Văn Cư (hay Cử hay Cự gì đó, vì trên thẻ bài không có ghi dấu rõ ràng) như thế nào. Sau đó tôi cố nhớ lại và đối chiếu phần nào tin tức về hồ sơ trận liệt xảy ra trong khoảng thời gian trước ngày 30 tháng 4 năm 1975 qua một số địa danh như Phước Long, Bình Long của một thời chiến tranh điêu tàn và đẫm máu.

Ngày lên đường, khi xe bắt đầu lăn bánh trên quốc lộ 13 hướng về ngã ba Đồng Xoài Phước Long thì Trời cũng bắt đầu đổ mưa từng chặp. Mưa như khóc ai, mưa như nhớ ai. Ngồi trên xe mà lòng không tránh khỏi ngậm ngùi nhớ lại ngày còn chinh chiến. Cũng chính trên quốc lộ 13 này mà khi xưa dọc đường chỉ thấy toàn cảnh hoang tàn và đổ nát với những hố bom B 52 trải thảm ngút ngàn, những vườn cao su tiêu điều tan nát từng mảnh xác xơ qua sự tàn phá của đạn bom. Không có ngôi nhà dân nào trong vùng còn nguyên vẹn.

Tôi mơ hồ nhớ lại tiếng trọng pháo ì ầm ngày đêm của các đơn vị Pháo Binh VNCH bắn yểm trợ cho các đơn vị hành quân bạn, hay tiếng trọng pháo từ Sư Đoàn 1 Kỵ Binh Hoa Kỳ có tên “The Red Big One” (phía Bắc Quân gọi là Sư Đoàn Một Anh Cả Đỏ) đang nã đạn vào một vùng hành quân nào đó… và trên trời không lúc nào vắng tiếng phi cơ các lọai nhất là trực thăng vần vũ chuyển quân hay tản thương. Tôi nhớ những chuyến di chuyển quân vội vã, hay tiếp vận của Sư Đòan 5 Bộ Binh hay của các đơn vị tổng trừ bị VNCH như Nhảy Dù, Biệt Động Quân, Biệt Cách 81 Dù, v.v. tại căn cứ Lai Khê, hay tiếng xích xe thiết giáp M 48, M-113 chạy vội vã làm rung chuyển đường trên quốc lộ 13 từ các đơn vị Thiết Giáp Hoa Kỳ hay VNCH.

Nhưng nay tất cả đều trở thành kỷ niệm, không còn một dấu tích của ngày xưa còn sót lại. mà thay vào đó là nhà cửa san sát, cái thấp cái cao với đủ màu sắc, làm cảnh cũ thay đổi hết rồi, không còn nhận ra đâu vào đâu! Nhưng sao vẫn có một thứ hầu như vẫn còn nguyên, từ thôn trang cho đến thị thành đâu đâu cũng vang rền tiếng nhạc Bolero như ngày nào trước năm 75, khiến người lữ khách từ bên kia bờ đại dương trở về thăm chốn cũ đã không tránh khỏi bâng khuâng trong lòng, và càng cảm thấy ngậm ngùi khi bất chợt nghe được một đọan nhạc hắt ra từ một quán cà phê ven đường,


(Hình LNC cung cấp)

Người đi khu chiến thương người hậu phương
Thương màu áo gửi ra sa trường
Lòng trần còn tơ vương khanh tướng
hì đường trần mưa bay gió cuốn
Còn nhiều anh ơi!

Sau hơn ba giờ đồng hồ ngồi trên xe, cuối cùng cũng đến được tỉnh Phước Bình. Tôi đã gặp được cô gái xinh đẹp phúc hậu có giọng nói truyền cảm của người thôn nữ vùng cây xanh đất đó, người đã thay mặt gia đình liên lạc với tôi, và tôi cũng đã gặp khá đầy đủ thân nhân của cô gồm các anh chị em và ông bà thân sinh cô, người đã giúp cải táng thi hài người đồng đội của tôi đã nằm xuống và gia đình đã xem anh như một người thân.

Câu chuyện được gia đình cô kể lại

Sau năm 1975, gia đình đi phát rừng trồng cây thì gặp một cây lớn trong đất vườn khai hoang bị ngã đổ một phần, và thấy có ít ruồi còn bu dưới gốc cây, nhờ đó gia đình phát hiện có một xác người lính VNCH đã chết trong hố cá nhân đào sát gốc cây. Vì lúc đó hoàn cảnh còn khó khăn, nhất là tình hình chính trị sau ngày đất nước vừa thống nhất vẫn còn nhiều vấn đề, nên gia đình tạm lấy đất đắp lại thành nấm mộ cho người đã khuất.

Mấy năm sau tình hình đã yên ổn, lúc đó gia đình mới cho người khai quật lên để biết thêm tông tích người đã khuất dưới nấm mộ là ai, thì thấy trên xương cổ bộ hài cốt này còn đeo hai tấm thẻ bài khắc tên họ “Nguyen Van Cu” với số quân (SQ 73/162220) và loại máu (L.M O). Ngoài ra tất cả giấy tờ tùy thân, quần áo, mũ nón của người Tử Sĩ này đều bị mục nát, kể cả cây súng lục Colt 45 đeo bên hông và cây súng trường M-16 đặt bên cạnh cũng đã rỉ sét và hoàn toàn hư hỏng. Sau đó gia đình đã cho tắm rửa sạch sẽ và cho hài cốt vào một cái quách sành rồi tử tế đem chôn vào nghĩa trang của gia đình nằm phía sau nhà, mà hàng năm cũng được hương khói thờ cúng như người thân trong nhà.

Khi thi hài anh Nguyễn Văn Cư được cải táng từ vùng chiến địa đến nơi an táng trong nghĩa trang của gia đình đã được hoàn tất, thì gia đình mới cảm thấy an tâm và nghĩ đến việc tìm người tại Hải Ngọai để phụ góp tay giúp tìm kiếm thân nhân người đã khuất được phổ biến rộng rãi khắp nơi, nhưng tiếc rằng sau vài chục năm đợi chờ trong mòn mỏi nhưng không gặp được ai như mong đợi, có lẽ duyên chưa đủ nên đến ngày hôm nay công việc mới được tiến hành chăng!

Qua tin tức gia đình cung cấp và qua kinh nghiệm những năm đã từng chiến đấu trong QLVNCH, cũng như qua kinh nghiệm tình nguyện từ Mỹ trở về lại một số trại tù cải tạo ngoài Hoàng Liên Sơn để giúp gia đình đồng đội tìm xác bạn tù, nên tôi có thể cho rằng vị Tử Sĩ có tên “Nguyen Van Cu” trong thẻ bài này có thể là một Sĩ Quan cấp úy của QLVNCH, và người chiến sĩ này trước khi đền nợ nước anh đã bị thương nặng trong trận giao tranh với Bắc Quân có quân số đông hơn bao vây, nhưng có thể anh không chịu đầu hàng, và sau cùng chính anh đã tự quyết định ở lại một mình và tử thủ trong hố cá nhân dưới cây cổ thụ (như trong hình) để bắn chặn cho đồng đội hay binh sĩ dưới quyền rút lui đến chỗ an toàn.

Và sau 43 năm, qua sự quan sát ngay tại trận địa cũ ngày nay, tôi có thể kết luận: Trong trận giao tranh đó, cuối cùng anh đã bị tử thương như anh đã dự tính trước, vì một quả đạn B-40 của Bắc Quân đã bắn nổ chụp trên đầu anh và sức tàn phá của trái đạn đó gây va chạm mạnh vào một cành cây lớn chắn sau lưng, khiến cành cây bị gẫy đổ rơi xuống và lấp thân xác anh trong hố cá nhân (fox hole) bên dưới. Lập luận này càng được củng cố thêm, vì theo lời kể của gia đình ân nhân cho biết, ngoài xác anh “Nguyen Van Cu” ra không tìm thấy thêm bất cứ xác người lính nào khác của VNCH bị bỏ lại quanh anh!


Đây là vị trí hố cá nhân dưới gốc cổ thụ (nay chỉ còn dấu vết), nơi Tử Sĩ VNCH Nguyễn Văn Cư đã hy sinh đền nợ nước. (LNC/Viễn Đông)

Vẫn biết rằng tìm được thân nhân Tử Sĩ “Nguyen Van Cu” là việc “không tưởng” vì với bao “vật đổi sao dời” ngày nay còn khó hơn chuyện mò kim dưới đáy biển, nhưng tôi cũng cố gắng không bỏ cuộc và mong những chiến hữu nào thuộc các lực lượng tổng trừ bị, hay thuộc các quân binh chủng của Quân Lực VNCH đã từng tham chiến tại chiến trường Phước Long, Bình Long năm xưa như các sư đoàn: Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Cách 81 Dù, Bộ Binh, Lực Lượng Đặc Biệt, Biệt Động Quân hay các đơn vị Chủ Lực Quân và Địa Phương Quân, v.v., xin anh em hãy cố gắng nhớ lại trong đơn vị mình có ai có tên tương tự “Nguyen Van Cu,” với tuổi đời tương tự, nhưng đã bị ghi nhận, hay chưa kịp ghi nhận là mất tích (MIA) trong cuộc chiến.

Hay bà con nào biết chút ít tin tức nào có liên hệ với thân nhân người Tử Sĩ nêu trên xin vui lòng lên tiếng giúp, hoặc nếu chúng ta vẫn chưa thấy chút ánh sáng cuối đường hầm nào trong việc tìm kiếm này nhưng không vì vậy mà làm nản lòng mà hãy cùng nhau cố gắng vì “ tìm thì có ngày sẽ gặp” hay quyết chí “gõ cửa thì có ngày cửa cũng sẽ mở.”

Ông cha ta đã từng khuyên con cháu “oán thù nên cởi không nên kết,” hoặc nếu muốn thực lòng hòa giải dân tộc làm đất nước “Việt Nam hùng mạnh trở lại” (Make Vietnam great again) thì hãy nên hòa giải với người đã nằm xuống trước hết.

Tôi không phải đại diện cho ai, nhưng tin rằng không ít bà con và anh em khắp nơi đồng ý hay ủng hộ những việc tôi làm, hay công việc của người khác làm tương tự và hy vọng sẽ giúp tìm được thân nhân Tử Sĩ “Nguyen Van Cu” và qua nghĩa cử này đã nói lên tinh thần yêu nước, lòng quyết tâm bảo vệ đất nước của người Việt Nam.

Tuy nhiên tôi cũng không nghĩ rằng đây là bổn phận bắt buộc của bất cứ ai, mà chỉ mong qua sự góp tay của mọi người sẽ là tấm gương sáng, một bài học về lòng yêu nước, sự vị tha cùng tinh thần mã thượng truyền lại cho thế hệ mai sau, nhất là đối với các con cháu Việt Nam chưa trưởng thành hay sanh sau năm 1975.

Little Saigon, Orange County, California,
Labor Day Hoa Kỳ, September, 2018
Email: goodwill336@yahoo.com

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT