Phóng Sự

Tình thương yêu trẻ khuyết tật của Dawn (Trần) Galazyn (kỳ 4)

Sunday, 24/04/2016 - 11:26:01

Cô Dawn cho biết trung tâm Bodhi không chú trọng nhiều vào việc dạy thêm những bài học, làm thêm bài tập như các trung tâm dạy kèm khác, mà chủ yếu cho các em sinh hoạt giải trí theo nhóm, ngồi thiền.

Bài BĂNG HUYỀN

Sống tỉnh thức và thực hành thiền chánh niệm

Cô giáo Dawn (Trần) Galazyn kể rằng từ hồi nhỏ, lúc học lớp Bảy, lớp Tám hằng tuần đều đặn cô thường được bố mẹ đưa đi chùa, tụng kinh bằng tiếng Việt, nghe giảng pháp. Việc thường xuyên tu tập này không chỉ để thực tập tín ngưỡng, mà còn là một cách giúp cô không quên tiếng Việt vì cô đã rời Việt Nam khi 8 tuổi.

Dawn (Trần) Galazyn (áo trắng, bên trái) chụp lưu niệm với thầy cô tại trung tâm Bodhi Academy Afterschool Center. (Băng Huyền/ Viễn Đông)



“Đến năm 1999, khi tôi đang học lớp 12, có một khóa tu thầy Thích Nhất Hạnh hướng dẫn tại trường Đại Học Santa Barbara, tôi có tham dự khóa tu đó. Khi về, tôi bắt đầu nhận ra từ trước giờ những gì mình học từ đạo Phật vẫn chưa thấm, nhờ khóa tu này giúp tôi hiểu thêm một chút thế nào là chánh niệm, thế nào là buông xả. Tìm được ý nghĩa của mỗi sinh hoạt và tạo được nhiều niềm vui trong mỗi hoạt động: kể cả khi ngồi thiền, khi đi thiền hành, khi ăn, lẫn khi chia sẻ.

“Từ đó tôi tham gia thêm những khóa tu khác ở Lộc Uyển, khóa thiền Minh Sát 10 ngày và vài khóa thiền khác nữa. Thật ra từ năm 1999 đến nay, tôi đi dự những buổi khóa tu rất nhiều, nhưng chỉ có năm, sáu năm nay tôi mới áp dụng được điều đã học từ các khóa tu vào trong cuộc sống thường nhật của tôi. Mới cảm thấy tâm mình được bình yên hơn. Tôi có đọc các sách của thầy Thích Nhất Hạnh, có thực hành theo những phương pháp thầy dạy, có đi dự tại chùa những buổi nói chuyện của thầy Thích Thanh Từ.”
Cô Dawn nói chính nhờ áp dụng những bài tu tập đã giúp cô có đủ khả năng đối diện với bao phiền toái của cuộc đời, không những nuôi dưỡng thân khỏe mạnh mà còn nuôi dưỡng được tâm khỏe nhẹ an vui, trong mọi lúc cô luôn thực tập trở về với hơi thở và mỉm cười để đừng đánh mất mình và giữ được sự thăng bằng cho thân tâm. Giúp bản thân tìm được sự an lạc, thảnh thơi giữa đời sống bộn bề những lo toan. Học được những cách ứng xử với người thân, bạn bè, đồng nghiệp, học trò, người xa lạ để có tình yêu thương đích thực, để được hiểu và được thương.

Phổ biến thiền chánh niệm đến học sinh

Là người thường xuyên thực hành và hiểu rõ việc thực hành thiền chánh niệm, Dawn thấy được những lợi ích của việc thực hành này giúp sự giảm thiểu căng thẳng tâm lý, có tác dụng giúp người thực hành đạt được sự tĩnh lặng, yên lắng, có thêm nhiều nghị lực. Từ đó, con người năng động, thông thái, nhìn xa thấy rộng và kinh nghiệm hơn trong các sinh họat đời thường, đem lại cho người thực hành khả năng đương đầu với các cấp độ căng thẳng khác nhau và có khả thể ngăn chận sự cạn kiệt năng lực. Làm thăng tiến sự phát triển não bộ, có nhiều sáng tạo và động lực trong các hoạt động, sức khỏe tốt hơn. Đặc biệt đối với các em nhỏ, học sinh, sinh viên Kỷ năng của Thiền đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong việc làm giảm thiểu các vấn đề chán học, thiếu tập trung chú ý,giảm lo lắng và làm tăng khả năng thư giãn, tăng niềm tin, lòng từ bi; tăng khả năng làm việc theo nhóm và kỹ năng lãnh đạo.

Vì vậy cô Dawn đã đem phương pháp này hướng dẫn các học trò trong lớp học Giáo Dục Đặc Biệt do cô dạy tại trường Ralston Intermediate School, chỉ tiếc rằng thời gian trên lớp có hạn, cô chỉ hướng dẫn các em phương pháp này 5 phút trong tiết học, chứ không thể nhiều hơn.

Từ mong muốn đưa phương pháp này phổ biến rộng hơn cho các học sinh, cô Dawn và người bạn của mình, cô Mỹ Hạnh (Angela Vũ) đã hoàn tất bằng Cao Học chuyên ngành Public Administration và đang học tiến sĩ về giáo dục quyết định mở ra Bodhi Academy Afterschool Center (www.bodhi-academy.org) ở thành phố Garden Grove.

Cô Dawn giải thích, “Tôi biết chị Mỹ Hạnh cũng hơn 3 năm nay rồi. Lúc gặp chị, cả hai nói chuyện, thấy có cùng chung chí hướng, bản thân chị Hạnh theo đạo Phật từ nhỏ, đi gia đình Phật tử từ năm 6 tuổi, tham gia trong hướng đạo và nhiều hội đoàn trẻ khác. Chúng tôi muốn mang những phương pháp về thiền chánh niệm đến cho các bạn trẻ.


Dawn (Trần) Galazyn (bên trái) và Mỹ Hạnh (Angela Vũ), người điều hành trung tâm Bodhi Academy. (Băng Huyền/ Viễn Đông)



“Tôi nhận thấy những em nhỏ ở bên này, dù là những học sinh học lớp thường hay các em trong lớp Giáo Dục Đặc Biệt đều có nhiều khó khăn tập trung trong học tập, những vấn đề về tâm lý, khi các em bị stress không biết làm sao để giải tỏa sự tức giận của mình.

“Khi còn nhỏ mà không giải quyết thì lớn lên càng dồn nén thì sẽ đưa đến kết quả không tốt. Mục tiêu quan trọng nhất của chúng tôi là muốn mang phương pháp này đến với giới trẻ, mang vô giáo dục, giới thiệu cho các bạn học sinh từ mẫu giáo đến lớp 12, nhưng đó là mục tiêu xa. Còn mục tiêu trước mắt là chúng tôi mở trung tâm sau giờ học Bodhi Academy afterschool center, để các em tham dự chương trình sau giờ học có hiệu quả thì mới có thể mang phương pháp này mở rộng ra hơn.”

Giới thiệu về Bodhi Academy, cô Dawn cho biết, “Trung tâm chính thức thành lập vào tháng 10, 2015. Chị Mỹ Hạnh là người điều hành trung tâm, còn tôi là người điều hành chương trình sau giờ học, các thầy cô dạy tại đây có bằng cử nhân bốn năm, bằng dạy học, hiện dạy Substitute (Giáo viên dạy thế) tại trường công trong học khu trong giờ dạy ban ngày.

“Trung tâm nhận dạy kèm cho các em từ lớp 1 đến lớp 8, có nhận đón các em từ trường học về trung tâm (những trường trong vùng). Trung tâm Bodhi khác với những trung tâm dạy kèm khác rất nhiều mặt. Thứ nhất những trung tâm dạy kèm khác chỉ tập trung dạy kèm như nếu em yếu môn toán thì dạy môn toán, môn văn thì dạy văn... các em làm xong bài, học kèm xong thì được chơi game hoặc ngồi chơi đợi phụ huynh đón về. Trung tâm chúng tôi mở ra, muốn hỗ trợ các em về mặt học vấn như toán, văn... mấy bài tập ở trường của các em. Thứ hai, chúng tôi muốn giúp các em về mặt tinh thần qua những phương pháp về thiền chánh niệm.

“Khi các em đến trung tâm vào lúc 3 giờ. Ba-mươi phút đầu tiên các em được hướng dẫn cách thư giãn từ đầu đến chân, sau đó các em ngồi thiền khoảng 5 phút. Rồi các em được vào phòng học làm bài tập ở trường, có sự giúp đỡ của các thầy cô tại trung tâm. Sau 1 tiếng học kèm, từ 4 giờ 30 đến 5 giờ là giờ các em dùng snack (thức ăn do trung tâm cung cấp).

“Một trong những phương pháp thiền chánh niệm mà chúng tôi hướng dẫn cho các em là dạy cho các em là ăn trong chánh niệm, hướng dẫn các em chỉ lấy những gì các em sẽ ăn, chứ không lấy nhiều thứ mà mình ăn không hết. Thường các em có thói quen ăn nhanh, vừa ăn vừa làm nhiều việc khác, nói chuyện ồn ào. Vì thế, chúng tôi hướng dẫn các em biết ăn chậm lại, nhai kỹ hơn, các em sẽ ăn trong yên lặng, để thưởng thức thức ăn của mình, giữ tâm mình yên tĩnh trong lúc ăn. Sau khi ăn xong, các em về lớp làm tiếp bài tập nếu chưa xong, hoặc học kèm thêm môn nào em yếu (trong 30 phút). Từ 5 giờ 30 đến 6 giờ, tùy theo từng ngày trong tuần sẽ có những sinh hoạt ngoại khóa khác nhau.

“Thứ Hai các em có giờ học dancing, thứ Ba có môn bóng bàn, thứ Tư môn art, thứ Năm học yoga. Riêng ngày thứ Sáu, vì không có bài tập từ trường, nên giờ sinh hoạt ngoại khóa của các em cũng dài hơn. Thứ Sáu tuần đầu trong tháng chúng tôi cho các em xem phim, sau đó các em cùng thảo luận về phim vừa xem. Thứ Sáu tuần thứ nhì giúp các em có những khái niệm về ngành nghề sau này các em lớn, mời những người làm trong các ngành nghề này như y tá, nhạc sĩ violin đến nói chuyện với các em, thứ Sáu tuần thứ ba giới thiệu cho các em về bảo vệ môi trường, tuần thứ Tư dạy về khoa học.”

Cô Dawn nói thêm, “Nói chung chúng tôi muốn mang đến cho các em giáo dục toàn diện, chứ không chỉ tập trung vào học vấn thôi mà cả những kỹ năng sống, thư giãn tinh thần… dù rằng học vấn rất quan trọng, nhưng vì các em còn nhỏ, còn nhiều mặt khác các em cần được giúp đỡ nếu chỉ tập trung vào học vấn thôi, thì sẽ là một thiếu sót, vì ở trong các trường công cũng có thiếu sót điều này.

“Ở đây chúng tôi có đồng hồ, cứ mỗi 15 phút đánh chuông lên, các em nghe chuông sẽ ngừng mọi việc đang làm, trở về với hơi thở. Đó là những phương pháp áp dụng hằng ngày, chúng tôi hy vọng khi mấy em được thực tập hằng ngày thì trở thành thói quen. Khi trở thành thói quen rồi thì mỗi lần các em giận dữ, hay có sự khó khăn thì biết quay về với hơi thở, kềm chế sự giận dữ. Nhưng đây là điều cần sự thực tập rất thường xuyên và lâu dài mới mang lại kết quả.

“Nhiều phụ huynh nghĩ rằng cho con đến trung tâm để giải quyết được ngay những tính tình cáu gắt của các em, nhưng sẽ không thể một sớm một chiều. Bản thân tôi cũng phải thực tập lâu dài thì mới có kết quả. Cũng như mình trồng cây, hằng ngày phải chăm sóc, tưới nước… Sự thực tập cũng vậy, phải làm hằng ngày thì mới có kết quả được.”

Cô Dawn cho biết trung tâm Bodhi không chú trọng nhiều vào việc dạy thêm những bài học, làm thêm bài tập như các trung tâm dạy kèm khác, mà chủ yếu cho các em sinh hoạt giải trí theo nhóm, ngồi thiền.

Cô Dawn chia sẻ, “Cha mẹ Việt Nam ai cũng muốn con mình học giỏi, luôn muốn cho con học trước để đạt điểm cao trong lớp, thật ra tuổi các em còn nhỏ nếu ép các em học nhiều quá sẽ gây ra nhiều áp lực cho các em. Nhiều khi các em hiểu cha mẹ muốn các em học giỏi, thì chỉ làm theo cha mẹ thôi.
“Khi cứ dồn ép các em nhiều quá theo thời gian, có thể lúc còn nhỏ các em làm theo, nhưng có thể sau thời gian bị gò bó từ nhỏ, đến lúc lên trung học các em bung ra, không cố gắng học nữa, hoặc sẽ học hết trung học, nhưng lên college các em chán học quá rồi, vì từ nhỏ bị ép học dồn ép nhiều quá. Từ nhỏ không giúp các em khi bị stress phải tìm cách giải quyết những stress, thì sẽ có những hậu quả không tốt khi đến tuổi trưởng thành.

“Theo tôi nghĩ, thật ra chương trình học bên này khác bên Việt Nam, nếu bên Việt Nam phải đi học thêm thì mới có đề, làm bài thi điểm cao, được giáo viên thương cho điểm tốt. Thật ra bên này, những gì giáo viên dạy trong lớp là đủ rồi, khi có bài tập về, các em làm để tập thêm kỹ năng, nhưng không nhất thiết phải học trước chương trình. Những em nào khả năng giỏi thì khi lên trung học, các em sẽ lấy lớp Honors, nhưng dĩ nhiên những em học yếu thì vẫn cần sự giúp đỡ trau dồi thêm ở lớp dạy kèm sau giờ học. Còn nếu sức học của các em từ nhỏ đến lớp 6 trung bình khá rồi thì cha mẹ nên vui, chứ không nên ép con học nhiều quá, cần nên có sự cân bằng giữa học và giải trí lành mạnh, thư giãn, cách giảm strees cho các em.”

Dawn (Trần) Galazyn cho biết vào mỗi tối thứ Ba hằng tuần từ 6 giờ 30 đến 7 giờ 30 tối, ngay tại Bodhi Academy, có lớp dạy yoga cho người lớn (dạy miễn phí), ai đến học cũng được, do chính Dawn dạy (cô có certified yoga instructor). Ngoài ra vào ngày Chủ Nhật hằng tuần, trung tâm Bodhi có dạy tiếng Việt cho các em từ 1 giờ đến 3 giờ, sau 3 giờ là chương trình sinh hoạt theo hình thức như Hướng Đạo.

Tâm tình của cô giáo Dawn

Từ kinh nghiệm dạy các em chương trình Giáo Dục Đặc Biệt, cô Dawn tâm sự, “Lớp học tôi đang dạy tại trường Ralston Intermediate School học sinh gốc Việt trong lớp rất ít, chỉ có hai học sinh Việt Nam, đa số là học sinh gốc Tây Ban Nha hay Mexico. Vì đa số phụ huynh Việt Nam thấy con học hơi yếu một chút là cho đi học kèm thêm, đó cũng là một phần giúp cho các em có thể bắt kịp, tuy học với các bạn khác có kém hơn, nhưng không cần vô học lớp đặc biệt. Nhưng cũng có 1 số học sinh Việt Nam cần vô chương trình Giáo Dục Đặc Biệt nhưng cha mẹ không chấp nhận, nên không vô chương trình này mà vẫn học lớp thường, các em có nhiều sự khó khăn trong lớp so với các bạn.

“Nếu phụ huynh thấy con mình có vấn đề về học vấn, có vấn đề về tâm lý, các em không tập trung học được, chỉ thích phá phách trong lớp học, hoặc học không theo được như các em bình thường khác, trình độ quá cách biệt, thì phụ huynh nên hỏi cô giáo của các em trong trường có thể giúp em đó như thế nào không? Thường các em cần vào chương trình Giáo Dục Đặc Biệt, nghe có vẻ nặng nề. Nhưng thật ra khi các em cần vào những chương trình này, có thêm sự trợ giúp thì các em sẽ tiến bộ hơn, còn nếu không giúp các em sớm từ nhỏ thì càng ngày, càng cách xa hơn với những bạn bình thường.

“Nếu phụ huynh thấy con gặp khó khăn về đọc, môn toán so với các bạn trong lớp thường có yếu chút xíu thì không sao, nhưng nếu thấy có gì bất thường thì nên nói chuyện với cô giáo, nhà trường xem có chương trình, sự kiểm tra nào để các em nhận sự giúp đỡ hay không, chứ không nên cảm thấy xấu hổ.
“Còn với các em gặp vấn đề về tâm lý như khó khăn trong giao tiếp với bạn bè, thầy cô... những em học ở lớp nhỏ, vốn thông minh, thì vẫn theo kịp chương trình, nhưng khi lên những lớp cao, mà có vấn đề về tâm lý thì một số em không có quan hệ tốt với bạn bè, không có quan hệ tốt với giáo viên, các em sẽ không muốn học nữa. Không phải các em kém thông minh mà các em không chú ý được do những vấn đề tâm lý, thì vấn đề học vấn của mấy em sẽ bị ảnh hưởng.

“Dù các em học giỏi khi còn nhỏ, nhưng có vấn đề về tâm lý, thì phụ huynh cũng nên hỏi giáo viên của em và nhà trường có cách gì giúp không, vì thường trong trường học luôn có giáo viên về tâm lý giúp những học sinh này. Nếu không có thì hãy tìm đến bác sĩ gia đình giới thiệu đi gặp những nhà chuyên môn giúp các em.”

Nói về mong ước của mình, cô Dawn cho biết, “Tôi ước mong mang những phương pháp thực tập thiền chánh niệm vào trong lớp học tôi đang dạy tại trường Ralston Intermediate School và mở rộng sang cho các lớp khác cho những em khó tập trung, có nhiều stress về tâm lý. Tôi nghĩ phương pháp thiền chánh niệm sẽ có hiệu quả tốt cho mấy em.

“Theo tôi biết thì một số trường học tại Bắc California và một số tiểu bang khác ở miền Đông nước Mỹ đã áp dụng thiền vào trường học, các em và giáo viên có 15 phút mỗi ngày thực hành thiền, giúp cải thiện năng khiếu chú ý, năng khiếu xã hội và làm giảm việc buồn chán cho học sinh lúc làm bài thi. Cảm xúc tích cực và sự chú ý được gia tăng, thái độ hung hăng được giảm… Nhưng tại Nam California và riêng học khu Gadern Grove thì chưa áp dụng phương pháp thiền vào trường học.”

Đối với Dawn, những ngày tháng được đứng lớp, được dạy cho các em trong chương trình Giáo Dục Đặc Biệt luôn là những kỷ niệm khó quên. Cô nói, với nhiều người, có thể xem cô đang giúp đỡ các em nhưng với cô, các em mới chính là người đã giúp đỡ cô. Ở bên cạnh những học sinh đặc biệt này, cô nhận ra rất nhiều điều, đó là cô biết yêu thương nhiều hơn, cho đi nhiều hơn và biết chia sẻ, gần gũi với những người thân của mình nhiều hơn. Với cô, công việc nhiều khi không đơn thuần là những kiến thức sư phạm đã từng được học, mà còn là tình thương, là trách nhiệm, là sự kiên nhẫn và yêu thương để có thể đi cùng các em trên con đường hòa nhập nhiều khó khăn. (bh)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT