Thế Giới

Tòa Bạch Ốc đón phái đoàn Việt, nghe tường trình về nhân quyền Việt Nam

Vanessa White/Viễn Đông tường trình từ Washington Monday, 05/03/2012 - 09:40:12

Ông Alan Nguyễn, 46 tuổi, từ tiểu bang Tennessee đến đây, nói với Viễn Đông rằng ông cảm thấy hãnh diện và vui mừng được có mặt tại trụ sở Quốc Hội, để ủng hộ nhân quyền dành cho Việt Nam


Vanessa White/Viễn Đông
tường trình từ Washington D.C.



Nhằm yểm trợ tinh thần cho phái đoàn đại diện cộng đồng người Việt quốc gia đang có mặt tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn để vận động Tổng Thống và Quốc Hội Hoa Kỳ lên tiếng cho các nhà đấu tranh dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam, nhiều đồng hương đã xuống đường biểu dương tinh thần đoàn kết của tập thể người Việt khắp nơi vào lúc 6 giờ chiều ngày 5-3-2012 trên đường Bolsa, đối diện khu thương xá Phước Lộc Thọ.Trong hình, đoàn biểu tình với cờ Quốc Gia Việt Nam và cờ Hoa Kỳ - ảnh: Quốc Hương/Viễn Đông


Những người ủng hộ phái đoàn cộng đồng Việt Nam đến Công Trường Lafayette trước
Tòa Bạch Ốc khoảng 10 giờ 30 sáng ngày 5-3-2012 - ảnh: Vanessa White/Viễn Đông


WASHINGTON D.C. – Cố gắng cùng sánh bước bên nhau, một nhóm chừng 15 người băng qua đường, kiên nhẫn chờ thêm khoảng 10 người khác nữa, rồi mới đi tới nhà ga xe điện ngầm. Tình thân hữu thắm thiết của họ còn được thể hiện ra khi rốt cuộc họ tới công trường Lafayette Square, ở phía trước Tòa Bạch Ốc, gặp gỡ những người khác, để cùng gây ý thức về vấn đề nhân quyền cho Việt Nam.
Họ qui tụ lại với nhau, để ủng hộ một phái đoàn gồm gần 200 người lãnh đạo cộng đồng người Mỹ gốc Việt, tới gặp các giới chức chính phủ Tổng Thống Obama tại Tòa Bạch Ốc, vào hôm 5-3-2012, nhằm mục đích thảo luận về mối tương quan giữa nhân quyền và chuyện mậu dịch buôn bán với Việt Nam.


Phái đoàn cộng đồng Việt Nam rời tòa nhà Eisenhower sau buổi gặp gỡ đại diện
Tòa Bạch Ốc ngày 5-3-2012 - ảnh: Vanessa White/Viễn Đông

Một người trong nhóm là bà Chastity Nguyễn, 43 tuổi, cư ngụ tại Garden City, tiểu bang Kansas, nói với nhật báo Viễn Đông về chuyện Việt Nam: “Chúng tôi cần chuyện ấy cho đất nước của tôi”. Bà nói thêm bà hy vọng rằng sự hiện diện của bà sẽ làm cho Tổng Thống Barack Obama mở lòng mở trí ra, để giúp mở rộng quyền tự do tới tận những người đang sinh sống tại Việt Nam.
Ông Alan Nguyễn, 46 tuổi, từ tiểu bang Tennessee đến đây, nói với Viễn Đông rằng ông cảm thấy hãnh diện và vui mừng được có mặt tại trụ sở Quốc Hội, để ủng hộ nhân quyền dành cho Việt Nam. Ông nói thêm rằng những vụ ngược đãi vi phạm nhân quyền còn vượt ra ngoài phạm vi thể lý, hạn chế quyền tự do ngôn luận và quyền tự do tư tưởng.
Cùng chia sẻ tâm tình của ông Alan và bà Chastity, ông Michael Đàm, 41 tuổi, từ Cookeville, tiểu bang Tennessee, đang tham gia vào cuộc tụ tập ở Lafayette, cùng với đứa con trai 11 tuổi của ông là Donovan Hodam. Ông Michael nói rằng tại Hoa Kỳ dân chúng may mắn có được các thứ nhân quyền, cũng như có điều kiện tranh đấu giúp cho những người ở các quốc gia khác cũng có được nhân quyền của mình. Em Donovan, háo hức tham gia vào cuộc biểu tình đầu tiên trong đời mình, hào hứng nói thêm rằng nếu nước Mỹ này có tự do, thì các nước khác cũng cần phải có như vậy chứ. Donovan nói rằng đây là cơ hội cho em làm được một việc gì đó tốt đẹp hơn cho đất nước.
Dù tuổi còn nhỏ, Donovan là một trong số những người trẻ gốc Việt có mặt tại trụ sở Quốc Hội, để ủng hộ cho nhân quyền ở Việt Nam. Anh Tường Vĩnh Huỳnh, 20 tuổi, từ Virginia đến đây, nói với nhật báo Viễn Đông rằng anh hy vọng sẽ có dịp đích thân giáo dục những người trẻ gốc Việt nào không biết nhiều về những vụ vi phạm nhân quyền tại Việt Nam.

Bên trong Tòa Bạch Ốc
Trong buổi tường trình tình hình nhân quyền tại Tòa Bạch Ốc, các nhà lãnh đạo cộng đồng người Mỹ gốc Việt, đến đây từ khắp nơi trên toàn quốc Hoa Kỳ, lắng nghe những tin tức cập nhật hóa từ những thành viên trẻ của cộng đồng, nói về những vụ vi phạm nhân quyền, và về cách thức họ có thể giúp cho cộng đồng dấn thân tham gia nhiều hơn nữa, đặc biệt là giới trẻ.


Những người trẻ Việt Nam thuyết trình cho phái đoàn ngày 5-3-2012, từ trái, cô Cindy Đinh,
anh Billy Vũ Lê, chủ tịch Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam Miền Nam California,
cô Tuyết Dương, cố vấn về dân quyền và di trú cho Sáng Kiến Cộng Đồng Người Mỹ Gốc Á Châu
Thái Bình Dương của Tòa Bạch Ốc, ca sĩ Quốc Khanh Võ - ảnh: Vanessa White/Viễn Đông

Cô Cindy Đinh, 20 tuổi, từ Houston, Texas, nói với cộng đồng rằng điều quan trọng là bắc cho được nhịp cầu giữa những thế hệ trẻ hơn và cao tuổi hơn trong cộng đồng. Còn anh Billy Vũ Lê, chủ tịch Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam Miền Nam California, cho biết rằng anh sử dụng những phương tiện truyền thông xã hội, để giúp cho thế hệ trẻ hơn nối kết được với những vấn đề mang tầm quan trọng đối với thế hệ lớn tuổi hơn.
Có lẽ để mở ra những tình tự ban đầu thúc đẩy soạn thảo bản thỉnh nguyện thư, dẫn đến kết quả là chuyến viếng thăm Tòa Bạch Ốc, ca sĩ Quốc Khanh Võ nói rằng vụ nhạc sĩ Việt Khang đồng nghiệp với anh bị tống giam vào tù chính là chất liệu cần thiết để nhen nhúm lên ý thức về những vụ lạm dụng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam, giúp thu thập được 130.000 chữ ký, thỉnh nguyện chính phủ Obama ra tay giải quyết những vụ như thế.


Phái đoàn khoảng gần 200 người Mỹ gốc Việt bên trong tòa nhà hành pháp
Eisenhower Executive Office Building ngày 5-3-2012 - ảnh: Vanessa White/Viễn Đông

Đặc biệt bản thỉnh nguyện thư yêu cầu chính phủ Obama hãy sử dụng thành tích vi phạm nhân quyền của Việt Nam, để tạo thế cân bằng cho việc thương lượng hiện nay đang diễn ra về thỏa thuận Hợp Tác Xuyên Thái Bình Dương (TTP), cũng như về Quy Chế Ưu Đãi Thuế Quan Phổ Cập (GSP), cả hai đều sẽ tăng cường mậu dịch giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.
Trước khi chính phủ nói đến những vụ vi phạm như vậy, ông Thomas Debass, giám đốc Sáng Kiến Hợp Tác Toàn Cầu, trực thuộc Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, nói rằng những cộng đồng hải ngoại tha phương, giống như cộng đồng này, đóng vai trò của những vị đại sứ, chia sẻ với chính phủ Obama những nhu cầu và ước vọng khác nhau của quốc gia bản quán nguyên thủy của họ.
Ông Eric Barboriak, quyền giám đốc Văn Phòng Đông Nam Á Đại Lục, trực thuộc Bộ Ngọai Giao, tỏ thái độ trực tiếp hơn khi ông trả lời cho mối quan ngại của cộng đồng. Ông nói rằng nhân quyền sẽ được giải quyết trong một bối cảnh rộng lớn hơn, liên quan tới việc tham gia mậu dịch. Tuy nhiên, vấn đề nhân quyền sẽ không được giải quyết một cách cụ thể riêng rẽ.
 
Ngoài việc ngỏ lời cám ơn cộng đồng vì những nỗ lực thỉnh nguyện, chính phủ Obama không hứa hẹn một điều gì cụ thể về nhân quyền liên quan tới TPP và GSP, thay vì vậy chỉ nói rằng chính phủ sẽ tiếp tục thảo luận về vấn đề nhân quyền với Việt Nam.
Không phải ai trong phái đoàn cũng đều hài lòng với phản ứng như thế của chính phủ.
Ngày 6-3-2012, phái đoàn người Mỹ gốc Việt sẽ tiếp tục mang sứ điệp của mình đi, khi họ đến thăm những văn phòng của các thành viên Quốc Hội, vận động hành lang cho việc ủng hộ những quyết nghị liên quan tới những vụ vi phạm nhân quyền của Việt Nam. - (VW)

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài và hình trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT