Thế Giới

Tối Cao Pháp Viện sắp phán quyết về luật y tế, di trú

Vanessa White/Viễn Đông Monday, 11/06/2012 - 11:03:31

Được chia ra thành bốn phần, các lập luận tranh cãi trước Tối Cao Pháp Viện bao gồm những khoản tiền thuế có thể được gắn với điều khoản ACA,

Tòa cũng có thể sẽ lắng nghe vụ kiện hôn nhân đồng tính

Vanessa White/Viễn Đông


WASHINGTON D.C. – Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ chỉ còn lại vài tuần nữa, trễ lắm là vào ngày 28-6-2012, để quyết định về hai vụ kiện mà tòa đã nghe trong năm nay, giữa lúc có nhiều tin tức nói về một vụ kiện khác.
Từ ngày 26-28 tháng 3 năm nay, Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ lắng nghe những lập luận được trình bày, liên quan đến điều khoản về “nghĩa vụ cá nhân” (individual mandate) phải mua bảo hiểm, trong Đạo Luật Bảo Vệ Bệnh Nhân và Chăm Sóc Y Tế Vừa Tầm Khả Năng Tài Chánh (ACA). Vào hôm 23-3-2010, Tổng Thống Barack Obama đã ký để biến ACA thành một đạo luật chính thức. Còn được gọi là yêu cầu bảo hiểm tối thiểu (minimum coverage requirement –
MCR), nghĩa vụ cá nhân đòi buộc hầu hết người Mỹ phải có bảo hiểm y tế, dù chỉ là bảo hiểm ở mức độ tối thiểu mà thôi. Những người Mỹ nào phản đối vì lý do tôn giáo, các tù nhân, hoặc những người thuộc qui chế bộ tộc thổ dân, đều sẽ được miễn chước khỏi điều khoản MCR.
Theo dự trù sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-1-2014, MCR sẽ phạt những người nào không có bảo hiểm y tế, đòi họ phải nộp phạt cho Sở Thuế Liên Bang IRS (Internal Revenue Service) từ những khoản tiền hoàn thuế, căn cứ dựa trên thu nhập của họ.
Được chia ra thành bốn phần, các lập luận tranh cãi trước Tối Cao Pháp Viện bao gồm những khoản tiền thuế có thể được gắn với điều khoản ACA, liệu Quốc Hội có thẩm quyền đem MCR ra thi hành hay không, và liệu Quốc Hội có thẩm quyền trong việc đòi buộc các tiểu bang phải tuân hành MCR thì mới nhận được chương trình Medicaid mở rộng, cũng như ngay cả chuyện liệu ACA có vẫn tiếp tục là một đạo luật hay không.
Trong khi Tổng Thống Obama ra tái tranh cử trong năm 2012, quyết định của Tối Cao Pháp Viện có thể gây tác động tiêu cực ảnh hưởng đến chiến dịch vận động tranh cử của ông, nếu tòa án này không phán quyết theo chiều hướng có lợi cho ACA. Tuy nhiên, một quyết định như vậy lại có lợi cho Mitt Romney, cựu thống đốc tiểu bang Massachusetts và là ứng cử viên của Đảng Cộng Hòa đang ra tranh cử tổng thống. Trong nhiều cuộc tranh luận của Đảng Cộng Hòa liên quan tới việc tranh cử tổng thống năm 2012, ông Romney nhiều lần nói rằng ông nhất quyết sẽ thu hồi lại luật ACA, nếu ông đắc cử lên làm tổng thống.

Đạo Luật Thượng Viện Arizona SB 1070 về di trú
Vào hôm 25-4-2012, Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ đã nghe những lập luận trình bày về một vụ kiện nổi bật được truyền thông đưa tin nhiều. Đó là vụ kiện U.S. vs. Arizona – chính phủ liên bang kiện tiểu bang Arizona. Trong vụ này, những câu hỏi đều tập trung vào Đạo Luật Thượng Viện SB 1070 của Arizona, tức là một nỗ lực pháp lý của tiểu bang này nhằm kiểm soát nạn nhập cư không có giấy tờ. Có thể nói rằng điều khoản gây tranh cãi nhiều nhất trong SB 1070 đòi hỏi Arizona và các giới chức ngành thực thi công lực của tiểu bang này phải kiểm soát tình trạng di trú của bất cứ người nào bị họ chặn lại hoặc bắt giữ.
Thống Đốc Jan Brewer của Arizona đã ký SB 1070, để biến nó thành đạo luật chính thức, vào hôm 23-4-2010, và theo dự trù thì luật này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 29-7-2010. Tuy nhiên, trước khi đạo luật có thể được đem ra thi hành, thì một thẩm phán liên bang đã ngăn chặn lại những điều khoản gây tranh cãi nhiều nhất ấy, và Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ (DOJ) cũng đã nộp đơn kiện Arizona, tuyên bố rằng SB 1070 là không có hiệu lực, vì vấn đề di trú chỉ được quyết định bởi chính phủ liên bang mà thôi.
Arizona đã cố gắng để làm cho luật SB 1070 được áp dụng, thông qua những tòa kháng cáo khác nhau, trước khi Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ loan báo tháng 12 năm 2011 rằng tòa sẽ nghe những luận cứ được trình bày liên quan tới vụ kiện này.
Những điều khoản được biện luận như thế đều có liên quan đến vấn đề liệu cảnh sát tiểu bang và địa phương có thể yêu cầu người ta xuất trình giấy tờ mỗi khi bị chặn lại vì vi phạm giao thông hay không, liệu một người cư ngụ bất hợp pháp hoặc một người nhập cư tại đây để đi xin việc mà không có giấy tờ hợp lệ có bị coi là phạm tội, và liệu không có trát tòa thì cảnh sát có quyền bắt giữ những người nhập cư không có giấy tờ hay không, nếu các viên chức công lực cho rằng có lý do để bắt giữ đương sự.
Giống như với quyết định về ACA, chiến dịch vận động tranh cử của Tổng Thống Obama có thể chịu ảnh hưởng tiêu cực, nếu Tối Cao Pháp Viện không đưa ra một phán quyết có lợi cho chính phủ liên bang. Tuy nhiên, Thống Đốc Romney có thể sẽ được hưởng lợi, vì như ông đã có những lời bình luận phản ảnh lập trường ủng hộ Arizona trong vụ kiện này. Trong một cuộc tranh luận của Đảng Cộng Hòa, được tổ chức ở Arizona hồi tháng 2 năm nay, Thống Đốc Romney nói: “Ngay trong ngày đầu tiên, tôi sẽ hủy bỏ những vụ kiện ấy”. Ông muốn nói về hành động mà ông sẽ làm ngay lập tức, nếu ông đắc cử lên làm tổng thống.
Ngoài việc có thể ảnh hưởng đến kết quả bầu cử, thì quyết định mà Tối Cao Pháp Viện sắp đưa ra đối với SB 1070 có thể tạo nên một tiền lệ để cho các tiểu bang khác tìm cách ban hành những luật tương tự. Các tiểu bang Alabama, Georgia, South Carolina, Indiana và Utah đã thông qua các phiên bản riêng của họ về luật này.

Dự Luật 8 về hôn nhân đồng tính
Trong khi vẫn chưa được chính thức loan báo, Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ sẽ xử vụ Dự Luật 8, tức là lệnh cấm hôn nhân đồng tính tại California. Nếu tòa đem vụ này ra xét, trong phiên tòa kế tiếp bắt đầu từ tháng 11 năm 2012, thì những lập luận sẽ bắt đầu vào đầu năm 2013, và đến tháng 6 năm 2013 thì tòa sẽ đưa ra phán quyết.
Sau khi Tòa Thượng Thẩm California cho phép hôn nhân đồng giới tính trong năm 2008, các cử tri California đã lựa chọn đảo ngược lại quyết định ấy bằng Dự Luật 8, trong kỳ bầu cử tháng 11 năm 2008. Từ đó, dự luật đã được kháng cáo tại Tòa Án Liên Bang Địa Hạt 9.
Không giống như hai trường hợp của ACA và SB 1017, trường hợp Dự Luật 8 sẽ được tòa lắng nghe điều trần, sau khi xong kỳ bầu cử vào ngày 6-11-2012. Tuy nhiên, nó vẫn phản ảnh những lập trường của Tổng Thống Obama và của Thống Đốc Romney, với chuyện Tổng Thống Obama công khai lên tiếng ủng hộ hôn nhân đồng tính trong tháng 5 năm 2012, và Thống Đốc Romney bày tỏ sự phản đối của mình đối với vấn đề này, trong rất nhiều cuộc tranh luận, phỏng vấn, diễn văn, và tuyên bố. - (VW)

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT