Phóng Sự

Trò chuyện cùng GS Lê Văn Khoa nhân triển lãm nhiếp ảnh tại Houston (kỳ cuối)

Sunday, 12/02/2017 - 09:48:07

Cứ chụp hình nhiều đi. Phẩm chất cũng như kỹ năng người chụp ảnh là phải nắm vững căn bản, rồi những kỹ thuật kia sẽ đi theo. Vì mình nắm vững căn bản thì muốn kỹ thuật cao hơn mình sẽ nghiên cứu thêm thôi.

Bài BĂNG HUYỀN

Viễn Đông: Khi chụp ảnh, người chụp phải để ý những gì?
Giáo sư Lê Văn Khoa: Điều đầu tiên là mình phải biết chụp hình cái đã, chụp hình không phải chỉ biết bấm máy, mà còn phải biết ánh sáng, góc độ của ánh sáng, biết bố cục, biết tiền cảnh, bối cảnh… Mình phải quen cái đó để khi mình cầm máy đưa lên bấm, mình gạn lọc được rất nhiều sơ hở, vì nhiều sơ hở quá, về sau mình khó tạo được tác phẩm tốt được.
Khi thấy hình, mình bắt đầu nghĩ mình dùng nó được cho cái gì, nói lên tâm trạng gì, diễn tả được điểm nào, rồi chụp. Nghĩa là khi mình chụp ảnh, mình phải nghĩ nó sẽ như thế nào, chứ không phải chụp rồi chẳng biết ý tưởng gì, phóng hình ra cũng không biết như thế nào, thì chưa thể đi sâu vào nghệ thuật được.
Riêng với tôi, ngoài việc ghi nhận, thì tôi muốn dùng nhiếp ảnh để nói lên nội tâm của mình. Vì nhiếp ảnh cũng có nhiều chi lắm. Chi hiện thực, có sao ghi vậy, nhất là làm về thông tin báo chí, có sao phải ghi rõ như vậy. Tôi nhớ có một nhiếp ảnh gia của một tờ báo Mỹ, tôi nghĩ có thể tên tuổi ông ta bị tiêu luôn, vì cớ khi ông chụp hình trong chiến trận Iraq, khi thả bom, khói bung lên, ông đã dùng kỹ thuật photoshop tăng khói đó nhiều hơn, coi nó dữ dội hơn. Như vậy đâu còn là trung thực nữa.
Còn nếu làm ảnh nghệ thuật, có những cuộc thi ảnh họ không cần biết mình làm bằng cách nào, miễn ảnh nguyên thủy đầu tiên là hình chụp, sau đó mình muốn dùng kỹ thuật gì, muốn chế hay pha thêm cái gì đó thì tùy mình. Cái đó cũng là cái hay, để người ta phải suy nghĩ, sáng tạo. Tôi nghĩ kỹ thuật mới là nó giúp cho mình, nếu mình áp dụng cho đúng. Nó giúp mình để mình có thể đi xa hơn là lề lối cũ.


Lê Văn Khoa với máy ảnh (Lập Minh chụp tháng 10, 2001)

VĐ: Điều gì quan trọng nhất giúp cho tác phẩm ảnh có sức sống bền lâu với thời gian? Yếu tố nào quyết định giá trị của tác phẩm nghệ thuật nhiếp ảnh? Yếu tố nào tạo nên một tấm ảnh đẹp?
LVK: Khi người ta muốn tác phẩm của mình còn tồn tại với thời gian, thì trước hết phải là tác phẩm nghệ thuật cái đã. Muốn nó là tác phẩm nghệ thuật thì không đơn giản, không phải cứ chụp hình là có. Chụp hình rồi, về còn phải chỉnh lại. Hồi trước khi còn ảnh đen trắng, thì chúng tôi tự làm hình lấy. Bây giờ chủ yếu làm bằng máy móc thì mình phải nhờ đến máy làm. Nhưng mình phải chuẩn bị sẵn hết những gì mình muốn cái máy làm theo mình.
Hồi xưa khi chụp một hình ở ngoài rồi, không phải là về dùng được đâu, dù là người đó tài giỏi cấp mấy cũng còn những sơ hở, cũng còn những khuyết điểm như thừa chổ này, thiếu chổ kia, rồi khi phóng hình ra, phải dùng miếng giấy che bớt chỗ này, để không đen quá, không tối quá. Hoặc chỗ kia sáng quá, không được, phải cho nó sậm xuống chút. Nghĩa là đối với ảnh đen trắng truyền thống, không có điểm nào trên ảnh trắng như tờ giấy trắng, không có điểm nào đen như là mực đen, mà mình gọi là hình trắng đen.




Lê Văn Khoa bên máy ảnh (Thiên Sơn chụp năm 2015)


VĐ: Cách Giáo sư nhìn các tác phẩm của mình có thay đổi gì theo thời gian không? Và từ những chia sẻ của đồng nghiệp, người xem ảnh mà ông đã nhận được thì cách người khác tiếp nhận các tác phẩm của ông có đổi thay không?
LVK: Phải nói rằng bà con ít thấy hình của tôi, vì tôi đâu có triển lãm thường đâu. Không triển lãm không phải do mình không muốn triển lãm mà vì không có điều kiện để triển lãm. Nếu mà nhìn kỹ lại và thực sự duyệt xét thì tôi thấy tâm ý chung của ảnh tôi chụp không có khác nhau. Không phải thời đại này thì chụp loại này, qua thời đại kia bỏ hết, chuyển qua hướng khác. Nó vẫn có một điểm chính, là nội tâm con người và dùng nó để làm gì, dĩ nhiên cũng có những hình không nằm trong đó, nhưng điểm chánh vẫn nằm ở điều đó. Điều đó vẫn còn tồn tại, mặc dù mình chụp với máy ảnh cũ truyền thống hay máy ảnh kỹ thuật số hiện đại bây giờ, nhưng ý của mình vẫn luôn là vậy.
Ảnh của tôi không thay đổi nhiều theo thời gian. Kỹ thuật và ứng dụng thì có thay đổi. Ví dụ như tôi nói hồi xưa tôi đã từng nhủ thầm với mình nếu có sống qua đến thế kỷ 21 thì sẽ làm ra những ảnh khác. Nhưng trong làm khác vẫn còn tâm ý đó, vẫn là cách nhìn, sự cảm nhận của tôi như vậy từ bấy lâu nay.

VĐ: Quan niệm "một bức ảnh đáng giá hơn hàng ngàn lời nói" có đúng không?

LVK: Tôi nghĩ rằng người nào đó yêu mến nhiếp ảnh và họ đánh giá cao nhiếp ảnh, nên mới quan niệm "một bức ảnh đáng giá hơn hàng ngàn lời nói". Tôi nghĩ không có gì thay thế được lời nói của con người hết. Nhưng mà khi người ta không nói được, hoặc không được nói, thì người ta biểu lộ bằng cách chụp hình để nói lên cái đó.
Có những bức ảnh mình nói rằng nó có giá trị rất cao, ví dụ những vụ giết người bắt được quả tang qua hình chụp, đưa ra tòa làm bằng chứng, thì lời nói biện minh không được. Nhưng mà thời đại này lại khác, chụp hình xong về thay đổi, tráo này kia bằng kỹ thuật photoshop, thì liệu có còn chân lý đó nữa hay không?.


Lên Đồi (Lê Văn Khoa)

Nhưng nếu mình muốn, mình áp dụng nó thì nó vẫn còn có giá trị, bằng bao nhiêu lời nói thì không cần biết. Ví dụ tôi muốn bôi nhọ chánh phủ Việt Nam, tôi chụp hình một thùng rác hay một đống rác to tướng trước tòa nhà Quốc Hội hay Dinh Độc Lập… thì người ta nhìn vào hình vào đã biết, không cần phải nói. Trong trường hợp đó, bức ảnh đó nó có giá trị hơn lời nói. Bởi vì nói không được. Một phương tiện khác, hay một phương cách khác dùng để biểu lộ được cái ý nghĩ của mình và mình muốn người khác nhìn thấy, mình không cần nói, thì cái đó có.

VĐ: Trong những chuyến đi chụp ảnh chắc có rất nhiều điều thú vị, ông có thể chia sẻ vài điều về chuyến đi của mình? Câu hỏi nào ông thường gặp nhất trong những lần đi chụp hình?
LVK: Từ khi còn trong nước, vì bận rộn, tôi ít đi chụp hình xa, khi qua Mỹ, tôi càng bận rộn hơn nữa và tiền thì không có, cho nên cũng không đi chụp hình xa. Bà con đi tiểu bang này tiểu bang kia chụp hình. Tôi không có điều kiện để đi. Tôi không có khả năng làm, chứ không phải mình không muốn, không thích. Thích nhưng không làm được.
Nhưng “Cái khó không bó cái khôn,” bằng chứng là tôi chụp hình gốc cây, ở đâu cũng có hết. Có nhiều khi nhìn vô gốc cây, tôi thấy hình người phụ nữ khỏa thân còn đẹp hơn người thiệt, mà người ta không thấy.


Thanh Xuân (Lê Văn Khoa)

Tôi có chụp một cái hình rất sexy, một cô gái nằm ngữa, chân gác lên rất gợi cảm, hình ảnh này là do các vân của thân cây đã biến đổi và tạo ra hình ảnh như vậy. Khi nhìn thấy chúng, chụp lại rồi tôi dùng thêm kỹ thuật photoshop để che, để tạo thêm màu sắc, ánh sáng và đường nét trong ảnh, làm nổi bật hình ảnh mà vân cây đã tạo ra, để bà con nhìn vào thấy ngay được chủ đề của bức ảnh.
Nhờ chụp hình các thân cây, tôi tìm ra một điều rất lạ, thường ở những nơi hoang dã thì có những hình ảnh rất ghê gớm trên các thân cây, nơi đàng hoàng đẹp đẽ thì có những tạo hình trên thân cây rất đẹp. Không biết là không khí, môi trường bên ngoài xung quanh có ảnh hưởng đến vân cây, tế bào của cây hay không. Tôi tiếc là lớn tuổi rồi lại không có tiền mà nghiên cứu cái đó. Nhưng tôi biết là nó có ảnh hưởng.

Làm sao mình thấy được những hình ảnh trên các thân cây do những vân cây tạo ra và chụp lại, có người đã hỏi tôi như vậy? Nhiều lúc tôi chỉ cho họ nhìn trên thân cây, tôi vẽ tay theo hình dáng, họ vẫn không nhận ra, bởi vì họ không có ý nhìn cái đó, không có sự tưởng tượng để nhìn ra hình ảnh đó. Có người thì nói chắc phải có tâm linh nào đó, mới nhìn ra những hình ảnh tạo ra từ vân cây trên gốc cây, tôi thì không tin như vậy. Tập nhìn quen, và mình sẽ thấy, hãy liên tưởng đến những gì mình đã thấy, đã biết thì mới liên kết được với nhau.


Chiều Tà (Lê Văn Khoa)

Còn khi đi chụp hình, có nhiều người hay hỏi tôi một câu hỏi, mà tôi không bao giờ trả lời được. Họ hỏi tôi máy này chụp làm sao. Máy ảnh là của họ, nhưng họ không biết sử dụng, hỏi tôi chụp làm sao, tôi nói tôi không biết.

Vì máy chụp hồi xưa chỉ có bấy nhiêu bộ phận thôi, còn bây giờ máy kỹ thuật số digital có cả trăm, cả ngàn chức năng khác nhau, máy mình chưa quen thì làm sao biết bấm ở đâu ra chức năng đó.
Kế đó là hỏi tôi cảnh này làm sao chụp cho nó đẹp. Họ quên hết những bài học mình đã hướng dẫn trong lớp ảnh. Mình phải ôn lại, đầu tiên phải để ý đến bố cục, bố cục theo hình thể gì, chủ đề nó là gì. Có chủ đề rồi, có đặt chủ đề vô đúng chủ điểm hay không, vấn đề ánh sáng, nguồn gốc ánh sáng vậy xem được không, bối cảnh chung lại như thế nào và hậu cảnh có gì yểm trợ cho chủ đề của mình hay nó phá chủ đề của mình. Tựu trung những điểm hết sức căn bản, mình phải nắm vững rồi thì mới nói đến chuyện đi sâu hơn.

Hội Ảnh Nghệ Thuật Việt Nam [Khi sang định cư tại Hoa Kỳ, Giáo sư Lê Văn Khoa đã tái hoạt động lại Hội Ảnh Nghệ Thuật Việt Nam đã có từ trong nước. Hiện nay Hội đã có nhiều hội viên trên khắp các tiểu bang Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác trên thế giới] hồi trước có những lớp ảnh cho ai vô học khóa đầu là học tổng quát, căn bản, khóa hai thì lên cấp cao hơn. Khoảng hơn 1 năm nay tôi tạm ngưng không hướng dẫn lớp ảnh của Hội Ảnh Nghệ Thuật Việt Nam nữa, nhưng tôi sẽ làm lại và sẽ làm khác hơn những lớp ảnh trước đó. Nghĩa là những ai ghi danh học thì họ phải nắm vững căn bản rồi thì mới vào học.

VĐ: Không chỉ là nhiếp ảnh gia mà Giáo sư còn là nhà soạn nhạc, vậy thưa Giáo sư, nghệ thuật âm nhạc có song hành cùng ông trong mỗi khung hình không?
LVK: Tôi nhớ khoảng năm 1997, đài truyền hình FOX11 KTTV, Los Angeles, qua sự giới thiệu của Laguna Museum tìm đến tôi và thu hình, để vinh danh các nghệ sĩ của khu vực Thái Bình Dương trong tháng Á Châu Thái Bình Dương. Họ đến nhà tôi thu hình mấy tiếng đồng hồ, cũng có hỏi tôi câu hỏi tương tự như vậy, tôi trả lời họ là trong ảnh có nhạc, trong nhạc có ảnh. Nó có những liên hệ trong đó, gợi ý cho nhau, nếu mình không biết không thấy là vì mình không nghĩ tới.
Âm nhạc và nhiếp ảnh vẫn luôn gắn liền với nhau trong con người của tôi nên có đôi khi người nghe sẽ thấy được hình ảnh trong âm nhạc của tôi, hoặc người xem sẽ nghe được những âm thanh, tiếng nhạc trong tác phẩm nhiếp ảnh của tôi.
Bà nhạc trưởng Alla Kulbaba điều khiển dàn nhạc Kyiv Symphony Orchestra bên Ukraine (là nhạc trưởng đã điều khiển dàn nhạc trình tấu để thu âm gần hết nhạc của Giáo sư Lê Văn Khoa kể từ năm 2005 đến nay) từng nói rằng nhạc Lê Văn Khoa rất dễ diễn tả, vì trong nhạc chứa đầy hình ảnh. Còn với ảnh của tôi nó có nhịp nhàng như trong nhạc, ví dụ nhịp nhàng trong màu sắc, nó có nhịp buông lơi… Khi mình nhìn hình mà không biết gì hết thì chỉ thấy đó là tấm hình thôi. Còn những nét tinh túy thì phải là người hiểu sẽ nhìn thấy điều đó, khi nhận ra được, thì sẽ thấy thú vị. Với tôi, âm nhạc và nhiếp ảnh đều bổ sung cho nhau.


Lê Văn Khoa đang chụp ảnh (Cung cấp)


VĐ: Giáo sư có nhận xét gì về nhiếp ảnh nghệ thuật trong tiến trình phát triển của nghệ thuật đương đại hiện nay?
LVK: Tôi thấy nhiếp ảnh nghệ thuật hiện nay có khuynh hướng đi vào trừu tượng. Mặc dù nhiếp ảnh đi sau hội họa quá xa, nhưng có khuynh hướng đi vào trừu tượng, những siêu thực… nhờ kỹ thuật, ống kính giúp cho người chụp hình có thêm được điều kiện sáng tạo để làm được những cái mà hồi trước làm không được. Càng ngày càng có nhiều người có khuynh hướng đi vào khuynh hướng này. Có điều đáng buồn là nhiều người mua máy rất mắc tiền, mua ống kính thật dữ dội, nhưng không sử dụng bao nhiêu hết. Nếu dùng được trọn vẹn khả năng của nó thì họ sẽ có những tác phẩm hấp dẫn hơn.
Nhiếp ảnh là một bộ môn nghệ thuật mà bây giờ nó hợp với thời đại tân thời và những phát minh mới của con người. Tôi nghĩ đó cũng là chuyện tốt thôi. Còn nó sẽ đi tới đâu thì mình không thể nói được.

VĐ: Bây giờ máy ảnh kỹ thuật số đã làm thay con người rất nhiều nên việc có được một bức ảnh đẹp cũng đơn giản hơn. Vậy theo ông, đâu là ranh giới nhận biết giữa nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp và người cầm máy thông thường?
LVK: Có một sự phân biệt rất dễ, đối với tôi, người nhiếp ảnh chuyên nghiệp là người chụp hình lấy tiền, còn người nhiếp ảnh tài tử là người chụp hình không lấy tiền. Bởi vì trình độ của nhiều người nhiếp ảnh tài tử còn cao hơn người chuyên nghiệp, nhưng họ không lấy tiền, họ chơi ảnh vì vui. Mình không thể dùng kỹ thuật để mà phân biệt được người chuyên nghiệp hay không chuyên nghiệp. Không thể cho rằng người chuyên nghiệp chụp hình hay hơn, rõ hơn, bố cục chặt chẽ, chưa chắc. Bởi vì tôi có thể thấy những lỗi lầm trong ảnh của người chuyên nghiệp tương đối dễ dàng. Cũng như mình mua những bức tranh về treo ở nhà, có những bức tranh vi phạm những lỗi rất sơ đẳng, nhưng người ta không biết, thấy đẹp thì treo.
Đối với tôi, tôi là người nhiếp ảnh tài tử, tôi là nhạc sĩ tài tử, nhưng tôi làm được những việc có thể người chuyên nghiệp không làm được.

VĐ: Là Hội trưởng Hội Ảnh Nghệ Thuật Việt Nam từ năm 1968 và ra đến hải ngoại, đồng thời ông cũng là thầy dạy chụp ảnh cho rất nhiều lứa học trò và là thành viên BGK các cuộc thi ảnh, ông thường đánh giá cao yếu tố gì trong mỗi tác phẩm?
LVK: Thường thường tôi nghĩ đến ý tưởng sáng tạo của tác giả khi mà họ gửi tác phẩm dự thi, rồi kế đến vấn đề kỹ thuật làm hình của họ có đúng hay không. Vì nó có đúng thì mới nói lên được nghệ thuật. Khi tôi nói kỹ thuật, không có nghĩa là bắt buột phải trắng đen rõ, mà mình dùng cái đó để đạt được điều mình muốn. Ví dụ mình muốn nói lên tình cảnh bi đát mà mình dùng những màu sắc nhẹ nhàng là trật rồi. Tôi nhớ một lần chấm thi ảnh khi tôi còn trong nước, tác phẩm một cô gái mặc áo đỏ rực rỡ để diễn tả cái buồn, tôi thấy không được, vì 2 cái đó đối chọi nhau, nhưng người ta không biết, cứ làm, cứ cho đó là hay, độc đáo. Tôi thì không chấp nhận

VĐ: Có ý kiến cho rằng trong các cuộc thi ảnh hiện nay, việc sử dụng kỹ thuật photoshop đang bị lạm dụng, ông nhìn nhận vấn đề này thế nào?

LVK: Tôi không thắc mắc về vấn đề photoshop, bởi vì tôi nghĩ photoshop như một phòng tối. Hồi trước khi tôi làm hình, cũng che tối chỗ này thêm sáng chỗ kia để nổi chủ đề. Vì nếu chủ đề không nổi lên thì kể như thua rồi. Làm sao cho nó nổi bật lên để người nhìn vào thấy liền. Ngày nay thay vì dùng che tối che sáng thì dùng photoshop thì có tội vạ gì đâu. Có những người không quen photoshop họ cực lực phản đối photoshop, tôi thì không. Nhưng nếu chụp hình ẩu tả, lợi dụng photoshop sửa lại thì cái đó nên tránh. Photoshop giúp mình tiết kiệm rất nhiều thời giờ mình tạo được hình, mình tạo được cái nhìn của mình còn hơn là chụp bừa bãi rồi về sửa. Photoshop không tội vạ gì cả. như tôi đã nói, trong cuộc thi ảnh quốc tế bây giờ, có phân bộ cho dùng photoshop tối đa. Tôi không chống photoshop, nhưng nên dùng có ý thức. Nhiều người dùng photoshop không ý thức. Ví dụ chỗ nào thiếu gì đó, họ gắn vô bằng photoshop dễ dàng hơn hồi trước. Hồi trước chúng tôi cũng làm vậy, làm bằng 2- 3 phim khác nhau trên một tờ giấy ghép vô. Có làm chứ không phải là không, nhưng khó khăn hơn rất nhiều, và hư nhiều hơn bây giờ. Nhưng cái tôi thấy không nên là khi ghép photoshop, nhìn vô nó tương đối quân bình hết trong bức ảnh, nhưng mà ánh sáng thì sai. Ví dụ toàn cảnh ánh sáng từ bên mặt chiếu qua, rồi tới điểm đó thì ánh sáng từ bên trái chiếu, do ghép photoshop không có ý thức.


Ánh Mắt Con Côi (Lê Văn Khoa)

VĐ: Ông có lời khuyên nào cho người chụp ảnh? Phẩm chất và kỹ năng cần thiết?
LVK: Cái tôi muốn gợi ý cho mấy bạn chụp hình là cứ phải chụp hình, không chụp thì không có hình. Mình có tập có làm thì mới quen. Không làm thì nó quên, vì tuổi con người càng ngày càng lớn chứ không càng ngày càng trẻ.

Tôi có ông bạn là kỹ sư công chánh, tới tuổi 90 ông nói không bao giờ ông ra khỏi nhà mà không có máy ảnh trong người. Tôi thấy cái đó rất hay. Các bạn trẻ còn có sức mang máy ảnh to hơn, mang nhiều dụng cụ hơn, cứ mang máy ảnh theo, có thể mình không dùng gì hết, nhưng nếu có cái gì cần thì mình có, chứ không thì về cứ tiếc hùi hụi.

Cứ chụp hình nhiều đi. Phẩm chất cũng như kỹ năng người chụp ảnh là phải nắm vững căn bản, rồi những kỹ thuật kia sẽ đi theo. Vì mình nắm vững căn bản thì muốn kỹ thuật cao hơn mình sẽ nghiên cứu thêm thôi.

Những tấm ảnh nghệ thuật của Giáo sư Lê Văn Khoa sẽ triển lãm tại Houston, bắt đầu vào lúc 6:20 chiều thứ Sáu, ngày 17 tháng Hai, 2017, tại phòng triển lãm Palette Arts Gallery, số 10925 Beechnut St. Houston, TX 77072, suite A 101-102. Triển lãm sẽ mở cửa mỗi ngày từ 10 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Thời gian triển lãm kéo dài 9 ngày, từ thứ Bảy 18 tháng Hai đến Chủ Nhật 26 tháng Hai.
(bh)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT