Thế Giới

Vatican bị áp lực liên quan đến hài cốt tìm thấy trong tòa thánh

Wednesday, 31/10/2018 - 08:36:41

Các vụ mất tích của cô Orlandi và cô Gregori chưa bao giờ được cho là có liên quan. Sự việc của cô Orlandi được chú ý nhiều hơn, và gây ra nhiều lời đồn đoán liên quan đến Vatican. Cô Orlandi mất tích khi rời nhà ở Vatican City để đến một lớp học nhạc ở Rome.

ROME – Gia đình của một thiếu nữ 15 tuổi, người đã mất tích vào năm 1983, vào thứ Tư đã gây áp lực với các công tố viên Ý và Vatican, để đòi công bố nhiều chi tiết hơn liên quan đến vụ tìm thấy xương người trong một căn phòng của tòa đại sứ Vatican ở Rome. Vụ phát hiện xương người được công bố vào tối thứ Ba, và lập tức được cho là có liên quan đến vụ mất tích của cô Emanuela Orlandi, con gái một nhân viên của Vatican. Sự việc của cô Orlandi là một trong các bí ẩn đến nay vẫn chưa có lời giải của Vatican.
Các nhà điều tra hiện đang kiểm tra xem các hài cốt vừa tìm thấy thuộc về cô Orlandi, mất tích ngày 22 tháng 6, 1983, hay thuộc về cô Mirella Gregori, một thiếu nữ 15 tuổi khác mất tích tại Rome vào ngày 7 tháng 5, 1983. Vatican cho biết các hài cốt người được tìm thấy trong tuần này, trong quá trình tu sửa một căn phòng được ghép thêm vào tòa nhà đại sứ quán. Các chuyên gia pháp y của Ý đã được mời đến để giúp xác định tuổi, giới tính, và thời gian tử vong của bộ xương. Các chuyên gia cho biết quá trình này có thể mất từ 1 tuần đến 10 ngày, nếu có thể trích được DNA từ các mảnh xương.
Các vụ mất tích của cô Orlandi và cô Gregori chưa bao giờ được cho là có liên quan. Sự việc của cô Orlandi được chú ý nhiều hơn, và gây ra nhiều lời đồn đoán liên quan đến Vatican. Cô Orlandi mất tích khi rời nhà ở Vatican City để đến một lớp học nhạc ở Rome.

Thổ Nhĩ Kỳ: Khashoggi bị siết cổ, cắt xác
ANKARA – Vào thứ Tư, ông Irfan Fidan, chánh công tố thành phố Istanbul, xác nhận rằng ký giả người Ả Rập Saudi, ông Jamal Khashoggi, đã bị siết cổ ngay sau khi bước chân vào lãnh sự quán ở Istanbul, và thi thể của ông đã bị cắt làm nhiều phần để tiêu hủy. Đây là lần đầu tiên viên chức Thổ Nhĩ Kỳ chính thức lên tiếng về cách vị ký giả bị sát hại. Tuyên bố của Thổ Nhĩ Kỳ làm giảm giảm giá trị của những lời khẳng định từ Ả Rập Saudi, rằng ông Khashoggi chết trong một cuộc ẩu đả khi ông tới lãnh sự quán vào ngày 2 tháng 10 để làm hồ sơ kết hôn.
Công tố viên Fidan cho biết thêm, những cuộc thảo luận trong tuần này giữa ông và người đồng cấp Saudi, ông Saud al-Mojeb, đã không đạt được kết quả. Trước đó, vào ngày 25 tháng 10, một công tố viên của Ả Rập Saudi đã thừa nhận vụ sát hại ký giả Khashoggi đã được lên kế hoạch từ trước. Ông Khashoggi là nhà bình luận của tờ Washington Post và là người thường xuyên chỉ trích chính quyền Saudi và Thái Tử Mohammed bin Salman. Cái chết của ông Khashoggi đã gây ra làn sóng phẫn nộ trên toàn thế giới, và làm căng thẳng quan hệ giữa Ả Rập Saudi và nhiều nước phương tây.

Úc tố Trung Quốc 'cài người' vào các trường đại học Tây Phương
CANBERRA - Viện nghiên cứu Chính sách chiến lược Úc (ASPI) hôm thứ Ba cho rằng, các nhà khoa học Trung Quốc đang dùng các chương trình hợp tác nghiên cứu với phương Tây để phục vụ yêu cầu của quân đội. “Chính phủ Trung Quốc đang bí mật cử các nhà khoa học trong quân đội nước này tới các trường đại học phương Tây, để thu thập kiến thức về những lĩnh vực như hỏa tiễn siêu vượt âm hay công nghệ hàng hải,” báo cáo của ASPI viết.
ASPI, cơ quan có liên kết với Bộ Quốc Phòng Úc, cho biết một số nhà khoa học Trung Quốc đã núp bóng các tổ chức nghiên cứu không có thật để che giấu mối liên hệ giữa họ với quân đội Trung Quốc. Theo ASPI, một nhà khoa học thuộc Đại học Kỹ thuật hỏa tiễn Trung Quốc khi nộp đơn vào trường đại học phương Tây đã khai rằng ông ta đến từ Viện Công nghệ cao Tây An, một tổ chức chỉ có trên giấy tờ. Theo thống kê của ASPI, từ năm 2007 tới nay, đã có hơn 2,500 nhà khoa học Trung Quốc có mối liên hệ với quân đội đã tới học tập hoặc làm việc ở các quốc gia phương Tây, chủ yếu là nhóm các nước thuộc liên minh tình báo "Five Eyes" gồm Hoa Kỳ, Anh, Canada, Úc, và New Zealand.
"Chưa có trường đại học nào nhìn thấy nguy cơ của việc này, họ chưa hiểu rõ đâu là việc hợp tác đôi bên cùng có lợi với Trung Quốc, và đâu là việc hợp tác với quân đội Trung Quốc. Hoạt động này có thể không mang lại lợi ích cho chúng ta,” Alex Joske, tác giả của bản báo cáo, cho biết. Báo cáo của ASPI được công bố chỉ 1 ngày sau khi Cơ quan An ninh quốc tế và ngăn chận vũ khí hạt nhân của Hoa Kỳ tuyên bố, việc ngăn chặn chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc hiện là ưu tiên hàng đầu của nước này.

Indonesia xác định vị trí hộp đen Lion Air
JAKARTA - Các nhà điều tra Indonesia hôm thứ Tư tin rằng họ đã bắt được những tín hiệu "ping,” được cho là phát ra từ hộp đen của máy bay Lion Air gặp nạn. Chiếc Boeing 737 Max-8, số hiệu JT610, thuộc hãng hàng không giá rẻ Lion Air, đã bị mất liên lạc và rơi xuống biển Indonesia chỉ 13 phút sau khi cất cánh từ thủ đô Jakarta vào sáng 29 tháng 10. Toàn bộ 189 người trên máy bay, bao gồm cả 3 trẻ em, 2 phi công và 6 tiếp viên, được cho là đã thiệt mạng. Máy bay đang trên đường từ Jakarta tới Pangkal Pinang.
Lên tiếng trên TV, ông Ir. Suryanto, người đứng đầu Ủy Ban An Toàn Giao Thông Indonesia, cho biết đội tìm kiếm đã phát hiện tín hiệu "ping" cách 8 điểm tìm kiếm JT610 ở vùng biển Karawang không đầy 3 cây số. Trong khi đó, ông Haryo Satmiko, phó giám đốc Ủy Ban An Toàn Giao Thông, nói thêm rằng nhà chức trách hiện cần nhiều "nỗ lực kỹ thuật" nữa để tìm ra chính xác vị trí của các hộp đen máy bay. Việc tìm thấy các thiết bị ghi dữ liệu này sẽ giúp làm sáng tỏ nguyên nhân máy bay rơi. Đây là mẫu máy bay chở khách hiện đại do Boeing chế tạo, chỉ mới được sử dụng trong chưa đầy 2 tháng.
Nhà chức trách Indonesia cho biết, các tàu tìm kiếm sẽ tập trung vào một địa điểm mà họ tin là nơi khởi phát tín hiệu ping. Hoạt động tìm kiếm, cứu nạn máy bay JT610 hiện đã mở rộng ít nhất 400 hải lý ngoài khơi Indonesia. Trong khi đó, vị trí xác máy bay JT610 được cho là nằm ở đáy biển Java, cách Jakarta 34 hải lý, cách cảng Tanjung Priok 25 hải lý, và cách bờ biển Tanjung Karawang 11 hải lý. Lực lượng cứu nạn đã vớt được một số phần thi thể nạn nhân và nhiều mảnh vụn của chiếc Boeing 737 Max-8.

Indonesia tức giận vì Ả Rập Saudi hành quyết công dân
JAKARTA - Chính phủ Indonesia vào thứ Tư đã hết sức giận dữ sau khi Ả Rập Saudi hành quyết một phụ nữ làm nghề giúp việc nhà, là công dân Indonesia. Người phụ nữ này bị cáo buộc sát hại ông chủ người Saudi, tuy nhiên, một tổ chức nhân quyền nói rằng người phụ nữ chỉ tự vệ chống lại ý đồ cưỡng hiếp của ông chủ. Tổng Thống Indonesia Joko Widodo cho biết ông đã gọi điện cho Ngoại Trưởng Ả Rập Saudi Adel al-Jubeir, để yêu cầu được biết vì sao Jakarta không được thông báo về việc nữ công dân Tuti Tursilawati đã bị hành quyết vào thứ Hai.
Trong thông cáo báo chí, Tổng Thống Widodo nói ông đã nhắc đến vấn đề của cô Tursilawati khi Ngoại Trưởng al-Jubeir đến thăm Indonesia vào tuần trước, và vụ án này cũng được nhắc đến nhiều lần với các viên chức Saudi, bao gồm cả Vua Salman và Thái Tử Mohammed bin Salman. Giới chuyên gia về luật quốc tế nói rằng, Riyadh đã vi phạm quy tắc ngoại giao khi không báo trước cho Jakarta về vụ hành quyết.
Vụ án của cô Tursilawati cho thấy tình thế khó khăn của nhiều người trong số 11 triệu lao động nước ngoài đang làm việc tại Ả Rập Saudi. Theo ước tính, khoảng 2.3 triệu người trong số này là phụ nữ làm nghề giúp việc nhà. Những người lao động nước ngoài thường gặp rắc rối với hệ thống luật pháp của Ả Rập Saudi, vốn dựa trên luật Hồi giáo shariah rất khắt khe. Vào tuần trước, Ả Rập Saudi đã bắt giữ 19 người lao động Philippines, sau khi bố ráp một bữa tiệc Halloween tại Riyadh. Theo tổ chức Ân Xá Quốc Tế, Ả Rập Saudi đã hành quyết 146 người vào năm 2017, là nước có số vụ hành quyết cao thứ 3 thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Iran.

Taliban cử cựu tù nhân Guantanamo đi đàm phán hòa bình
QATAR - Taliban đã gởi 5 thành viên từng bị giam giữ ở nhà tù Guantanamo đến văn phòng tại Qatar để đàm phán chấm dứt xung đột tại Afghanistan. "5 cựu tù nhân Guantanamo đã được chỉ định tham gia các cuộc hòa đàm tại Qatar,” một viên chức cấp cao của Taliban cho biết hôm thứ Tư. Phát ngôn viên Taliban Zabiullah Mujahid cũng xác nhận quyết định này. Thông báo được Taliban đưa ra trong bối cảnh chính quyền của Tổng Thống Donald Trump đang thúc đẩy các giải pháp ngoại giao, nhằm thuyết phục nhóm này tham gia đàm phán chấm dứt cuộc chiến kéo dài 17 năm tại Afghanistan.
Hồi đầu tháng, đặc sứ Hoa Kỳ về Afghanistan, ông Zalmay Khalilzad, đã có cuộc gặp đầu tiên với đại diện Taliban ở Doha, Qatar. Hai tuần sau đó, một chỉ huy hàng đầu của nhóm đang bị giam giữ ở Pakistan đã được Hoa Kỳ trả tự do. Năm thành viên Taliban sang Qatar đàm phán lần này từng được Hoa Kỳ phóng thích năm 2014, trong một trao đổi nhằm giải cứu binh sĩ Bowe Bergdahl, bị Taliban bắt giữ từ năm 2009. Các cựu tù nhân Guantanamo này được cho là có quan hệ gần gũi với chỉ huy tối cao Taliban Haibatullah Akhundzada hơn các thành viên hiện tại ở văn phòng Doha. Giới quan sát cho rằng hành động của Taliban có thể là dấu hiệu tốt cho những nỗ lực mới của các bên, nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài từ năm 2001 tại Afghanistan.

Bắc Hàn mời quan sát viên quốc tế tới bãi thử hạt nhân
NAM HÀN – Bắc Hàn dường như đang thực hiện các bước chuẩn bị cho chuyến thăm của quan sát viên quốc tế, nhằm kiểm tra việc phá hủy bãi thử hạt nhân, theo viên chức Nam Hàn cho biết hôm thứ Tư. “Có nhiều dấu hiệu cho thấy Bắc Hàn đang chuẩn bị cho chuyến thăm từ các chuyên gia quốc tế. Họ cũng đã đóng cửa bãi thử hạt nhân và phá hủy một số cơ sở phóng hỏa tiễn tại Dongchang-ri,” cơ quan Tình báo quốc gia Nam Hàn NIS cho biết trong một cuộc họp kín tại quốc hội. NIS cũng đang giám sát các cơ sở hạt nhân và hỏa tiễn của Bắc Hàn, Triều Tiên, bao gồm cả cơ sở Yongbyon, và không có thay đổi lớn nào được ghi nhận.
Bắc Hàn hồi tháng 5 đã phá hủy bãi thử hạt nhân Punggye-ri nhưng không cho phép quan sát viên quốc tế tới kiểm tra, dẫn tới những chỉ trích rằng hành động này chỉ là bề ngoài và có thể bị đảo ngược. Sau hội nghị Hàn - Triều lần thứ ba hồi tháng 9 được tổ chức tại Bình Nhưỡng, Chủ Tịch Bắc Hàn Kim Jong-un đã đồng ý đóng cửa vĩnh viễn cơ sở thử động cơ và phóng hỏa tiễn Dongchang-ri, dưới sự giám sát của quan sát viên quốc tế. Tổng Thống Nam Hàn Moon Jae-in cho biết, ông Kim Jong Un đã tuyên bố sẽ “giải trừ hạt nhân hoàn toàn,” nhằm đổi lại các biện pháp tương ứng từ Hoa Kỳ, và sẽ tập trung vào phát triển kinh tế, nếu an ninh được bảo đảm.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT