Điện Ảnh, Nghệ Thuật

Xem “Giông Tố” trên sân khấu Kịch Sống Túy Hồng

Friday, 21/10/2011 - 07:28:07

Mở màn cho chuyện kịch là biến cố đau thương của Mịch (Kiều Oanh) bị Nghị Hách (Bằng Kiều) hãm hại trinh tiết. Vở kịch khép lại bằng cái chết của Tuyết (Thanh Nhã) lao ra trước mũi đầu xe, bên ngoài màn đêm bão tố.

Băng Huyền/Viễn Đông


Nhân vật Long (Trương Minh Quốc Thái) gửi món tiền cho thầy của mình - ông Đồ Uẩn
(Hoàng Cầm), cũng là ba của vợ sắp cưới Thị Mịch (Kiều Oanh) của Long, anh
hứa sẽ về lo đám cưới sớm - ảnh: Băng Huyền/Viễn Đông

Chủ Nhật, ngày 16-10-2011 tuần qua, 2 suất diễn vở trường kịch “Giông Tố” của ban Kịch Sống Túy Hồng tại Hí Viện Saigon Performing Arts Center, thành phố Fountain Valley, đã không còn ghế trống.
Phần 1 của chương trình được dẫn dắt sinh động bởi MC Đỗ Tân Khoa và Ánh Hằng (con gái của nhạc sĩ Lam Phương và nghệ sĩ Túy Hồng). Mười nhạc phẩm tình tự quê hương “Ngày Buồn”, “Thương Hoài Ngàn Năm”, “Giòng An Giang”, “Mưa Đêm Tình Nhớ”, “Đừng Nói Xa Nhau”, “Bốn Màu Áo”, “Lòng Mẹ”, “Non Nước Hữu Tình”, “Tóc Mây”... được thể hiện bởi những giọng ca nồng nàn, thiết tha của các ca sĩ Giao Linh, Trang Thanh Lan, Phương Hồng Quế, Tuấn Vũ, Mai Vy, Đỗ Thanh, Đan Vy-Quang Duy, Phương Anh.

Nhưng có lẽ khán giả chờ đợi nhiều nhất vẫn là phần 2 của chương trình. Vở bi hài trường kịch “Giông Tố”, do nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc chuyển thể, từ tiểu thuyết cùng tên của “ông vua phóng sự đất Bắc” Vũ Trọng Phụng tài hoa, được dàn dựng bởi đạo diễn Hùng Lâm.

Với các nghệ sĩ tài danh Xuân Phát (ông già Hải Vân, hay còn gọi là Khóa Hiền), Hoàng Cầm (ông Đồ Uẩn, bố của Thị Mịch), Túy Hồng (bà Đồ Uẩn, mẹ của Thị Mịch), Tú Trinh (đến từ Việt Nam, vai bà Nghị Hách), Túy Thanh (người dân trong làng Quỳnh Thôn), Hữu Nghĩa (Tú Anh, con trai trưởng của Nghị Hách), Kiều Oanh (Thị Mịch), Bé Tí (vợ của Vạn Tóc Mai), Lê Huỳnh (Vạn Tóc Mai - con trai của Nghị Hách), Thanh Nhã (Tuyết - con gái của Nghị Hách), Trang Thanh Lan (bà thầy bói)… và sự góp mặt đặc biệt của diễn viên Trương Minh Quốc Thái (đến từ Việt Nam, vai Long) và ca sĩ Bằng Kiều (vai Nghị Hách).

Trước khi khán giả xem kịch, ban Kịch Sống Túy Hồng đã dành ra vài phút để nhà thơ Du Tử Lê giới thiệu đôi nét về nhà văn Vũ Trọng Phụng, và bút pháp hiện thực phê phán mà nhà văn Vũ Trọng Phụng là một đại diện độc đáo của văn học Việt Nam những năm đầu thập niên 30, thế kỷ 20 - trong bối cảnh xã hội Việt Nam thực dân phong kiến nhiều biến động.



Bà Đồ Uẩn (nghệ sĩ Túy Hồng) và con gái Thị Mịch (Kiều Oanh) - ảnh: Băng Huyền/Viễn Đông

* Từ “Giông Tố” dưới ánh đèn màu

30 chương tiểu thuyết đã được nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc thu gọn trong hơn 2 giờ trên sân khấu kịch, đem lại những giọt nước mắt, nụ cười cho khán giả theo từng diễn biến các số phận nhân vật.

Vở diễn được chăm chút kỹ lưỡng từ dàn dựng sân khấu, trang phục cho diễn viên, các đạo cụ… cho đến âm thanh, nhạc bối cảnh theo mạch cảm xúc diễn viên, kịch tính câu chuyện. Tính dự báo của kết cục bi thảm với tiếng sấm chớp rền vang của cơn giông tố, xuyên suốt vở kịch (do Quốc Tuấn đảm nhận), tất cả được phối hợp nhịp nhàng.

Mở màn cho chuyện kịch là biến cố đau thương của Mịch (Kiều Oanh) bị Nghị Hách (Bằng Kiều) hãm hại trinh tiết. Vở kịch khép lại bằng cái chết của Tuyết (Thanh Nhã) lao ra trước mũi đầu xe, bên ngoài màn đêm bão tố. Cái chết của Long (Trương Minh Quốc Thái) đã tự kết liễu đời mình bằng phát đạn vào đầu (anh không ngờ mình là con của Nghị Hách, và đã lấy Tuyết - em ruột mình, hiện đang mang thai). Bằng hình ảnh gần như hóa điên hóa dại của Tú Anh (khi biết mình không phải con của Nghị Hách, mình cũng là người đã gắn kết Long-Tuyết lấy nhau), của bà Nghị Hách (mẹ của Tú Anh và Tuyết)… Bằng âm thanh của cơn giông tố xối xả ngoài trời. Bằng tiếng cười điên dại của Nghị Hách khi muốn chết mà cũng không chết được, vì súng đã hết đạn; hắn được sống nhưng sống để tự hành hạ mình, dày vò tâm can mình; cuộc sống rồi đây với hắn chỉ còn là những cơn giận dữ, căm phẫn, không thể tìm ra lối thoát. Giông tố của vở kịch qua đi, nhưng dư âm của nó vẫn bám theo tâm tư của bao người nơi đời thực, bởi kết thúc của vở kịch mãi ám ảnh người thưởng kịch.

* Các nhân vật trong hóa thân của diễn viên

Các diễn viên từ vai chính, đến vai phụ, đã thể hiện tốt vai trò của mình, đem lại nhiều cảm xúc cho khán giả.

Một Thị Mịch của Kiều Oanh đầy đớn đau, sợ hãi sau khi bị cưỡng bức. Một Thị Mịch đầy hy vọng khi được Long (người chồng sắp cưới) cảm thông và hứa hẹn cưới cô, dù biết cô đang mang thai đứa con kẻ đã cưỡng đoạt. Nhưng cũng một Thị Mịch đầy thù hận, uất nghẹn, khi biết Long từ bỏ mình, thái độ bất cần đời khi cô chấp nhận làm vợ lẽ của kẻ đã hãm hại cô…

Long của Trương Minh Quốc Thái đầy yêu thương Mịch trước nỗi đau cô đang gánh chịu, nhưng cũng đầy căm hận Mịch vì tưởng cô tham sang phụ khó, bội phản anh. Một Long đầy biến động khi biết sự thật về sự loạn luân của mình. Ánh mắt căm thù với đôi tay run rẩy, Long chĩa mũi súng vào Nghị Hách, kẻ đã gây ra bao oan nghiệt, với những thủ đoạn đê hèn để làm giàu và tiến thân. Rồi đến giây phút thật quyết liệt của Quốc Thái khi anh để Long được giải thoát bằng việc tự bắn vào đầu mình.


Nụ cười điên dại của Nghị Hách (Bằng Kiều) khi tự sát không thành vì súng hết đạn
- ảnh: Băng Huyền/Viễn Đông

Một bà Nghị của Tú Trinh đầy uẩn ức đè nén, với những khát khao một tình yêu chân thật, và cả nỗi đau khổ của bí mật tày trời bà ôm trong lòng.

Một bà đồ của nghệ sĩ Túy Hồng, với tình thương con dạt dào của người mẹ, ánh mắt đầy cam chịu của phận dân đen “thấp cổ bé miệng” trước nỗi đau ập xuống cuộc đời con gái mình.

Một Tú Anh do Hữu Nghĩa thủ diễn, với việc làm phát xuất từ lòng tốt, muốn cứu vớt thanh danh gia đình Thị Mịch, đã bắt buộc bố phải cưới Thị Mịch làm vợ lẽ. Nhưng để thực hiện việc tốt này, Tú Anh đã dùng những thủ đoạn đen tối, lừa dối Mịch và Long làm cho họ hiểu lầm nhau. Để Mịch lấy Nghị Hách, để Long lấy Tuyết. Cuối cùng lòng tốt của anh cũng bị trả giá bằng cái chết của em gái và chính tâm tư của anh cũng không yên ổn.

Tuyết của Thanh Nhã, một cô gái “tân thời”, mạnh bạo trong tình yêu, và cũng đầy đau khổ với ánh mắt lạc thần khi cô biết người chồng mình yêu thương lại chính là anh trai của mình.

Nhưng đáng ghi nhận nhất, ngợi khen nhiều nhất, là sự hóa thân độc đáo của ca sĩ Bằng Kiều, trong vai Nghị Hách. Từ giọng nói vang rền đôi lúc lại rít qua kẽ răng, từ cái dáng đi lừ lừ, uy nghiêm đến khiếp vía... tất cả đều hiện lên một Nghị Hách khắc nghiệt, tàn nhẫn. Cái thần nhân vật nằm trong con mắt, Bằng Kiều đã thừa sức lột tả. Không cần nhiều lời thoại, chỉ cần đưa nhẹ ánh mắt, rít đôi hàm răng, Bằng Kiều đã cho Nghị Hách sống động đến lạ lùng. Bằng Kiều khắc họa một Nghị Hách trân tráo, vô liêm sỉ khi hắn đọc một bài diễn văn rất kêu, nói đến luân lý, đạo đức, bác ái, bình dân... Là hạng người tham tàn, bỉ ổi, khi hắn quỳ xuống, van xin Long đừng giết hắn, hãy để hắn sống. Và tiếng cười điên dại đẩy đến cùng cực, khi hắn muốn tự tử, nhưng súng đã hết đạn…


Long đầy căm hận nhưng cũng run tay chĩa mũi súng về Nghị Hách - kẻ gây ra
bao oan nghiệt, cũng chính là cha của Long - ảnh: Băng Huyền/Viễn Đông

Bằng Kiều đã thành công khi tạo nên một Nghị Hách với vẻ bề ngoài một nghị viên, là nhà buôn, là chủ đồn điền, nhưng thực chất vẫn là lưu manh thứ thiệt, và ở con người ấy, trước sau vẫn là một lối cư xử lưu manh với tính cách bạo chúa. Hắn dâm ô, đểu giả, độc ác một cách bạo chúa. Hắn coi thân phận và sinh mệnh con người như rơm rác: đánh người, giết người, hiếp người không hề áy náy, ăn năn. Mỗi tài sản to nhỏ trong nhà của hắn, cả hai mươi cô nàng hầu và cô vợ lẽ Thị Mịch, đều có nguồn gốc gắn với một tội ác bỉ ổi của chủ nhân. Khi bà vợ cả (bà Nghị) ngủ với thằng cung văn, thì hắn lồng lộn lên như thú dữ. Vì hắn có thể lừa người, phản người, chứ không ai được lừa hắn, phản hắn.


Tú Anh (Hữu Nghĩa) ngồi giữa Long (Trương Minh Quốc Thái) và Tuyết (Thanh Nhã)
vô cùng bấn loạn khi biết mình đã gắn kết hai anh em Long-Tuyết làm vợ chồng
- ảnh: Băng Huyền/Viễn Đông

* Đọc lại tiểu thuyết “Giông Tố” của nhà văn Vũ Trọng Phụng

Những ai từng đọc “Giông Tố” của Vũ Trọng Phụng, sẽ nhận thấy nét độc đáo của tác phẩm vì nhà văn đã đi tiên phong trong việc khai thác “thú tính” nơi con người, kể cả những người được coi là hiền lành, chân thật, như Mịch, Long, ông bà Đồ, người dân làng Quỳnh Thôn…

Dưới ngòi bút của ông, người ta được thấy sự thay lòng đổi dạ của con người trong một môi trường xã hội mà tiền bạc có thể chi phối tất cả, khi họ bước chân ra từ cảnh bần hàn, giờ đây chấp nhận trở thành thành phần mà trước giờ họ luôn lên án. Họ cay độc trong lời nói, buông tuồng trong cách sống, đớn hèn trong suy nghĩ, họ dần dần xóa nhòa hình ảnh mình trong quá khứ.

Vũ Trọng Phụng đã trình bày sự ti tiện của con người trước áp lực của kim tiền và tham nhũng. Tác phẩm của ông đào sâu xuống cái thấp hèn của phần “con” trong “người”.

Trong khi những tác giả hiện thực cùng thời chỉ mới phân chia xã hội thành hai lớp lang tốt và xấu, đề ra những nạn nhân của chế độ, thì Vũ Trọng Phụng lại viết về “sự tha hóa” của con người.

Thế nhưng, tính biến đổi của các nhân vật kể trên đã không tìm thấy được trong kịch bản chuyển thể của nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc. Điều này đã giảm bớt phần nào tính độc đáo có trong tiểu thuyết “Giông Tố”. Các nhân vật Long, Thị Mịch, ông bà Đồ Uẩn… đã phần nào bớt đi những góc cạnh của tính cách, tâm lý. Các diễn viên đã không có nhiều đất diễn để thử thách.

Dẫu sao, vở “Giông Tố” vẫn là một thành công của ban Kịch Sống Túy Hồng, nhất là tại hải ngoại, để dàn dựng một vở trường kịch, mà lại là tác phẩm kinh điển của dòng văn học hiện thực phê phán Việt Nam thật không đơn giản. Nhưng ban kịch sống và nghệ sĩ Túy Hồng đã làm được điều mà ngay tại sân khấu kịch ở Việt Nam, vở diễn này vẫn chưa được dàn dựng trên sân khấu. - (BH)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT