Người Việt Khắp Nơi

18 năm xa cách, con gái đoàn tụ với mẹ từ Việt Nam trong Ngày Hiền Mẫu

Băng Huyền/Viễn Đông Saturday, 12/05/2012 - 10:19:57

Làm sao có thể quên được ngày này, bởi vì đây là Ngày Hiền Mẫu đầu tiên của Chinh Đoàn, người con gái phải rời xa vòng tay ấm áp của mẹ hiền khi gần tròn 4 tuổi, phải xa cách mẹ đến nửa vòng trái đất, để theo bố đến định cư tại Oklahoma City, tiểu bang Oklahoma, theo chương trình H.O của bố.

Băng Huyền/Viễn Đông

OKLAHOMA CITY, Oklahoma - Hôm nay Ngày Hiền Mẫu, mang theo biết bao yêu thương, lòng biết ơn của những người con gửi tới đấng sinh thành, là một ngày thật đặc biệt của những người con vẫn may mắn còn mẹ để phụng dưỡng và tỏ bày niềm tri ân.
Với cô sinh viên vừa tốt nghiệp cử nhân ngành báo chí từ đại học University of Oklahoma Chinh Đoàn và bà Tú Trần, mẹ của cô cùng bố của cô, ông Hoàn Đoàn, một cựu Đại Úy Tâm Lý Chiến Việt Nam Cộng Hòa, từng ngồi tù cộng sản 10 năm sau biến cố 1975, Ngày Hiền Mẫu năm nay sẽ là ngày lễ ý nghĩa nhất, khó quên nhất trong đời sống của họ.
Làm sao có thể quên được ngày này, bởi vì đây là Ngày Hiền Mẫu đầu tiên của Chinh Đoàn, người con gái phải rời xa vòng tay ấm áp của mẹ hiền khi gần tròn 4 tuổi, phải xa cách mẹ đến nửa vòng trái đất, để theo bố đến định cư tại Oklahoma City, tiểu bang Oklahoma, theo chương trình H.O của bố.
Để rồi sau gần 18 năm, với biết bao nỗi khó khăn, cô mới bảo lãnh được mẹ hiền qua đoàn tụ cùng hai bố con, ngay vào tối ngày 7 tháng 5 năm 2012, vừa kịp để chiều hôm qua, Thứ Bảy, ngày 12 tháng 5, trong buổi lễ ra trường của cô tại đại học University of Oklahoma, có đủ mẹ và bố đến dự. Song thân của cô được niềm hạnh phúc và tự hào khi thấy con gái mình vinh dự cầm cờ của trường và phát biểu trước toàn trường vì Chinh Đoàn là một trong một trăm sinh viên xuất sắc của buổi lễ ra trường năm nay tại đại học University of Oklahoma.
Chinh Đoàn xúc động nói với nhật báo Viễn Đông: “Đây là món quà để mừng Ngày Hiền Mẫu có ý nghĩa nhất trong cuộc đời em. Em không thể nghĩ rằng lại có ngày cùng được ôm mẹ, được nói lời yêu thương với mẹ trực tiếp, chứ không còn là những tấm thiệp vô tri gửi qua đường bưu điện như gần 18 năm qua. Nhìn thấy bố mẹ bên cạnh em mấy ngày qua, em cứ nói với mình, là chuyện thật chứ không phải là giấc mơ”.
Bà Tú Trần nghẹn ngào chia sẻ: “Chỉ đến khi đoàn tụ với con sau bao năm xa cách, tôi mới tìm thấy hạnh phúc thực sự của mình. Đây quả là một điều kỳ diệu ngoài sức tưởng tượng. Con bé thật thông minh, hiếu thảo và đáng yêu. Tôi rất tự hào về Chinh Đoàn”.


Chinh Đoàn và gia đình tại phi trường Tân Sơn Nhất ngày Chinh và bố rời Việt Nam năm 1994 - ảnh do Chinh Đoàn cung cấp.

Nỗi đau của sự ngăn cách

Chinh Đoàn đã mở đầu câu chuyện với người viết về hành trình xa cách mẹ và quyết tâm kiên trì theo đuổi việc bảo lãnh mẹ sang đoàn tụ bằng những câu nói lúc rời rạc, lúc ngưng lặng vì cảm động: “Khi mẹ và bố hỏi em, em sẽ được qua Mỹ với bố, nhưng mẹ sẽ không đi theo, em có đồng ý không. Em nói em không muốn đi. Nhưng bố mẹ hỏi chỉ để mà hỏi thôi, chứ đâu có làm theo điều em muốn lúc đó. Khi ra phi trường, em đã khóc nhiều lắm và không chịu đi, bố phải kéo đi. Đến khi qua Mỹ, em nhớ là nhiều ngày trời em khóc vì nhớ mẹ, thèm được mẹ ôm và vỗ về. Liệu có đứa trẻ nào mới gần 4 tuổi quen có mẹ bên cạnh, giờ phải rời xa mẹ mà không đau khổ chứ? Nhưng sau này khi biết nghĩ hơn, em hiểu rằng lúc đó em đau khổ một, còn mẹ đau khổ gấp mười lần”.
Sở dĩ mẹ của Chinh Đoàn không được chính phủ Hoa Kỳ cho phép cùng ông Hoàn Đoàn đến Mỹ theo chương trình H.O năm 1994, là vì bà là người vợ sau của ông (tuy có giấy hôn thú) và từng có một đời chồng (đã vượt biên và đã mất trước khi bà đi thêm bước nữa với ông Hoàn Đoàn), và có 3 người con riêng (đã mất 2 người, chỉ còn cô con gái nay đã 40 tuổi).
Ông Hoàn Đoàn từng tham gia quân lực VNCH 15 năm, đến sau 1975, ông đi tù cải tạo khoảng 10 năm. Trong thời gian đó, người vợ đầu, mẹ của 6 đứa con với ông đã đem giấy tờ vào trại cải tạo, yêu cầu ông ký đơn li dị để bà đi lấy chồng khác. Đến lúc ông ra tù, nhờ bà con giới thiệu, ông đã gặp bà quả phụ Tú Trần, khi đó đang là cô giáo dạy văn tại một trường trung học đệ nhất cấp ở huyện Tánh Linh, Phan Thiết. Cả hai đã gá nghĩa với nhau vào cuối năm 1985, rồi sinh ra Chinh Đoàn năm 1989.
Khi có chương trình đi H.O, người vợ đầu của ông cùng 6 người con đã đòi được đi, nhưng cuối cùng bị từ chối. Chính phủ Hoa Kỳ chỉ chấp thuận cho ông Hoàn Đoàn và Chinh Đoàn đi, còn mẹ của Chinh Đoàn cũng không được cấp chiếu khán.
Ban đầu, bà Tú Trần nghĩ rằng sau vài năm xa cách, mẹ con, vợ chồng bà sẽ được đoàn tụ, nhưng điều không may đã đến với gia đình. Khoảng gần 10 năm trước, ông Hoàn Đoàn đã bị tai nạn xe, bị gãy chân, cùng những tháng năm tù đầy trước đó đã khiến ông bị mất sức lao động, ông không còn tiếp tục đi làm được nữa. Vì vậy, việc bảo lãnh vợ càng thêm mờ mịt hơn. Lúc đó Chinh Đoàn vừa lo học, vừa đi làm thêm để kiếm sống và chăm sóc bố. Khi ấy, vì không có tiền, cả hai bố con không thể về Việt Nam thăm bà Tú Trần. Còn bà, nỗi đau càng đè nặng hơn, vì đời sống khổ cực tại Việt Nam nên cũng không có điều kiện để trợ giúp cho chồng con bên kia bờ đại dương.


Chinh Đoàn và bố mẹ là ông Hoàn Đoàn và bà Tú Trần lần đầu tiên đoàn tụ sau 17 năm rưỡi xa cách tại phi trường Will Rogers International Airport, Oklahoma City - ảnh do Chinh Đoàn cung cấp.

Hành trình bảo lãnh mẹ đoàn tụ

Chinh Đoàn kể lại hành trình gian nan của mình bảo lãnh mẹ: “Ba em chưa phải là công dân Mỹ, nên em phải đợi đủ 18 tuổi mới được thi quốc tịch Mỹ, rồi phải đợi đúng 21 tuổi mới được làm hồ sơ bảo lãnh. Vì là sinh viên, em không có đủ tiền để bảo trợ cho mẹ, khi đó em tuyệt vọng lắm, chỉ biết gửi lời cầu nguyện lên Đức Chúa Trời, giống như bao năm qua em luôn luôn cầu nguyện giúp em đưa mẹ qua bên này. Chúa đã nghe được lời nguyện của em. Có một người phụ nữ Mỹ tên là Mary Lee, sinh hoạt trong nhà thờ nơi em thường đi lễ cuối tuần đã đề nghị em cho bà cùng đứng bảo trợ chung. Nhờ vậy em đã tiến hành làm hồ sơ ngay. Để đưa mẹ qua đây em phải đợi khoảng 2 năm, nhưng em muốn rút ngắn thời gian chờ đợi này, vì em muốn có mẹ bên cạnh trong ngày lễ ra trường của mình”.
Chính nhờ sự thương mến của ông David L. Borens là Viện Trưởng của đại học University of Oklahoma dành cho Chinh Đoàn, cô sinh viên học giỏi và họat động tích cực trong những sinh hoạt tại trường, nên ông đã giới thiệu Chinh Đoàn lên thủ đô Washington để gặp con trai của ông, đang là một dân biểu liên bang, giúp đỡ.
Và câu chuyện đã diễn ra đẹp như cổ tích trong ngày Thứ Hai vừa qua. Chinh Đoàn đã về Việt Nam đón mẹ qua, và đêm Thứ Hai đầu tuần này, có 40 người bạn đã đến chung vui với gia đình cô, cùng một số cơ quan truyền thông Hoa Kỳ cũng đến ghi hình sự kiện ý nghĩa này.
Chinh Đoàn kể rằng Chinh không nhớ là bao lâu mới quen được cảm giác không có mẹ bên cạnh, ngày nào cũng khóc hết, nhớ lại thấy tội bố lắm, bố là đàn ông, không thể chăm sóc Chinh bằng mẹ. Nhưng may mắn, nhờ thời gian đi học mẫu giáo, có một người bạn Việt Nam học chung trường, mẹ của bạn là cô Cúc đã nhận lời bố làm mẹ đỡ đầu cho Chinh. Khi Chinh đi học, mẹ đỡ đầu rước Chinh về cùng với con trai của bà, cho ăn cơm Việt Nam, cho ngủ ở nhà. Đến tối bố đi làm về mới rước Chinh về. Nhờ có mẹ đỡ đầu nói tiếng Việt với Chinh, nên Chinh mới giữ được tiếng Việt cho mình và quen ăn các món Việt Nam. Nhưng được vài năm, gia đình cô Cúc chuyển nhà đi xa, lúc đó bố lại gửi Chinh cho những hàng xóm trong khu chung cư hai bố con sống.
Để giữ tình mẹ con không bị nhạt nhòa theo tháng năm vì xa cách, thời gian đầu, Chinh tự học viết và đọc tiếng Việt để thư từ với mẹ. Khoảng giữa thập niên 1990, ít ai dùng điện thoại gọi về Việt Nam, vì đắt lắm. Mấy năm sau, điện thoại bớt đắt tiền, nên Chinh gọi về Việt Nam mỗi tháng 1 lần. Về sau, mẹ gọi qua bằng điện thoại Internet rẻ hơn.
Nhớ lại ngày đầu về thăm mẹ, Chinh Đoàn kể: “Sau thời gian ở Mỹ hai năm, lúc đó em tròn 6 tuổi, hai bố con em đã có thẻ xanh, nên về thăm mẹ lần đầu tiên. Cảm xúc lúc đó vui lắm, dù biết chỉ được ở bên mẹ 2 tháng, nhưng vì còn nhỏ, em chỉ biết tận hưởng niềm vui trong hiện tại, mà không nghĩ gì xa hơn”.
Chinh Đoàn nói thêm: “Còn niềm vui của lần này khi về đón mẹ sang đoàn tụ, nó là hạnh phúc thật viên mãn. Em có về tổ chức tiệc chia tay cho mẹ tại Việt Nam, nghe những lời khen tặng của hàng xóm, bà con xa gần dành cho mẹ, dành cho sự thủy chung với bố, dù mẹ em rất đẹp, có nhiều người đàn ông giàu có đeo đuổi, nhưng mẹ vẫn chung trinh đợi chờ. Em càng thương mẹ nhiều hơn”.
Bà Tú Trần kể lại quyết định rời xa con trong nỗi nghẹn ngào: “Khi tôi quyết định cho bé My (tên ở nhà của Chinh Đoàn) đi với bố, tôi suy nghĩ nhiều lắm, nhưng tôi vượt qua được sự yếu mềm của bản thân, vì muốn con có tương lai học hành bên xứ tự do Hoa Kỳ, đủ điều kiện để phát triển học vấn hơn là ở lại Việt Nam nghèo khổ và bị lý lịch có ba đi tù cải tạo. Thời gian đầu, ngày nào tôi cũng khóc khi nhìn thấy đồ chơi của cháu. Càng lo lắng hơn không biết chồng có chăm con tốt không. Lúc đó, tôi chỉ biết cầu nguyện và cầu nguyện mà thôi. Trong thời gian đó, vài lần vào dịp Hè cháu về thăm tôi, tôi hạnh phúc lắm, nhưng đến ngày tiễn cháu ra phi trường để qua lại Hoa Kỳ, tôi lại đau đớn và khóc rất nhiều. Và tôi lại tự dặn mình hãy kiên trì chờ đợi ngày đoàn tụ cùng cháu. Lúc đó, tôi chỉ sợ mình không có tuổi thọ, không đợi được sang đoàn tụ với con”.
Bà còn lo lắng hơn khi nghe nhiều người nói đứa trẻ xa mẹ từ nhỏ, tình mẹ con sẽ nhạt nhòa, khi nghe những câu chuyện về các bạn trẻ gốc Việt đến Mỹ từ nhỏ đã bị Mỹ hóa, bà càng sợ mất con nhiều hơn. Nhất là khi thấy con gái bước vào tuổi dậy thì, bà sợ con sẽ bị những thanh niên trẻ cám dỗ, lại không có mẹ bên cạnh chăm lo.
Nhưng bà hạnh phúc vì thấy rằng lời nguyện cầu của bà với Ơn Trên đã được thấu hiểu, Chinh Đoàn “thương tôi lắm, hiểu mẹ lắm, rất ngoan và vẫn giữ được những tâm tình của người con Việt Nam, có hiếu lắm”. Vì vậy ước mong của bà hiện giờ chỉ là sẽ bù đắp cho con, cho sự xa cách với con bao lâu nay, và mong khi con xin việc làm, sẽ không đi xa, ở gần bên mẹ, vì nếu vì công việc con phải đi làm xa, thì việc đoàn tụ này của bà sẽ không còn ý nghĩa trọn vẹn.
Để tạm kết thúc câu chuyện của gia đình mình, Chinh Đoàn nói: “Em biết ơn mẹ nhiều lắm, vì mẹ đã cho em một tương lai. Thông thường những người mẹ thương con đều không muốn xa con khi con còn nhỏ, nhưng mẹ đã nghĩ đến tương lai của em, đã chấp nhận đau đớn trong lòng và chờ đợi gần như vô vọng, bởi thời gian dài quá. Nhưng nay, em đã đưa mẹ qua đây được rồi, mẹ con có thời gian gần gũi nhiều hơn, mẹ sẽ giúp em học viết tiếng Việt tốt hơn là em tự học, vì hiện giờ em viết còn sai chính tả nhiều lắm. Bố con em còn nhiều việc để làm, để ổn định cuộc sống mới với niềm vui có mẹ bên cạnh”. - (BH)


Chinh Đoàn cùng với bố mẹ là ông Hoàn Đoàn và bà Tú Trần (giữa), vây quanh bởi bạn bè và gia đình lúc 11 giờ 30 tối Thứ Hai ngày 7-5-2012 tại phi trường Will Rogers International Airport, Oklahoma City - ảnh do Chinh Đoàn cung cấp.

Vài nét thêm về Chinh Đoàn

Kể về lý do học ngành truyền thông, Chinh Đoàn nói: “Vì lúc nhỏ bố làm cho tờ báo The Oklahoman (lớn nhất) tại đây, khi đó bố làm công việc dọn dẹp, quét rác trong tờ báo này. Nhưng em không biết, cứ nghĩ bố làm phóng viên. Vì hằng ngày bố đem báo về, Chinh thường đọc. Nhờ vậy, Chinh đọc tiếng Anh giỏi lắm, giáo viên không hiểu vì sao Chinh mới qua Mỹ mà đọc giỏi quá. Từ từ, Chinh bắt đầu cùng bố xem tin tức Mỹ mỗi đêm với bố, rồi mới đi ngủ. Nên từ đó càng yêu thích ngành này hơn.
Dù sau đó không lâu, em biết được công việc của bố, em càng thương bố nhiều hơn, vì ông phải vất vả kiếm tiền chăm lo cho con”.
Chinh Đoàn học về ngành truyền thông. Cô nói thạo tiếng Việt, đồng thời biết thêm tiếng Tây Ban Nha, vì cô hy vọng có thể trở thành một trong số ít những người làm nghề truyền thông có thể thông thạo 3 ngôn ngữ ở Oklahoma. Khi còn trong trường, Chinh tham gia làm báo của nhà trường và giữ nhiều vai trò lãnh đạo các hiệp hội sinh viên. Cô cũng đoạt được nhiều học bổng vì thành tích ưu tú của mình.

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài và hinh trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT