Đời Sống Việt

"Đến bao giờ, đến bao giờ nữa, Việt Nam ơi?"

Wednesday, 06/05/2015 - 08:07:38

"Lời Thề Thứ Chín” là tác phẩm LQV viết vào tháng cuối cùng của cuộc đời anh, luôn hấp dẫn khán giả bởi những thông điệp đầy tính tranh đấu trước sự nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ có chức quyền tha hóa trong đời sống xã hội, ít có tác phẩm nào dám phê phán trực diện xã hội đến thế. Nó thúc giục đấu tranh cho quyền làm người.

Phượng Vũ

"Tổ quốc là nơi tỏa bóng yên vui
Nơi nghĩ đến lòng ta yên tĩnh nhất
Nhưng nghĩ đến Người lòng tôi rách nát
Xin Người đừng trách giận, Việt Nam ơi"
Thơ Lưu Quang Vũ

"Đến bao giờ, đến bao giờ nữa, Việt Nam ơi?" là tiếng kêu thống thiết của nhà thơ Lưu Quang Vũ trong câu kết của Bài Thơ "Việt Nam ơi!" khi nói về đất nước thân yêu, mà anh đã viết ra từ thập niên 70. Nhưng cho đến bây giờ tiếng kêu thống thiết đó vẫn còn nguyên vẹn nghĩa hiện thực, khi nhìn về tình hình đất nước hiện nay. Đó có lẽ cũng là tiếng kêu của nhiều người Việt Nam trên toàn thế giới còn thương yêu quê hương hình chữ S bên bờ Thái Bình Dương




Thực ra trước đây tôi chỉ biết đến Lưu Quang Vũ với tư cách là một kịch tác gia nổi tiếng với những vở kịch thu hút người xem mãnh liệt như Tôi Và Chúng Ta, Hồn Trương Ba Da Hàng Thịt, Tin Ở Hoa Hồng, Những Điều Không Thể Mất... Có lẽ Lưu Quang Vũ là nghệ sĩ duy nhất xuất thân từ miền Bắc, nhưng lại được công chúng yêu kịch nghệ miền Nam đón chào nồng nhiệt. Tôi nhớ lại thập niên 80, mỗi lần có đoàn kịch từ miền Bắc vào Saigon lưu diễn những vở kịch của LQV là dân Saigon háo hức xếp hàng đi mua vé, thậm chí có khi hết vé phải mua vé chợ đen. Sở dĩ dân Saigon yêu mến LQV có lẽ vì bản chất người Saigon nói riêng và người miền Nam nói chung vốn bộc trực thẳng thắn và đầy nghĩa khí (kiểu "giữa đường thấy việc bất bằng mà tha"). Đó là tính cách đặc trưng của dân miền Nam đã có từ bao đời và vẫn đang tiếp tục phát triển. Và kịch LQV đã đáp ứng được những yếu tố tinh thần ấy,vì những vở kịch của anh nói lên khát vọng được làm người chân chính, dám can đảm đánh thẳng vào cái xấu của xã hội đương thời, của những kẻ có chức có quyền, đem chúng ra chế diễu, chỉ trích đúng người, đúng việc mà không hề sợ nguy hiểm...
Lần rồi về Saigon, khi biết Nhà Hát Tuổi Trẻ đang diễn vở "Lời Thề Thứ Chín" của LQV, tôi điện thoại đặt vé ngay rồi rủ bạn cùng đi xem, dù là nơi diễn khá xa Saigon, nhưng có hề chi nếu mình được thưởng thức được một "bữa ăn tinh thần" đầy thú vị. Tôi vốn dĩ rất mê xem kịch, nhưng phải là kịch hay và có giá trị, nên tất nhiên không thể bỏ qua khi có cơ hội được xem những vở kịch viết từ trái tim của LQV, mà tôi đã từng ngưỡng mộ từ thập niên 80 khi còn ở Saigon




Lời Thề Thứ Chín là một vở kịch tâm lý xã hội mang tinh thần chống tham những, chỉ trích thói quan liêu dựa vào điều thứ 9 trong 10 lời thề danh dự của quân đội. Trong chế độ XHCN, đặc biệt luôn có cả kho lý thuyết điều lệ rất hay, rất kêu nhưng trên thực tế thì hoàn toàn trái ngược, nên vở kịch tuy được LQV viết ra từ mấy thập niên trước nhưng vẫn còn mang nguyên vẹn hơi thở thời đại..., như thời gian gần đây dư luận xôn xao về việc ông Trần Văn Truyền, nguyên tổng thanh tra chính phủ có một khối tài sản khổng lồ; khi bị báo chí phanh phui, chính quyền đành phải vào cuộc điều tra và sau cùng ra quyết định tịch thu, nhưng chỉ ở mức chiếu lệ. Ở Việt Nam có điều nghịch lý là quan chức nào làm việc trong những bộ phận chống tham nhũng hoặc thanh tra thì lại càng có cơ hội tham nhũng nhiều hơn. Tình trạnh tham nhũng ở Việt Nam tràn lan khắp nơi khắp chốn đến độ có 1 quan chức đã phát biểu "Nếu diệt hết tham nhũng thì còn đâu ra người làm việc". Theo Trace International xếp hạng thì Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia tham nhũng nhất, và lúc sau này còn bị tụt hạng so với những nước láng giềng chung quanh. Điều thú vị, trong dịp Tết Nguyên Đán vừa rồi, miền Bắc có rất nhiều lễ hội trong đó có lễ hội "Minh Thề" không tham nhũng ở huyện Kiên Thụy, Hải Phòng thì lại vắng bóng các quan (thì ra các quan cũng sợ sự linh thiêng của lời thề "lấy của công về làm của tư... xin thần linh đả tử"...) Đáng lẽ ra lễ hội này cần được nhân rộng ra vì nó giáo dục đạo đức nhân cách con người, nó giúp người ta làm nhiều việc tốt với Minh Tâm (Tâm sáng tỏ). Trong khi đó lễ hội "Khai Ấn Đền Trần" ở Nam Định để xin thăng quan tiến chức thì dày đặc người và xe, nhất là xe công của các quan (dù đã có lệnh cấm sử dụng xe công vào việc riêng). Tôi thiết nghĩ khi các ủy ban chống tham nhũng không làm được việc, sao không bắt các quan to đang nắm quyền về tham dự lễ "Minh Thề", biết đâu lại có hiệu quả thì sao?
Mang tiếng nói đấu tranh chống tham nhũng lên sân khấu, Lời Thề Thứ 9 được coi là một tác phẩm kinh điển, một viên ngọc sáng trong kho tàng kịch bản của Lưu Quang Vũ. Vở kịch kể về một nhóm bộ đội được thưởng phép, nhưng họ không nghỉ ngơi mà cùng nhau về quê của một đồng đội tìm lại công lý, hỏi tội những kẻ đang cướp đất, hành hạ giam cầm người thân đồng đội mình, vì cha mẹ của anh ta bị ông chủ tịch xã bức bách. Lưu Quang Vũ khiến người xem phải suy nghĩ, thức tỉnh về đời sống hôm nay: Những kẻ nắm quyền lực trong tay luôn vô cảm trước nỗi thống khổ của người dân. Những điều Lưu Quang Vũ đã gửi gắm trong vở kịch Lời Thề Thứ 9 thật sâu sắc và còn giữ nguyên giá trị, đó là câu chuyện đậm tính thời sự vì ta vẫn cảm thấy hình như các sự việc ấy đang xảy ra đâu đó trên đất nước V.N. hôm nay Có thể thấy, thông điệp của vở kịch sau mấy mươi năm vẫn vẹn nguyên chân giá trị.
"Lời Thề Thứ Chín” là tác phẩm LQV viết vào tháng cuối cùng của cuộc đời anh, luôn hấp dẫn khán giả bởi những thông điệp đầy tính tranh đấu trước sự nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ có chức quyền tha hóa trong đời sống xã hội, ít có tác phẩm nào dám phê phán trực diện xã hội đến thế. Nó thúc giục đấu tranh cho quyền làm người.
Những hình ảnh trong vở kịch đã vẽ lên tính chất mỉa mai châm biếm chế độ thật sâu sắc. Nơi văn phòng xã, một bảng khẩu hiệu thật to, treo ngay chỗ ai cũng phải nhìn thấy: "Nhân Dân LÀm Chủ" nhưng người dân bị bắt oan, bị giam cầm trái phép (trong khi con trai đang là bộ đội chiến đấu) đã kiên nhẫn đi khiếu nại 17 lần, nhưng không được ai trả lời. Họ cứ chuyền người dân như chuyền banh từ xã lên huyện, rồi đẩy lên tỉnh, rồi tới trung ương. Những điều LQV viết ra trong vở kịch như một lời tiên tri khi nó đã trở thành một hiện thực càng ngày càng rõ nét. Nếu ngày nay để ý quan tâm chúng ta sẽ thấy số người dân đi khiếu kiện vì mất nhà mất đất càng ngày càng đông đảo. Họ phải bỏ nhà, bỏ ruộng vườn, cơm đùm, cơm nắm để ăn chực nằm chờ ở các cơ quan đại diện chính phủ ở Saigon và đặc biệt là văn phòng tiếp dân ở Hà nội
Rồi hình ảnh cán bộ, bộ đội dùng súng uy hiếp trấn lột tịch thu của người dân với danh nghĩa "sung vào công quỹ" đã được gọi đúng tên của nó là: "Ăn Cướp" khiến chúng ta liên tưởng tới các vụ nổi lên trong thời gian gần đây như Tiên Lãng (Hải Phòng), Văn Giang (Hưng Yên)…
Trong "Lời Thề Thứ 9" hình ảnh người mẹ phải khăn gói cực khổ đến cơ quan tỉnh đúng ngày lịch "Tiếp Dân" thì được bảo vệ cho biết chủ tịch đi vắng, bà phải kêu "Trời", người xưa mỗi lần bị oan ức, khổ cực người dân đều đổ tại Trời, nhưng bây giờ thì biết rõ không phải do Trời, mà là do con người, những cán bộ vừa vô học, vừa hách dịch quyền lực (không phải chỉ có cán bộ cấp xã, huyện mà ngay cả chính quyền Hà Nội mới đây cũng tỏ ra ngu xuẩn khi cho chặt 6700 cây xanh cổ thụ mà không ý thức được nó làm tổn hại môi sinh như thế nào, cho đến khi dân Hà nội phải biểu tình chống lại việc chặt cây xanh lúc đó nhà cầm quyền mới ý thức được cây xanh là "lá phổi" của thành phố). Trong "Lời Thề Thứ 9", khi bị bảo vệ đuổi ra ngoài nhìn thấy tấm bảng "Cán bộ là đầy tớ trung thành của nhân dân", nguời dân đã uất ức hét lên: "Đầy tớ mà hống hách quá, có ngày chủ sẽ thay đầy tớ". Tất cả khán giả xem kịch đều đồng loạt vỗ tay vang dội cả khán phòng, điều này cho thấy niềm khát vọng muốn thay đổi chế độ của người dân. Nói tới khẩu hiệu "Cán bộ là đầy tớ của nhân dân", tôi lại nhớ đến phim "Chuyện Tử Tế" của đạo diễn Trần văn Thủy. Bộ phim đã phơi bày 2 hình ảnh trái ngược đầy tính chất mỉa mai
- Những ông bà chủ đất nước: quần áo nhàu nát đang khổ sở chen chúc, chầu chực xếp hàng ở các ga xe lửa để mua vé di chuyển, và chưa biết có mua được không?
- Các đầy tớ nhân dân: với những bộ vest sang trọng, đi xe con đời mới, có tài xế riêng, bảo vệ riêng. Xe vừa ngừng, có người mở cửa cho các "đầy tớ" bước xuống.
Nhớ lại thời điểm chiếu phim"Chuyện Tử Tế", tôi đã cổ vũ cả lớp H.D. cùng đi xem phim. Sau đó, tôi dùng giờ đầu của sáng thứ Hai, dành cho sinh hoạt lớp để các HS thảo luận về nội dung và ý nghĩa của bộ phim. Không ngờ giờ sinh hoạt rất hào hứng, các em thi nhau nói lên sự mở rộng tầm nhìn về xã hội chung quanh, nhờ đó các em bước ra khỏi cơn mê muội với một "mớ khẩu hiệu" tốt đẹp, với những "rổ danh từ" hào nhoáng mà các em đã bị nhồi sọ qua những giờ chính trị, những buổi sinh hoạt đoàn, và từ những cái loa phóng thanh, tivi luôn ra rã bên tai. Cả một hệ thống tuyên truyền khổng lồ đã tồn tại và vẫn tồn tại cho đến bây giờ để phục vụ đường lối cai trị của đảng bằng cái ác, dùng khủng bố để người ta sợ và luôn che dấu sự thật (Bài viết "Cái đêm hôm ấy đêm gì? của Phùng Gia Lộc). Theo tin mới nhất 2015, khi lần đầu tiên ngân sách chi tiêu của nhà nước được công khai hóa, người ta mới thấy số tiền chi cho bộ phận tuyên truyền của VP Trung ương đảng nhiều gấp 10 lần chi tiêu của VP chính phủ??
Điều quan trọng hơn nữa là bộ phim đã đánh thức "tình người" nơi các em khi được nhìn hình ảnh cảm động của các soeur tận tụy, hy sinh chăm sóc hết lòng không quản ngại máu mủ dơ bẩn hay sợ bị lây bệnh cho những người cùi lở loét trong các trại phong. Nó khuyến khích các em biết "sống tử tế" vì "sống trong đời sống cần có một tấm lòng". Sau đó lớp trưởng tự động cầm chiếc nón đi quyên tiền để giúp các trại phong, cô giáo "mở hàng" vét hết tiền trong bóp, sau đó các em đã lần lượt dốc hết túi để bỏ vào cuộc lạc quyên bất ngờ nhưng đầy hứng thú, có em còn hẹn về đập "heo bỏ ống" mai đóng tiếp. Các em vui vì đã làm được việc nghĩa, cô giáo vui vì đã tạo cơ hội cho các em thực hành "việc tử tế". Tổng số tiền thu được khá lớn ngoài dự kiến để gửi giúp các trại phong. Chưa bao giờ cô trò chúng tôi có một giờ học đầy bổ ích, vui và thú vị đến thế! Đặc biệt nó lại giúp việc rèn nhân cách và tâm hồn để các em sống biết nghĩ tới người khác, biết "sống tử tế" và trở thành "người tử tế" cho gia đình, xã hội mai sau.
Xin cám ơn Văn Học miền Bắc còn sót lại những nguời như đạo diễn Trần Văn Thủy, và đặc biệt nhà thơ - kịch tác gia Lưu Quang Vũ vì đã cống hiến cho đời những "đứa con tinh thần" rất đáng trân trọng.
Điểm đặc biệt khi nói về các vở kịch đấu tranh chống cái xấu, cái tiêu cực... của Lưu Quang Vũ, chúng ta đừng lầm tưởng, nó sẽ căng thẳng, giáo điều...; nguợc lại vở kịch cung cấp cho các bạn những trận cười mệt nghĩ, cười chảy cả nước mắt nhưng lại châm biếm thấm thía từ những tình tiết rất thật của đời thường bật ra, chứ không phải loại cười "chọc lét" hạ cấp, mà tôi rất ghét. Đó là cái tài và cái thông minh của LQV, chỉ có 1 tài năng lớn và cái tâm trong sáng mới viết lên được những vở kịch như vậy. Và tôi yêu kịch LQV là vì thế, nói dùm mình những điều bất mãn và uất ức về xả hội mà mình "ghét cay, ghét đắng, ghét vào tận tâm" nhưng không có cơ hội nói ra được,vừa lại giúp mình có những trận cười thư giãn xả stress. Những vở kịch của anh tạo những tiếng vang rất lớn trong xã hội. Có lẽ phải rất lâu nữa Việt Nam mới xuất hiện được một kịch tác gia tài hoa như Lưu Quang Vũ.
Một vở kịch mà tôi nhớ cười từ đầu tới cuối là "Bệnh Sĩ" nói về những người hiền lành, chân chất, thật thà nhưng háo danh, sĩ diện... (hình như bệnh này không ít người VN mắc phải). Do đó nhiều chuyện dở khóc dở cười xảy ra, để rồi chính họ phải tự nhận ra đã mắc căn bệnh chung: bệnh sĩ. Bên cạnh những tình tiết gây cười, vở kịch còn hàm chứa yếu tố châm biếm sâu sắc, và vở diễn được xem là một câu chuyện ngụ ngôn thời đại. Tuy đã xem rồi nhưng nếu có dịp để xem lại tôi vẫn thích xem, xin mời các bạn chưa từng xem kịch LQV nên xem thử 1 lần cho biết, bạn sẽ được cười thỏa thích và xả tress nữa
Lan man nói về kịch LQV mà tôi quên vấn đề chính tôi muốn chia sẻ với các bạn hôm nay, là tâm hồn thi sĩ của LQV, mà ít người để ý đến. Trong một buổi tối tình cờ tôi được nghe bài thơ "Việt Nam ơi!" của anh. Bài thơ đã làm tôi xúc động, bây giờ tôi mới biết bên cạnh 1 tài năng xuất chúng về kịch nghệ anh còn có tâm hồn của 1 nhà thơ yêu quê hương đất nước rất chân thành, rất đáng trân trọng. Vào đầu thập niên 70 khi cuộc chiến giữa 2 miền Nam - Bắc đang ở cao điểm, văn học miền Bắc dưới sự chỉ đạo của đảng đã không ngớt lời đồng thanh ca ngợi "cuộc chiến tranh thần thánh": Với Tố Hữu là "Ôi, tổ quốc giang sơn hùng vĩ" nhưng với LQV, anh đã dám vượt qua "nỗi sợ cố hữu" của người dân sống dưới chế độ Cộng sản để miêu tả hiện thực miền Bắc lúc bấy giờ:
"Mảnh đất nghèo máu ứa ?
Người sẽ đi đến đâu
Hả Việt Nam khốn khổ ?"
Văn học XHCN không tiếc lời ca ngợi những "Người Hùng" trong cuộc chiến:
"Đất nước của những người con trai con gái
Đẹp hơn hoa hồng, cứng hơn sắt thép" (Nam Hà)
(nhưng không hề có trong thực tế như Lê văn Tám, Hồ thị Kỷ...):

LQV thương người dân đã chịu quá nhiều đau thương mất mát. Anh âm thầm "phản chiến" vì biết rõ mọi người tự trong tâm thức - đã rã rời, kinh hoàng bởi chiến tranh :
Dân tộc tôi bốn ngàn năm áo rách
Những người chết đặc trong lòng đất
Những mặt vàng sốt rét
Những bộ xương đói khát vật vờ đi.
LQV đã mạnh dạn tước bỏ hết những lớp hào quang mà nhà cầm quyền đã tô vẽ cho cuộc chiến lẽ ra chúng ta đã không phải lăn mình vào
"Mấy mươi năm đã mấy lớp người
Chia lìa gục ngã."
Rồi anh thảng thốt kêu lên vì thương quê hương mình :"Đã tận cùng nỗi khổ" nhưng vẫn chưa được buông tha:
"Người ta còn muốn gì Người nữa
Việt Nam ơi ?"
Trong khi nhà thơ Chế lan viên hào sảng cất lời ca ngợi:
"Hỡi sông Hồng tiếng hát bốn ngàn năm
Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?"
thì LQV với trái tim chân thành thương người dân "rách rưới" nghèo khổ vẫn bị lôi vào cuộc chiến kéo dài, với những hình ảnh"tổ quốc" buồn rầu đến nao lòng:
"Những áo quần rách rưới
Những hàng cây đắm mình vào bóng tối...
Mấy mươi năm vẫn mái tranh này
Dòng sông đen nước cạn..."
Đảng C.S. hô hào kêu gọi "Hãy tin tưởng...", nhưng LQV đã chân thành tỏ bày: "Gắng tin tưởng nhưng lòng tôi có hạn" Đúng là "LQV đã đi trước thế hệ một cái đầu" như lời phát biểu của nghệ sĩ Thành Lộc mới đây khi nói về kịch tác gia LQV vì những điều anh cảm nhận được thì nhà văn Dương Thu Hương phải đợi đến sau 75 mới ngồi bên vỉa hè Saigon khóc nức lên khi thấy "cả một thế hệ tuổi trẻ chúng tôi đã bị lãng phí và lừa gạt!". XHCN chỉ toàn là "Bánh Vẽ", trong 1 bài phỏng vấn nhà văn nữ Nguyễn Ngọc Tư, cô bị gài vào cái ghế hội đồng nhân dân tỉnh Cà Mau cũng đã thành thật thú nhận cô không làm được gì hết, dù cô muốn "rút lui" cũng không được, nên đành là "nghị dật dờ" thôi. Cô cho biết "em cảm thấy bất lực, em có cảm giác không chống được guồng máy đã gài chế độ chạy tự động" mặc dù cô là người trẻ dám nghĩ, dám viết
Người ta nói văn học mỗi thế hệ cho được vài ba thi sĩ đúng nghĩa thi sĩ. Nhưng thi sĩ nói lên được tiếng lòng của đám đông, gặp gỡ tâm hồn một dân tộc còn hiếm hoi hơn nữa. LQV thuộc cái số hiếm hoi đáng quý đó!
Tiếng nói của LQV thì đã bị "bóp nghẹt" mãi cho đến sau khi anh mất một thời gian, bạn bè thân tín mới tìm cách cho ra mắt bài thơ "Việt Nam ơi"( thập niên 90) . Ta hãy hình dung cả một xã hội miền Bắc thời đó, văn học dưới sự chỉ đạo của đảng đồng thanh ca ngợi, cổ vũ chiến tranh thì chỉ một mình LQV là tiếng nói cô đơn nguợc dòng, anh là nguời can đảm "chở thật thà vào lòng dối trá", anh dám bộc lộ tiếng nói từ trái tim chân thành của mình :
"Những khổ đau dằng dặc
Những tai ương đang diễn ra khủng khiếp
Có chút gì nghĩa lý hay không?"

Tôi yêu tiếng nói chân thành từ trái tim của anh, anh LQV vì "Sự chân thành là điều tốt đẹp nhất bạn có thể đem trao tặng cho ai đó, sự thật, lòng tin cậy, tình bạn và tình yêu đều tùy thuộc vào điều đó cả" (TTT). Sự chân thành của anh đã trải dài theo ngọn bút của anh qua những bài thơ dạt dào tình yêu thương dân tộc và tổ quốc. Nó cũng trải dài theo những vở kịch đầy sắc bén của anh khiến những kẻ "tội đồ" khiếp sợ muốn bịt miệng anh chăng? Có phải vì thế mà anh và cả gia đình nhỏ đã bị chết thảm trong 1 tai nạn xe hơi khủng khiếp đầy bất ngờ? (1988) lúc tuổi đời còn trẻ (mới 40 tuổi) và sức sáng tạo của anh đang ở đỉnh cao. Mặc dù Lưu Qung Vũ đã đi xa, nhưng niềm mơ ước của anh về một quê hương thanh bình yên ấm như vẫn còn quanh quẩn đâu đây :
"Đến bao giờ Người mới được nghỉ ngơi
Trong nắng ấm và tiếng cười trẻ nhỏ?
Đến bao giờ đến bao giờ nữa
Việt Nam ơi"
Hôm nay tôi viết những dòng này để tưởng niệm Lưu quang Vũ, một người con tài hoa của đất Việt, vẫn nặng lòng về tương lai của đất nước, như anh thổ lộ: "nghĩ đến Người lòng tôi rách nát". Nguyện xin anh linh "sống khôn chết thiêng" của anh hãy phù hộ cho dân tộc này, để câu hỏi thống thiết của anh "Đến bao giờ đến bao giờ nữa Việt Nam ơi" cũng là của bao con dân đất Việt khắp thế giới sớm có lời giải đáp về một quê hương thân thương với hình ảnh:
"Dân tộc mình mở tới một trang vui...
Những ban mai xanh biếc tiếng đàn bầu
Vầng yêu thương soi sáng suốt cuộc đời
Khắp triền sông vang tiếng trẻ con cười
Đất nước đàn bầu
Đất nước ban mai"

Phượng Vũ

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT