Thế Giới

Bangladesh: Một nhà sư lớn tuổi bị chém chết, nghi người Hồi

Sunday, 15/05/2016 - 12:10:52

Chưa có nhóm nào lên tiếng nhận trách nhiệm, mặc dù vụ sát hại nhà sư tại quận Bandarban, ở miền đông nam xa xôi, đã có vẻ giống với một số vụ giết người mới đây bị nghi ngờ là do các người Hồi giáo quá khích gây ra.

Các nhà sư biểu tình kêu gọi ngưng giết các tu sĩ sau khi có một vị sư lớn tuổi bị chém chết trong tự viện vào sáng sớm thứ Bảy. (Hình: Lahore Daily Times)


Một tăng sĩ Phật Giáo cao niên đã bị chém chết ở Bangladesh, theo cảnh sát cho biết. Đây là vụ mới nhất trong một loạt những vụ sát hại những người thuộc các nhóm thiểu số tôn giáo và các nhà hoạt động thế tục, tại quốc gia này nơi có đa số dân chúng là tín đồ Hồi Giáo.

Chưa có nhóm nào lên tiếng nhận trách nhiệm, mặc dù vụ sát hại nhà sư tại quận Bandarban, ở miền đông nam xa xôi, đã có vẻ giống với một số vụ giết người mới đây bị nghi ngờ là do các người Hồi giáo quá khích gây ra.

Trong một đợt gia tăng bạo động gây lo ngại tại quốc gia Nam Á, có đến bảy vụ giết người xảy ra tính từ đầu tháng Tư đến nay.

“Dân làng tìm thấy thi thể của nhà sư Bhante Maung Shue U Chak trong một vũng máu ở bên trong ngôi chùa vào sáng nay. Ông bị chém chết,” Jashim Uddin, phó cảnh sát trưởng của Bandarban nói với thông tấn xã AFP.

Ông Uddin nói rằng sư cụ 75 tuổi này đã bị tấn công bởi ít nhất bốn người, tại ngôi chùa ở Baishari, cách thủ đô Dhaka khoảng 350 cây số về phía đông nam, vào sáng sớm thứ Bảy.

Ông nói, “Chúng tôi đã thấy những dấu chân người trong ngôi chùa, và tìm thấy rằng có ít nhất bốn người đi vào trong khu tự viện.”

Ông nói rằng sư Bhante U Chak đang sống một mình trong ngôi chùa trên sườn đồi, sau khi gần đây ông bỏ công việc nhà nông để trở thành một tu sĩ toàn thời gian.

Một luật sư nhân quyền hàng đầu ở Bangladesh, thân cận với cộng đồng Phật giáo của nước này, nói với AFP rằng sư Bhante U Chak đã nhận được những lời nặc danh đe dọa giết ông.

Luật sư Jyotirmoy Barua nói, “Ông trở thành một tu sĩ cách đây chỉ mới được một năm rưỡi. Ông đã nhận những lời đe dọa tính mạng, nhưng không ai để ý một cách thận trọng.”

Đa số cư dân Bandarban là Phật tử. Đây là nơi sinh sống của những người bản thổ theo đạo Phật cách đây nhiều thế kỷ.

Anisur Rahman, phụ tá thanh tra cảnh sát quận, người đã có mặt ở hiện trường, nói rằng các cảnh sát viên vẫn chưa xác định được một động lực dẫn đến vụ sát hại, và “dường như nhà sư này không có bất cứ kẻ thù cá nhân nào cả.”

Vụ giết hại này xảy ra giữa lúc những người Hồi Giáo bị nghi ngờ đã bị quy trách nhiệm, hoặc tự nhận trách nhiệm, trong hàng chục vụ giết chết những người thiểu số theo các phái Hồi Giáo Sufi, Shiite và Ahmadi, cũng như các tín đồ Ấn Độ Giáo, Thiên Chúa Giáo, và những người ngoại quốc, trong những năm gần đây.

Vụ sát hại hôm thứ Bảy làm tăng thêm một số lượng tử vong thê thảm trong tuần qua, gồm một sinh viên vô thần, hai nhà hoạt động tranh đấu cho các quyền của giới đồng tính, một giáo sư cấp tiến tự do, một người thợ may theo Ấn Độ Giáo, và một nhà lãnh đạo Hồi Giáo Sufi, bị chém chết từ tháng qua.
Nhóm Hồi Giáo Quốc (IS) và một chi nhánh ở Bangladesh của Al Qaeda nói rằng họ đã thực hiện một số trong những vụ giết người ấy.

Nhưng chính phủ thế tục ở Dhaka phủ nhận rằng IS và Al Qaeda đứng đằng sau các vụ tấn công. Chính phủ nói rằng hai nhóm ấy không có sự hiện diện được biết đến ở Bangladesh, và quy trách nhiệm về những vụ giết người cho các chiến binh trong nước.

Bangladesh có đa số dân chúng là tín đồ Hồi Giáo Sunni, với những nhóm thiểu số nhỏ theo Thiên Chúa Giáo và Ấn Độ Giáo.

Các tín đồ Phật Giáo chiếm chưa tới 1 phần trăm trong dân số 160 triệu người của Bangladesh.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT