Hoa Kỳ

Biển cũng bị hâm nóng như trên mặt đất, sóng nhiệt tăng gấp đôi từ 1982 đến 2016

Sunday, 19/08/2018 - 08:43:43

Nhiều loài sinh vật biển đã tiến hóa để sinh tồn, trong một dải nhiệt độ khá hẹp so với các sinh vật trên cạn, và thậm chí hiện tượng nóng lên dần có thể gây ra gián đoạn rối loạn.


Những mảng rong biển chết trôi vào bãi biển San Diego trong tháng Tám. Các chuyên gia nói rằng nước biển California đã nóng hơn trước, khiến cho rong biển bị chết ở đại dương và trôi vào bờ nhiều hơn trong thời gian gần đây. (Mario Tama/Getty Images)

SAN DIEGO – Trong lúc vùng tây nam nước Mỹ đang nóng ở mức cao chưa từng thấy, thì ngay cả các đại dương cũng đang phá kỷ lục về nhiệt độ trong mùa hè năm nay.

Ở ngoài khơi bờ biển San Diego, vào đầu tháng Tám này các khoa học gia ghi nhận những mức nhiệt độ của nước biển cao nhất mọi thời kỳ, tính từ khi những dữ kiện được lưu trữ bắt đầu vào năm 1916.
ông Art Miller thuộc Viện Hải Dương Học Scripps nói, “Giống như chúng ta có những đợt sóng nhiệt trên đất liền, chúng ta cũng có những đợt sóng nhiệt trong đại dương.”

Từ năm 1982 cho tới năm 2016, số lượng “sóng nhiệt hải dương” tăng lên gấp đôi, và sẽ trở nên thông thường và mãnh liệt hơn khi địa cầu nóng lên. Những khoảng thời gian kéo dài của nhiệt độ cực cao trong các đại dương có thể gây hư hại cho những mảng rừng tảo bẹ và các rạn san hô dưới đáy biển, và làm hại cá cũng như những loài sinh vật biển khác.

“Chiều hướng này sẽ chỉ tiếp tục tăng nhanh với hiện tượng toàn cầu nóng lên,” ông Thomas Frolicher, một nhà khoa học khí hậu tại viện Đại Học Bern ở Thụy Sĩ, người cầm đầu cuộc nghiên cứu, cho biết.
Nhóm của ông đã định nghĩa những đợt sóng nhiệt ở biển là những sự kiện cực độ, trong đó nhiệt độ bề mặt của biển vượt quá tỷ lệ phần trăm thứ 99 của những cuộc đo lường cho một vị trí nào đó. Vì các đại dương hấp thụ và phóng nhiệt chậm hơn so với không khí, nên hầu hết các sóng nhiệt biển đều kéo dài trong ít nhất mấy ngày - và một số đợt nóng như thể kéo dài trong vài tuần.

Nhiều loài sinh vật biển đã tiến hóa để sinh tồn, trong một dải nhiệt độ khá hẹp so với các sinh vật trên cạn, và thậm chí hiện tượng nóng lên dần có thể gây ra gián đoạn rối loạn.

Một số động vật biển bơi lội tự do, như cá đuối dơi (bat ray) hoặc tôm hùm có thể thay đổi thói quen của chúng. Tuy nhiên những loài sinh vật cư ngụ cố định, như các rạn san hô và rừng tảo bẹ, đều đang “ở trong tình trạng nguy hiểm thực sự.” Ông Michael Burrows, một nhà sinh thái học tại viện hải dương học Scottish Marine Institute, không tham gia cuộc nghiên cứu này, cho biết điều trên.

Trong hai năm 2016 và 2017, nhiệt độ đại dương cao dai dẳng ở ngoài khơi miền đông nước Úc đã giết chết một nửa trong tổng số rạn san hô nước cạn của Great Barrier Reef - với những hậu quả đáng kể cho các sinh vật khác lệ thuộc vào vùng rạn san hô này.

Ove Hoegh-Guldberg, một nhà sinh vật học hải dương tại đại học University of Queensland, nói, “Cứ bốn con cá trong đại dương thì có một con sống ở trong hoặc xung quanh các rạn san hô. Vì vậy, phần nhiều của sự đa dạng sinh học ở đại dương phụ thuộc vào một khối lượng khá nhỏ của đáy đại dương.”

Cuộc nghiên cứu mới nhất trong tạp chí Nature đã dựa theo các dữ liệu vệ tinh và những hồ sơ khác ghi chép về nhiệt độ mặt biển, bao gồm những dữ liệu từ các tàu thủy và phao. Cuộc nghiên cứu này không bao gồm những kết quả đo lường phá kỷ lục mới đây ở vùng biển gần bến tàu Scripps Pier tại San Diego - đạt mức 79.5 độ F vào ngày 9 tháng Tám.

Những sự thay đổi trong lưu thông đại dương, được liên kết với những vùng nước bề mặt nóng hơn, có lẽ sẽ làm giảm bớt sản lượng thực vật phù du, tức là các sinh vật nhỏ tạo thành căn bản của mạng lưới lương thực ở biển.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT