Bình Luận

Biển Đông nổi sóng

Monday, 16/05/2016 - 10:02:24

Obama sẽ đến thăm Việt Nam ngày 23 tháng 5/2016; trong thập niên này, ông là vị tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên đến thăm Việt Nam trong lúc còn tại vị; mặt khác Việt Nam đang đứng hạng 8 trong số những quốc gia nhập cảng nhiều chiến cụ nhất.

Bài NGUYỄN ĐẠT THỊNH

Ngày thứ Ba, mùng 10 tháng 5, 2016 -gần hai tuần trước ngày Tổng Thống Barack Obama công du Á Châu- một người phát ngôn của Bộ Quốc Phòng Mỹ -ông Bill Urban- cho biết chiến hạm USS William P. Lawrence của Hải Quân Mỹ đã tiến sát hòn đảo Đá Chữ Thập -một hòn đảo đang tranh chấp trên Biển Đông giữa Trung Cộng với nhiều quốc gia khác như Đài Loan, Phi Luật Tân, và Việt Nam. Trên đảo Đá Chữ Thập, Trung Cộng xây dựng một phi trường dã chiến với đường bay dài 3,000 thước, đủ cho mọi loại phi cơ lớn có thể đáp.

Đảo Đá Chữ Thập nằm trong quần đảo Trường Sa.


Đảo Đá Chữ Thập (số 4), trong quần đảo Trường Sa, có sân bay dài 3,000 thước

Đảo Đá Chữ Thập có sân bay dài 3,000 thước

Ông Urban xác nhận hải trình đi sát đảo Đá Chữ Thập của chiến hạm William P. Lawrence là để thách thức lời tuyên bố chủ quyền của những quốc gia đang tranh chấp hòn đảo này; thế giới đều hiểu quốc gia bị Mỹ thách thức là Trung Cộng, vì Trung Cộng đang chiếm giữ đảo Đá Chữ Thập.


Chiến hạm William P. Lawrence thách thức chủ quyền Trung Cộng trên đảo Đá Chữ Thập.


Trung Cộng cử hai máy bay chiến đấu J-11 để “đuổi” tàu chiến Mỹ ra khỏi Biển Đông.

Urban phân tách, “Những tuyên bố chủ quyền lãnh hải quá đáng đó, đi ngược lại luật pháp quốc tế, được ghi rõ trong Công Ước Liên Hiệp Quốc Về Luật Biển (UNCLOS) -đạo luật bảo vệ quyền tự do hải hành mà Mỹ và mọi nước đều được hưởng.”

Với hải trình chỉ cách đảo Đá Chữ Thập có 22 cây số (12 hải lý) khu trục hạm William P. Lawrence cố ý chứng minh quyền của mọi con tàu được tự do xê dịch trên hải phận quốc tế.

Úc tuyên bố ủng hộ việc Mỹ thách thức chủ quyền Trung Cộng trên Biển Đông, trong lúc Trung Cộng chỉ trích hành động của Mỹ tạo đe dọa cho nền hòa bình địa phương.

Thủ Tướng Úc Malcolm Turnbull nói với phóng viên truyền thông là, sáng thứ Năm 5/12 -chỉ 48 tiếng đồng hồ ngay sau cuộc hải hành có dụng ý của chiến hạm William P. Lawrence- ông đã điện thoại gọi Tổng Thống Obama để trình bày lập trường của Úc trong nhu cầu bảo vệ tự do hải hành.

“Chúng tôi thảo luận với nhau về nhiều vấn đề an toàn của địa phương này,” ông Turnbull nói. “Chúng tôi cũng khẳng định mọi cam kết bảo vệ tự do hải hành và đồng ý với nhau là mọi tranh chấp lãnh thổ sẽ phải được giải quyết trong hòa bình, và giải quyết phù hợp với luật lệ quốc tế.”

Đối với mọi người, đương nhiên câu ông Turnbull nói nghe hợp lý và công bằng, nhưng chủ trương của Úc “giải quyết tranh chấp lãnh thổ mà không dùng đến sức mạnh” lại đi ngược quyền lợi của Trung Cộng, và việc đưa họ ra tòa đối chất với Phi Luật Tân, Việt Nam, Đài Loan ... về chủ quyền những hải đảo họ đang chiếm giữ lại là xử ức họ.

Urban còn nói việc khu trục Trung Cộng nhào lộn, biểu diễn trên không phận Biển Đông, trong lúc chiến hạm Mỹ lững thững đi vào hải phận Trường Sa, chứng tỏ Trung Cộng có thái độ chiếm giữ và có nhu cầu phòng thủ quần đảo này.

“Thái độ tư hữu quá đáng đó hoàn toàn phi pháp và đi ngược lại quyền tự do hải hành, mà Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác muốn bảo vệ,” Urban viết trong bản tuyên cáo bằng email.

Việc Trung Cộng và Hoa Kỳ tố cáo lẫn nhau “quân sự hóa Biển Đông,” là tình trạng đã kéo dài từ vài năm nay; khu trục hạm William P. Lawrence chỉ hâm nóng vấn đề để nhấn mạnh chủ thuyết “quay trở lại Á Châu” của ông Obama.

Obama đưa chiến hạm vào Biển Đông để khẳng định lập trường của Hoa Kỳ chống việc Trung Cộng lập căn cứ quân sự trên những hải đảo mà họ đang tranh chấp chủ quyền với nhiều quốc gia khác.
Phát ngôn viên ngoại giao Trung Cộng Lục Khăng (Lu Kang) lên án việc chiến hạm Mỹ xâm phạm bất hợp pháp lãnh hải Trung Cộng; trong một buổi họp báo thường ngày, Lục Khăng nói, “hành động của tầu chiến Mỹ xâm phạm lãnh hải Trung Hoa đe dọa chủ quyền và nền an toàn của Trung Quốc, tạo bất an cho viên chức Trung Quốc, và phá hoại nền hòa bình địa phương.”


Lục Khăng

Trong lúc đó, tại Luân Đôn, Ngoại Trưởng John Kerry phủ nhận việc Hoa Kỳ muốn tỏ thái độ với Trung Cộng nhân chuyến công du Á Châu của ông Obama. Trả lời câu hỏi của một phóng viên, Kerry nói, “Việc xảy ra chỉ nhằm mục đích bảo vệ quyền tự do hàng hải, chứ không phải là thông điệp chiến lược Hoa Kỳ gửi Trung Quốc.”

Đang có mặt tại Việt Nam, ông Daniel Russel -phụ tá tổng trưởng Ngoại Giao đặc trách Đông Á, Thái Bình Dương của Hoa Kỳ- cũng tuyên bố, “Nếu Hoa Kỳ -lực lượng hải quân mạnh nhất thế giới - cũng không được quyền hải hành trên những vùng biển được luật quốc tế cho tự do hải hành, thì tàu bè những quốc gia nhỏ hơn làm sao xê dịch được.”

Trung Cộng đặt một ưu tiên rất cao vào Biển Đông; họ đang chuẩn bị việc xây dựng đảo Scarborough Shoal - một đảo san hô chỉ cách bờ biển của Phi Luật Tân 140 dặm, thành một căn cứ hỏa tiễn, và đặt trên đảo một hệ thống radar điều khiển hỏa tiễn. Dĩ nhiên mục tiêu nhắm bắn của giàn hỏa tiễn này là chiến hạm Mỹ trên Biển Đông.


Trung Cộng chiếm đảo Scarborough Shoal, chỉ cách bờ biển Phi Luật Tân có 140 hải lý.

Tổng thống đắc cử của Phi Luật Tân -ông Rodrigo Duterte- tuyên bố tình hình đang thay đổi nhanh chóng và rõ rệt; lực lượng Trung Cộng tại đảo Scarborough Shoal sẽ cung cấp cho Hải quân Trung Quốc khả năng chống lại lực lượng Mỹ ở Phái Luật Tân - Vịnh Subic Bay, vịnh Manila và eo biển Luzon có nguy cơ bị giàn hỏa tiễn đặt tại đó chế ngự.

Tại Việt Nam hai hãng Mỹ, chuyên sản xuất chiến cụ -Boeing (BA.N) và Lockheed Martin (LMT.N)- đến Việt Nam để nghiên cứu nhu cầu chiến cụ của Việt Nam trong trường hợp chiến tranh xảy ra. Hãng thông tấn Reuters cho biết Bộ Quốc Phòng Việt Nam từ chối lời yêu cầu của Reuters xin tham dự để tường trình cuộc thảo luận giữa Việt Nam và các hãng xuất cảng chiến cụ.

Việt Nam cũng không khẳng định việc Mỹ giải tỏa lệnh cấm vận vũ khí đối với họ.

Obama sẽ đến thăm Việt Nam ngày 23 tháng 5/2016; trong thập niên này, ông là vị tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên đến thăm Việt Nam trong lúc còn tại vị; mặt khác Việt Nam đang đứng hạng 8 trong số những quốc gia nhập cảng nhiều chiến cụ nhất.

Với chính sách Pivot (quay lại Á Châu-Thái Bình Dương) Mỹ chủ trương gây dựng một sức mạnh đối kháng với Trung Cộng, bằng cách võ trang cho các nước Nhật, Nam Hàn, Phi Luật Tân, và Việt Nam.
Trung Cộng tuyên bố họ hân hoan chào mừng việc Việt Nam thân thiện với Mỹ; nhiều bình luận gia nhận định thái độ của Trung Cộng -thái độ không sợ những chiến cụ Mỹ trong tay Việt Cộng- vì họ nắm đầu được bọn lãnh tụ Việt Cộng. (nđt)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT