Thế Giới

Biển Đông: Trung Cộng đề nghị Mỹ ủng hộ việc Bắc Kinh muốn đàm phán với Manila

Tuesday, 26/07/2016 - 10:09:35

Trung Quốc đã nhiều lần đổ lỗi cho Hoa Kỳ gây ra thêm căng thẳng ở Biển Đông và thiên vị trong cuộc tranh chấp. Washington phủ nhận những cáo buộc này.

Bà Ngoại Trưởng Úc Julie Bishop đang nói chuyện với Ngoại Trưởng Vương Nghị, trong lúc Ngoại Trưởng John Kerry đứng ở hàng trên tại hội nghị ASEAN diễn ra ngày thứ Ba tại Vientiane, Lào. (Hoang Dinh Nam/ Getty Images)

 

Ngoại trưởng Trung Quốc đã đề nghị Ngoại Trưởng Mỹ John Kerry ủng hộ việc tái tục các cuộc đàm phán giữa Trung Quốc và Phi Luật Tân về Biển Đông, nhân dịp họ có mặt tại hội nghị ASEAN diễn ra tại Lào ngày thứ Ba. Mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Manila đã lạnh lùng hơn trước khi sau khi tòa quốc tế đưa ra phán quyết hoàn toàn chống Trung Cộng trong vấn đề giành chủ quyền theo “đường lưỡi bò” tại Biển Đông.

Trung Quốc đã không tham gia, và từ chối chấp nhận phán quyết vào ngày 12 tháng 7 của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực, được Liên Hiệp Quốc ủng hộ. Trong phán quyết đó, Manila đồng minh của Mỹ đã giành được một chiến thắng pháp lý mạnh mẽ.

Hai ngoại trưởng gặp nhau tại thủ đô Vientiane, trong một cuộc hội nghị thượng đỉnh của Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN). Ngoại Trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói với ông Kerry rằng Trung Quốc và ASEAN đã đồng ý với nhau rằng các vụ tranh chấp nên được quay trở lại “đúng” đường, tức là được giải quyết bởi những cuộc đàm phán trực tiếp với các bên liên quan.

Trung Quốc “hy vọng rằng phía Mỹ thực hiện những biện pháp thực tế, để ủng hộ việc mở lại những cuộc đàm phán giữa Trung Quốc và Phi Luật Tân, và ủng hộ các nỗ lực của Trung Quốc và ASEAN nhằm duy trì nền hòa bình và sự ổn định trong khu vực,” Vương Nghị nói theo một văn bản của Bộ Ngoại Giao Trung Cộng cho biết.

Trung Quốc đã nhiều lần đổ lỗi cho Hoa Kỳ gây ra thêm căng thẳng ở Biển Đông và thiên vị trong cuộc tranh chấp. Washington phủ nhận những cáo buộc này.

Sự tranh chấp chủ quyền giữa các quốc gia với Trung Quốc trên vùng biển giàu tài nguyên, là một trong những vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất cho 10 quốc gia thành viên của ASEAN. Những nước này đã bị giằng co giữa ước vọng muốn khẳng định chủ quyền của họ, trong khi vẫn muốn duy trì các mối quan hệ tốt với Bắc Kinh, trong lúc Trung Cộng càng ngày càng quyết đoán hơn.

Nói với các phóng viên tại Vientiane, Ngoại Trưởng Phi Luật Tân Perfecto Yasay nói rằng cuộc tranh chấp không phải là một cuộc chiến giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, mà là giữa Trung Quốc và Phi Luật Tân.
Ông nói, “Chúng tôi muốn theo đuổi những mối quan hệ song phương, trong mức độ liên quan tới giải pháp ôn hòa cho cuộc tranh chấp, đó là giữa Trung Quốc và Phi Luật Tân. Những người khác không liên quan đến cuộc tranh chấp đó.”

Trung Quốc cũng đã tố cáo Nhật Bản can thiệp vào cuộc tranh chấp.
Theo Bộ Ngoại Giao Trung Quốc cho biết, Vương Nghị một lần nữa kêu gọi Tokyo đừng can thiệp vào Biển Đông. Ông nói rằng Nhật Bản không phải là một nguyên cáo trong các vụ tranh chấp, và nên tránh can thiệp vào những vụ tranh cãi hàng hải.

Vương nghị nói với Ngoại Trưởng Nhật Bản Fumio Kishida, “Các mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản vẫn còn yếu và chưa làm hài lòng.”

Nhật Bản và các đồng minh là Úc và Mỹ đã đưa ra một bản tuyên bố chung, bày tỏ “việc họ mạnh mẽ phản đối bất kỳ hành động đơn phương cưỡng bách nào ở Biển Đông, và kêu gọi cả Phi Luật Tân và Trung Quốc hãy tuân theo phán quyết có tính cách ràng buộc pháp lý.

Trung Quốc đã giành được một chiến thắng ngoại giao, vì các quốc gia Đông Nam Á không nhắc đến phán quyết của tòa án nữa, trong một bản tuyên bố chung hôm thứ Hai, khi họ gặp phải sự phản đối quyết liệt từ Cam Bốt, một nước ASEAN đồng minh thân cận nhất của Trung Quốc.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT