Người Việt Khắp Nơi

Buổi tưởng niệm nhà văn Võ Phiến (1925 – 2015)

Saturday, 03/10/2015 - 10:50:26


Và người kế tiếp là giáo sư Trần Huy Bích cùng một vài vị khác, tất cả đều tán dương nhà văn Võ Phiến, một nhà văn vĩ đại nhất của Việt Nam trong thời hiện tại. Các thân hữu đến kính viếng lần lượt lên thắp hương trước linh cữu và thinh lặng ra về.

Bài THANH PHONG

LITTLE SAIGON - Vào lúc 2 giờ chiều Thứ Bảy ngày 3 tháng 10, 2015, gia đình, thân hữu của nhà văn Võ Phiến đã tổ chức Lễ Tưởng Niệm cho ông tại phòng số 1 Peek Funeral Home, thành phố Westminster, Nam California.

Quan tài nhà văn Võ Phiến được đặt nằm dưới chân pho tượng Phật A Di Đà. Phía trước quan tài có bàn thờ với di ảnh nhà văn Võ Phiến, nhang đèn và những chén, bát đựng thức ăn, nước uống cúng cho ông. Hai bên vách tường đầy ắp những vòng hoa của thân nhân và bằng hữu. Buổi lễ Tưởng Niệm do nhà báo Đinh Quang Anh Thái điều hợp chương trình.

Thị Trưởng Tạ Đức Trí và phu nhân đến viếng nhà văn Võ Phiến và chia buồn với tang quyến ngày thứ Bảy, 3 tháng 10, 2015. (Thanh Phong/Viễn Đông)



Có mặt vào lúc này có Giám Sát Viên Andrew Đỗ, Thị Trưởng Tạ Đức Trí và phu nhân, cùng các văn, thi hữu như Doãn Quốc Sỹ, Nhã Ca, Trần Dạ Từ, Bùi Bảo Trúc, Nguyễn Ngọc Bích, Đặng Thơ Thơ, Trịnh Y Thư, Phan Nhật Nam, Phan Huy Đạt, Đỗ Việt Anh, Lê Anh Dũng, Phan Tấn Hải, bà quả phụ Lê Đình Điểu, bà quả phụ Nguyễn Mộng Giác, kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa, và rất nhiều thân hữu trong giới nhà văn, nhà báo.

Ông Đinh Quang Anh Thái đọc bản tiểu sử rất dài nhà văn Võ Phiến đã được các báo chí Việt ngữ hải ngoại đăng tải mấy ngày vừa qua. Nhà văn Võ Phiến tên thật là Đoàn Thế Nhơn, Pháp danh Nhật Trí, sanh ngày 20 tháng 10, 1925 tại Bình Định. Tạ thế ngày 28 tháng 9, 2015 tại Orange County, California, hưởng thọ 90 tuổi.

Sau phần tuyên đọc tiểu sử, ông Đinh Quang Anh Thái mời một số nhà văn, nhà thơ lên phát biểu cảm tưởng hoặc nói về những kỷ niệm với nhà văn Võ Phiến.

Người đầu tiên, nhà văn Nhã Ca, bà xúc động khi đề cập đến một người vừa mới ra đi mà mới hôm nào bà còn được ngồi gần cạnh ông nghe ông tâm sự. Với nhà văn Nhã Ca, Võ Phiến hay Viễn Phố (tên vợ ông) vẫn là một.

Nhà văn trẻ, cô Đặng Thơ Thơ đọc một bài khá dài, kể chuyện năm cô lên 9 tuổi, thường trốn bố mẹ lên gác tìm những cuốn sách cấm trẻ em đọc, trong đó cô rất mê đọc sách của Võ Phiến, và cũng năm đó, cô gặp rất nhiều nhà văn tên tuổi đến bàn luận thơ văn với nhà văn Võ Phiến. Với Đặng Thơ Thơ, nhà văn Võ Phiến là cây cổ thụ trong văn học miền Nam, và dù cho Võ Phiến mất đi nhưng hình ảnh, văn phong của Võ Phiến vẫn nằm trong lòng cô và những người trẻ.

Nhà văn Trịnh Y Thư nhắc đến kho tàng văn chương thuộc đủ thể loại của nhà văn Võ Phiến, từ những truyện ngắn, truyện dài, truyện rất ngắn đến tùy bút, bình luận, v.v. tất cả là một kho tàng vô giá trong văn học Việt Nam.

Bà quả phụ Nguyễn Mộng Giác tâm sự với bà quả phụ Võ Phiến về nỗi đau mất người thân yêu nhất như thế nào. Với kinh nghiệm của một quả phụ, bà Nguyễn Mộng Giác xin bà Võ Phiến hãy can đảm, chấp nhận thực tại. Nhìn về phía quan tài nhà văn Võ Phiến, bà Nguyễn Mộng Giác nói, “Chú luôn ở mãi trong lòng em và các độc giả. Vĩnh biệt chú!”

Kế đến, ông Bùi Bảo Trúc được mời chia sẻ tâm tình. Ông kể lại chuyện “Thư Nhà” là cái hộp đựng giày mà ông cất các lá thư của người thân gửi cho vào đó và đề ngoài hộp hai chữ “Thư Nhà.” Sau đó, thật ngẫu nhiên, ông nhận được cuốn sách của nhà văn Võ Phiến, cuốn “Thư Nhà.” Ông Bùi Bảo Trúc kết luận, “Nhà văn Võ Phiến là một ông già tinh quái của tôi.”

Kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa lên phát biểu, đáng chú ý nhất câu ông nói, “Nhà văn Võ Phiến là một cột sống của văn học miền Nam, ông là đỉnh cao chữ nghĩa của văn chương Việt Nam. Chúng ta trở thành văn minh hơn nhờ đọc văn Võ Phiến.”

Và người kế tiếp là giáo sư Trần Huy Bích cùng một vài vị khác, tất cả đều tán dương nhà văn Võ Phiến, một nhà văn vĩ đại nhất của Việt Nam trong thời hiện tại. Các thân hữu đến kính viếng lần lượt lên thắp hương trước linh cữu và thinh lặng ra về.

Trong Lễ Tưởng Niệm, gia đình có in bài thơ “Tạ Từ” với tựa đề “Đến” rất ngắn gọn của nhà văn Võ Phiến:
“Mải miết ra đi đâu tính đến.
Đến nơi nào?
Bảy tám mươi năm rồi cũng đến
Đến rồi sao!”
Bài thơ có chữ ký của nhà văn đề tháng XI,1998.
Tang lễ nhà văn Võ Phiến sẽ được cử hành vào lúc 11 giờ trưa Chủ Nhật, ngày 4 tháng 10, 2015. Linh cữu sẽ được hỏa táng lúc 12 giờ 30 tại Peek Crematory.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT