Người Việt Khắp Nơi

Buồn! Nhà văn Nhật Tiến, tác giả của Thềm Hoang, vừa từ trần theo hiền thê

Monday, 14/09/2020 - 09:34:22

Gần ba tuần sau ngày nữ văn sĩ Đỗ Phương Khanh ra đi vĩnh viễn, thì nhà văn Nhật Tiến cũng đã về cõi vĩnh hằng với hiền thê của ông, để lại sự thương tiếc và buồn bã cho rất nhiều người chỉ vừa mới qua cơn xúc động trong lúc giã biệt vợ của ông.


Nhật Tiến do Đỗ Phương Khanh chụp làm hình bìa cuốn Hành Trình Chữ Nghĩa năm 2012.

 

WESTMINSTER - Gần ba tuần sau ngày nữ văn sĩ Đỗ Phương Khanh ra đi vĩnh viễn, thì nhà văn Nhật Tiến cũng đã về cõi vĩnh hằng với hiền thê của ông, để lại sự thương tiếc và buồn bã cho rất nhiều người chỉ vừa mới qua cơn xúc động trong lúc giã biệt vợ của ông. Ngay trong số báo Viễn Đông ngày hôm nay, nhà văn Nhật Tiến còn đứng tên trong thư đại diện tang quyến để tri ân và cảm tạ hàng trăm người từ ban hộ niệm của chùa, các hội đoàn, giới truyền thông và chính quyền từng góp lời cầu nguyện trước sự ra đi của bà Đỗ Phương Khanh. Và nay mọi người cùng cầu nguyện cho chính ông.

Bà Đỗ Phương Khanh đã qua đời vào ngày 26 tháng 8 vừa qua. Nay, theo tin của gia đình, vào lúc 11:26 phút trưa thứ Hai, ngày 14 tháng 9, 2020 (tức 27 tháng 7 năm Canh Tý), nhà văn Nhật Tiến đã từ trần tại thành phố Irvine, Nam California, hưởng thọ 84 tuổi.

Nhà văn Nhật Tiến tên đầy đủ là Bùi Nhật Tiến, sinh ngày 24 tháng 8, 1936, tại Hà Nội .

Trên HienChanh Tran Facebook hôm thứ Hai, trang này viết rằng nhà văn Nhật Tiến là tên tuổi lớn trên văn đàn Việt Nam, tác giả tiếp nối của dòng văn học Tự Lực Văn Đoàn; và, bằng chính đời sống và sáng tác của mình, ông mở rộng những chủ đề và cả phong cách sáng tác theo dòng lịch sử đất nước.

Có thể nói, lịch sử đặt ông vào những biến cố lớn của đất nước, để từ đó, thông qua ngòi bút của mình, ông trở thành tiếng nói của thời đại mà chính ông và gia đình là những nhân chứng sống. Năm 1954 ông di cư vào Nam, sống tại Đà Lạt, rồi Sài Gòn. Vượt biển vào tháng 10, 1979, và tỵ nạn tại Songkhla, Thái Lan 9 tháng. Ông và gia đình định cư tại California từ năm 1980.

Về sự nghiệp văn chương, ông đoạt Giải Nhất Giải Văn Chương Toàn Quốc năm 1960 – 1961, với tác phẩm Thềm Hoang. Trước đó, năm 1952, truyện ngắn của ông lần đầu xuất hiện tại Hà Nội trên Nhật Báo Giang Sơn và những vở kịch trên Tuần Báo Cải Tạo năm 1953-1954.

Tại Đà Lạt, năm 1954 - 1955, ông tiếp tục viết kịch truyền thanh cho đài radio tiếng nói của Ngự Lâm Quân. Từ năm 1958, tại Sài Gòn, 1958, ông tham gia Giai Phẩm Văn Hóa Ngày Nay do nhà văn Nhất Linh chủ biên.

Trước năm 1975, tại Việt Nam, ông từng viết cho Giang Sơn, Cải Tạo, Thời Tập, Chánh Đạo, Bách Khoa, Văn, Tân Phong, Văn Học, Đông Phương. Tại hải ngoại, từ năm 1980 đến nay, ông được mời xuất hiện trên nhiều tờ báo và trang web.

Riêng tại California, ông đã từ viết cho Người Việt, Sài Gòn, Văn Nghệ, Hợp Lưu, Văn Học, Việt Tide, Vietstream, Khai Phóng, Chấn Hưng, Việt Nam Hải Ngoại. Ngoài ra, ông còn có tác phẩm trên Đất Mới ở Seattle, Ngày Nay ở Kansas City, Xác Định ở Virginia. Xa hơn, bên ngoài Hoa Kỳ, ông có bài trên Chuông Saigon, Việt Luận, Chiêu Dương phát hành tại Úc Châu, Lửa Việt tại Canada, Độc Lập tại Tây Đức), và Đường Mới, Quê Mẹ tại Pháp.

Tác phẩm của ông bao gồm nhiều thể loại: Truyện dài, truyện ngắn, truyện thiếu nhi, kịch - tiểu thuyết kịch. Đặc biệt, những năm sau này ông làm công việc khảo cứu gần như là văn học sử qua các tác phẩm ghi chép và tiểu luận.

Ngoài viết văn, ông còn là nhà giáo. Ông dạy học, và tham gia các hoạt động văn hóa, giáo dục và xã hội khác. Ông là người viết thỉnh nguyện thư và sau trở thành thành viên của Ủy Ban Báo Nguy Giúp Người Vượt Biển (Boat People S.O.S. Committee), từ năm 1980 đến 1990.


 

 

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT