Người Việt Khắp Nơi

Camp Pendleton, những gian nan ngày đầu đến Mỹ

Monday, 12/04/2010 - 09:29:54

CAMP PENDLETON - Ngày 8-4-2010 vừa qua, để kỷ niệm 35 năm tiếp nhận hàng ngàn người Việt tỵ nạn đầu tiên đến Camp Pendleton, một cuộc triển lãm hình ảnh liên ...

Hoa-Pham-va-Camp-Pendlenton.jpg


Ông Hòa Phạm trong phòng triển lãm tại Camp Pendleton – ảnh: Thanh Phong/Viễn Đông.


Thanh Phong/Viễn Đông



CAMP PENDLETON - Ngày 8-4-2010 vừa qua, để kỷ niệm 35 năm tiếp nhận hàng ngàn người Việt tỵ nạn đầu tiên đến Camp Pendleton, một cuộc triển lãm hình ảnh liên quan đến sự kiện này được tổ chức từ ngày 8-4 đến 30-9-2010 tại một căn nhà trong doanh trại TQLC. Phóng viên Viễn Đông đã có mặt ngay ngày đầu cuộc triển lãm và có các bài tường thuật vào các ngày 9 và 10-4-2010. Hôm nay, kính mời độc giả theo dõi chuyện kể của ông Hòa Phạm, một cựu chiến sĩ QLVNCH,  phục vụ tại Sở Công Tác, Nha Kỹ Thuật Bộ Tổng Tham Mưu, về những ngày đầu tiên đặt chân đến Camp Pendleton.


Rời Việt Nam


Vào những ngày cuối tháng 4-1975, sau khi đơn vị di tản từ Đà Nẵng vào Sài Gòn, trú đóng tại kho 18 và những toán Lôi Hổ tiếp tục công tác hành quân vùng xung quanh vòng đai Sài Gòn – Chợ Lớn cho đến Bộ Tổng Tham Mưu. Vào buổi trưa 29-4, một số chúng tôi được lệnh chuẩn bị lên các chiếc LCN (loại đổ bộ) tháp tùng đoàn tàu Hải Quân ra đi. Cấp trên cho biết là ra Phú Quốc chứ không ai nghĩ là đi Mỹ cả, vì một số khác được lệnh trở ra Phan Rang cứu hai ông tướng đang bị kẹt ngoài đó. Nhưng khi tàu ra đến hải phận quốc tế, đã có một tàu lớn của Mỹ chờ sẵn, và tất cả được lệnh xuống những sà lan để qua tàu lớn và họ chở thẳng về Subic Bay của Phi Luật Tân. Subic Bay là căn cứ quân sự của Phi, nên chính phủ Phi chỉ cho một số nhỏ lên lãnh thổ của họ, sau đó tất cả phải dời qua một  hòn đảo khác, rồi từ đây đi qua Hoa Kỳ.

Hòa may mắn được lên tàu qua đảo Guam, rồi từ Guam đi máy bay về West Irland, một hòn đảo nhỏ, chiều dài chỉ bằng một phi đạo, vậy mà đã thấy có hàng ngàn người Việt tỵ nạn đang có mặt. Chúng tôi ở đó một tháng rưỡi và làm xong thủ tục hành chánh. Rồi từ West Irland đi Hawaii bằng máy bay quân sự. Từ Hawaii, họ chở chúng tôi bằng máy bay dân sự bay về Camp Pendleton.


Đến Mỹ


Chúng tôi đặt chân xuống Camp Pendleton vào khoảng tháng 6-1975 và ở đây cho đến tháng 9 thì ra khỏi trại. Các cuộc di chuyển người tỵ nạn đều đi ban đêm. Khi máy bay đáp xuống phi trường, thì  đến đậu ở một góc vắng, và họ dùng loại xe bít bùng chở người tỵ nạn chúng tôi về Camp Pendleton. Sở dĩ có tình trạng này, vì lúc đó phong trào phản chiến tại Mỹ vẫn còn mạnh, sau khi Mỹ rút hết quân về nước, nền kinh tế Hoa Kỳ bắt đầu xuống dốc thê thảm, và người dân họ nghĩ rằng họ đang khốn đốn, nay lại phải nuôi thêm dân tỵ nạn Việt Nam nữa, nên họ chống. Hơn nữa, khi quân đội đã rút về nước, họ đâu còn chống lính nữa, bèn quay qua chống người tỵ nạn.

Có lẽ vì lý do đó mà chính phủ cho thiết lập trại tiếp cư trong căn cứ Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ cho an toàn chăng? Tuy nhiên khi đã vào trại rồi, chúng tôi được các nhà thờ và trường trung học quanh vùng Oceanside, San Diego tới thăm và các nghệ sĩ trình diễn văn nghệ giúp vui; còn phía anh  em quân nhân TQLC Mỹ, họ hết lòng săn sóc chu đáo cho từng người, nhất là các cụ già và trẻ em.


Những nỗi gian nan


Những người tỵ nạn có gia đình, đặc biệt những gia đình có con nhỏ hay người già, được người bảo trợ nhận dễ dàng; trong khi đó những người độc thân thật khốn đốn, cái khổ trước hết là không rành ngôn ngữ, nên không làm sao nói cho người Mỹ hiểu, tinh thần thì hoang mang lo lắng, không biết gia đình, thân nhân, đồng đội mình còn ở Việt Nam giờ này ra sao? Sống chết thế nào? Còn thân phận mình sẽ trôi dạt về đâu, vì nhìn chung quanh toàn thấy đồi, núi hoang sơ! Chính vì thế mà nhiều người tìm cách kết hôn với nhau ngay, để mong sớm ra khỏi trại.

Trong trại không có sách, không có băng học Anh văn, nên một số người có kiến thức và ngoại ngữ, họ làm ra một tập sách nhỏ gọi là cẩm nang, chỉ vẽ cho đồng hương biết một vài điều nên tránh khi ở Hoa Kỳ, như đừng mặc đồ ngủ ra đường, đừng khạc nhổ, tiểu tiện bừa bãi, đừng ngậm tăm xỉa răng trong miệng khi đi ngoài phố, v.v..

Những người độc thân như chúng tôi, rất chán nản, thất vọng, nhưng may mắn cho anh em chúng tôi là luôn luôn có các bạn đồng ngũ đùm bọc nhau, nên cũng đỡ nản. Nhiều người không có tiền, đến nỗi muốn uống một lon Coca Cola 25 xu cũng không có tiền mua. Đã vậy, khi 62 anh em độc thân xin đi làm Security cho một hãng ở San Francisco, qua các cơ quan thiện nguyện, còn bị ăn chặn tiền, lẽ ra mỗi người được 300 Mỹ kim, họ chỉ đưa cho có 10 Mỹ kim. Khoảng 4 hay 5 tháng sau, một số cơ quan của Hoa Kỳ khám phá ra người tỵ nạn bị bỏ đói, nhờ tờ báo San Francisco Chronicle đưa lên báo, từ đó mới có nhiều người bảo trợ cho anh em độc thân được ra đi.


Sinh hoạt trong trại


Camp Pendleton mở cửa từ tháng 4-1975 và đóng cửa vào tháng 10 cùng năm. Theo lời Đại tá Chỉ Huy Trưởng lúc đó cho hay, ông nhận được lệnh tiếp nhận người tỵ nạn Việt Nam chỉ trước một ngày, nên ra lệnh cho binh sĩ cấp tốc dựng lều. Trại chỉ có khả năng tiếp nhận khoảng 7.000 người, nhưng trong thời gian trên, người đi rồi người khác đến tổng cộng có 50.000 đồng bào tỵ nạn đã đặt chân đến Camp Pendleton. Mỗi chiếc lều chứa khoảng 30 cái giường xếp, mỗi người một chiếc. Gia đình đông người thì họ xếp liền nhau 3, 4 cái giường xếp, và lấy tấm vải ngăn cách với những gia đình khác. Những bồn rửa mặt thiết trí ngoài trời và dùng toàn nước lạnh, chỉ có phòng tắm làm trong lều.


anh-Hoa-Pham-va-Camp-Pendle.jpg


Hai cặp Nguyễn Thế Hùng - Nguyễn thị Kiều Oanh và Nguyễn thị Tuyết Oanh – Phùng văn Hảo cùng tổ chức lễ cưới ngay trong Camp Pendleton, trại số 5, do Cha Peter Cho, cũng là một người tỵ nạn, làm chủ lễ vào ngày 22-5-1975 – ảnh: Sgt. E. A. Manthey, Thanh Phong chụp lại.


Ban đêm thời tiết lạnh lẽo vô cùng, người Việt mình quen khí hậu bên nhà, nay gặp thời tiết tại Mỹ chịu không thấu, có người mượn 5 chiếc mền đắp lên người vẫn chưa hết lạnh.

Một cái khổ khác là đồ ăn, người mình không quen khẩu vị Mỹ nên hôm nào họ cho ăn Hot dog, Hamburger, thì người sắp hàng thưa thớt; ngược lại, hôm nào cho ăn thịt gà thì sắp hàng dài, thật dài!

Một số trường trung học tại gần đấy lại thăm, rồi nhiều nghệ sĩ tên tuổi Hoa Kỳ cũng đến giúp vui văn nghệ, nhưng không làm sao cho chúng tôi quên nỗi buồn, phần buồn vì  đất nước mất vào tay Cộng sản, phần vì không biết thân nhân, đồng đội giờ ra sao.

Sau khi được ra khỏi trại, lúc đó ở vùng này nói đến Orange County hay California chẳng ai biết là đâu, đi ra ngoài khó mà gặp được người Á Châu; hôm nào gặp được một người Việt, ôi thôi hai bên cùng mừng rỡ, họ mời về nhà, nấu cơm cho ăn. Rồi từ từ người ty nạn khắp nơi mới tìm về California đông đảo.


Trở lại Camp Pendleton


Chúng tôi trở lại Camp Pendleton năm năm sau. Lúc đó mấy anh em Hướng Đạo chúng tôi kéo nhau đến một cột cờ của khu Hướng Đạo và cùng nhau thượng cờ VNCH. Sau 10 năm, Căn cứ này tổ chức kỷ niệm lớn, họ dựng lại lều y như năm 1975 và mời những người Việt tới dự. Năm đó có mấy ngàn người trở về thăm lại Camp Pendleton.

Năm 2000, kỷ niệm 25 năm tiếp nhận người tỵ nạn, Hội Cựu Chiến Binh Hoa Kỳ tham chiến tại Việt Nam, phối hợp với trại tổ chức khá lớn và anh em Không Quân VNCH có xin phép được bay bằng máy bay Cessna kéo quốc  kỳ VNCH ngang qua buổi lễ, thả bong bóng và treo cờ VNCH. Buổi lễ diễn ra rất cảm động và thu hút số đông người tỵ nạn, còn bữa nay kỷ niệm 35 năm, họ tổ chức triển lãm cho chúng ta xem.

Khi ông Hòa Phạm kết thúc câu chuyện, chúng tôi hỏi ông: “Những lần trước cũng như lần này, khi đặt chân trở lại Camp Pendleton, cảm tưởng của anh ra sao?”. Ông Hòa Phạm thoáng buồn, trả lời: “Sau khi nói chuyện với anh tại phòng triển lãm, tôi lái xe đi lòng vòng tổng cộng cả trăm mile, đi hết các nơi trong trại để được nhìn lại dĩ vãng 35 năm về trước. Ký ức hiện về như một cuốn phim, làm tôi thật sự xúc động. Mình nghĩ thời gian trôi qua nhanh quá, mới đó đã 35 năm, bằng phân nửa đời người, rồi chợt nghĩ không biết lấy gì đền đáp công ơn của những người lính TQLC Mỹ, những người dân Hoa Kỳ, các em học sinh, sinh viên và nghệ sĩ, họ đã đối xử quá tốt với người tỵ nạn Việt Nam mình. Nếu như không có những tấm lòng như vậy, không biết  cuộc sống của người tỵ nạn như tôi giờ này sẽ ra sao!”.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT