Đạo và Đời

Chúa Chiên Lành

Thursday, 05/05/2022 - 07:42:46

Một trong những hình ảnh cổ xưa và rất đáng yêu về Chúa Giêsu đó là hình ảnh Chúa Chiên Lành. Theo những nhà...


Kiếng màu hình ảnh Chúa Giêsu là Chúa Chiên Lành tại nhà thờ Methodist Church ở thị xã Walters, tiểu bang Oklahoma. (Getty Images)


Bài LM VINCENTÊ PHẠM NGỌC HÙNG

Một trong những hình ảnh cổ xưa và rất đáng yêu về Chúa Giêsu đó là hình ảnh Chúa Chiên Lành. Theo những nhà chú giải Thánh Kinh, người chăn chiên nhân lành có rất nhiều đặc tính, nhưng trong bài Tin Mừng hôm nay Thánh Gioan mô tả Chúa Giêsu là Chúa Chiên Lành qua hai điểm: điểm thứ nhất là tương quan giữa Chúa Giêsu với chiên của Ngài; và điểm thứ hai là tương quan giữa Ngài và Thiên Chúa Cha.

Chiên của Chúa Giêsu là những ai nghe theo tiếng của Ngài, nhận ra tiếng của Ngài, và bước theo tiếng của Ngài. Tại những nơi có nhiều đàn chiên, những người chăn chiên thường nhốt chúng chung trong một chuồng vào ban đêm. Có những chuồng lên tới 5,000 con, nhưng sáng sớm khi chuồng được mở ra, từng đàn chiên đi theo chủ chiên của mình mà không bao giờ có con nào đi lạc bởi vì mỗi người chăn chiên có những tiếng gọi chiên khác nhau. Chiên theo đúng chủ của mình vì chúng nhận ra tiếng của chủ chúng.

Ngược lại những người chăn chiên biết rõ chiên của mình. Họ không bao giờ đếm chiên, nhưng con nào đi lạc họ biết ngay bởi vì người chăn chiên lúc nào cũng gắn bó với chiên và lo cho từng con chiên. Khi một con chiên nào đó đi lạc, người chăn chiên biết được ngay, không phải vì số chiên trong đàn ít đi, nhưng vì hình ảnh đặc thù của con chiên không còn ở đó nữa. Nếu một người chăn chiên bình thường đã có được một mối tương quan mật thiết như vậy với chiên của mình, thì Chúa Chiên Lành là Đức Giêsu gắn bó mật thiết với những người đi theo Ngài biết là chừng nào.

Đối với những ai là chiên của Ngài, Chúa nói, “Tôi biết chúng và chúng biết tôi.” Chữ “biết” được dùng trong đoạn văn này cũng cùng một chữ khi Đức Maria thưa với Thiên Thần Gabrien trong câu truyện Truyền Tin, “Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam” (Lc 1:34). Ngài biết chiên của Ngài trong một tương quan rất mật thiết và đầy lòng từ ái. Ngoài ra, Ngài còn hứa ban cho họ được sống đời đời, và sẽ không để ai cướp chiên ra khỏi tay của Ngài. Đây là một lời hứa chắc chắn bởi vì Ngài có quyền lực trên cả sự chết. Ngài sẵn sàng hy sinh mạng sống mình để có thể lấy lại (Ga 10:17). Chính vì lý do này mà chiên của Ngài có thể vững dạ an lòng rằng họ sẽ không sợ bị hư mất.

Song song với tương quan mà đàn chiên Ngài coi sóc, Chúa Giêsu còn mạc khải cho chúng ta về tương quan giữa Ngài với Thiên Chúa Cha, “Tôi và Cha Tôi là một.” Theo những nhà chú giải Thánh Kinh, chữ “một” của tiếng Hy Lạp không phải là chữ nói đến Chúa Cha và Chúa Con có cùng một bản thể, nhưng chữ “một” ở đây diễn tả việc Chúa Giêsu chăm lo cho đoàn chiên là ý định của Thiên Chúa Cha. Cách Chúa Giêsu lo cho chiên chính là điều mà Chúa Cha mong muốn.

Cha mẹ trong cùng một gia đình có thể có hai lối để yêu thương và lo cho con cái, nhưng khi Thiên Chúa lo cho chiên của Ngài thì chỉ có một, và đó là cách hoàn hảo nhất, phù hợp với cuộc sống của chúng ta. Có thể chúng ta không hiểu hết, nhưng nếu có cách nào tốt hơn thì Ngài đã dùng cách đó để yêu thương chúng ta, như lời của Thánh Vịnh 23 diễn tả, “Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi.”

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT