Người Việt Khắp Nơi

Chuẩn bị cho Ngày Du Ca Việt Nam: Bốn Mươi Năm Nhìn Lại

Tuesday, 21/04/2015 - 07:59:00

Đúng là khi đất nước rơi vào tay bạo cuồng thì hàng hàng nước mắt đã đổ ra suốt chiều dài quê hương với biết bao gia đình tan nát điêu linh.Vì cảm động với lời bài hát nên chúng tôi quyết tâm hát cho được, bởi tâm niệm của Du Ca là "không ngại khó", đến câu hào hùng mạnh mẽ nhất: "Hãy Đoàn Kết Lại!" thì giọng ca của chúng tôi đã chất ngất hào khí!

Bài PHƯỢNG VŨ

Vào lúc 7 giờ chiều thứ Bảy, 25/4/2015, Đoàn Du Ca Nam California sẽ tổ chức Ngày Du Ca Việt Nam với chủ đề “Bốn Mươi Năm Nhìn Lại” tại Phòng Sinh Hoạt Nhật Báo Người Việt. Vào cửa tự do.

Những ai đã từng một thời là sinh viên, học sinh Sàigòn vào thập niên 60-70, chắc đều còn nhớ Phong Trào Du Ca mà con chim đầu đàn là nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang. Thời đó Phong Trào Du Ca ảnh hưởng sâu rộng tới các tầng lớp sinh viên, học sinh, đặc biệt là ở Sàigòn. Đó là thời điểm chiến tranh VN mỗi ngày một lan rộng và lúc gay cấn nhất là mùa hè đỏ lửa 1972, nhiều sinh viên bị động viên phải “xếp bút nghiên theo việc đao cung.”




Thời đó ca khúc da vàng của Trịnh Công Sơn đã phổ biến và đánh động con tim giới trẻ, nhưng nói chung nó nghiêng về than thân “nhược tiểu” trách phận “nước nghèo” và có vẻ thụ động. Khi Phong Trào Du Ca ra đời, người trẻ tìm được ở nó khí thế hừng hực để nói lên lòng yêu nước thương nòi, muốn làm một cái gì đó cho quê hương Việt Nam thân yêu. Du Ca đáp ứng đúng nhu cầu tinh thần của giới trẻ thời đó, vì thế nó đã lan rộng rất nhanh trong giới sinh viên, học sinh.
Hơn 40 năm sau, dư âm đó vẫn còn mạnh mẽ trong tim mọi người, vì thế mỗi lần Du Ca tổ chức hát sinh hoạt đều được mọi người hưởng ứng nồng nhiệt. Thế mới biết sức hút rất mạnh của Du Ca trong lòng quần chúng. Ai cũng muốn sống lại những giây phút kỷ niệm một thời tuổi trẻ đầy nhiệt huyết ngày xưa của mình trên quê hương yêu dấu. Ngay cả thế hệ trẻ ở hải ngoại và thế hệ trẻ trong nước hiện nay cũng bắt đầu biết yêu và thích hát Du Ca. Du Ca nuôi dưỡng tâm hồn và chí khí nên ai còn một chút tình yêu với đất nước Việt Nam thân yêu đều thích đến với Du Ca, vì Du Ca nói giùm chúng ta biết bao nhiêu hoài mong cho Đất Mẹ Quê Hương.
Chuẩn bị cho Đêm Du Ca tưởng niệm 30/4 (1975 - 2015), Thiên Hương (Đoàn trưởng Du Ca Nam CA) cho biết sẽ có bốn buổi tập hát vào chiều Chủ Nhật (4-6PM) để tập những bài hợp ca. Ngoài ra, chương trình còn có đơn ca, song ca, tam ca, tốp ca do những nhóm nhỏ tự tập dợt vào những giờ giấc thuận tiện khác. Kỳ này Thiên Hương đã mở rộng lời mời nên số ca viên tham dự đã đông đảo hơn mọi lần. Mở đầu buổi tập hát (có khoảng gần 40 anh chị), mỗi người tự giới thiệu tên để làm quen,và nhớ tên nhau, nhưng làm sao nhớ hết nổi sau một lần giới thiệu vì đa số đều thuộc cỡ 30, 40 năm trước “em mới vừa đôi mươi.” Tuổi trẻ không còn nhưng tâm hồn vẫn trẻ như thuở nào, nên họ vẫn còn hăng hái đến tập hát Du Ca! Tôi gặp lại một số gương mặt thân quen ở các trường Việt Ngữ, hình như đa số các anh chị là nhà giáo. Phải chăng vì nhà giáo là "kỹ sư tâm hồn" nên luôn có tấm lòng yêu quê hương đất nước?
Bài "Đoàn Ta Ra Đi" là Đoàn Ca của Du Ca V.N. vừa ngắn, vừa quen, vừa dễ hát, nên chúng tôi hát ngon lành ngay từ lần đầu. Nhưng đến bài "Tháng Tư Đen" (Phạm Duy) thì thoạt đầu hơi "khó nuốt" vì vừa lạ, vừa khó hát, nhưng hát lên thì nghe thấy lòng nao nao xúc động:

“Tháng Tư Đen! Xin cúi đầu mình xuống
Khóc quê hương, trói trong tay bạo cuồng..."

Đúng là khi đất nước rơi vào tay bạo cuồng thì hàng hàng nước mắt đã đổ ra suốt chiều dài quê hương với biết bao gia đình tan nát điêu linh.Vì cảm động với lời bài hát nên chúng tôi quyết tâm hát cho được, bởi tâm niệm của Du Ca là "không ngại khó", đến câu hào hùng mạnh mẽ nhất: "Hãy Đoàn Kết Lại!" thì giọng ca của chúng tôi đã chất ngất hào khí!
Tiếp nối chí khí hào hùng đang dâng cao, chúng tôi bước sang bản "Vẫn Còn Đây Các Con Của Mẹ" (Nguyệt Ánh), chúng tôi hát mà thấy con tim mình mở ra, hát mà thấy lòng tự tin dân tộc vẫn còn vươn cao:

"Con không hờn dù đời cay đắng.
Tâm không sờn dù lòng trắng khăn tang
Còn hồn Việt Nam là còn niềm tin,
Còn nguời Việt Nam sẽ có ngày quang vinh."

Đến bài "Đuốc Hồng Tuổi Trẻ" ( Nguyễn Đức Quang) tuy ngắn nhưng không quen thuộc với mọi người. May quá có B.S. Nhuận, đoàn viên Du Ca 50 năm trước, nên Thiên Hương liền "bán cái" nhờ chị Nhuận tập dùm. Đúng là có tinh thần Du Ca nên chị Nhuận nhận lời không ngại ngần, đứng lên hát mẫu cho chúng tôi nghe một lần. Giọng chị khỏe, cao, hát nghe hay quá nên lôi cuốn chúng tôi say mê tập theo chị:

"Một người đi một bước, ngàn người cùng đi muôn bước
Đi làm đuốc soi quê hương ta đập tan bóng tối"

Kiên nhẫn tập từng câu rồi chúng tôi cũng "hát tới" như ai, vì lời hát nói dùm tấm lòng của mình, mà cái gì làm với cả tấm lòng chắc chắn sẽ thành công:

"Sợ gì khi đem nước mắt
Trộn cùng mồ hôi đất cát
Ta nguyện hiến dâng cho quê hương Việt Nam"

Chúng tôi hát thành công là nhờ sự hỗ trợ đắc lực của mấy cây đàn guitar nhịp nhàng của các anh giúp chúng tôi vô nhịp cho đúng và dứt nhịp phải chỗ, nhất là những tiếng "bập bùng" gõ vào thùng đàn làm tăng thêm nhịp hùng cho chúng tôi ở những chỗ cần thể hiện mạnh mẽ quyết tâm:

"Ta thà chết chớ không hề lui
Quyết không hề phản bội quê hương".

Tiếp theo là bài "Việt Nam Ơi!" của Trúc Hồ, bài này có chia nam nữ hát riêng, nên phe nào cũng cố gắng. Nữ hát trước giọng êm, nhẹ vì lo sợ:

"Ta từng ngày qua sống đời đen tối
Ta từng ngày qua sống trong lo sợ"

Câu hát này làm tôi liên tưởng tới quãng đời gian khổ đen tối sau 1975, cái thời mà người dân phải nhắm mắt lăn đời mình qua những đau thương, vất vả, khó nhọc, lúc nào cũng nơm nớp lo sợ. Đến phiên các anh thì thật hùng, thật mạnh để lột tả ý chí:

"Ta theo gót tiền nhân bốn ngàn năm hiển linh
Đoàn kết toàn dân thay vận mệnh nước Nam"

Nhưng phần giữa lại hát như một lời tâm sự tha thiết:

"Việt Nam ơi! Đất nước ta khổ đau từng giờ
Hãy đứng lên *đừng nên lo sợ. Ta thề không phản bội quê hương"

"Đừng sợ" đúng là điều rất quan trọng, nếu người dân trong nước đã dám bước qua nỗi sợ hãi thì ngày tàn của bạo quyền đã gần kề. Khi hát 2 câu cuối để kết, mọi người được yêu cầu vỗ tay cho nhịp nhàng. Nghe nói vỗ tay tưởng dễ, chứ cả mấy chục người mà vỗ cho thật đều và đúng nhịp cũng không đơn giản chút nào!

Hát Du Ca là hát tập thể, phải hát to, hát mạnh mẽ, hào hùng, bởi vậy khi hát tự động tay, chân gõ nhịp, không phải chỉ có nguời hát bị thu hút bởi sức hùng của Du Ca, mà tôi thấy cả mấy anh trong ban kỹ thuật cũng nhịp chân luôn. Hát hết mình để lột tả được khí thế hào hùng của Du Ca nên 2 giờ dạy lớp Việt Ngữ, (tôi mới vừa dạy xong) không thấm thía chi với 1 giờ hát Du Ca, nhưng mọi người hăng hái hát, nên tôi cũng hăng hái hát theo. Cái này người ta gọi là "lan truyền năng lượng cho nhau" nên khi ta ở gần 1 người yêu đời ta dễ yêu đời lây, còn ta ở gần 1 người bi quan, chán đời ta sẽ dễ bi quan theo. Hát Du Ca giúp ta yêu đời, quên hết mọi nỗi ưu phiền. Đó là cảm giác "lâng lâng" sau mỗi lần tan buổi tập hát Du Ca, dù có hơi khan tiếng một chút nhưng có hề gì khi lòng mình vui, nhẹ nhàng, thanh thản, vì cái Tâm mới là quan trọng.
Còn rất nhiều những bài hát khác của Du Ca trước và sau năm 75: Anh Em Tôi, Bài Ca Tuổi Trẻ, Mẹ Việt Nam Ơi! Chúng Con Vẫn Còn Đây, Saigon Ơi! Vĩnh Biệt, Một Chút Quà Cho Quê Hương, Đêm Chôn Dầu Vượt Biển, Đêm Nhớ Về Sài Gòn,... Thiên Hương cho biết vì chương trình có chủ đề “40 năm nhìn lại” nên ngoài phần Du Ca sẽ có những bài hát gợi nhớ tới những giai đoạn quan trọng của dân tộc suốt 40 năm qua, theo trình tự thời gian 1975-2015. Quả là một chương trình phong phú tuyệt vời mà ai bỏ qua sẽ hối hận hoài!
Trở lại với không khi rộn ràng tập dợt Du Ca "càng ca thêm, ta càng hát hay." Sau mỗi bài hát chị Yến luôn miệng "so beautiful" thỉnh thoảng chị lại chêm thêm nhận xét: "Lần này thấy mấy chị hát hay hơn mấy anh đó nghen." Vậy là mấy anh liền lập tức vỗ tay: "Hoan hô mấy chị một cái, hoan hô..." Ôi chao sao mà các anh khiêm tốn dễ thương chi lạ! Không khí trở nên vui vẻ thân tình. Số điểm giám khảo Thiên Hương chấm từng bài leo lên từ từ 9/10, rồi 9,5 rồi 10, rồi 11, 11,5 . Tiếng hát chúng tôi mộc mạc, chân phương, có thể đôi chỗ còn chưa khéo, nhưng chúng tôi không cần bất cứ phương tiện nào, kỹ thuật nào để nương dựa, lấp liếm hay che đậy. Chúng tôi chỉ cậy dựa vào tình yêu quê hương trong tim mà hồn nhiên cất cao tiếng hát từ đáy lòng, thanh thoát bay lên.
Thân mời các bạn cùng đến góp tiếng hát với chúng tôi, bởi "hát hay không bằng hay hát", các bạn chỉ cần mang theo trong tim một tình yêu quê hương là đủ! Hãy đến để cùng hát, cùng ôn lai chặng đường Việt Nam 40 năm, để cùng lắng nghe những ca khúc ghi lại những dấu ấn biến chuyển của lịch sử dân tộc, để chia những niềm đau, sẻ những nỗi buồn "Và cao tiếng hát cho cơn ưu phiền tan...". Rồi sau đó khi ra về các bạn sẽ "nghe mát rượi lòng" vì chúng ta vẫn còn có nhau trong đời, vẫn còn chung một niềm tin:

"Việt Nam quê hương đất nước sáng ngời
Việt Nam! Việt Nam! Việt Nam muôn đời." (Phạm Duy)
Ngày Du Ca Việt Nam với chủ đề: “Bốn Mươi Năm Nhìn Lại”
Thời Gian: 7 PM-10 PM Thứ Bảy, 25/4/2015
Điạ Điểm: Phòng Sinh Hoạt Nhật Báo Người Việt
Vào cửa tự do- Vì chỗ ngồi có giới hạn, xin vui lòng đến sớm để có chỗ

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT