Thể Thao

Chuyện sau ngày Nhật thắng Anh ở bán kết bên Canada

Friday, 03/07/2015 - 12:32:41

Dân Nhật thì đều kính cẩn tin rằng “bàn thắng” cuối cùng của Nhật do chính cầu thủ Bassett của Anh tự mình bất cẩn đá vào sà ngang khung thành phe mình rồi lọt gọn vào bên trong để giúp đội Nhật thênh thang vào chung kết với Mỹ vào ngày Chủ Nhật 5/7 tới đây thì cũng chả khác gì một ngọn “Thần Phong” trong huyền sử nước Nhật đã kịp thời can thiệp để dưa đội nhà đến chiến thắng bất ngờ kiểu như vậy.

Bài THANH NGUYỄN

Ngày thứ Năm từ Canada xuống Chile dưới Nam Bán Cầu đều chưa có trận để xếp hạng Ba cho giải World Cup phụ nữ cũng như giải Copa America cho nên báo chí khắp nơi, từ Âu sang Á đều bàn dọc tán ngang về trận bán kết cuối cùng giữa Nhật với Anh vì trận bán kết cuối cùng dưới Chile thì đã kết thúc từ mấy hôm trước, tức là đã trở thành “chuyện cũ.”

Bên Nhật


                  Đội Nhật reo mừng sau trận bán kết thắng Anh 2-1 ở Edmonton, Canada. (Getty Images)


Hai nước có can dự trực tiếp đến trận vừa rồi tất nhiên là Nhật với Anh. Bên Nhật thì Thủ Tướng chắc còn bận nhiều chuyện khác cho nên sau ngày Nhật thắng để vào chung kết thì Tổng Trưởng Yoshihide Suga, người có trọng trách điều hợp tất cả các Bộ thuộc Hành Pháp, tức thuộc hàng Tổng Trưởng cỡ “chóp bu” đã gửi lời chào mừng thành tích vẻ vang của đội nhà, và ông còn hứa là đến trận cung kết thì ông sẽ đặc biệt theo dõi sát sườn để cỗ vũ đội “Nadeshido,” biệt danh đội nữ của Nhật.
Dân Nhật thì đều kính cẩn tin rằng “bàn thắng” cuối cùng của Nhật do chính cầu thủ Bassett của Anh tự mình bất cẩn đá vào sà ngang khung thành phe mình rồi lọt gọn vào bên trong để giúp đội Nhật thênh thang vào chung kết với Mỹ vào ngày Chủ Nhật 5/7 tới đây thì cũng chả khác gì một ngọn “Thần Phong” trong huyền sử nước Nhật đã kịp thời can thiệp để dưa đội nhà đến chiến thắng bất ngờ kiểu như vậy. Chả là ngọn thần phong “Kamikaze,” theo truyền thuyết dân gian Nhật, xưa kia đã từng can thiệp kịp thời để xua tan hai hạm đội Mông Cổ của Kublai Khan qua xâm chiếm đảo Phù Tang.

Bên Anh


Huấn luyện viên Sampson an ủi cầu thủ Bassett sau khi cô này sút quả banh để lọt lưới đội mình ở trận bán kết                                   Nhật thắng Anh 2-1 tại sân Edmonton Canada. (Getty Images)

Còn bên Anh thì tin tức này nọ có nhiều “râu ria” hơn. Bởi bên Nhật mà một khi đã bàn đến chuyện “trời giúp” thì có nói thêm gì khác cũng bằng thừa. Còn bên Anh thì chả thấy đề cập đến trách nhiệm của đấng trên hay yếu tố thiêng liêng nào xui khiến cô Bassett đá cú banh “bất đắc kỳ tử” đó, cho nên thiên hạ tha hồ bàn hươu tán vượn.
Mà muốn biết xem đối với nước Hồng Mao cái vụ thua thiệt này là chuyện lớn cỡ nào thì tưởng cũng nên nói ngay là trước trận đấu thì Thủ Tướng Cameron đã là một trong những người đầu tiên gửi “message” chúc đội nhà thành công. Còn Hoàng Tử Williams nhà ta – con của động cung Thái Tử Charles và Công Chúa Diana khi xưa- thì đã trực tiếp gọi điện thoại để trò chuyện với các cầu thủ của đội vào buổi sáng trong ngày có trận đấu. Thế rồi sau khi đội của “Ba con sư tử cái” - “The three Lioneses”, biệt danh đội nữ của Anh, tiu nghỉu vì thua thì cũng hai nhân vật đó đã không quên gửi lời ủy lạo, chia buồn!
Còn bàng dân thiên hạ ngoài đời thì khỏi cần phải nói; cả chục nghìn cái “messages” trên hệ thống “Twitter”!
Bình luận trên báo chí bên Anh thì quá nhiều, nêu ra không xiết. (Bên Pháp thì vì đội Pháp bị đội Đức giúp soạn hành lý về nước sớm sau trận tứ kết hôm 26/6 cho nên một tờ báo thể thao cỡ như tờ Léquipe cũng chỉ dành cho vài hàng đại khái).
Tạm lấy một bài bình luận của nữ ký giả Louise Taylor, đặc phái viên của báo The Guardian là tờ rất có thanh thế bên Luân Đôn. Liền ngay sau trận đấu thì cô Louise viết một bài bình luận rất “cân bằng,” nghĩa là có sao thì cứ thế mà viết trên tinh thần khách quan của một nhà báo có lương tâm chức nghiệp. Ai hay chỗ nào thì nói hay chỗ ấy, ai kém hay chỗ nào thì cũng cứ theo lương tâm nghề nghiệp mà nói.
Chẳng hạn như đối với cú phạt đền đầu tiên dành cho đội Nhật sau khi Rafferty của Anh níu kéo khiến Ariyoshi ngã chỏng gọng trong cấm địa của Anh thì Louise Taylor viết rằng khi bị cú phạt đền đó, cầu thủ cũng như huấn luyện viên Sampson của đội Anh cho là vi phạm xảy ra trước làn ranh cấm địa. Louise không tán đồng quan điểm đó. Ngược lại, chị ta viết rằng chính cái cú phạt đền sau đó mà đội Anh được hưởng ở phút 39 thì mới là “khả nghi” – nguyên tính từ được dùng đến là “iffy”- vì cô nàng Houghton ngã sóng xoãi trên cấm địa của Nhật kia thực ra chỉ bị Ogimi chạm vào người rất nhẹ.
Nhưng rồi qua ngày thứ Năm 2/7 thì trong một bài báo khác, Louise Taylor lại giở giọng! Không muốn mích lòng độc giả; lương tâm chức nghiệp thì tạm gác lại đó cái đã! Bây giờ thì cô lại viết rằng cả hai cú phạt đền đều có vấn đề, đều là đề tài để có thể tranh cãi - cô dùng chữ “debatable”!
“Debatable” cái nỗi gì một khi mà các đoạn videos sờ sờ ra đấy? Chỉ cần xem lại các đoạn videos sau trận đấu thì trừ phi người ta bị những cảm tình riêng tư nó làm cho mà mắt, chứ còn vi phạm thứ nhất thì hai năm rõ mười là Ariyoshi bị đốn ngà trong vòng cấm địa, còn vi phạm thứ hai thì chả thấy Ogimi ngáng chân ngáng cẳng gì cô Houghton. Mà người xem thì người ta cũng có mắt.
Trong số hàng nghìn cái “messages” trên “Twitter” thì có một câu ngắn gọn của một người bên Anh: “Karma. Dive Dive Dive.” Dịch cho thật thoát nghĩa thì có nghĩa rõ ràng là “Quả báo nhãn tiền chứ chả có gì lạ! Cứ việc mà làm động tác giả để nhào lộn xuống cỏ thì rồi quả báo nó là như thế ”! Rõ ràng ám chỉ cú ngã của cầu thủ Houghton!
Điều đáng nói hơn cả là sau trận đấu thì nữ cầu thủ Ariyoshi của Nhật được giới tổ chức trận đấu – tức FIFA- phong tặng danh hiệu “Nhân vật kiệt xuất của trận đấu” – “Player of the match”!
Nói qua nói lại, bàn qua bàn lại thì rốt cuộc cốt lõi của vấn đề vẫn là: Đã vào trận thì phải tính kết quả một cách tổng hợp. Kết quả là thành quả của những động tác chính xác cũng như sơ hở giữa đôi bên. Là thành quả của tinh thần, bản lĩnh nơi mỗi cầu thủ đôi bên.
Chẳng hạn như sút một cú phạt đền mà kém về kỹ thuật, kém về sự bình tĩnh thì sút không vào. Giải thoát một thế banh nguy hiểm mà giải thoát không đúng cách do kém linh hoạt, kém về kỹ thuật, kém về sự bình tĩnh nhất thiết cần phải có, thì cái chuyện như cầu thủ Bassett đá lọt lưới vào chính khung thành của mình phải được coi như một sự “kém cỏi tổng hợp” vào đúng giây phút đó!
Ngoài những giây phút quyết định đó mà cứ loay hoay với luận điểm kiểu như “bình thường ra thì cầu thủ đó đâu có kém cỏi kiểu như vậy “ thì tức là lạc đề! (tn)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT