Thế Giới

Công ty Nhật dùng drone để khuyên nhân viên bớt làm việc

Saturday, 09/12/2017 - 09:04:49

Giám đốc Norihiro Kato của công ty Taisei nói với hãng tin AFP, “Bạn không thể nào thực sự làm việc được, khi bạn biết rằng chiếc drone sẽ bay đến vào bất cứ lúc nào, và nghe bài Auld Lang Syne cùng với tiếng động cơ vù vù.”


Một chiếc T-Frend dùng trong nhà do Blue Innovation chế tạo. (AFP)


ĐÔNG KINH – Thói quen làm việc quá siêng năng của người Nhật là một thử thách mới cho drone, tức máy bay không người lái, một phát minh hiện đại đang mỗi ngày một quen thuộc hơn trong nếp sống của loài người. Một số công ty đã thử nghiệm việc dùng drone bay lòng vòng bên trên đầu của những người làm việc quá cần cù, mở nhạc lớn để xua đuổi cho nhân viên phải về nhà nghỉ ngơi.

Trong tuần này, các công ty Taisei, NTT East, và Blue Innovation, cho ra mắt chiếc drone T-Frend mới của họ, bay quanh trên đầu những người làm việc quá giờ. Chiếc drone phát những bài hát như Auld Lang Syne, một bản tình ca Tô Cách Lan thế kỷ 18 rất quen thuộc tại Nhật Bản (tức là bài “tò te cây me đánh đu, tặc dzăng nhảy dù...”). Người Nhật thường dùng bài này để báo tin cho khách hàng biết tiệm đã đến giờ đóng cửa.

Giám đốc Norihiro Kato của công ty Taisei nói với hãng tin AFP, “Bạn không thể nào thực sự làm việc được, khi bạn biết rằng chiếc drone sẽ bay đến vào bất cứ lúc nào, và nghe bài Auld Lang Syne cùng với tiếng động cơ vù vù.”

T-Frend có thể bay tự động theo lập trình được viết sẵn, dùng những bộ cảm biến để di chuyển tránh các bức tường và những chướng ngại vật khác, trong khi ở một độ cao vừa đủ để tránh làm cho giấy tờ bay tứ tung trên bàn làm việc.

Cũng như một phương tiện báo hiệu giờ chấm dứt làm việc, T-Frend cũng có thể dùng như một nhân viên an ninh, có khả năng quay phim giám sát và lưu trữ dữ liệu trên một thẻ nhớ SD. Các nhà phát triển loại drone này cũng đang cân nhắc việc trang bị thêm cho nó công nghệ nhận dạng khuôn mặt, để giúp phát hiện kẻ trộm và những kẻ xâm nhập cơ sở sau giờ làm việc.

T-Frend sẽ ra mắt trong tháng Tư 2018, với giá khoảng 500,000 yen (chừng $4,400 Mỹ kim) một tháng.
Nếp văn hóa làm việc thêm giờ căng thẳng Nhật Bản đã có từ thời kỳ hậu chiến, khi Thủ Tướng Shigeru Yoshida đề nghị các công ty cung cấp cho các nhân viên sự an toàn suốt đời về công việc, để đổi lấy lòng trung thành và sức cống hiến. Mặc dù điều này đã đẩy mạnh nền kinh tế Nhật Bản, nhưng cũng tạo ra một môi trường đầy căng thẳng và thậm chí gây tử vong, nơi người làm việc gồng mình tối đa để tự chứng minh với các chủ nhân.

Lề lối này đôi khi kết thúc nơi những vụ suy tim, đột quị, hoặc tự sát. Những trường hợp này được gọi là 'karoshi' (chết vì làm việc quá sức) trong tiếng Nhật. Hồi tháng Mười, cái chết trong năm 2013 của nữ ký giả Miwa Sado, 31 tuổi, được phán quyết là 'karoshi', sau khi cô đạt 159 giờ làm việc thêm giờ trong một tháng tại đài tin tức NHK.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT