Người Việt Khắp Nơi

Cựu giáo sư & học sinh trường Trịnh Hoài Đức họp mặt

Bài và Hình: Thanh Phong/Viễn Đông Thursday, 18/07/2013 - 10:14:00

Nhiều bạn học cũ xúm lại xem cuốn Học Bạ của bạn học Nguyễn văn Hiệu và cảm phục sự trân trọng kỷ niệm của anh.

Bài và Hình: Thanh Phong/Viễn Đông

GARDEN GROVE , California - “Mặc dù tôi làm Hiệu Trưởng ở Trường Trịnh Hoài Đức thời gian rất ngắn, chỉ một niên khóa thôi, nhưng tình cảm của các đồng nghiệp cũng như các em học sinh ở đây đã đem lại cho tôi nhiều kỷ niệm sâu sắc. Các em học sinh Trịnh Hoài Đức rất chăm học và lễ phép. Đặc biệt các em đã tham dự lễ Quốc Khánh năm đó với đồng phục rất đẹp làm tăng thêm uy tín cho trường rất nhiều.”
Trên đây là lời của Giáo Sư TS Nguyễn Thanh Liêm, Thứ Trưởng Bộ Giáo Dục VNCH, nguyên Hiệu Trưởng Trường Trung Học Trịnh Hoài Đức tỉnh Bình Dương phát biểu trong buổi họp mặt Hè 2013 do cựu giáo sư và học sinh trường Trịnh Hoài Đức tổ chức tuần qua tại Thư Viện Việt Nam ở Garden Grove, Nam California.

Hội trưởng Nguyễn Văn Diệp chào mừng các vị giáo sư và đồng môn trong buổi họp mặt Hè 2013.




Trường Trịnh Hoài Đức là một trường Trung học công lập lớn nhất tại Búng, Bình Dương. Trường đã đào tạo nhiều nhân tài cho đất nước. Sau ngày 30.4.1975, nhiều trường Trung, Tiểu Học khác tại miền Nam Việt Nam đã bị thay đổi nhưng trường Trịnh Hoài Đức vẫn còn giữ được tên cũ. Cựu học sinh Nguyễn Văn Diệp, Hội Trưởng Hội Ái Hữu Cựu HS/THĐ nói với phóng viên Viễn Đông:
“Tôi rời trường từ năm 1966 và cũng đã có lần trở về thăm lại trường cũ, tên trường vẫn còn nhưng nội dung ở trong thì thay đổi nhiều lắm. Theo tôi biết, trước đây tên trường của chúng tôi cũng bị thay nhưng sau này vì do nhu cầu của người địa phương, cái tâm tình của họ đối với trường nên người ta lấy lại tên trường cũ. ..”
Tuy nhiên, một cựu học sinh khác cho chúng tôi biết, sở dĩ tên trường Trịnh Hoài Đức được trở lại như cũ vì có một cựu học sinh THĐ sau này trở thành nhà triệu phú, anh đã bỏ ra một số tiền lớn để duy trì tên ngôi trường cũ mà anh đã có rất nhiều kỷ niệm trong thời gian học tại đây”.
Anh Hội Trưởng cho biết, cứ hai năm trường tổ chức Đại Hội Toàn Thế Giới một lần, còn năm nay là buổi họp mặt Hè tại địa phương Nam Cali thôi. Tuy nhiên, vì yêu mến trường, vì tình thầy trò và nghĩa đồng môn, một số giáo sư cũng như cựu học sinh ở địa phương cũng như một vài vị ở xa cũng cố gắng về tham dự như các giáo sư: Nguyễn Thanh Liêm, Nguyễn Trí Thành, Phó Đức Long, Lê Hoàng Oanh, Nguyễn Thị Đức, Phạm Thị Nga, riêng hai cô Nguyễn Thục Oanh và cô Đặng Ngọc Liên đến từ Việt Nam.
Các cựu học sinh về từ xa như anh chị Võ Thành Long (Pensylvania), Lê Hữu Nghĩa (Minnesota), Lý Thường, Phan Quang, Châu Hoàng Anh và Bích Thủy (Bắc Cali).
Đặc biệt có cựu học sinh Nguyễn Văn Hiệu, năm nay vào khoảng trên 60 tuổi nhưng vẫn còn giữ được cuốn Học Bạ từ khi ông theo học từ Đệ Nhất Cấp đến các lớp Đệ Nhị Cấp. Ông nói với Viễn Đông: “Tôi rất quý cuốn Học Bạ này, vì trong đây có tên, có chữ viết của các thầy cô tôi và nhờ cuốn này, tôi thấy vui vì biết sức học của mình hồi đó cũng không đến nỗi tệ, nên tôi cất rất kỹ và khi sang định cư tại Mỹ, tài sản tôi mang theo là cuốn Học Bạ này đây”. Nhiều bạn học cũ xúm lại xem cuốn Học Bạ của bạn học Nguyễn văn Hiệu và cảm phục sự trân trọng kỷ niệm của anh.
Buổi họp mặt kết thúc lúc 2 giờ 30 cùng ngày.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT