Thế Giới

Đại học Nam Hàn bị tẩy chay vì nghiên cứu robot chiến đấu

Friday, 06/04/2018 - 10:40:17

Ông Walsh bắt đầu quan tâm đến sự hợp tác giữa KAIST và Hanwha, khi đọc bài báo Nam Hàn cho biết Viện KAIST “gia nhập cuộc cạnh tranh toàn cầu về phát triển vũ khí tự động.” Ông nhanh chóng viết thư cho trường đại học và đặt nhiều câu hỏi nhưng không được hồi đáp.


Đội chuyên viên của Viện Kaist từng thắng giải nhất trong cuộc thi người máy trợ giúp trong thiên tai, gọi là Defense Advanced Research Projects Agency (DARPA) Robotics Challenge, được tổ chức năm 2015 tại Pomona, Nam California. Đội Kaist mang về Nam Hàn $2 triệu Mỹ kim. (Chip Somodevilla/ Getty Images)

SEOUL - Cộng đồng nghiên cứu đồng loạt tẩy chay Viện KAIST ở Nam Hàn, do hợp tác với công ty quốc phòng nhằm phát triển vũ khí tự động. Hơn 50 chuyên gia nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI) từ gần 30 nước đã ký thỉnh nguyện thư kêu gọi tẩy chay Viện Khoa Học và Công Nghệ Cao Cấp Nam Hàn (KAIST) và đối tác của trường là tập đoàn quốc phòng Hanwha Systems. Các nhà nghiên cứu tuyên bố họ sẽ không hợp tác với trường đại học và không chào đón các nhà nghiên cứu từ KAIST, vì lo ngại KAIST tìm cách dùng AI để phát triển vũ khí tự động.

"Có nhiều điều tuyệt vời bạn có thể thực hiện nhờ sự trợ giúp của AI như cứu người, bao gồm trong hoàn cảnh chiến trận. Tuy nhiên, việc công khai mục tiêu phát triển vũ khí tự động bằng AI lại gây ra lo ngại lớn,” ông Toby Walsh, giáo sư ở Đại học New South Wales, người tổ chức chiến dịch tẩy chay, cho biết.

Chiến dịch tẩy chay diễn ra trước cuộc họp của Liên Hiệp Quốc ở Geneva, Thụy Sỹ, vào tuần tới về vũ khí tự động, trong đó hơn 20 nước đã kêu gọi lệnh cấm hoàn toàn robot chiến đấu. Việc sử dụng AI trong quân sự khiến giới chuyên gia lo sợ tình huống giống như phim “Terminator – Kẻ hủy diệt” sẽ xảy ra. Nhiều câu hỏi cũng được đặt ra về độ chính xác của loại vũ khí này và khả năng phân biệt bạn - thù của chúng.

Hanwha là một trong những nhà sản xuất vũ khí lớn nhất Nam Hàn Quốc và từng chế tạo bom đạn chùm, vốn bị cấm ở 120 nước theo hiệp ước quốc tế. Nam Hàn, Hoa Kỳ, Nga và Trung Quốc, không tham gia hiệp ước này.

Ông Walsh bắt đầu quan tâm đến sự hợp tác giữa KAIST và Hanwha, khi đọc bài báo Nam Hàn cho biết Viện KAIST “gia nhập cuộc cạnh tranh toàn cầu về phát triển vũ khí tự động.” Ông nhanh chóng viết thư cho trường đại học và đặt nhiều câu hỏi nhưng không được hồi đáp.

Ông Sung-Chul Shin, giám đốc Viện KAIST, cho biết ông cảm thấy rất buồn khi nghe tin bị tẩy chay. "Tôi xin khẳng định lại là KAIST không có ý định tham gia phát triển hệ thống vũ khí giết người tự động và robot sát thủ. Là viện học thuật, chúng tôi đề cao quyền con người và tiêu chuẩn đạo đức. Một lần nữa tôi xác nhận KAIST sẽ không tiến hành bất kỳ hoạt động nghiên cứu nào đi ngược lại lợi ích con người, bao gồm vũ khí tự động không có người điều khiển,” ông Shin nói.

Viện KAIST mở trung tâm nghiên cứu về kết hợp quốc phòng và trí tuệ nhân tạo hôm 20 tháng 2. Theo ông Shin, trung tâm sẽ "cung cấp nền tảng vững chắc để phát triển công nghệ quốc phòng.” Trung tâm sẽ tập trung vào "hệ thống chỉ huy và ra quyết định, thuật toán định vị tổng hợp cho phương tiện không người lái dưới biển quy mô lớn, hệ thống tập huấn máy bay thông minh, công nghệ nhận dạng và theo dõi vật thể dựa theo AI.”


Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT