Thế Giới

Dân Biểu Loretta Sanchez tường trình chuyến đi Á Châu và công tác tại Quốc Hội

Tuesday, 04/05/2010 - 02:32:53

GARDEN GROVE - Vào lúc 10 giờ 30 sáng thứ Hai ngày 3-5, Dân biểu Loretta Sanchez đã mở cuộc tiếp xúc với giới truyền thông ...

ba-Loretta-Sanchez-002.jpg


Dân biểu Loretta Sanchez đang trình bày với các cử tri và giới truyền thông – ảnh: Thanh Phong/Viễn Đông.


Thanh Phong/Viễn Đông



GARDEN GROVE - Vào lúc 10 giờ 30 sáng thứ Hai ngày 3-5, Dân biểu Loretta Sanchez đã mở cuộc tiếp xúc với giới truyền thông và cử tri tại Văn phòng của bà ở số 12397 Lewis Street, Suite 101, Garden Grove, để tường trình về chuyến đi Á Châu vừa qua, và một số công tác tại Quốc Hội.

Đến tham dự chúng tôi thấy có 3 thành viên Ban Đại Diện Cộng Đồng là các ông Nguyễn Xuân Nghĩa, Khanh Nguyễn và Trần Văn Minh. Ngoài ra có bà Thế Thủy (Chủ tịch Phòng Thương Mại Westminster), bà Kim Yến Huỳnh, Bác sĩ Tâm Nguyễn, Hiệu trưởng trường ABC College, Chủ tịch Phòng Thương Mại Việt – Mỹ, ông Đoàn Thế Cường, Thiếu tá Chris Phan và Đại úy Triết Bùi thuộc Hội Quân Nhân Người Mỹ Gốc Việt, Bác sĩ Koo Oh, Chủ tịch cộng đồng Đại Hàn tại quận Cam, ông William Ray (văn phòng Dân Biểu Sanchez, phụ trách về housing và các phúc lợi cho cư dân), cô Sandra Rose thuộc chương trình CalOptima và khoảng 20 tham dự viên khác.

Dân biểu Loretta Sanchez đến bắt tay từng người và cho biết, tháng 5 là tháng Quốc Hội Hoa Kỳ dành riêng để vinh danh cộng đồng người Mỹ gốc châu Á. Vì thế bà mời mọi người đến văn phòng để tường trình về chuyến đi của bà 5 ngày trước lễ Phục Sinh vừa qua đến 4 nước châu Á là Đài Loan, Singapore, Philippines và Campuchia (xin xem bài phỏng vấn DB Sanchez về chi tiết chuyến đi đăng trên nhật báo Viễn Đông số ra ngày 14-4-2010, ấn bản phát hành tại Nam California - đăng lại bên dưới).


ba-Loretta-Sanchez-001.jpg


DB. Loretta Sanchez chụp ảnh kỷ niệm với các người tham dự – ảnh: Thanh Phong/Viễn Đông.


Tại Đài Loan, bà đã tiếp xúc với Linh mục Nguyễn Văn Hùng, người lo cho các phụ nữ Việt bị lừa gạt sang Đài Loan làm cô dâu. Sau khi nghe Linh mục Hùng trình bày, bà đã gặp Tổng thống Đài Loan để trình bày về tệ nạn buôn người từ Việt Nam sang Đài Loan.

Tại Campuchia, Dân biểu Loretta Sanchez đã đưa ra những tệ nạn buôn bán trẻ em làm nô lệ tình dục, với cơ quan chính quyền nước này.

Tại Singapore, bà đã đến thăm các bến cảng là nơi chở hàng xuất cảng qua Hoa Kỳ, để giám sát vấn đề an ninh, đề phòng khủng bố. Riêng tại Philippines, Dân biểu Loretta Sanchez chú tâm đến chi nhánh al-Qaida đang hoạt động mạnh tại miền Nam nước này. Bà xin lỗi ông Chủ tịch Đại Hàn là đã không có thì giờ ghé Hàn Quốc.

Cô Tiffany hỏi bà có qua Việt Nam không?

Bà Sanchez trả lời nhà cầm quyền CSVN không cấp visa cho bà, nhưng bà đang cố gắng để có thể tháng 6 hay tháng 7 tới, khi bà ngoại trưởng Clinton về Việt Nam dự hội nghị Asian, bà cũng sẽ đi cùng phái đoàn, vì bà muốn gặp gỡ các nhà đấu tranh cho dân chủ như Hòa thượng Thích Quảng Độ, Linh mục Nguyễn Văn Lý, v.v..

Ông Khanh Nguyễn hỏi bà về việc đề nghị đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC đến đâu? Bà Sanchez cho biết, năm nay có nhiều cơ hội thuận lợi để Hoa Kỳ đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC. Chính Ngoại trưởng Clinton đã hỏi bà tại sao phải đưa Việt Nam trở lại CPC, và bà đã nói cho bà Clinton biết những sự đàn áp tôn giáo, nhân quyền càng ngày càng mạnh mẽ của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, và bà TNS. Barbara Boxer cũng đặt vấn đề này với Ngoại trưởng Mỹ.

Sau khi tường trình và giải đáp một số câu hỏi liên quan đến chuyến đi Á Châu, Dân biểu Loretta Sanchez trình bày về những sinh hoạt vừa qua tại Quốc hội như vấn đề cải tổ y tế, vấn đề bảo hiểm, v.v., mà báo chí và các phương tiện truyền thông đã đề cập. Sau đó, bà đã giải đáp một số câu hỏi trước khi kết thúc buổi gặp gỡ vào gần 12 giờ trưa cùng ngày.

-----------------------------------------------------

DB Loretta Sanchez trở về từ chuyến đi Đông Nam Á

Bách Lam/Viễn Đông (thực hiện)

 

(Đăng trên nhật báo Viễn Đông phát hành tại Nam California ngày 14-4-2010)

 

WASHINGTON – Trong vòng một tuần lễ, Dân biểu Loretta Sanchez, một thành viên cấp cao trong Ủy ban Quân sự tại Hạ viện Hoa Kỳ, đã thực hiện chuyến công du Đông Nam Á qua bốn nước Campuchia, Phi Luật Tân, Đài Loan, và Singapore. Ở mỗi quốc gia, bà làm việc với một số vấn đề quan trọng liên quan đến việc gìn giữ an ninh khu vực và chống khủng bố. Từ Washington, chiều ngày 13-4-2010, DB Sanchez dành cho Viễn Đông một cuộc phỏng vấn trên đường dây điện thoại viễn liên, qua đó bà trình bày một số chi tiết về chuyến đi của mình.

 

Viễn Đông: CSVN lại mới “lờ” đi chuyện bà xin visa vào Việt Nam. Lần này có phải là lần thứ 5 bà bị từ chối visa?

DB Loretta Sanchez: Đúng vậy. Có hai lần họ trình lên Quốc Hội [CSVN] để bỏ phiếu xem có chấp thuận cấp visa cho tôi hay không, và Quốc Hội bỏ phiếu từ chối. Một lần khác, họ im lặng chờ cho hết thời hạn để khỏi trả lời. Lần kia, họ cấp visa cho tôi, nhưng cho biết sẽ canh gác tôi ở khách sạn và đi đâu cũng phải có người của họ hộ tống, muốn gặp ai phải xin phép họ trước, cho nên tôi từ chối nhận visa đó. Còn lần này, họ ngồi chờ cho qua chuyện rồi thôi.

 

Viễn Đông: Chuyến đi Đông Nam Á kỳ này của bà cũng có nhiều điều thú vị, cho dù không vào được Việt Nam, nhất là về những vấn đề an ninh khu vực. Xin bà vui lòng nói sơ qua mục đích chuyến đi trước khi chúng ta đi vào chi tiết.

DB Sanchez: Trong cương vị Chủ tịch Tiểu ban về khủng bố, các hình thức và khả năng đe dọa không thông dụng (TUTC) thuộc Ủy ban Quân sự Hạ viện, tôi đến thăm Đông Nam Á nhằm tìm hiểu về khu vực này. Có những công tác chúng tôi đang làm trong khu vực Á châu mà tôi là người chịu trách nhiệm tổng quát. Thí dụ như việc gỡ mìn ở biên giới Campuchia và Thái Lan, hay những chiến dịch đặc biệt chống [lực lượng khủng bố] al-Qaeda, và những công tác tương tự. Như cô cũng biết, có những nhóm jihad hoạt động ở miền Nam Phi Luật Tân, ở miền Nam Thái Lan. Rồi chúng tôi cũng có một văn phòng đầu não cho các chiến dịch ở Singapore. Đó là một số việc tôi làm. Ngoài ra, còn hai việc nữa tôi cũng muốn thực hiện. Thứ nhất là đến thăm Bến Cảng Singapore, vì tôi đã phục vụ trong một ủy ban về bến cảng từ khá lâu rồi, và cũng muốn xem xét một số vấn đề về những thứ hàng hóa chuyển qua bến cảng này và đến Cảng Los Angeles hay Cảng Long Beach. Chuyện thứ hai là, 5 năm về trước tôi có gặp Cha Hùng khi Cha đến Quận Cam để gây quỹ để giúp những nạn nhân buôn người ở Đài Loan, và tôi có hứa là sẽ đến thăm Cha, gặp các nạn nhân mà Cha đã cứu giúp. Ở mỗi nước tôi đi qua, Phi Luật Tân, Campuchia, Đài Loan, tôi đều làm việc về vấn đề buôn người. Ở Đài Loan, tôi đã gặp Cha Hùng và nói chuyện với chính phủ Đài Loan về hoàn cảnh nạn nhân Việt Nam.

 

Viễn Đông: Ở Campuchia, một nước giáp ranh với Việt Nam, bà có thể cho biết đã làm việc như thế nào về tệ nạn buôn người và những vấn đề an ninh khu vực, nhất là trong tương quan với Trung Cộng?

DB Sanchez: Trong nhiều năm, Campuchia là điểm đến cho những người đàn ông tìm thú vui sắc dục từ các nước Tây phương như Âu châu và Hoa Kỳ, với những đối tượng phụ nữ và nhất là trẻ em. Rất nhiều những kẻ ấu dâm. Hoa Kỳ đã hợp tác với Campuchia để dẫn độ và đưa ra xử những trường hợp này, cũng như giáo dục những người làm trong ngành du lịch để họ có ý thức về việc này. Chúng ta giúp Campuchia vì việc buôn bán, nô lệ tình dục là sai trái, và vì Hoa Kỳ cũng muốn bắt giam những kẻ ấu dâm. Hoa Kỳ có một đại diện tại tòa lãnh sự chuyên lo về vấn đề buôn người, và nhân viên này rất vui khi gặp được tôi, đưa chúng tôi đi thăm những nơi cư trú của các nạn nhân. Đây là những căn nhà do Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ tài trợ. Hoa Kỳ cũng giúp thay đổi hệ thống tư pháp khiến cho việc khởi tố được hanh thông, làm việc chặt chẽ với cơ quan di trú Hoa Kỳ để đưa những nghi can về nước hầu tòa. Tôi cũng gặp gỡ các nạn nhân buôn người, trong đó có vài người Việt Nam. Có nhiều người quốc tịch Campuchia nhưng gốc Việt Nam sinh sống ở Campuchia. Họ sống trong những ngôi làng nổi trên biển hồ. Tôi có đến thăm một ngôi làng này. Những người này rất nghèo. Mà càng nghèo càng dễ bị ép uổng vào con đường làm nô lệ, phải không?

Còn về sự ổn định khu vực, hiện nay chúng tôi rất quan tâm đến Thái Lan, một đất nước đã từng rất là ổn định trong suốt thời kỳ chiến tranh, ngày nay lại hơi bất ổn. Chúng tôi cật lực làm việc với những nước trong vùng để bảo đảm sự ổn định trong khu vực. Đó cũng là một lý do chúng tôi muốn giúp Campuchia gỡ mìn ở biên giới Thái – Campuchia từ thời Khmer Đỏ, rồi giúp cho hai bên thương thuyết về lằn ranh biên giới, làm giảm sự căng thẳng giữa hai nước để tiến tới hiệp ước biên giới. Xem ra chúng ta đang có một quan hệ tốt với Campuchia hiện nay. Có nhiều điều tôi không tiện nói ra vì mang tính bảo mật. Nhưng Hoa Kỳ đang cố gắng để giúp Campuchia giữ vị thế ổn định và trở nên một đối tác tốt của chúng ta trong khu vực. Đương nhiên, Campuchia cũng còn một số những mâu thuẫn với Việt Nam, và chính phủ Việt Nam có lẽ cũng đang gom nhiều tin tức (tình báo) về Campuchia, nhưng tôi không thể nói thêm về những gì tôi được biết.

 

Viễn Đông: Bà có nghĩ rằng Trung Cộng đang để mắt tới Campuchia?

DB Sanchez: Trung Quốc là một nước ảnh hưởng sâu sắc đến tất cả những nước mà tôi từng viếng thăm. Trung Quốc là một nước đóng vai trò quan trọng trong khu vực. Một số người còn cho rằng Trung Quốc đang lớn mạnh trên chính trường thế giới.

 

Viễn Đông: Ở Phi Luật Tân, bà có đề cập đến vấn đề tranh chấp Biển Đông không?

DB Sanchez: Phần lớn thời gian ở Phi Luật Tân tôi đến để thăm viếng những quân nhân Hoa Kỳ phục vụ ở đó. Chúng ta có khá đông binh sĩ đang đồn trú ở Phi Luật Tân. Họ giúp huấn luyện cho quân đội, cảnh sát nước này trong việc giữ gìn an ninh. Ở Phi Luật Tân có những nhóm phiến quân, trong đó có jihad với một số quan hệ với al-Qaeda. Nên nhớ, trong vụ khủng bố 9/11, có một số người liên hệ đã từng được huấn luyện ở Phi Luật Tân. Trong quá khứ, nước này đã là một nơi ẩn trú an toàn cho nhóm jihad. Chúng tôi đang giúp cho chính phủ Phi Luật Tân tự giúp chính họ trong việc chống lại các nhóm này.

 

Viễn Đông: Chính phủ Hoa Kỳ dường như hay có những chính sách đối ngoại ép buộc các nước khác phải nghe theo họ. Nhưng bà vừa nói là chính phủ Hoa Kỳ muốn hỗ trợ các nước này tự giúp chính họ. Điều đó nghe có vẻ như Hoa Kỳ khá là thân thiện? 

DB Sanchez: Những quốc gia này muốn có sự giúp đỡ của chúng ta, của Hoa Kỳ. Chúng ta đến vì họ mời chúng ta đến. Còn những nước nào không muốn nhận sự giúp đỡ của chúng ta, thì chúng ta cũng không đến đó.

 

Viễn Đông: Có nhiều các nữ quân nhân Hoa Kỳ đang phục vụ tại các căn cứ ở vùng Đông Nam Á không?

DB Sanchez: Có chứ, nam nữ quân nhân có mặt ở tất cả các căn cứ. Chỉ có điều là nữ quân nhân không đánh trận trực tiếp, trong một đơn vị bộ binh, mà thôi.

 

Viễn Đông: Bà cũng khá là tích cực trong việc vận động chống lại những hành vi lạm dụng tình dục đối với các nữ quân nhân trong quân đội. Bà có thấy điều này xảy ra nhiều hơn ở các căn cứ ngoại quốc không?

DB Sanchez: Những chuyện lạm dụng tình dục xảy ra ở bất cứ căn cứ nào trên thế giới. Từ Hawaii qua Iraq, từ những nơi trên lãnh thổ Hoa Kỳ cho đến những căn cứ xa xôi, vẫn xảy ra tình trạng lạm dụng này. Cho nên chúng tôi cứ phải làm việc để giảm thiểu những chuyện như vậy trong tương lai.

 

Viễn Đông: Còn về Bến Cảng Singapore, điều gì chúng ta cần phải quan tâm nhất?

DB Sanchez: Singapore là một nước vận hành rất hiệu quả. Nhiều khi họ quá là nhanh chóng trong công việc. Điều trở ngại lớn nhất mà tôi nhận thấy, Singapore là một hải cảng chuyển tiếp, nghĩa là có những thùng hàng hóa vừa cập bến cảng, đã được phân phối cho các con tàu trong vòng 4, 5 tiếng đồng hồ và chạy qua Mỹ. Do đó, có những lúc giấy tờ kiểm tra còn chưa kịp làm xong thì những con tàu chở hàng hóa chuyển tiếp từ Singapore đã cập vào cảng Long Beach. Và khi chúng ta phát hiện ra điều gì đó về một thùng hàng, thì thùng hàng có thể đã được đưa lên xe vận tải và đang chạy trên xa lộ I-5 rồi!

Chúng tôi đang làm việc với chính quyền Singapore để cho họ hiểu sự quan tâm của chúng tôi và bàn với nhau làm cách nào để Hoa Kỳ có thể kiểm tra tất cả mọi thứ hàng hóa đi qua cảng Singapore trước khi đến Hoa Kỳ.

Mặc dù chúng ta đã có các cơ quan chính phủ Hoa Kỳ cử đại diện đến Singapore để kiểm soát hàng hóa, nhưng vẫn còn có những thứ lọt qua được. Nên chúng ta phải làm việc chặt chẽ hơn nữa với họ.

Chúng ta có một thủ tục về hàng hóa vào bến cảng (Container Security Initiative), trong đó ghi rõ là bất cứ kiện hàng nào muốn cập bến chúng ta đều bị kiểm soát trước khi vào bến. Chúng ta có nhân viên ở Singapore, và khi họ nhận thấy có gì nghi ngờ, họ liền yêu cầu, và phía Singapore mở kiện hàng đó cho họ khám xét.

 

Viễn Đông: Bà có gặp Tổng thống Ma Ying-jeou của Đài Loan; hiện nay Đài Loan đang muốn những điều gì ở Hoa Kỳ?

DB Sanchez: Tôi có gặp Tổng thống họ Ma và nói chuyện khá nhiều. Họ bày tỏ mong ước mua thêm máy bay chiến đấu F-16 của Hoa Kỳ. Họ cũng muốn gặp tôi vì tôi là một thành viên cao cấp trong Ủy ban Quân sự. Chúng tôi nói chuyện về Trung Quốc và những hợp tác đang diễn ra giữa hai nước, làm dịu bớt sự căng thẳng giữa hai bên. Chúng tôi bàn luận về những vấn đề buôn người, trong đó có những sự việc xảy ra trước đây với sự can thiệp của Cha Hùng, cũng như hoàn cảnh của những nạn nhân người Việt Nam. Đó là một buổi gặp gỡ rất, rất tốt.

 

Viễn Đông: Liệu Đài Loan có mua thêm võ khí của Hoa Kỳ?

DB Sanchez: Họ đang nói đến chuyện đó, chúng tôi cũng đang xem xét, suy nghĩ về việc này. Tôi không thể nói dùm các đồng viện của tôi được (Cười).

 

Viễn Đông: Họ có muốn mua thêm máy bay chiến đấu?

DB Sanchez: Ho đang muốn mua một số máy bay mới. Đó là vấn đề lớn của họ ngay lúc này.

 

Viễn Đông: Bà có thấy những phản ứng nào về quan hệ với Trung Cộng?

DB Sanchez: Đài Loan nói là quan hệ với Trung Quốc đang khá dần lên. Họ có những quan hệ thương mại, cố gắng giữ mối giao hảo.

 

Viễn Đông: Còn quan hệ giữa Đài Loan và Hoa Kỳ, bà thấy có chiều hướng tốt hơn không?

DB Sanchez: Tôi nghĩ quan hệ khá tốt. Đài Loan lo lắng là chúng ta bỏ quên họ một khi Trung Quốc trở nên quan trọng hơn trong chính trường quốc tế, nhưng tôi trấn an họ rằng Hoa Kỳ vẫn xem họ là một đối tác rất quan trọng về mặt chiến lược.

 

Viễn Đông: Hiện nay bà đang làm chủ tịch Tiểu ban chống khủng bố. Định nghĩa của “khủng bố”, theo bà, có phổ quát không? Một số nước như Trung Cộng và Việt Nam Cộng Sản nhiều lúc gom chung những thành phần tranh đấu cho dân chủ vào danh sách khủng bố.

DB Sanchez: Tôi chắc chắn ở đâu đó có ghi lại định nghĩa chính thức của danh từ “khủng bố”. Nhưng lực lượng khủng bố cũng thay đổi, biến thái, và thích ứng nhanh hơn các chính phủ có thể thay đổi định nghĩa về họ. Cuộc chiến chống khủng bố là một cuộc chiến khó khăn. Do đó, những cuộc gặp gỡ vừa qua là một điều cần thiết để mở ra sự hiểu biết, để tìm cách hợp tác tốt đẹp giữa các quốc gia, giúp cho khu vực và cả thế giới nữa. Khi chúng ta thờ ơ với các nước trên thế giới, những lực lượng như al-Qaeda tụ họp và trở nên mạnh mẽ ở Afghanistan, tính toán mưu kế để đánh phá chúng ta, và vụ 9/11 xảy ra.

 

Viễn Đông: Trong bốn nước bà vừa thăm viếng, bà có thấy bất đồng quan điểm với nước nào về việc chống khủng bố không?

DB Sanchez: Có một số sự khác biệt. Thí dụ như ở Phi Luật Tân. Nhóm phiến quân chính phủ quan tâm hàng đầu là Cộng quân, còn chúng ta lại ưu tiên quan tâm đến nhóm jihad. Chúng tôi đều có các nhóm này trên danh sách, nhưng Phi Luật Tân có lẽ cho Cộng quân là ưu tiên một. Đó là tại sao chúng ta có mặt ở đó, để nói chuyện với họ, để hiểu họ, vì Quốc Hội Hoa Kỳ là nơi chuẩn chi cho việc đặt để nhân sự ở những nước này. Trong vai trò của tôi, tôi cần phải biết, phải hiểu thêm về họ, và đó là lý do có chuyến đi vừa qua.

Viễn Đông: Xin cám ơn Dân biểu Sanchez.

 

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT