Hoa Kỳ

Đạo luật cải tổ y tế, thêm một thắng lợi của TT Obama

Hoài Mỹ/Viễn Đông Thursday, 28/06/2012 - 09:18:43

Quyết định của Tối Cao Pháp Viện có nghĩa là việc thực hiện đầy đủ đạo luật mang tính lịch sử này có thể kéo dài nhiều năm tới đây.

Hoài Mỹ/Viễn Đông

WASHINGTON - Đạo luật cải tổ y tế - với biệt danh là “Obamacare” - vẫn gây nhiều sự bối rối, khó xử cho vị đương kim Tổng Thống Hoa Kỳ. Chương trình này được xem là một trong những thắng lợi chính trị lớn lao nhất của ông Obama.


Một thành viên Tea Party cực hữu từ Brunswick, Georgia, tay cầm lá cờ có hình con rắn và dòng chữ “Đừng Đạp Lên Tôi”, vận trang phục của miền Nam thời Nội Chiến Hoa Kỳ, đến biểu tình chống lại luật y tế của Tổng Thống Obama bên ngoài Tối Cao Pháp Viện ở Washington hôm 28-6-2012 - ảnh: David Goldman/AP.

Và tại Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ hôm Thứ Năm, 28-06-2012, Tài Phán Trưởng (Chief Justice hay Justitiarius) John Roberts, đại diện pháp đình đã đọc bản phán quyết: Đạo Luật Bảo Vệ Bệnh Nhân Và Chăm Sóc Y Tế Vừa Tầm Khả Năng Tài Chánh (ACA) không trái ngược với hiến pháp. Tối Cao Pháp Viện cho rằng không có sự mâu thuẫn với hiến pháp trong việc đòi hỏi tất cả công dân Hoa Kỳ phải có bảo hiểm y tế. Những ai không có bảo hiểm sẽ bị phạt vạ.
32 triệu cư dân Hoa Kỳ hiện không có bảo hiểm y tế; điều này khiến họ không được hưởng quyền lợi gì ngoài sự cấp cứu (emergency) của dịch vụ y tế.

Tối Cao Pháp Viện chia rẽ
Tối Cao Pháp Viện gồm 9 chánh thẩm (John Roberts, Antonin Scalia, Anthony Kennedy, Clarence Thomas, Ruth Bader Ginsburg, Stephen Breyer, Samuel Alito, Sonia Stomayor và Elena Kagan) thì 4 vị bất đồng quan điểm. Nói cách khác, 5 trong số 9 chánh thẩm này được “đánh giá” là bảo thủ, trong khi 4 vị khác được xem là cấp tiến. Chính lá phiếu của Tài Phán Trưởng bảo thủ John Roberts - do cựu Tổng Thống George W. Bush đề cử - đã làm lệch cán cân và đem lại chiến thắng cho Tổng Thống Barack Obama.
Quyết định của Tối Cao Pháp Viện có nghĩa là việc thực hiện đầy đủ đạo luật mang tính lịch sử này có thể kéo dài nhiều năm tới đây.
Theo đài BBC, Malt Kibbe, lãnh tụ của phong trào Tea Party Group Freedom Works, đã phát biểu: “Đây là một quyết định gây kinh ngạc và thất vọng”.

TT Obama: “32 triệu công dân Hoa Kỳ sẽ được bảo hiểm y tế”
Sau khi Tối Cao Pháp Viện phán quyết chấp thuận chương trình cải tổ y tế, Tổng Thống Barack Obama đã đọc một bản diễn văn ngắn, trong đó ông đã nhấn mạnh 3 điểm chính yếu dưới đây:
“Nếu chúng ta cất ánh mắt khỏi các cuộc tranh luận chính trị, chúng ta thấy việc phán quyết ngày hôm nay là một chiến thắng của tất cả người Hoa Kỳ. Đời sống của họ sẽ tốt đẹp hơn nhờ quyết định của Tối Cao Pháp Viện chấp thuận đạo luật này”.
“Nếu bạn là một trong 30 triệu công dân vốn không có bảo hiểm y tế thì đạo luật này sẽ cung ứng cho bạn một dịch vụ chọn lựa giữa các loại bảo hiểm y tế tư vốn bảo đảm về phẩm chất và phải chăng”.
“Tôi đã không làm việc này bởi vì tôi nghĩ đó là chính sách tốt. Tôi đã làm bởi vì tôi cho đó là sự tốt đẹp cho đất nước. Tôi biết đạo luật này đã gây tranh cãi. Tôi tôn trọng sự lo âu mà nhiều công dân Hoa Kỳ đã bầy tỏ”.

Lý do đạo luật cải tổ y tế “được” đưa lên Tối Cao Phát Viện
Đạo luật cải tổ y tế của Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama đã được Quốc Hội biểu quyết thông qua năm 2010 tuy không được sự ủng hộ của các đại biểu Công Hòa, bởi những người Cộng Hòa lại muốn một cách khác hơn. Kế hoạch cải tổ này “giúp” cho 50 triệu cư dân Hoa Kỳ vốn không có phương tiện cho việc bảo hiểm y tế đầy đủ thì nay có thể được hưởng.
Thế nhưng việc đòi hỏi tất cả người dân Hoa Kỳ phải mua bảo hiểm y tế hay phải trả một lệ phí - theo lý luận của người Cộng Hòa - là trái ngược với hiến pháp bởi sự bắt buộc các công dân phải mua một sản phẩm hay một dịch vụ.
26 tiểu bang, một nhóm chủ nhân ngành công nghiệp và một số cá nhân đã khiếu nại lên Tối Cao Pháp Viện.
Ilya Shapiro, một tư tưởng gia bảo thủ của Cato Institute, đã cho rằng quyết định của pháp đình có thể mang lại những hậu quả lớn lao và nghiêm trọng. Trong trường hợp một vài phần hay toàn bộ chương trình cải tổ này bị Tối Cao Pháp Viện bác bỏ thì ông Obama có thể bị... “mất job”. Bằng giọng rất “tự tin”, ông này quả quyết: “Nếu đạo luật này bị đánh đổ thì thành tích quan trọng nhất của chính phủ Obama sẽ tiêu tùng theo”.
Đối với những người chống đối thì đạo luật cải tổ y tế này được lý luận là vi phạm đến tự do của cá nhân. Chưởng lý tòa đại hình Kenneth Cuccienlli ở Virginia, một trong 26 tiểu bang vốn đã khiếu nại chương trình này lên Tối Cao Pháp Viện, phát biểu: “Nếu họ có thể ép buộc bạn phải mua bảo hiểm y tế thì họ cũng có thể cưỡng bức bạn mua xe hơi, măng tây hay thẻ hội viên trong một phòng tập thể dục”.
Các dân biểu Cộng Hòa đã hứa sẽ hủy bỏ chương trình cải tổ y tế này mà họ cho là phá hỏng các nguyên tắc về tự do cá nhân đồng thời đặt những gánh nặng lớn lao trên các tiểu bang, công nghiệp và nhiều người.

Những điểm cốt yếu trong đạo luật cải tổ y tế
Như trên đã nhiều lần nhấn mạnh, việc thay đổi y tế vốn là một trong những kế hoạch chính trị đối nội quan trọng hơn cả của Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama. Dưới đây là một vài điểm chính yếu trong chương trình cải cách này:
- 32 triệu người dân Hoa Kỳ hiện không có bất cứ một sự bảo hiểm đau yếu nào, nay phải được một sự xếp đặt về bảo hiểm. Niềm hy vọng là 95 phần trăm của toàn thể dân số sẽ được bảo hiểm.
- Một việc bảo hiểm tối thiểu bị bắt buộc đối với hầu hết người dân Hoa Kỳ. Những người có phương tiện nhưng không có bảo hiểm y tế thì kể từ năm 2014 có thể bị phạt vạ.
- Các công ty bảo hiểm không được áp đặt trực tiếp bảo hiểm nhân viên của mình. Tuy nhiên các công ty có trên 50 nhân viên thì phải, trong một số trường hợp, đóng góp vào việc bảo hiểm cho những người này.
- Hoa Kỳ mỗi năm phải chi dùng 16,2 phần trăm của tổng sản lượng quốc gia (GDP) vào lãnh vực chăm sóc y tế. Điều này tương đương 7.400 Mỹ kim/năm cho mỗi công dân.

56 phần trăm chống đạo luật cải tổ y tế
Một cuộc thăm dò ý kiến của Reuters/Ipsos cho biết là 56 phần trăm người Hoa Kỳ chống đối việc thay đổi y tế này, trong khi 44 phần trăm ủng hộ.
Kết quả trên đây cho thấy là người Cộng Hòa đã thành công trong việc thuyết phục được nhiều người đồng thuận chống đối việc cải cách này mặc dù họ vẫn thích nội dung của chương trình, chẳng hạn việc qui định con cái có thể được hưởng việc bảo hiểm của cha mẹ cho tới khi chúng 26 tuổi.
Các con số căn bản cho thấy là phần đông người được phỏng vấn ủng hộ đa số yếu tố của việc cải tổ này, trừ một trường hợp đặc biệt là quyết định đòi hỏi tất cả mọi người phải mua bảo hiểm y tế.
61 phần trăm chống đối đòi hỏi này mà những người Cộng Hòa cho là trái ngược với hiến pháp, trong khi 39 người được hỏi, đã trả lời ủng hộ.
Mặt khác, 82 phần trăm người đồng ý việc các công ty bảo hiểm không thể từ chối bảo hiểm những khách hàng vốn có bệnh tật từ trước - 61 phần trăm ủng hộ việc con cái được sự bảo hiểm của cha mẹ cho tới khi chúng 26 tuổi - và 72 phần trăm yểm trợ sự đòi hỏi các xí nghiệp có trên 50 nhân viên phải bao thầu việc bảo hiểm y tế cho các nhân viên này.
Các con số căn bản còn cho thấy là nhiều người trong số những người chống đối việc cải cách này, nói là họ chống đối bởi vì đạo luật không đầy đủ. Một phần ba (1/3) người thuộc đảng Cộng Hòa và độc lập (không theo đảng nào) cho rằng đạo luật này không đầy đủ để có thể giải quyết các vấn đề trong các dịch vụ y tế ở Hoa Kỳ.
Cuộc thăm dò ý kiến cho thấy một sự phân rẽ rõ rệt theo đường lằn đảng phái: 86 phần trăm người Cộng Hòa chống đối việc canh tân y tế này, trong khi 14 phần trăm đồng đảng tán thành - Về phía Dân Chủ, 75 phần trăm ủng hộ, còn 25 phần trăm chống lại.
Tuy nhiên, sự kiện có thể gây nên tầm quan trọng lớn lao đối với cuộc bầu cử Tổng Thống vào mùa Thu tới đây khi 73 phần trăm trong số những người tự nhận là độc lập thì chống đối việc cải cách y tế, trong khi 27 phần trăm ủng hộ. Nhân số chống đối trong khối độc lập đang gia tăng.
Trong lúc Tổng Thống Barack Obama bảo vệ đạo luật này với tất cả uy tín của ông thì một số chiến lược gia Dân Chủ cho là sai lầm khi dành ưu tiên cho chương trình cải tổ y tế trong khi Hoa Kỳ đang lâm sâu vào cơn khủng hoảng kinh tế.
Giáo Sư Jasper Johnson, ủng hộ viên của đạo luật cải cách y tế, đã nói với thông tấn xã NTB khi đứng trước tòa nhà Tối Cao Pháp Viện ở Washington D.C: “Việc này liên quan đến sự cung ứng y tế cho mọi người. Đây là sự rất, rất quan trọng. Nhiều người hiện không có bảo hiểm y tế”.

Mitt Romney: “Là Tổng Thống, tôi sẽ chấm dứt Obamacare ngay lập tức”
Chiều Thứ Tư, trước ngày Tối Cao Pháp Viện quyết định số phận của đạo luật cải tổ y tế của Tổng Thống Barack Obama, ứng cử viên Tổng Thống Cộng Hòa, Mitt Romney, đã nói với nhật báo Washington Post: “Họ không ngủ ngon trong Tòa Bạch Ốc đêm nay”, bởi ông tin tưởng Tối Cao Pháp Viện sẽ “khai tử” đạo luật này.
Thế nhưng khi đạo luật “sống sót” ở Tối Cao Pháp Viện, ông Romney hứa hẹn là công việc đầu tiên trong chức vị Tổng Thống là ông sẽ chấm dứt nó. Ông quả quyết: “Chúng ta sắp có một tổng thống - đó là chính tôi! - tổng thống sẽ kết thúc ngay Obamacare. Việc này chúng ta sẽ chỉ làm nội trong một ngày mà thôi”.
Tuy vậy nhiều người đã nêu rõ là chính ông Mitt Romney thưở làm Thống Đốc ở Massachusetts thì tiểu bang này đã thực thi kế hoạch giống như thứ ông Barack Obama nay đang cố gắng xây dựng và tranh đấu cho sự trường tồn của nó.

Chính phủ Obama “hầu tòa” nhiều lần tại Tối Cao Pháp Viện
Nhân dịp này, mạn phép nhắc lại việc chính phủ Obama đã nhiều lần chịu sự phán quyết của Tối Cao Pháp Viện.
2012 là một năm “không khá nổi” của Tổng Thống Barack Obama tại Tối Cao Pháp Viện. Trong nhiều vụ quan trọng, pháp đình tối cao của Hoa Kỳ đã đồng thuận bác bỏ quan điểm của chính phủ. Ông Adam Winkler, Giáo Sư Luật Học tại trường đại học UCLA, Thứ Hai vừa rồi đã nhận định với nhật báo Washington Post: “Tối Cao Pháp Viện đã có thái độ ác cảm khác thường đối với chính phủ Obama”.
Vào tháng Giêng, 9 vị chánh thẩm đã quyết định là chính phủ không thể can thiệp vào khi một nhóm tín ngưỡng tuyển chọn lãnh tụ của họ. Khởi điểm của vụ này là một giáo viên bị sa thải khỏi chức vụ tại một ngôi trường ở Michigan sau khi bà được chẩn bệnh là có chứng ngủ rũ (narcolepsy) và bà đã kiện nhà trường bởi vì bà cho là bà được bảo vệ bởi đạo luật chống kỳ thị của liên bang.
Quyết định của Tối Cao Pháp Viện được đón mừng như một thắng lợi cho những người tranh đấu cho việc phân biệt minh bạch giữa chính phủ và các nhóm thuộc về tôn giáo.
Trong một vụ khác, chính phủ Obama lại thua khi chính phủ viện dẫn pháp lý trong việc cột một vật dụng theo dõi vào chiếc xe của một nghi can phân phối ma túy. Lại một lần nữa Tối Cao Pháp Viện thống nhất quan điểm.
Và Tối Cao Pháp Viện cũng trong tháng Giêng phán quyết là chủ nhân bất động sản có quyền nhanh chóng khiếu nại lên hệ thống pháp lý cao hơn về mệnh lệnh của chính quyền môi sinh (EPA). Tối Cao Pháp Viện lại đã biểu quyết chống lại các lý luận của chính phủ Obama là các quyết định của EPA là khó khăn để thực thi.
Trong cùng ngày phán quyết về đạo luật cải tổ y tế, Tối Cao Pháp Viện còn quyết định nhiều vụ khác nữa. Cơ quan cảnh sát Hoa Kỳ với trách nhiệm về vũ khí và chất nổ, U.S. Bureau af Alcohol, Tobacco, Firearms and Explosives, đã bán vũ khí cho các tay buôn lậu nhằm để theo dõi chúng. Các điệp viên đã mất cái nhìn tổng quát về số lượng vũ khí để rồi hai trong số vũ khí này lại “hiện ra” trong một vụ sát nhân ở gần biên giới Hoa Kỳ.
Phe đối lập cho là Tổng Trưởng Tư Pháp đã tỏ ra khinh thị Quốc Hội trong vụ này vốn được gọi bằng biệt danh “Fast and Furious”. Ông Obama trong vụ này cũng đã muốn lợi dụng để giữ lại các tài liệu.
Đầu tuần vừa rồi, Tối Cao Pháp Viện cũng đưa ra phán quyết khiến chính phủ Obama không mấy hài lòng. Tiểu bang Arizona đã biểu quyết một đạo luật cho phép cảnh sát được quyến chặn lại những người tình nghi là di dân bất hợp pháp và xét lý lịch họ.
Trong nhiều vụ khác trong thời gian gần đây, như trên đã kể, quan điểm của chính phủ đã bị Tối Cao Pháp Viện bác bỏ.

Cuộc tranh cử cam go
Đồng thời cuộc tranh cử hiện cũng leo thang. Ứng cử viên Mitt Romney dùng những sự “rắc rối” của chính hủ Obama ở Tối Cao Pháp Viện để kiếm phiếu. Sau khi Tối Cao Pháp Viện chấp thuận đạo luật cải tổ y tế, ông Romney hứa sẽ “triệt hạ ngay Obamacare trong thời gian đầu nhiệm kỳ Tổng Thống của ông và sẽ hủy bỏ tất cả những gì không giúp ích cho dân chúng Hoa Kỳ”.
Các nhà Dân Chủ tung ra tới tấp những quảng cáo, trong đó họ quả quyết Mitt Romney “rất tài giỏi để cung cấp công ăn việc làm - ở hải ngoại”.
Nói tổng quát, ông Barack Obama hiện dẫn đầu với 3 điểm bách phân. Theo hai thông tấn xã Reuters và NTB, đương kim Tổng Thống cũng đang dẫn đầu ở 12 tiểu bang quan trọng. Reuters viết, “ông Obama dẫn đầu với 8 điểm bách phân hơn đối thủ ở các tiểu bang quan trọng này, đặc biệt tại 3 tiểu bang Ohio, Pennsylvania và Florida, những nơi mà ông Obama cũng đã chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2008”. Ông Peter Brown, Phó Giám Đốc của Quinnipiac University Polling Institute, hôm qua đã nói với Reuters: “Duy trì được thế dẫn đầu ở các tiểu bang quan trọng ấy, ông Obama kể như đã gần được bảo đảm là thắng cử”. – (HM)

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT