Người Việt Khắp Nơi

Đêm Hoài Niệm Bidong với nhiều tiếng cười và những giọt nước mắt

Wednesday, 29/05/2019 - 05:13:26

Little Saigon, Nam California thường xuyên có nhiều sinh hoạt hàng tuần, hàng tháng nhưng chưa có buổi sinh hoạt nào vừa có những tiếng cười, vừa có những giọt nước mắt rơi như buổi Hoài Niệm Bidong được tổ chức vào tối thứ Bảy, 25 tháng 5, 2019 tại Majesty Restaurant, Santa Ana.

 

Ban tổ chức đồng ca nhạc phẩm Việt Nam Việt Nam. (Thanh Phong/Viễn Đông)

 

Bài THANH PHONG

WESTMINSTER - Little Saigon, Nam California thường xuyên có nhiều sinh hoạt hàng tuần, hàng tháng nhưng chưa có buổi sinh hoạt nào vừa có những tiếng cười, vừa có những giọt nước mắt rơi như buổi Hoài Niệm Bidong được tổ chức vào tối thứ Bảy, 25 tháng 5, 2019 tại Seafood World.

Trong biến cố 30 tháng Tư, 1975, hàng ngàn người từ khắp nơi tại miền Nam Việt Nam đã rời bỏ nơi sinh sống của mình để vượt biển trên những con tàu đánh cá mong manh đi tìm tự do, nhiều người đã vùi thân nơi biển cả, một số đến được Paula Bidong, một hòn đảo nhỏ của Malaysia. Những người mang danh thuyền nhân (Boat People) này đã có một thời gian sống bên nhau tại Bidong với nhiều kỷ niệm thương đau, nay vui mừng về gặp lại nhau trên miền nắng ấm Cali để hoài niệm về quá khứ, để khóc thương cho những người vĩnh viễn chôn vùi thân xác trên hòn đảo này.

 
Ông Cao Xuân Huy (Trưởng Ban Tổ Chức ) phát biểu khai mạc. (Thanh Phong/Viễn Đông)

 

Ông Cao Xuân Huy, Trưởng Ban Tổ Chức, trong diễn văn khai mạc đã nói về mục đích buổi Hoài Niệm Bidong như sau:

“Trang sử thuyền nhân đã được khép lại gần 30 năm, hai chữ thuyền nhân đã đi vào ký ức của mỗi chúng ta từ vài thập niên qua. Đêm nay, đêm Hoài Niệm về Bidong được tổ chức đúng vào tuần lễ Memorial Day, đối với chúng ta đây cũng là dịp để tưởng nhớ lại những kỷ niệm vui buồn của một chặng đường chúng ta đã cùng nhau trải qua trong hành trình đi đến bến bờ Tự Do. Hình ảnh những con thuyền mong manh đã cố vươn mình chống chọi với những cơn sóng gió hãi hùng của đại dương mênh mông, sự cướp bóc, sự xâm hại tàn khốc của hải tặc, để đưa chúng ta đến bến bờ an toàn.


Cô Kim Hoàng, người có công quy tụ các tham dự viên trong buổi Hoài Niệm Bidong. (Thanh Phong/Viễn Đông)

 

“Pulau Bidong, hòn đảo nhỏ bé nơi đã cho chúng ta đặt những bước chân xiêu vẹo đầu tiên, nơi đã cưu mang, che chở cho chúng ta sau những ngày đối mặt với tử thần. Và cũng chính nơi đây, trên hòn đảo nhỏ bé này nơi đã diễn ra bao cuộc chia ly tiễn biệt, những giọt nước mắt mừng vui của người đến và người đi, và những giọt nước mắt tủi hờn của người ở lại. Bidong đã bị đóng cửa từ ngày 14.3.1989, một ngày nghiệt ngã trong trang sử của người Việt tỵ nạn thế nhưng suốt 30 năm qua Bidong vẫn ngày đêm ôm ấp, che chở cho giấc ngủ nghìn thu của hàng ngàn hình hài xấu số đã phải vĩnh viễn nằm lại nơi đây, tiếng sóng biển vẫn dạt dào như lời an ủi vỗ về cho những linh hồn bất hạnh không bao giờ được nhìn thấy hai chữ Tự Do.

"Bốn thập niên đã đi qua, nửa đời người, chúng ta là những người may mắn đến được bến bờ tự do, vẫn luôn ấp ủ trong lòng nỗi day dứt về Bidong, khao khát tìm lại được những Anh Chị Em đã một thời đồng cam cộng khổ, để cùng nhau ôn cố tri tân, chia sẻ những vui buồn của quá khứ và hiện tại, và đó cũng là ý nghĩa chính của đêm hội ngộ hôm nay, hoài niệm về một Bidong để thương, để nhớ!

"Hôm nay trong nhà hàng ấm cúng này, chúng ta sẽ cùng nhau quay lại với cầu Jetty, Đồi Tôn Giáo, Longhouse, Nghĩa trang đồi khu F, khu G... Cùng nhau hát lại Biển Nhớ, Nửa Đời Yêu Em, Cho Lần Cuối, Hẹn Nhé. Đời lưu vong hãy nhớ nhau trong lời nguyện cầu. Một lần nữa xin được tri ân hòn đảo Paula Bidong và những tấm lòng nhân ái đã giang rộng vòng tay và làm nhịp cầu đưa chúng ta đến được bến bờ tự do. Xin thắp một nén hương lòng gửi đến những cô chú Anh chị em kém may mắn đã vĩnh viễn nằm lại Bidong. Xin đại diện Ban Tổ Chức chân thành cám, ơn các cô chú và anh chị em đã dành thời gian quý báu đến với đêm hội ngộ của chúng tôi tối hôm nay.”



Các cô trong ban tổ chức chụp hình với hình chiếc tàu vượt biển. (Thanh Phong/Viễn Đông)

 

Đêm Hoài Niệm Bidong được tổ chức khá chu đáo; trong nhà hàng, bức tranh một con thuyền mang tên CaBiFa trên có hàng chữ Hoài Niệm Bidong. Bức tranh vẽ thật sống động và đã được hầu hết người tham dự thích thú đứng cạnh con thuyền chụp ảnh lưu niệm. Cạnh đó, một chiếc bàn trên có bức hình tròn vẽ cảnh cầu tàu Jetty với hàng chữ “Paula Bidong, Một Trời Kỷ Niệm” để mọi người lưu dấu tên, chữ ký của mình. Hàng trăm tấm hình của các thuyền nhân trên đảo Paula Bidong ngày nào, và những tấm biểu ngữ khác đều do anh Lê Công Tiến thực hiện. Anh chị cũng là một trong những tín đồ Thiên Chúa Giáo tích cực Phò Sự Sống, Chống Phá Thai tại Giáo Phận Orange.

Bên cạnh đó, hai người có công rất lớn quy tụ được các thuyền nhân Bidong từ khắp nơi về tham dự là nữ Phật tử Kim Hoàng và Trang Nguyễn, hai cô là thành viên Hội Từ Bi Phụng Sự của Thầy Hằng Trường. Không chỉ liên lạc mời mọi người tham dự, hai cô còn khéo léo sắp xếp những người từng Khu với nhau lúc còn ở Bidong ngồi chung bàn để dễ bề hàn huyên tâm sự như các bàn mang tên: Chùa Từ Bi, Nhà Thờ Công Giáo, PG Hòa Hảo, Thánh Thất Cao Đài, Khu B Lò Bánh Mì, Khu C, Nhà Thờ Tin Lành, Khu E, Gia Đình Âu Cơ, Khu Chợ Trời Bidong, Đồi Tôn Giáo, Cầu Jetty, Tượng Đài Ông già Bidong, Đảo Cá Mập, Klhu B, Phòng Phát Thanh, Phòng Điều Tra và An Ninh, Hướng Đạo,Khu Tiếp Vận - Khu A v.v…

Chương trình do hai MC Thanh Tuyền (không phải ca sĩ) và Bob Vu điều khiển. Sau lễ chào cờ và lời khai mạc của ông Cao Xuân Huy, MC Thanh Tuyền giới thiệu và mời ông Mai Đăng Quảng đến từ Canada, ông là người sáng lập ra FB Group mang tên Paula Bidong từ năm 2014 lên sân khấu có vài lời chào mừng mọi người. Và ban tổ chức giới thiệu người dân cử duy nhất có mặt là Nghị Viên Tài Đỗ của TP Westminster. Ông là một thuyền nhân và cũng có hai người thân trên đảo Paula Bidong. Nghị Viên Tài Đỗ được chào đón nồng nhiệt. Sau đó thời gian còn lại dành cho tiệc mừng và văn nghệ.

Trong dịp này, Viễn Đông phỏng vấn một số người tham dự và xin tóm tắt những câu trả lời của từng người.

Ông Cao Xuân Huy (Trưởng Ban Tổ Chức): Từ Saigon, ông và mấy người em họ xuống Rạch Giá vượt biển. Trong chuyến đi của ông ba lần bị hải tặc cướp, lúc lên đảo Paula Bidong vào tháng 3/1979 ông chỉ còn mỗi bộ quần áo trên người. Ông được rời đảo tháng 9, 1980 lúc đó ông mới khoảng 18 tuổi, và trên đảo có khoảng 4,500 người tỵ nạn. Chỉ ba bốn tuần sau dân số lên 45,000 người nên lương thực do Cao Ủy Tỵ Nạn phát cho không đủ ăn. Thay vì ba ngày, mười ngày họ mới phát, mỗi ngày mỗi người chỉ có một xô nước nhỏ để nấu nướng chứ không phải để tắm, tắm thì chỉ tắm biển và rất đói. Ông đã ở Bidong 18 tháng trước khi được sang định cư tại California.

Anh Lê Văn Phú (Cư dân Lake Porest): Trước ở Saigon vượt biển, lần đầu tàu bị vỡ ngoài khơi phải quay về đất liền, chạy trốn công an, lần thứ hai may mắn tới Bidong năm 1985 lúc đó anh gần 18 tuổi. Lúc tới Bidong đã thấy đồng bào mình khá đông, và trước tiên là vui mình vì biết mình đã sống rồi. Sau đó là những chuỗi ngày trông chờ, không biết đến bao giờ mới được đi định cư, cứ mỗi sáng nghe tiếng nhạc phát ra làm mình thật nôn nao, không biết ngày mai sẽ ra sao, nhưng chỉ một tháng 12 ngày được đưa vào trại tỵ nạn trên đất liền vì họ xếp vào diện cô nhi không có thân nhân nên cho đi sớm. Anh đã nhận vé máy bay đi Mỹ nhưng không may khi vừa nhận vé xong thì anh đủ 18 tuổi nên họ lấy lại vé đi Mỹ và trao cho anh vé máy bay đi Phi Luật Tân ở đó 6 tháng rồi mới được qua Mỹ. Một thời gian sau anh có dịp về VN và đã lấy vợ, hiện nay anh chị có ba con đang sống rất hạnh phúc tại Nam California, và đây là lần đầu tiên anh tham dự họp mặt. (Viễn Đông sẽ tiếp tục ghi lại những lời kể của một số thuyền nhân Bidong trong số báo sau).

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT