Người Việt Khắp Nơi

Đêm nhạc “Hát cho thuyền nhân và tương lai Việt Nam”

Bài và hình: Băng Huyền/ Viễn Đông Saturday, 20/04/2013 - 09:06:11

Là sự phẫn nộ, kêu gào, đớn đau và đầy nỗi nhức nhối, xót xa, là những tiếng thét gào cho nỗi khổ, niềm đau của cả dân tộc lầm than, của những thân phận nhỏ nhoi, cô thế, bị áp bức, bị tù đày, bị hãm hiếp và bắn chết oan khiên trên đường vượt biển.

Bài và hình: Băng Huyền/ Viễn Đông

Tháng 4 luôn là tháng những người tị nạn Việt Nam không thể nào quên. Những bâng khuâng, những ngậm ngùi canh cánh. Nỗi đau không còn nhức nhối, nỗi buồn không còn da diết như những năm đầu nơi đất khách, nhưng vết hằn vẫn còn đó trong trái tim những người Việt lưu vong. Để rồi cứ vào những ngày của tháng 4, ký ức cũ lại trỗi dậy trong lòng những người Việt tị nạn tại hải ngoại. Nhất là ký ức ấy lại được gợi lại qua những tiếng hát giàu cảm xúc của Mạnh Hùng, Ngọc Diệp, Thái Hoàng, Khắc Hiền, Ngọc Quỳnh và Lâm Dung, Nguyên Phong, Nghiêm Phú Phát, Kim Ngân, Bùi Khanh, Hoàng Hà, Mỹ Hạnh và Kiều Diễm, Huy Cường, nhóm tốp ca của câu lạc văn nghệ Viện Việt Học, câu lạc bộ Tình Nghệ Sĩ, các em học sinh Gia Đình Việt Ngữ Tự Lực, tiếng đàn guitare của Phạm Tú, keyboard của Huy Cường...
Đã thể hiện những ca khúc nhiều tâm trạng, để người hát chia sẻ với người nghe nỗi lòng, tâm tư của con người Việt Nam, thân phận Việt Nam qua các nhạc phẩm của các nhạc sĩ, bài thơ đấu tranh được sáng tác trong tù của blogger Điếu Cày, trong đêm nhạc chủ đề “Hát cho Thuyền nhân và tương lai Việt Nam” do câu lạc bộ Văn Nghệ Viện Việt Học tổ chức ngay tại sân khấu của Viện Việt Học, vào tối Thứ Bảy, 13-4-2013 tuần qua.




Tốp ca của câu lạc bộ văn nghệ Viện Việt Học hát “Những thiên thần trong bóng tối” (Trúc Hồ)

Hát cho thuyền nhân

Trong phần 1 “Hát cho thuyền nhân”, từng bài, từng bài của các nhạc sĩ như “Đêm Chôn Dầu Vượt Biển” (Châu Đình An), “Con thuyền định mệnh” (Andy Hoàng), “Đôi mắt phượng” (Cao Minh Hưng), “Em bé Việt Nam và viên sỏi”, “Lưu vong khúc” (Trúc Hồ), “Sài Gòn vẫn mãi trong tôi” (Anh Bằng và Trúc Hồ), thấm một nỗi buồn nhân thế. Là sự phẫn nộ, kêu gào, đớn đau và đầy nỗi nhức nhối, xót xa, là những tiếng thét gào cho nỗi khổ, niềm đau của cả dân tộc lầm than, của những thân phận nhỏ nhoi, cô thế, bị áp bức, bị tù đày, bị hãm hiếp và bắn chết oan khiên trên đường vượt biển.


                     Các em trong Gia Đình Việt Ngữ Tự Lực hát “Bài ca tuổi Trẻ” (Phan Văn Hưng)



Người hát và người nghe qua âm nhạc trong chương trình đã có những sẻ chia, cảm thông, dù có người không phải là thuyền nhân. Nhiều người đến được bến bờ tự do bằng cách này hay cách khác mà không phải là thuyền nhân đã hiểu hơn, cảm thông hơn và chia sẻ với nhau nhiều hơn khi nghe lại những ca khúc hát cho thuyền nhân. Còn những thuyền nhân, những người mẹ, người cha, người anh, người chị có những thuyền nhân đã mất tích trên biển đông, trong rừng sâu, thì nghẹn ngào, nức nở. Vì dường như những ngày tháng cũ chưa bao giờ có thể phai nhạt trong ký ức và trái tim của họ, mặc dù họ đã phải tạm quên trong bao nhiêu năm tháng để mưu sinh, để chăm lo cho con cái, gia đình. Nhưng nó vẫn mãi là ký ức, là nỗi đau luôn thổn thức, nhức nhối, là sự nhắc nhở cho thế hệ trẻ ngày nay. Để các em hiểu được nỗi cơ cực, của các bậc ông bà, cha mẹ, cô chú, anh chị đã trải qua như thế nào. Chính những bạn trẻ của gia đình Việt ngữ Tự Lực có mặt trong đêm nhạc, ít nhiều thêm hiểu hơn những hy sinh của những thuyền nhân Việt Nam, giúp các em quý yêu cuộc sống hiện tại nơi bến bờ này với những trách nhiệm mà không quên nguồn cội cha ông qua việc giữ gìn ngôn ngữ mẹ đẻ, hiểu và yêu hơn văn hóa Việt Nam, tâm tình của người Việt Nam.

Tương Lai Việt Nam
Bàng bạc trong những ca khúc trong phần 2 chủ đề 'Tương lai Việt Nam”, “Sinh ra là người Việt Nam” (Phan Văn Hưng), “Thằng bé tát dầu” (Phan Văn Hưng), “Những đứa bé” (Phan Văn Hưng), “Bài ca tuổi trẻ”, (Phan Văn Hưng) “Triệu con tim một tiếng nói” (Trúc Hồ), “Lời sông núi” (Thơ Phạm Trần Anh, nhạc Hạnh Cư), “Như đã hẹn thề cùng Sài Gòn” (sáng tác Nghiêm Phú Phát), “To nhỏ, nhỏ to”, “Anh là ai” (Việt Khang), “Việt Nam tôi đâu” (Việt Khang), “Bài ca Đại Việt” (Thơ Kiều Phong, nhạc Nguyễn Hoàng Hà), đọc thơ “Những dòng sông tranh đấu” (sáng tác Bloger Điếu Cày), “Thiên thần trong bóng tối” (Trúc Hồ), “Việt Nam quê hương ngạo nghễ” (Nguyễn Đức Quang), người nghe được nhìn lại toàn cảnh của một Việt Nam đã chấm dứt chiến tranh sau năm 1975 đến nay, nhưng lại chất chứa quá nhiều khổ đau, bất công, quá nhiều ngược đãi, bạo lực, lầm than cho người dân; trẻ thơ thì nghèo đói thất học... Các nhạc sĩ đã ghi lại những hình ảnh đau thương, thống khổ của toàn dân tộc, nhưng những dòng nhạc không một chút ồn ào, dữ dội, không hận thù, mà rất đỗi thống thiết và đầy tính nhân bản, nồng nàn một tinh thần Việt Nam, mang âm hưởng và ý nghĩa đấu tranh thật sâu sắc, đem lại những hy vọng không bao giờ tắt, trong sâu thẳm cõi lòng của những người con Việt tha thiết với quê hương, muốn làm điều gì đó cho đất nước sớm được dân chủ, tự do.



                  Các em trong Gia Đình Việt Ngữ Tự Lực hát “Triệu con tim, một tiếng nói” (Trúc Hồ)

Những giọng ca chân thật, giàu cảm xúc
Các ca sĩ thân hữu tham gia trong đêm nhạc Mạnh Hùng, Ngọc Diệp, Thái Hoàng, Khắc Hiền, Ngọc Quỳnh và Lâm Dung, Nguyên Phong, Nghiêm Phú Phát, Kim Ngân, Bùi Khanh, Hoàng Hà, Mỹ Hạnh và Kiều Diễm, Huy Cường, nhóm tốp ca của câu lạc văn nghệ Viện Việt Học, câu lạc bộ Tình Nghệ Sĩ, các em học sinh Gia Đình Việt Ngữ Tự Lực.. dù là hát đơn ca, song ca, hay tốp ca, tiếng hát của họ đã không phô diễn kỹ thuật điêu luyện như khi họ hát những ca khúc chủ đề ngợi ca tình yêu trong những chương trình văn nghệ thính phòng trước đây; mà những tiếng hát trầm ấm hay đằm thắm, ngọt ngào, giàu tính tự sự ấy, thấm đẫm chân thật, nhẹ nhàng đem lại cho người nghe sự giao cảm tuyệt vời. Các ca sĩ đã hát bằng tất cả trái tim thổn thức của mình, chuyển tãi đến người nghe tiếng lòng của người nhạc sĩ thật nhiều cảm xúc.
Đặc biệt, nhận được nhiều tràng pháo tay ngợi khen, khích lệ của khán giả nhất, là những bạn trẻ của Gia Đình Việt Ngữ Tự Lực. Các em đều sinh ra tại Hoa Kỳ, nhưng các em nói tiếng Việt thật tròn vành, rõ chữ, khi cùng cất lên lời ca “Bài ca tuổi trẻ” (Phan Văn Hưng); Hay như bài “Triệu con tim một tiếng nói” là một sáng tác mới của Trúc Hồ, những tiếng hát của các em đong đầy xúc cảm, gióng lên tiếng chuông tỉnh thức lo cho số phận dân tộc Việt Nam dưới sự cai trị của đảng cộng sản ngày càng nhu nhược, yếu hèn trước sự lấn tới của Bắc Kinh bành trướng.
Những tiếng hát của các em đầy thuyết phục với lời kêu gọi mọi người dân mang trong người dòng máu Việt, hãy đứng lên, hãy trở thành một cơn gió làm đổi thay thực trạng đen tối của đất nước.
Đêm nhạc “Hát Cho Thuyền Nhân và Tương Lai Việt Nam” đã kết thúc, nhưng những nhắn nhủ, những tâm tình của các nhạc sĩ gởi đến người nghe qua tiếng hát của các ca sĩ trong chương trình vẫn còn lắng đọng tận sâu thẳm cõi lòng của những con Việt tha thiết với quê hương, với vận mệnh của dân tộc bên kia bờ đại dương. (B.H)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT