Chuyện Nước Pháp

Diễn viên Clotilde Chevalier

Wednesday, 20/05/2015 - 07:24:25

Sau khi giới thiệu cả nhóm làm việc trong đoàn nghệ sĩ “Paris-Saigon-Broadway”, tôi có dịp nhìn lại cô gái Pháp gốc Đại Hàn Clotilde Chevalier đóng vai chính và ...

Sau khi giới thiệu cả nhóm làm việc trong đoàn nghệ sĩ “Paris-Saigon-Broadway”, tôi có dịp nhìn lại cô gái Pháp gốc Đại Hàn Clotilde Chevalier đóng vai chính và anh chàng thuận tay trái Tanguy Duran. Riêng về Trà Mi, độc giả thân mến đã tạm biết cô qua bài “Đêm nhạc gõ tuyệt diệu với 18 nhạc sĩ” ở thủ đô Paris và sau đó là Strasbourg.


Hai nam nữ diễn viên đóng vai Nam (Việt-Pháp) và Yvonne (gốc Nam Hàn).


Cô Clotilde này đóng vai chính Yvonne Nguyễn trên được hơn 2 năm vì theo mùa diễn không là liên tục hàng tháng (đã vào năm thứ tư). Sinh hoạt nhà nghề của các nghệ sĩ rất phong phú ngoài đời giúp họđỡ nhàm chán (thường khi họ là giáo sư dạy nhạc, dạy múa).
Xuất thân từ một sinh viên theo học ngành múa cổ điển và nhạc jazz, cô đã khám phá thêm mục tiêu ca hát và đóng kịch nên quyết định chuyển hẳn sang “ca-vũ-nhạc-kịch” bằng cách ghi tên thêm 3 năm ở trường tư. Trường này chuyên dạy nghề ca vũ nhạc kịch, học viên sẽ nắm vững cách thức biết làm: vừa đóng kịch (phải nhập vai tài tình nhất), vừa biết hát, vừa biết múa vừa biết làm chủ đoạn nhạc nào họ phải làm gì khi đó. Cả một ngành nghề nghệ thuật sâu rộng, theo tôi thấy thì bộ môn cải lương hay hát bội của Việt Nam ta giống như vậy với soạn giả và diễn viên cùng dàn nhạc công (nhớ lại chuyện vui "nhắc tuồng" bên cánh gà khi tài tử ... không thuộc bài !) và người giữ nhiệm vụ trang phục v.v...; nhưng để có hệ thống dạy cho sinh viên lâu dài thì hình như người Việt chưa có để đào tạo chính thống những vở ca vũ nhạc kịch có tầm vóc như Anh, Pháp, Mỹ mặc dù chúng ta có rất nhiều chuyện cổ tích xuất sắc. Ngay cả nhạc viện quốc gia Pháp truyền thống cũng chưa có bộ môn tổng hợp này. Gần đây, người Pháp thành công trong việc sản xuất ra những vở hát riêng biệt của họ sau khi học hỏi từ Anh, Mỹ. Quần chúng đã say mê gần như khủng hoảng tinh thần với vở ca vũ nhạc kịch mang tên “Notre Dame de Paris” kể lại chuyện ông Gù giữ tháp chuông lại đi si tình một cô gái gốc gác dân Bô hê Miên (Bohémien, nhóm người du mục rày đây mai đó) quá xinh đẹp đến đỗi cả ông cha xứ đứng đầu nhà thờ cũng gục ngã vì cô, và có anh chàng thứ ba là tình nhân chính được cô chọn. Đó là các nhân vật danh tiếng chàng gù Quasimodo, cô gái đẹp Esméralda ... xuất xứ từ tuyệt tác phẩm của nhà văn Victor Hugo đã kể nói trên vào thế kỷ thứ 19 (1831). Sự việc như sau :
Năm 1997, một nhóm nhạc sĩ nổi tiếng thành công trong môi trường này đã tiếp tục lập dự án với cuốn tiểu thuyết của Victor Hugo. Sau khi bị từ chối nhiều lần, họ đã tìm được một nhà sản xuất giàu có đồng ý ký hợp đồng chuẩn bị ra mắt vở kịch trong vòng vài năm. Thế là năm 1998, Notre Dame de Paris ra mắt khán thính giả ở thủ đô và thành công vĩ đại! Dân nội bộ mê say sắp hàng mua vé đi xem mỗi tối không hề chán và vở hát đi vòng quanh thế giới như thường lệ, kể cả qua đến Châu Á như Trung Hoa (la Chine) và Đại Hàn (Nam Hàn) với 4 nhóm nghệ sĩ khác nhau đảm trách. Từ bài hát thật hay tên “Belle (Đẹp)” do 3 nam ca sĩ chính trình bày, 3 người này đã được cả nước Pháp khám phá rõ tiểu sử kể cả cô ca sĩ giữ vai Esmeralda. Sau đó họ đều trở thành danh tiếng thêm nhiều, đặc biệt vài nhân vật thuộc nước Canada, Gia Nã Đại nói tiếng Pháp vùng tỉnh Quebec rộng lớn (diện tích 1 triệu rưỡi cây số vuông). Tóm lại, gần giống như bộ môn cải lương Việt Nam, người Pháp rất ưa thích đi xem các vở ca vũ nhạc kịch. Giá vé trên trời dưới đất, từ thấp đến cao cũng đủ làm ngất ngư túi tiền nhưng lần nào cũng đông nghẹt khách đi xem tại chỗ. Phải công nhận là không khí buổi trình diễn với người bằng xương bằng thịt trên sân khấu và dàn nhạc, âm thanh sống động vang dội khác hẳn lúc chúng ta ngồi nhà xem truyền hình dù là “in live” - trực tiếp. Sự hấp dẫn và lôi cuốn khán giả theo dõi từng tình tiết, sự thay đổi bất ngờ, sự dàn cảnh tài tình để cho hàng chục diễn viên đóng cùng lúc hay đôi khi dù chỉ có mấy mống cũng vô cùng quan trọng trong mục tiêu đưa đến thành công. Chỉ có thế và diễn đi diễn lại hàng ngày, hàng đêm với rạp luôn luôn đầy cống là bảo đảm tài chính lâu dài cho đoàn hát nhờ tay nghề cao cấp và nghiêm chỉnh.
Trở lại với cô Clotilde gốc Nam Hàn. Kết thúc khóa học, cô đóng vai trong vở kịch nổi tiếng khắp nước Pháp “Le songe d'une nuit d'été” (Giấc mộng đêm hè) trong đó cô múa và sáng tác các màn vũ điệu. Giấc mộng xảy ra trong một đêm hè, le songe d'une nuit d'été, là một vở kịch nguyên tác của đại thi hào Anh William Shakespeare được trình diễn lần đầu tiên vào cuối thế kỷ thứ 16 (năm 1594 ...). Nhà văn Pháp Victor Hugo đã say mê dịch ra tiếng nước mẹ của ông và từ đó vở kịch được trình diễn mãi đến giờ vào thế kỷ thứ 21 vẫn còn ăn khách. Câu chuyện xoay quanh vấn đề tình ái rắc rối của 2 cặp người trẻ yêu nhau mà không lấy được nhau vì quá éo le khi người lớn xen vào. Tất cả dàn dựng sâu sắc thế nào để các nhân vật chính và phụ cùng gặp nhau tại chỗ trong một khu rừng huyền bí, lãng mạn vào một đêm hè muộn (giữa mùa đúng hơn, midsummer) ở thủ đô Luân Đôn khi ấy (Londres). Cái tên bắt nguồn từ đó, ngắn gọn và thu giữ vào nó một vở kịch chia làm 4 hồi hay 5 hoặc có lúc còn lại 3 đoạn mà thôi tùy theo đoàn hát quốc gia trình diễn (ở nhiều tỉnh thuộc Pháp, và Anh). Kịch pha trộn tính chất thần thoại và gây sự ngạc nhiên, ngỡ ngàng ; dường như tất cả mọi chuyện chỉ xảy ra trong 1 đêm hè khi ta ngủ mơ mà thôi ! Điều đặc sắc : nơi đây Đông-Tây đã gặp nhau khi nhìn thấy cuộc đời chỉ là một giấc mộng nếu chúng ta nhớ lại chuyện xưa tích cũ cũng dựa vào nhiều biến cố vô cùng rốt cuộc chỉ là trong một lúc ngủ mơ mà thôi. Đó là câu chuyện giấc Nam Kha của xứ Tàu còn truyền tụng trong văn học Việt : người dân thường tên Thuần Vu Phân được mời mọc uống nhiều rượu ăn mừng sinh nhật ngủ quên dưới gốc cây hòe nằm mơ thấy cả cuộc đời ông kéo dài mấy chục năm kể cả lúc làm quan cao ở quận Nam Kha rồi khi loạn lạc giặc đến nhà vua cử ông ra đánh đấm thua cuộc bị phạt. Bất mãn, bực tức, ông hét lên rồi bừng tỉnh mới hay chỉ là trong mộng mà thôi !
Nữ diễn viên Clotilde còn đóng thêm trong nhiều vở kịch khác kể cả “Quán Vàng Chanh” và có vai phụ trong mấy cuốn phim dài và trung bình (xi-nê-ma Pháp).

Nguyễn Thị Ngọc Diễm (còn tiếp)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT