Thế Giới

Duterte. chứ không phải Trung Cộng, cấm ngư dân Phi Luật Tân tới bãi cạn

Thursday, 24/11/2016 - 09:18:04

Tòa này cũng phán quyết rằng việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên hầu hết Biển Đông là không có căn cứ pháp lý. Phán quyết này là một chiến thắng pháp lý vang dội cho Phi Luật Tân.

MANILA - Tổng Thống Rodrigo Duterte đã quyết định cấm các ngư dân Phi Luật Tân không được tới một ngư trường phong phú trên Biển Đông. Quyết định này là một phần trong những nỗ lực của ông nhằm xoa dịu căng thẳng trên vùng biển bị tranh chấp do Trung Quốc kiểm soát. Nhưng vào hôm thứ Tư, các ngư dân lên tiếng chỉ trích lệnh cấm của ông Duterte.

Theo các phụ tá của Tổng Thống Duterte cho biết, ông đã đưa ra một bản tuyên bố “đơn phương”, để biến vùng đầm phá ở bãi cạn Scarborough thành một khu bảo tồn biển được bảo vệ. Trước đó ông nêu lên vấn đề này trong cuộc gặp gỡ với Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, bên lề hội nghị thượng đỉnh khu vực tại Peru vào cuối tuần qua.

Hiện không rõ ông Tập Cận Bình có ủng hộ kế hoạch này hay không.
Hai nước láng giềng này đều coi bãi cạn ấy là một phần của lãnh thổ của họ. Nhưng Trung Quốc nắm quyền kiểm soát chuỗi rạn san hô ấy, nằm cách đảo chính Luzon của Phi Luật Tân chỉ 230 cây số (140 dặm), vào năm 2012 sau một vụ bế tắc với hải quân Phi Luật Tân.

Ông Fernando Hicap, chủ tịch của nhóm hỗ trợ ngư dân Pamalakaya, nói, “Chúng tôi sợ rằng việc tuyên bố bãi cạn ấy là một khu bảo tồn biển sẽ mở đường cho một cuộc phong tỏa đánh cá khác.”
Ông nói thêm, “Lần này luật pháp và chính phủ của chúng tôi sẽ cấm ngư dân Phi Luật Tân, chứ không phải là Trung Quốc cấm.”

Sau khi chiếm quyền kiểm soát bãi cạn ấy trong năm 2012, Trung Quốc đã cấm ngư dân Phi Luật Tân hoạt động ở đó. Lệnh cấm được nới lỏng trong tháng qua, sau khi ông Duterte đi thăm Bắc Kinh để cải thiện các mối quan hệ, và người Phi Luật Tân được phép đánh cá ở bên ngoài vùng đầm phá ấy.
Hôm thứ Tư, một phát ngôn viên của ông Duterte nói với hãng tin AFP rằng văn phòng của ông sẽ sớm công bố một sắc lệnh về “vùng cấm đánh cá” mới, cho cả ngư dân Phi Luật Tân lẫn ngư dân Trung Quốc.
Ana Marie Banaag, phụ tá thư ký truyền thông của tổng thống, nói, “Điều này sẽ tùy thuộc vào những cuộc thương lượng thân thiện. Vì vậy chúng tôi sẽ không tạo ra sự đụng chạm với những nước khác cũng đòi chủ quyền.” Hôm thứ Ba, phát ngôn viên Geng Shuang (Cảnh Sảng) của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc không bình luận về lời tuyên bố của ông Duterte, nhưng cho biết rằng Bắc Kinh đã “sắp xếp một cách thích hợp cho các hoạt động đánh cá.”

Tuy nhiên các ngư dân Phi Luật Tân nói với AFP rằng kế hoạch của ông Duterte sẽ làm tổn thương sinh kế của họ.

Maniago, thuyền trưởng trong làng ở Infanta, một thị trấn đánh cá chính yếu ở bãi cạn Scarborough Shoal, trên đảo Luzon, nói, “Chúng tôi chống lại chuyện đó, vì bên trong khu đầm phá ấy là nơi bắt được cá nhiều hơn.”

Chuyên gia luật hàng hải Jay Batongbacal nói rằng lời tuyên bố của ông Duterte làm lợi cho Trung Quốc, vì Phi Luật Tân có thể mất thêm quyền tiếp cận vào bãi cạn ấy.” Ông Batongbacal nói, “Trung Quốc có thể dễ dàng chấp nhận động thái của Phi Luật Tân, và không hành động đáp trả, vì họ thu được lợi ích.”
Sau một vụ kiện do người tiền nhiệm của ông Duterte là Benigno Aquino cách đây ba năm, một tòa án quốc tế được Liên Hiệp Quốc ủng hộ trong tháng Bảy tuyên bố rằng bãi cạn ấy một ngư trường chung cho các quốc gia xung quanh.

Tòa này cũng phán quyết rằng việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên hầu hết Biển Đông là không có căn cứ pháp lý. Phán quyết này là một chiến thắng pháp lý vang dội cho Phi Luật Tân.

Thế nhưng ông Duterte, 71 tuổi, xoay hướng ngoại giao của nước ông ra khỏi đồng minh truyền thống là Hoa Kỳ, và hướng về phía Trung Quốc.

Ngay sau chuyến đi phá băng của ông đến Bắc Kinh, tàu thuyền Trung Quốc đóng ở bãi cạn Scarborough đã cho phép các ngư dân Phi Luật Tân đánh cá ở bên ngoài vùng đầm phá này.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT