Kinh Doanh

Giá thịt heo có thể tăng trong khi dịch sốt heo Châu Phi lan tràn qua Trung Quốc

Sunday, 05/05/2019 - 11:16:34

Và vấn đề dài hạn này sẽ làm tăng giá của hầu như tất cả các loại thịt trên toàn thế giới, vì người tiêu dùng có khả năng chuyển sang các nguồn protein khác như thịt gà và thịt bò để bù đắp cho sự thiếu hụt thịt heo.


Một nhân viên đang xếp thịt heo lên quày bán thịt trong siêu thị Kroger ở Louisville, tiểu bang Kentucky ngày 5 tháng 3, 2019. Tuy Hoa Kỳ không bị lây nhiễm dịch sốt heo Phi Châu, giá thịt cũng có thể tăng vì nhu cầu gia tăng tại Trung Quốc. (Getty Images)

Giá thịt xông khói và thịt heo có thể tăng đối với người tiêu dùng ở Hoa Kỳ và trên thế giới do sự bùng phát của dịch sốt heo Châu Phi (ASF) ở Trung Quốc, nơi đã cắt giảm sản lượng thịt heo được nuôi và chế biến tại nước của họ.

Căn bệnh này được phát hiện lần đầu tiên vào tháng 8 năm ngoái đã gây thiệt hại lớn cho đàn gia súc Trung Quốc, với tổng số 129 ổ dịch được tìm thấy. Nhà chức trách đã tiêu hủy hơn 1 triệu con heo. Tuy nhiên, nhiều người tin rằng tình hình thực tế sẽ còn tệ hại hơn nhiều so với các con số được loan báo chính thức.

Dịch ASF không ảnh hưởng đến con người, tuy nhiên, bệnh rất dễ lây lan và gây tử vong cho heo. Hiện tại không có cách chữa trị hoặc vắc-xin phòng ngừa bệnh.

Rabobank, (một ngân hàng cho vay hàng đầu của ngành nông nghiệp) ước tính có tới 200 triệu con heo, gần gấp ba lần số heo ở Hoa Kỳ - có thể bị tiêu hủy hoặc chết vì nhiễm trùng khi dịch bệnh lây lan qua Trung Quốc, làm giảm 30% sản lượng thịt heo tại quốc gia này từ năm 2019.

Trung Quốc, nước tiêu thụ và sản xuất thịt heo lớn nhất thế giới, hiện đang chuyển sang các nước khác để đáp ứng nhu cầu thịt, bao gồm Liên Minh Châu Âu, Brazil, Canada và Hoa Kỳ.

Điều này có thể dẫn đến việc người tiêu thụ Mỹ phải trả giá cao hơn cho các mặt hàng chủ lực như thịt xông khói và xúc xích, nếu việc tiêu hủy heo ở Trung Quốc tiếp tục xảy ra.

Trung Quốc đang tiêu thụ một nửa số thịt heo sản xuất trên toàn cầu, đó sẽ là vấn đề trong năm đến bảy năm tới, trước khi sản xuất có thể được phục hồi.

Và vấn đề dài hạn này sẽ làm tăng giá của hầu như tất cả các loại thịt trên toàn thế giới, vì người tiêu dùng có khả năng chuyển sang các nguồn protein khác như thịt gà và thịt bò để bù đắp cho sự thiếu hụt thịt heo.

Tại Trung Quốc, Bộ Nông Nghiệp và Nông Thôn nước này vào hôm 17 tháng 4 đã công bố rằng giá thịt heo có thể tăng hơn 70% trong nửa cuối năm nay, lập kỷ lục cao ở nước này.

Giá bán buôn thịt heo trung bình ở nước này trong tháng 3 là 19 nhân dân tệ ($2.82 đô la) mỗi kg, tăng 6.3% so với tháng trước và cao hơn 7.6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đầu tháng Tư, Cam Bốt đã ghi nhận một đợt bùng phát ASF đầu tiên gần biên giới Việt Nam, khiến khoảng 400 con heo bị giết. Vụ dịch xảy ra ở tỉnh Rattanakiri, phía Đông Bắc, giáp biên giới Việt Nam.
Tại Việt Nam, ngày 19/2, Cục Thú Y (thuộc Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn) thông báo phát hiện ổ dịch sốt heo Châu Phi tại tỉnh Hưng Yên và Thái Bình. Là một nước giáp với Trung Quốc ở phía Bắc, hầu hết trong 556 trường hợp dịch ASF đều đã xảy ra ở khu vực phía Bắc này. Một số quan chức Việt Nam cho biết loại virus này có thể đã xâm nhập vào Việt Nam thông qua những người mang heo nhiễm bệnh từ Trung Quốc về hoặc từ thức ăn dành cho heo do Trung Quốc sản xuất.

Kể từ ngày 19 tháng Hai, 23 trên tổng số 58 tỉnh Việt Nam đã có báo cáo về việc dịch bệnh bùng phát, với hơn 89,600 con heo bị tiêu hủy.

Mông Cổ cũng đã phát hiện trường hợp nhiễm ASF vào tháng Giêng, bệnh dịch chưa được phát hiện ra trước khi dịch tại Trung Quốc bùng phát.

Ít nhất 3,115 con heo đã chết vì căn bệnh này hoặc đã bị tiêu hủy, chiếm khoảng 10% tổng đàn heo ở Mông Cổ.

Vào tháng 3, các đại lý biên giới Hoa Kỳ đã tịch thu khoảng 1 triệu pound sản phẩm thịt lợn từ Trung Quốc vì nghi ngờ rằng thịt có thể bị nhiễm bệnh.


Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT