Hoa Kỳ

Hứa đồng minh vĩnh cửu với Israel, còn gặp thử thách với Palestine

Thursday, 21/03/2013 - 08:25:58

Phải, đây là lần đầu tiên với chức vị Tổng Thống của Hoa Kỳ, ông Barack Obama đã đặt chân xuống đất Do Thái.

Hoài Mỹ/Viễn Đông

Chuyến công du Trung Đông của Tổng Thống Obama

TEL AVIV - Trưa Thứ Tư, chiếc phi cơ Air Force One đã hạ cánh xuống phi trường Ben Gurion ở Tel Aviv. Tại đây Tổng Thống Shimon Peres và Thủ Tướng Benjamin Netanyahu của Do Thái đã đến chào mừng Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama. Ông Obama đã ôm lấy hai nhà lãnh đạo Do Thái, tươi cười nói: “Thật tuyệt vời được gặp quí vị. Thật tuyệt vời được đến đây!”
Phải, đây là lần đầu tiên với chức vị Tổng Thống của Hoa Kỳ, ông Barack Obama đã đặt chân xuống đất Do Thái.
Trong chuyến công du kéo dài 3 ngày ở Trung Đông, ngoài các yếu nhân Do Thái, Tổng Thống Obama cũng sẽ gặp các nhà lãnh đạo Palestine cũng như quốc vương Abdullah của Jordan.
Ông Obama hứa sẽ là “đồng minh vĩnh viễn” với Do Thái: Khi gặp các ký giả, ông Obama tuyên bố rằng việc dấn thân của Hoa Kỳ nhằm để bảo đảm quốc gia Do Thái được “rock solid” - vững bền kiên cố. Lời của Tổng Thống Hoa Kỳ: “Tôi xem chuyến thăm viếng này là một cơ hội để xác nhận những mối dây quan hệ giữa hai quốc gia của chúng ta là bất khả gẫy đứt”.
Trong khuôn khổ nghi lễ đón chào ở phi trường, ông Obama cũng đã cam kết trước các khán thính giả về trách nhiệm bất khả lay chuyển của Hoa Kỳ đối với nền an ninh của Do Thái. Ông phát biểu thêm rằng nay ông cũng muốn nói chuyện trực tiếp với nhân dân Do Thái và các “hàng xóm láng giềng” của họ.
Tổng Thống Barack Obama cương quyết hứa: “Tình đồng minh của chúng ta tồn tại vĩnh cửu!”.
Trong khi Tổng Thống Shimon Peres phát biểu rằng “người khách này” là một người bạn mang tính lịch sử của Do Thái, thì Thủ Tướng Benjamin Netanyahu đã cám ơn ông Obama vẫn đứng về phía đất nước này giữa lúc cả vùng Trung Đông trải qua một cuộc thay đổi lịch sử. Lời của ông Netanyahu: “Xin cảm tạ ông đã bảo vệ quyền của Do Thái được bảo vệ sự tồn tại của mình”.
Thế nhưng tòa Bạch Ốc ở Washington vẫn bận tâm trong việc hạ bớt những sự trông đợi về các nỗ lực cụ thể trong chuyến công du của Tổng Thống Barack Obama trong việc giải quyết cuộc xung-đột-Trung-Đông vốn vẫn bị bế tắc.

Cải thiện mối quan hệ
Mục đích quan trọng nhất của ông Obama là cải thiện mối quan hệ của ông với cả Thủ Tướng Benjamin Netanyahu của Do Thái lẫn Chủ Tịch Mahmoud Abbas của người Palestine, tất nhiên với dân chúng ở cả hai bên.
Ông Obama và ông Netanyahu đến nay vẫn lâm cảnh “cơm không lành, canh chẳng ngọt”. Hai ông đặc biệt đã bất đồng về vấn đề thời gian bao lâu thì xẩy đến thật sự mối đe dọa nguyên tử của Iran, và người ta phải làm gì để giải quyết. Hai nhà lãnh đạo đã có những cuộc thảo luận kéo dài trong nhiều tiếng đồng hồ.
Về phía người Palestine, họ vẫn có mối bất mãn đối với Tổng Thống Barack Obma khi họ cho rằng trong suốt 4 năm điều hành Hoa Kỳ, quốc gia đồng minh quan trọng nhất của Do Thái, ông đã không thuyết phục được người Do Thái chấm dứt việc xây cất thêm gia cư mới ở vùng Tây Ngạn (West Bank) của Palestine.
Ông Obama nói: “Do Thái tự quyết định việc tấn công Iran”: Trong một cuộc họp báo chung với Thủ Tướng Benjamin Netanyahu vào chiều Thứ Tư sau khi hai ông đã có những lần đàm phán, Tổng Thống Barack Obama phát biểu: “Mỗi nước phải tự nhận thức những quyết định của riêng mình khi liên quan đến những quyết định khủng khiếp về việc tham gia vào các hành động quân sự”.
Lời minh giải trên đây của ông Obama như thể để trả lời cho câu tuyến bố trước đó của Thủ Tướng Netanyahu khi ông này quan niệm rằng Do Thái vẫn là nước phải tự quyết định việc tấn công cơ xưởng nguyên tử của Iran.
Tổng Thống Obama nói thêm: “Và Do Thái ở vào một vị trí khác với Hoa Kỳ”.
Trước đó, Thủ Tướng Netanyahu vẫn từng phát biểu rằng ông tin tuyệt đối rằng Tổng Thống Barack Obama muốn ngăn chận việc Iran có vũ khí nguyên tử. Ông Netanyahu còn nói rằng Do Thái đồng ý với Hoa Kỳ là Iran có lẽ sẽ cần khoảng một năm nữa để sản xuất được vũ khí nguyên tử nếu giới lãnh đạo của nước này chọn lựa con đường ấy để đi. Tổng Thống Obama xác quyết là vẫn tiếp tục có thời gian để tìm được một giải pháp ngoại giao, tuy nhiên ông lập lại là “tất cả giải pháp” đều đã được phơi bầy.

Nghi ngờ
Nhân dịp này, Tổng Thống Obama cũng nhấn mạnh rằng vấn đề các lực lượng chính phủ của Syria đã sử dụng vũ khí hóa học trong một cuộc tấn công hôm Thứ Ba vừa rồi là rất nghiêm trọng và sẽ được người Hoa Kỳ điều tra cặn kẽ.
Ông Obama nói rằng ông nghi ngờ những lời khẳng định là phe đối lập ở Syria đã dùng vũ khí hóa học: “Chúng tôi xác định rằng việc sử dụng vũ khí hóa học chống lại nhân dân Syria sẽ là một sự sai lầm nghiêm trọng và bi thảm. Chế độ Assad phải hiểu là họ sẽ phải chịu trách nhiệm về việc sử dụng vũ khí hóa học hoặc họ cung cấp cho những tên khủng bố”. Tuy nhấn mạnh như vậy, nhưng ông Obama đã không trả lời điều gì dứt khoát là ai đã dùng vũ khí hóa học hôm Thứ Ba vừa rồi.
Tổng Thống Barack Obama tuyên bố rằng Hoa Kỳ và Do Thái sẽ khởi sự đàm phán một thỏa ước về việc gia hạn việc yểm trợ quân sự của Hoa Kỳ dành cho Do Thái khi khế ước hiện tại sẽ chấm dứt vào năm 2017. Thủ Tướng Netanyahu cám ơn về việc này và đã tiết lộ thời hạn kéo dài sẽ là 10 năm.
Ông Obama cam kết việc yểm trợ cho Do Thái sẽ không bị thiệt hại bởi những vấn đề ngân sách của chính Hoa Kỳ. Việc yểm trợ kể trên liên quan đặc biệt đến sự phòng vệ chống hỏa tiễn vốn vẫn được xây dựng từng phần với sự giúp đỡ của Hoa Kỳ.

Giải-pháp-hai-quốc-gia
Thủ Tướng Do Thái Netanyahu đã cam kết trong buổi họp báo rằng Do Thái đồng thuận giải-pháp-hai-quốc-gia, theo đó người Do Thái và người Palestine, mỗi bên có quốc gia riêng của mình. Ông minh xác: “Hai quốc gia cho hai dân tộc”.
Tổng Thống Barack Obama trả lời bằng cách nhấn mạnh là quốc gia Palestine phải có chủ quyền và độc lập.
Hai ông Obama và Netanyahu đã cố gắng chứng tỏ họ là hai người bạn thân của nhau vốn hiểu biết nhau sau 10 lần đã gặp gỡ nhau, tính cho đến chiều hôm qua. Trong cuộc họp báo chung này, ông Obama đã nhiều lần gọi Thủ Tướng Do Thái chỉ bằng tên “Bibi” vốn rất quen thuộc ở Do Thái.

Obama đả kích việc Do Thái xây thêm gia cư
Trong một bài diễn văn dành cho sinh viên Do Thái được trực tuyến trên TV hôm Thứ Năm ở Jerusalem, Tổng Thống Obama đã tuyên bố: “Người Do Thái cần nhìn nhận rằng hoạt động tiếp tục xây dựng các gia cư mới không lợi ích gì cả, nhưng chỉ ngăn chận hòa bình, và một nước Palestine độc lập phải được tồn tại”.
Ông nhấn mạnh tiếp: “Khi người ta nhìn thấy công cuộc qui tụ dân chúng ở mạn Tây dòng sông Jordan, thì đó là việc thiết lập một đất nước Palestine độc lập và tồn tại, và rồi Do Thái có thể được sự an toàn đồng thời phát triển thành một quốc gia dân chủ và với đặc tính Do Thái”.
Ông Obama cũng đã cảnh cáo việc Do Thái tự cô lập mình hơn nữa và ông quả quyết là sự bất mãn của thế giới nay đang gia tăng.
Trong các lần đàm luận với Thủ Tướng Do Thái Benjamin Netanyahu, Tổng Thống Obama cũng đã nhấn mạnh là các hoạt động xây cất của người Do Thái trong vùng chiếm đóng vốn không phù hợp với giải-pháp-hai-quốc-gia mà cả Do Thái lẫn Hoa Kỳ đều đã chính thức đồng thuận. Ông nêu đặc biệt dự án mới E 1, một dự án gồm nhiều ngàn gia cư ở mạn Nam thành Jerusalem vốn sẽ phân chia một quốc gia Palestine khả thể thành 2 đơn vị.
Được biết là từ năm 2009, đã mọc lên gần 7,000 gia cư mới trong khu vực người Do Thái định cư tại vùng Tây Ngạn. Và Do Thái vẫn không tỏ dấu hiệu gì muốn ngưng, trái lại là đàng khác. Chủ Nhật tuần rồi, trước 3 ngày chuyến công du của Tổng Thống Barack Obama bắt đầu, Tổng Trưởng bộ Gia Cư Do Thái, Uri Ariel, thông báo chương trình xây cất vẫn tiếp tục. Tổng số cư dân Do Thái ở Tây Ngạn được ước tính đã vượt trên 350,000 người. Thêm vào đó, gần 200,000 người Do Thái cư ngụ ở vùng Đông-Jerusalem.
Trong một bài diễn văn trước đây đọc ở Cairo, thủ đô Ai Cập, Tổng Thống Obama đã quả quyết rằng Hoa Kỳ không nhìn nhận các gia cư ấy là hợp pháp.
Ông Obama xác quyết: “Người Palestine xứng đáng được quốc gia riêng của mình”:
Sau chuyến viếng thăm lần đầu tiên Do Thái, hôm qua Tổng Thống Obama đã được máy bay trực thăng đưa thẳng đến Ramallah, thủ phủ của người Palestine ở vùng Tây Ngạn. Tại đây ông Obama đã tươi cười ôm Mahmoud Abbas, vị Chủ Tịch của Palestine. Mặc dù có trải thảm đỏ và một ban quân nhạc tấu một hành khúc rộn rã, nhưng bầu khí ở vẫn đây có vẻ nặng nề hơn so với tại Tel Aviv hôm trước.
Tổng Thống Obama đã minh xác trước rằng ông đến những nơi này là để lắng nghe, và ông không đem theo một kế hoạch hòa bình nào trong hành lý cho các cuộc thảo luận với Chủ Tịch Abbas.
Sau cuộc đàm thoại tương đối không kéo dài với Tổng Thống Hoa Kỳ, Chủ Tịch Abbas đã đọc một bài diễn văn ngắn: “Dân chúng ở Palestina ao ước được những quyền lợi căn bản hơn cả. Quyền tự do, độc lập và hòa bình. Chúng tôi luôn hướng về cái ngày mà chúng tôi có thể sống một cuộc đời bình thường, trong một quốc gia Palestine độc lập. Hòa bình sẽ không thể đạt được bằng bạo động, xâm chiếm, bằng các bức tường, gia cư và sự phủ nhân quyền lợi”.
Ông Abbas đã mô tả cuộc đàm thoại với Tổng Thống Hoa Kỳ hôm Thứ Năm là “tốt đẹp”. Ông nói tiếp: “Đây là một cơ hội rất tốt đẹp cho chúng tôi để cùng đặt trọng tâm của mỗi bên vào vấn đề. Tôi cam chắc là người Palestine vẫn thực hiện được các bước tiến dài trong việc kiến tạo hòa bình. Chúng tôi sẵn sàng đối đầu với những đòi hỏi và bổn phận nhằm đạt được sự hòa giải đồng thời tiếp tục cuộc hành trình của chúng tôi để xây dựng hòa bình và an ninh ở trong vùng này”.
Trong khi đó, Tổng Thống Obama đã diễn tả rằng ông cảm nghĩ đã có nhiều sự thuận lợi hơn đã diễn ra so với lần ông đến thăm người Palestine cách nay 5 năm. Ông nói: “Tôi rất vui được nhìn thấy sự tiến bộ ấy, tuy nhiên tôi cũng thấy là vẫn còn những sự thử thách hầu đạt được hòa bình. Hoa Kỳ vẫn dấn thân vào công việc nhằm mục tiêu đạt được một quốc gia Palestine độc lập và tự trị. Người dân Palestine xứng đáng được di chuyển và du hành tự do đồng thời cảm thấy mình được an toàn. Họ xứng đáng được hưởng một tương lai tràn đầy hy vọng. Người Palestine xứng đáng được quốc gia riêng của mình”.
Ông Obama nhân dịp này cũng kêu gọi người Palestine không bỏ dở việc dấn thân cho hòa bình, bất chất thực tế khó khăn như thế nào. Tổng Thống Hoa Kỳ đã nhấn mạnh rằng con đường duy nhất để tiến tới là xuyên qua các cuộc đàm phán trực tiếp. Ông hứa “chính phủ của tôi sẽ làm tất cả những gì khả thể để thu nhỏ lại khoảng cách giữa các bên”, sau đó ông bầy tỏ bổ túc: “Những người trẻ Palestine và những người trẻ ở Do Thái đầu xứng đáng được hưởng một tương lai tốt đẹp hơn. Mỗi khi gặp gỡ những người trẻ này, tôi lại luôn luôn nghĩ đến những người con gái của tôi và đến niềm hy vọng nào, các ước ao nào mà tôi dành cho các con. Dĩ nhiên phải cần đến thời gian để đạt được những sự thay đổi, nhưng vẫn có sự khả thể. Đã khá lâu rồi, kể từ khi những người con gái của tôi không còn muốn có cùng những cơ hội mà chúng hiện có hôm nay”.

Bắn hỏa tiễn
Như trên đã kể, người Palestine tỏ ra thất vọng đối với kết quả quá khiêm nhượng mà ông Obama đã làm được sau nhiệm kỳ thứ nhất trong chức vị Tổng Thống, ông đã hứa dành ưu tiên cho hòa bình ở Trung Đông.
Như để nhắc nhở sự tiềm tàng bạo lực của cuộc xung đột này, phe quân sự Palestine ở Dải Gaza sáng hôm Thứ Năm đã bắn hai trái hỏa tiễn vào khu vực Sderot của Do Thái. Cuộc tấn công này không gây cho người nào thương tích, nhưng đã bị kết án bởi Chủ Tịch Abbas lẫn Tổng thống Obama.Nhóm cực đoan Magles Shouraal-Muhahddin vốn liên hệ với al-Qaida, đã tự nhận trách nhiệm vụ bắn hỏa tiễn này. (HM)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT