Người Việt Khắp Nơi

Hưng Lê, "người tị nạn tệ nhất"

Sunday, 11/03/2018 - 10:54:11

Khi được hỏi ý kiến của ông về số lượng người Á Châu trong ngành giải trí hiện nay, Hưng Lê nói lạc quan, “Cánh cửa đã mở ra. Thật là tuyệt vời khi thấy diễn viên gốc Việt trong phim Star Wars mới, và hiện nay với phim Black Panther.”


Bìa cuốn sách mới của Hưng Lê do ông cung cấp báo chí.

Nhân dịp ra mắt tác phẩm The Crappiest Refugee, danh hài Hung Le gốc Việt đã được báo The Sydney Morning Herald đăng bài viết giới thiệu sách và giới thiệu cá nhân ông với độc giả tại Úc. Dưới đây là phần chuyển ngữ của bài viết bằng tiếng Anh của tác giả Thuy On đăng trên báo SMH ngày thứ Bảy, 10 tháng 3, 2018. Cũng không quên giới thiệu là cuốn The Crappiest Refugee được phát hành bởi Affirm Press, với giá bán $29.99 Úc kim ($23.50 Mỹ kim).

Khi danh hài Hưng Lê lớn lên ở Melbourne trong hai thập niên 1970 và 1980, ông từng có một giây phút “bừng ngộ” ra rằng nhiều người Việt tị nạn rất giỏi môn toán, còn một số khác thì... dốt môn này. Ông nhận thấy mình thuộc nhóm thứ hai.

“Tôi đi học chung với những đứa trẻ di cư, cả bọn dường như đều học giỏi một cách dễ dàng và tự tin trong trường và ở đại học. Còn tôi thì thi trượt HSC English.” HSC English là môn tiếng Anh cấp trung học tại Úc.
Ông đã dự định viết một cuốn tiểu thuyết về một người tị nạn, người này làm việc trên tàu du lịch, kể những câu chuyện hài về đời của một thuyền nhân tới Úc, dốt toán, không biết sử dụng máy điện toán, thậm chí không thể chơi đàn violin đúng nhịp.  

“Sau đó tôi mới vỡ lẽ ra người ấy chính là mình. Vì vậy, thay vì bịa ra một câu chuyện tiểu thuyết, tôi đã viết chuyện về chính tôi,” Hưng Lê nói.

Ông tự nhận là một người quê mùa sinh ra ở Sài Gòn, nói giọng Úc. Thế nhưng ông có tài nghịch ngợm với đàn violin và đàn ukulele, nên ông được lưu diễn trên khắp thế giới.

Thế là cuốn tự truyện The Crappiest Refugee (Người Tị Nạn Tệ Nhất) ra đời.
Tựa của cuốn sách này là nhại theo tựa của cuốn The Happiest Refugee (Người Tị Nạn Sung Sướng Nhất) của Anh Đỗ, cũng là một danh hài nổi tiếng tại Úc.

Người Tị Nạn Tệ Nhất là tác phẩm thứ ba của ông Hưng Lê, 52 tuổi. Nhìn từ một khía cạnh, nội dung của cuốn sách kể câu chuyện thông thường của một người từ khố rách áo ôm đạt được danh vọng, của một đứa trẻ thuộc thế hệ thứ hai ở quê hương mới. Sách kể lại một cách hài hước những va chạm trong môi trường lạ lẫm, những đụng độ văn hóa.

Cuốn hồi ký này được viết theo cách suy nghĩ lan man từ chuyện này sang chuyện khác, như cách diễn hài của ông Hưng Lê trên sân khấu giải trí, duy trì một giai điệu đùa nghịch táo bạo từ đầu chí cuối. Ngay cả trong những hoàn cảnh ngặt nghèo đáng thương, ông vẫn tìm cách xoa dịu nỗi u ám bằng ý diễu nhẹ nhàng. (Chẳng hạn khi kể về chiếc thuyền tị nạn trôi giữa đại dương trên đường tìm tự do, ông Hưng Lê viết: “Chiếc thuyền ra khơi mà không có thức ăn, nước, nhiên liệu, hay karaoke... chẳng có gì cả.”)

Hưng Lê sinh năm 1966, tên thật là Lê Trung Hưng. Tên của ông theo nghĩa tiếng Anh là một “Renaissance Man,” tức là một người đa tài. Tên đó có lẽ đã phù hợp với ông. Trong sự nghiệp kéo dài suốt mấy thập niên. Ông đã là một nhạc sĩ, một diễn viên hài, một kịch sĩ, và một người thực hiện phim tài liệu.

Ông còn nhớ nhà ông ở Sài Gòn có một cây vải thiều và một pho tượng Phật rất lớn ngoài sân, không xa Dinh Độc Lập. Vào ngày 29 tháng Tư, 1975, khi ông lên chín tuổi, đoàn xe tăng Việt Cộng tràn vào, ông và gia đình buộc phải trốn thoát trên một chiếc ghe câu tôm. Ông viết trong sách rằng chiếc ghe ấy như một “mảnh giấy mỏng cuốn thuốc lá bị cuốn theo chiều gió.”

Sau khi sống sót qua mấy trận bão và trưởng truyền bỏ đi mất, đám thuyền nhân được Hải Quân Mỹ giải cứu. Họ được đưa đến đảo Guam trước khi được máy bay chở tới Melbourne vào giữa mùa đông.

Nhà đầu tiên của gia đình ông ở Úc là một căn chung cư với một phòng ngủ chứa chín người; những người thân của ông đã làm những công việc lao động tay chân, cố gắng tạo một cuộc sống còn nhiều bấp bênh.
Hưng Lê kể rằng ông lớn lên không phù hợp với những điều mong muốn của cha mẹ và xã hội, và đó là trở thành người tị nạn Á Châu tốt, có một việc làm an toàn. Mặc dù ông và mấy anh chị em bị đưa ngành trình diễn âm nhạc, ông là kẻ nổi loạn đi theo những thần tượng của ông là diễn hài bằng tay chân như Charlie Chaplin, một thể lực hoàn hảo như Bruce Lee, và tật điếc của mẹ ông (cần phải ra hiệu bằng nét mặt và dùng ngôn ngữ ký hiệu).

Ông đã cố tình chơi violin lạc điệu để làm vui cho chính ông (và những người khác). Ông nói, “Tôi muốn trở thành Jerry Lewis (danh hài Mỹ) của violin, gây hỗn loạn và xáo trộn đằng sau nhạc cổ điển.”

Sau khi bộ tứ cầm của ông (thực ra gồm 5 thành viên) giành được giải Red Faces trên chương trình Hey Hey It's Saturday, sự nghiệp đẩy đưa ông tới việc trình diễn trên các sân khấu khắp thế giới, trong số đó có lần xuất hiện trên The Muppets ở London, và trên chường trình đặc biệt của Weird Al Yankovic ở Hoa Kỳ.

Ông nói, “Giữ được sự linh động là mục tiêu. Bạn có thể xem những màn ca nhạc hài hước và những ngôi sao điện ảnh cũ, tất cả họ đều có thể ca hát, nhảy múa, nói đùa, kể chuyện cười, chơi cá nhạc cụ và soạn nhạc, làm được mọi thứ.”

Khi được hỏi ý kiến của ông về số lượng người Á Châu trong ngành giải trí hiện nay, Hưng Lê nói lạc quan, “Cánh cửa đã mở ra. Thật là tuyệt vời khi thấy diễn viên gốc Việt trong phim Star Wars mới, và hiện nay với phim Black Panther.”

Và với ý hài, ông nói, “Thời gian tới thế nào chúng ta cũng sẽ có một siêu nhân người Á Châu trong phim ảnh. Người này ban ngày là một anh đầu bếp nấu phở vui vẻ, nhưng vào ban đêm thì anh trở thành... Kikkoman (một hiệu xì dầu nổi tiếng ở Mỹ), người có sức mạnh siêu phàm chuyên bắn nước tương vào mắt của những kẻ ác. Chà, ý tưởng đó thật không hay tí nào, ha.”



Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT