Người Việt Khắp Nơi

Khóa Tu Nghiệp Sư Phạm Kỳ 23 hun đúc lòng yêu nước

Monday, 15/08/2011 - 08:37:53

Khóa huấn luyện và tu nghiệp Sư Phạm kỳ thứ 23 do Ban Đại Diện Các Trung Tâm Việt Ngữ Nam Calfornia tổ chức

Thanh Phong/Viễn Đông



Các vị trong Ban Đại Diện Các Trung Tâm Việt Ngữ, Ban Điều Hành và Tổ Chức, Ban Giảng Huấn trong lễ bế mạc Khóa Tu Nghiệp Sư Phạm Hè 2011 –ảnh: Thanh Phong/Viễn Đông

WESTMINSTER - Khóa huấn luyện và tu nghiệp Sư Phạm kỳ thứ 23 do Ban Đại Diện Các Trung Tâm Việt Ngữ Nam Calfornia tổ chức, đã khai mạc ngày Thứ Sáu 12-8 và bế mạc vào chiều Chủ Nhật 14-8-2011 tại Lee Jao Center, Coastline Community College, thuộc thành phố Westminster, nam California.



Các học viên thuộc Trung Tâm Văn Hóa Việt Nam nhâïn Chứng Chỉ
Hoàn Tất khóa học – ảnh: Thanh Phong/Viễn Đông

Khóa Huấn Luyện và Tu Nghiệp Sư Phạm kỳ thứ 23 được Ban Đại Diện Các Trung Tâm Việt Ngữ Nam California chuẩn bị rất công phu từ nội dung chương trình đến Ban Giảng Huấn, từ tiếp tân đến phục vụ ăn uống, nghỉ ngơi. Ban Giảng Huấn gồm những vị giáo sư dày dạn kinh nghiệm giáo dục như các Thầy, Cô: Bùi Vĩnh Phúc, Đặng Ngọc Sinh, Lê Gia Thuận, Lưu Trung Khảo, Phạm Cao Dương, Phan Tâm, Song Thuận, Quyên Di, Trần Chấn Trí, Trần Huy Bích, Trần Minh Tâm, Trần Ngọc Dụng, Văn Tường và các chuyên viên khác như nhạc sĩ Hồng Trang, bác sĩ Trần Lý Lê, bình luận gia Lý Đại Nguyên, cô Ngô Holly, cô Nguyễn Khoa Diệu Quyên. Mỗi vị trên phụ trách huấn luyện và giảng dạy một đề tài khác nhau.

Riêng chủ đề chương trình huấn luyện năm nay là “Lòng Yêu Nước Của Dân Tộc Việt Nam Trong Văn Chương Qua Các Thời Đại”.

Thầy Nguyễn Văn Khoa nói với phóng viên Viễn Đông: “Khóa học này quy tụ khoảng 240 Thầy, Cô về, có những người ở xa như bên Canada, những tiểu bang như New Jersey, New York, Oregon, v.v., và phải nói tinh thần các Thầy, Cô rất cao, và học được rất nhiều kinh nghiệm. Đặc biệt, đề tài nói về lòng yêu nước của dân tộc Việt Nam trong văn chương qua các thời đại cũng là một đề tài rất là nóng bỏng và cũng hun đúc được tinh thần của các Thầy, Cô để từ đó các Thầy, Cô có một vốn liếng hiểu biết để có thể chia sẻ với học trò và con em mình. Tôi nghĩ rằng, đây là dịp để ôn lại lịch sử oai hùng của dân tộc Việt Nam, từ những lịch sử oai hùng đó nâng cao tinh thần yêu nước cho các em học sinh, đồng thời các Thầy, Cô cũng học được cách rõ nét hơn về cách sử dụng tiếng Việt của chúng ta một cách trong sáng, để tránh đi những ngộ nhận và đôi khi cách dùng chữ không chính xác đã tạo cho nét văn hóa, ngôn ngữ Việt Nam chúng ta nghèo đi, đồng thời các Thầy, Cô cũng biết được rất nhiều chữ mà cha ông chúng ta đã dùng rất lâu mà theo thời gian và theo một số những tổ chức ở trong nước đã dùng một cách không đúng đắn. Các Thầy, Cô cũng xác định được những chữ đó thực sự không phải là những chữ của chế độ Cộng sản hay chế độ nào nhưng vấn đề chính là dùng những chữ cho chính xác chứ không phải từ bỏ những chữ mà do văn hóa lâu đời của dân tộc ta để lại. Qua những khóa như thế này, chúng tôi nghĩ rằng các Thầy, Cô đã thu thập được những giá trị để điều hành và giảng dạy các lớp Việt ngữ được tốt đẹp hơn”.

Về chủ đề chính của khóa tu nghiệp, do phù hợp với bối cảnh đất nước Việt Nam hiện nay, đã được các khóa sinh chăm chú theo dõi và tán thưởng.

Cô giáo Nguyễn Minh Nguyệt (phu nhân ký giả truyền hình SET Phan Đại Nam) nhận xét: “Đề tài khóa huấn luyện hôm nay là ‘Lòng Yêu Nước Của Dân Tộc Việt Nam Trong Văn Chương Qua Các Thời Đại’, đề tài này rất phù hợp với hoàn cảnh đất nước của mình, thành ra những diễn giả như bình luận gia Lý Đại Nguyên rồi giáo sư Phạm Cao Dương, những người rất am tường lịch sử đã nói về đề tài này làm cho chúng tôi rất thích thú”.

Từ tiểu bang New Jersey ở miền Đông Hoa Kỳ, cô giáo Phạm Thị Bích Châu, dạy lớp 1 đã được 2 năm, nói: “Đây là lần đầu tiên tôi tham dự, rất hứng thú và học hỏi được nhiều kinh nghiệm để dạy tiếng Việt cho các em. Riêng đề tài về lòng yêu nước, tôi thấy rất phù hợp với tình hình bên đất nước Việt Nam đang bị Trung Cộng xâm chiếm Hoàng Sa, Trường Sa, tôi thấy khóa học này thật là tuyệt vời”.

Cô Nguyễn Kiều Hạnh, Trung Tâm Việt Ngữ Vinh Sơn Liêm, Cộng Đoàn Orange, cũng lần đầu tiên tham dự khóa tu nghiệp, cho biết: “Tôi muốn học để tìm hiểu thêm kinh nghiệm về dạy cho các con ở nhà cho chúng biết tiếng Việt. Trước đây mình chỉ nghĩ sao nói vậy, bây giờ học rồi mới thấy những điều hay, điều bổ ích mà mình chưa hề nghĩ tới, cũng như phải dùng chữ thế nào cho đúng chứ không nói đại được. Riêng đề tài liên quan đến đất nước, tôi thấy diễn giả nói về hai đảo Hoàng Sa, Trường Sa giúp tôi hiểu biết lịch sử và biết hiện nay Tàu đã chiếm của mình, nên mình phải làm sao lấy lại mới được”.

Sơ Trần Nữ, Trung Tâm Trưởng Trung Tâm Việt Ngữ Cộng Đoàn Thánh Linh, cũng có lời khen về chủ đề năm nay: “Có 17 Thầy, Cô thuộc Trung Tâm Việt Ngữ Cộng Đoàn tham dự từ đầu tới cuối. Tôi rất thích đề tài ‘Lòng Yêu Nước Qua Văn Chương’, vì nó phù hợp với hiện tình đất nước, và cũng một phần nhờ có đề tài này nên tôi khuyến khích các Thầy, Cô tham dự. Theo tôi, tùy sự tiếp thu nơi mỗi người, nếu người còn mang dòng máu yêu nước thì họ sẽ tận dụng bài học này để tìm cách giúp học sinh nâng cao tinh thần yêu nước, cho các em hiểu biết nền văn hóa của dân tộc mình, biết về nạn ngoại xâm mà tổ tiên mình đã chống trả như thế nào để giữ gìn đất nước đến ngày nay. Trung tâm của chúng tôi hiện có khoảng 250 em học sinh theo học tiếng Việt. Tôi cho rằng khóa tu nghiệp sư phạm này rất cần thiết và bổ ích”.

Thầy Hoàng Luân, Trung Tâm Việt Ngữ Đắc Lộ tại Seattle, cho biết: “Tôi có cảm giác rất vui mừng và may mắn. Vui mừng vì tôi được tới đây, được gặp gỡ những Thầy, Cô và những người gốc Việt của mình, rất là vui. Tôi ở tiểu bang Seattle không có đông người Việt nên qua đây thấy đông người Việt, rồi thấy nhiều người hiếu học quá. Còn tôi may mắn là ở đây có những người rất giỏi, giống như tôi mới có một lớp với bác sĩ Lý Lê, rất mở mang kiến thức cho tôi. Thật sự, tôi không có theo dõi nhiều về tình hình bên Việt Nam xẩy ra với Trung Quốc, tôi không theo dõi nên không dám có ý kiến. Riêng đề tài về lòng yêu nước, tôi thấy quá hay, giúp mình yêu nước, yêu ngôn ngữ, văn hóa, yêu con người của mình để mình lại truyền đạt cho con em của mình, và đó là lý do tôi có mặt ở đây”.

Ngay tại Westminster, cô giáo Thảo Nguyễn, Trung Tâm Việt Ngữ Chùa Điều Ngự, một khóa sinh cũng mới lần đầu tiên theo học lớp tu nghiệp, cho biết ý kiến: “Tôi thấy rất là hay tại vì mình chỉ dạy theo cách ‘tự xuất phát ra’ thôi nhưng bây giờ đi học mới thấy quá nhiều, quá hay, tại vì mình dạy Mẫu giáo là cái lớp khó nhứt để cho các em tiến lên từ từ. Nếu Mẫu giáo mà không nắm vững được căn bản thì không thể học lên trên được... Trong khóa có đề tài rất phù hợp với tình hình đất nước hiện nay. Ngay cả trong nước cũng như hải ngoại đều rất quan tâm, không chỉ về Biển Đông nhưng còn đang bị đe dọa xâm lăng cả nước... Trước đây, trong đời sống, ai cũng lo nghĩ đến công ăn việc làm mà không nghĩ đến lòng yêu nước, nhất là ở hải ngoại. Nhưng khi nổ ra vụ Biển Đông, ai cũng đổ dồn vào tình hình quê nhà, nghĩ tới quê nhà, truyền thông đều nói về Việt Nam, mình cảm thấy mình cũng là người Việt Nam nên có cảm tưởng như sắp bị mất nước và qua đề tài này, mình thấy sôi sục lên lòng yêu nước và tinh thần chống ngoại xâm. Bây giờ ở bên Việt Nam ai cũng đồn đoán nước mình sắp bị Trung quốc đánh rồi, ở Hà Nội đang dùng tiền Nhân Dân tệ, thấy không thể chấp nhận được, nên bây giờ ở hải ngoại đi tới đâu cũng thấy đề cập tới lòng yêu nước, thật là quá tốt trong lúc này”.

Sau khi đúc kết Khóa Huấn Luyện và Tu Nghiệp Sư Phạm vào lúc 1 giờ 30 chiều Chủ Nhật, các vị giáo sư trong Ban Đại Diện cũng như Ban Điều Hành và Ban Giảng Huấn lần lượt trao Bằng Tri Ân cho các ân nhân, mạnh thường quân và phát Chứng Chỉ Hoàn Tất Khóa Tu Nghiệp Sư Phạm 2011 cho các tham dự viên theo từng Trung Tâm Việt Ngữ.



Học viên Hoàng Luân (áo trắng) từ Trung Tâm Việt Ngữ ở Seattle, một trong số
các học viên trả lời phỏng vấn của Viễn Đông – ảnh: Thanh Phong/Viễn Đông

Trong các lời phát biểu của đại diện Ban Điều Hành khóa học, nhiều Thầy Cô và khóa sinh đã bật khóc khi sắp sửa phải chia tay. Trong bài phát biểu thật cảm động và ý nghĩa, Giáo Sư Quyên Di nói: “Khóa huấn luyện và tu nghiệp sư phạm của chúng ta có hai mục đích. Mục đích thứ nhất, là trang bi cho chúng ta những kiến thức, những kinh nghiệm trong việc dạy tiếng Việt cho con em của mình, và mục đích thứ hai quan trọng không kém, là cùng nhau hun đúc tinh thần của chúng ta để chúng ta cảm thấy rằng, con đường của chúng ta đang có rất nhiều bạn đồng hành... Ba ngày huấn luyện và tu nghiệp trôi qua rất là nhanh chóng, người ta có câu thành ngữ ‘Nước chảy qua cầu’, quả nhiên, nước chảy qua cầu thì nước chảy luôn, còn chúng ta, qua ba ngày chèo chống với nhau trên cùng một con thuyền, con thuyền văn hóa, con thuyền ngôn ngữ thì chúng ta không thể nào quên nhau. Cha ông mình nói rằng, miếng trầu nên nghĩa và chuyến đò thì nên duyên. Chúng ta đã đi với nhau cả một chuyến đò suốt gần ba ngày trời, chắc chắn tình cảm chúng ta gắn bó với nhau nồng nàn lắm, mặn mà lắm, và tôi chắc chắn đêm nay sẽ có nhiều người, mệt mỏi mấy thì mệt mỏi cũng không ngủ được! Vì nhớ đến khuôn mặt người nọ, khuôn mặt người kia; bóng dáng người này, bóng dáng người khác, rồi giọng nói thân thương của vị nọ, vị kia, bạn bè mình, v.v.”. GS. Quyên Di ví những nhà giáo như những mạch nước ngầm dưới mặt đất. Ít ai để ý đến cây cối xum xuê, tươi tốt, đâm chồi nẩy lộc, đơm bông kết trái là do mạch nước ngầm bên dưới, nghề giáo cũng như những mạch nước ngầm đó, ít ai để ý, ít người được khen tặng như người làm công tác bác ái xã hội hay những ngành nghề khác, nhưng nhà giáo là những người âm thầm làm việc, và không màng tới lời khen, chúc tụng nhưng niềm vui của nhà giáo là thấy học trò của mình tiến bộ, thấy tương lai của dân tộc mình, thấy tiếng Việt của mình không bị mai một dù đang sống ở nước ngoài. Bài nói chuyện sau cùng của nhà giáo Quyên Di đã làm thổn thức nhiều con tim đang ngồi theo dõi từng câu, từng lời tâm tình thỏ thẻ của ông.



Học viên Nguyễn An Giang, đại diện các học viên tri ân Ban Đại Diện Các TTVN,
Ban Điều Hành và Tổ Chức cũng như Ban Giảng Huấn – ảnh: Thanh Phong/Viễn Đông

Sau đó, học viên Nguyễn An Giang, thay mặt cho toàn khóa nói lời cảm tạ Ban Đại Diện Các Trung Tâm Việt Ngữ Nam Cali, Ban Điều Hành, Ban Giảng Huấn đã trao vào lòng mỗi người kiến thức chuyên môn, đã giúp mỗi người hành trang kinh nghiệm để truyền đạt lại cho thế hệ con em tại hải ngoại.

Một trò chơi “Xe Lửa” với đầu tàu là Thầy Vũ Hoàng, mỗi người đặt tay lên vai người phía trước vừa đi rồng rắn vừa hát theo Thầy Quyên Di bài hát “Tuổi Hoa Niên”.

Sau khi buổi lễ bế mạc chấm dứt, các Thầy, Cô, khóa sinh đã rời khỏi hội trường, Thầy Vũ Hoàng nói với chúng tôi: “Mỗi khóa đều có một tình cảm riêng nhưng nó rất ăn sâu vào trong trái tim óc của tôi. Tôi nhìn thấy các Thầy, Cô từ phương xa trở về, cùng nhau làm việc, học tập trong ba ngày. Đó là hình ảnh mà trân quý nhất của Thầy, Cô đã trao ban cho Ban Đại Diện đã làm cho tôi xúc động. Các Thầy, Cô đã cố gắng học tập, bỏ các công việc nhà để đến đây tìm thêm những kiến thức mới mà về trao lại cho các em, đó là mục đích của chúng tôi, và khi thấy các Thầy, Cô hăng say học tập, tôi cảm động vô cùng và tôi đã khóc vì những tình cảm hết sức thân thương đó”.

Cô giáo Lê Nguyên Ngọc Văn, dạy lớp 2 Trung Tâm Việt Ngữ Về Nguồn, đến từ San Jose với tư cách cá nhân chia sẻ cảm nghĩ về khóa học: “Rất là vui, tôi mới đi dạy, biết có khóa huấn luyện về sư phạm nên ghi danh tham dự và không ngờ khóa huấn luyện và tu nghiệp này quá hay, giúp tôi rất nhiều kinh nghiệm trong việc dạy tiếng Việt cho các em. Nếu sang năm còn tổ chức tôi nhất định sẽ tham dự nữa”.

Khóa Huấn Luyện và Tu Nghiệp Sư Phạm kỳ thứ 23,năm 2011 được tổ chức bởi Ban Đại Diện Các Trung Tâm Việt Ngữ Nam California gồm quý Thầy, Cô : Nguyễn Văn Khoa, Trần Chấn Trí, Vũ Hoàng, Cao Ngọc Điệp, Đoàn Thanh Khiết, Trần Thị Sử. Ban Điều Hành và Tổ Chức gồm các Thầy Cô: Vũ Hoàng, Đặng Ngọc Sinh, Văn Tường, Anni Vũ, Trần Thị Sử, Cao Ngọc Điệp Nguyễn Kim Chi, Vũ Lệ Hằng, Hồng Lan, Hà Công, Phạm Quốc Định, Võ Hiền Sĩ, Phạm Văn Minh, Nguyễn Khoa Diệu Quyên, Lê Minh Hoàng, Phan Tâm, Văn Tường, Nguyễn Liên Hương, Trương Lê Lan, Phan Bắc Hà, Nguyễn Hồng Xuyên, Hoàng Lâm, Ngô Văn Quy và ký giả Vương Trùng Dương.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT