Thế Giới

Kỳ thị chủng tộc, kiêu hãnh và mặc cảm

Vanessa White/Viễn Đông Monday, 12/12/2011 - 09:05:38

Họ lập luận rằng những người Mỹ gốc Phi Châu đã được nuôi dưỡng bằng những lời dối trá về chính họ, kéo dài hàng bao thế kỷ...

Vanessa White/Viễn Đông


Một bức bích họa cho thấy một tòa nhà có gắn những tấm bảng như “Ngân Hàng”, “Bưu Điện”
và “Phở” trong khu Dorchester, nơi tập trung cộng đồng Việt Nam tại Boston,
Massachusetts - ảnh: Vanessa White/Viễn Đông

PHILADELPHIA, Pennsylvania – Với một cung giọng giận dữ, bà bảo cử tọa đừng cứ tìm cách đoán mò về chủng tộc của bà, bà chửi mắng họ để nhấn mạnh đến sự phẫn nộ của bà. Giáo Sư Michelle Meyers, một thành viên của đôi song ca Yellow Rage, la thét trước đám đông tụ tập để nghe những vần thơ của nhóm này: “Tôi sinh ra ở Seoul, làm cho tôi trở thành người Đại Hàn! Những đôi mắt hơi xếch này không phải chỉ để nhìn mà thôi. Tôi nhìn thấu suốt xuyên qua bạn!”.
Cử tọa của bà, mà đa số là những người Mỹ gốc Phi Châu, vỗ tay tán thưởng. Giáo Sư Meyers và bà Catzie Vilayphonh, một người Lào cùng ca với bà trong Yellow Rage, đều là những nghệ sĩ bộ môn nghệ thuật hát-nói (spoken words) ở Philadelphia, sử dụng nghệ thuật của mình để thách thức những điều ngộ nhận thông thường về cộng đồng người Mỹ gốc Á Châu. Thường có tính cách hung hăng, những lời ca khúc và những cuộc trình diễn của họ chuyển tải một nỗi đau, thường không được nhìn thấy bởi những người ở bên ngoài cộng đồng người Mỹ gốc Á, hé mở cho thế giới chính lưu một cái nhìn về một số vấn đề nổi bật hàng đầu của cộng đồng này.
Những vấn đề như thế bao gồm những ý niệm rập khuôn về tình dục được áp đặt lên các phụ nữ Á Châu, một tình trạng thiếu sự công nhận chính lưu về các nền văn hóa và những tiểu nhóm khác nhau của Á Châu, cũng như sự sử dụng không đúng và phát âm sai những ngôn ngữ Châu Á, mà thường là do thiếu cố gắng và thiếu chú ý đến chi tiết, nơi những người không phải là người bản ngữ.
Bà Vilayphonh hỏi khán giả: “Các bạn biết gì về bom napalm và Sài Gòn?”. Bà nói thêm rằng chuyện biết một ít từ ngữ hoặc ít câu trong một tiếng bản xứ Á Châu thì không làm cho một người phi bản ngữ có thể thấu hiểu thực tại Châu Á. Bà Vilayphonh nói với các khán giả rằng bà không phải là người phiên dịch cá nhân cho họ, và yêu cầu họ đừng hỏi bà rằng bà đang nói gì trong tiếng mẹ đẻ của bà, khi họ nghe bà nói bằng ngôn ngữ ấy. Nếu bà muốn họ hiểu được bà đang nói gì, thì bà sẽ phải nói điều ấy bằng tiếng Anh.


Dưới gầm một cây cầu trên đường Dorchester Ave. là một bức bích họa với nhiều lá cờ khác nhau, trong đó có quốc kỳ của Mỹ, Jamaica, Cộng Hòa Dominican và lá cờ vàng ba sọc đỏ Di Sản và Tự Do Việt Nam - ảnh: Vanessa White/Viễn Đông
Hiểu lầm, mặc dù nói cùng một ngôn ngữ
Ông Tyler Perry là một người Mỹ gốc Phi Châu, là một diễn viên, đạo diễn, kịch tác gia, nhà kinh doanh, người viết kịch bản, nhà sản xuất, soạn giả và sáng tác ca khúc. Trong năm 2011, ông được xem là người được trả tiền nhiều nhất trong ngành giải trí, mặc dù ông cũng bị chỉ trích vì kiếm được nhiều tiền như thế bất chấp gây ra thiệt hại cho cộng đồng người Mỹ gốc Phi Châu.
Những bộ phim của ông bao gồm những diễn viên người Mỹ gốc Phi Châu, đại diện cho nhiều người khác nhau trong cộng đồng người Mỹ gốc Phi Châu. Theo những người chỉ trích ông Perry, những nhân vật này trong phim làm cho trường tồn những khuôn sáo tiêu cực về cộng đồng ấy.
Một nhân vật chính trong nhiều bộ phim của Perry là Madea, một phụ nữ cao niên người Mỹ gốc Phi Châu bị những người chỉ trích mô tả là “dốt nát”, “sung độ” và “ồn ào”, trong khi những người ủng hộ Perry lại coi bà là “dí dỏm”, “hiện thực” và “mạnh mẽ”. Những người phê bình ông Perry cảm thấy rằng ông đã phá hủy hình ảnh của vị tổ mẫu trong các gia đình người Mỹ gốc Phi Châu. Họ cảm thấy rằng những người mẹ và bà ngoại bà nội người Mỹ gốc Phi Châu – vốn là những phụ nữ từng phải gánh chịu những suy nghĩ rập khuôn tiêu cực và sự kỳ thị chủng thộc gây đau đớn, thậm chí bạo tàn dữ dội – đều xứng đáng hơn là được đại diện bởi một nhân vật phim ảnh, mà xã hội chính lưu lại nhạo cười lần nữa hoặc tiếp tục áp đặt những điều rập khuôn thêm nữa.
Họ lập luận rằng những người Mỹ gốc Phi Châu đã được nuôi dưỡng bằng những lời dối trá về chính họ, kéo dài hàng bao thế kỷ vì những lời nói dối có lắm người nghe theo. Như vậy, cộng đồng người Mỹ gốc Phi Châu cần có những câu chuyện tươi mới hơn. Ông Perry bác bỏ những lời chỉ trích, coi đó như là chuyện đố kỵ ghen tuông và hận thù của những người chỉ trích. Trong một cuộc phỏng vấn của chương trình truyền hình “60 Phút” hồi tháng 10 năm 2009, ông nói: “Chính những thái độ giống như thế làm cho Hollywood nghĩ rằng những nhân vật này không hiện hữu. Đó là lý do tại sao không có những thứ đến được với họ và với chúng tôi”, tức những người Mỹ gốc Phi Châu.
Những người ủng hộ Perry nói rằng ông đã được nuôi dạy bởi những phụ nữ người Mỹ gốc Phi Châu mạnh mẽ mà ông diễn tả qua những nhân vật như Madea. Những nhân vật giống như bà đều diễn tả lòng kiên trì, chịu khó bên trong cộng đồng người Mỹ gốc Phi Châu. Những người ủng hộ cảm thấy rằng mặc dù ông Perry đang đáp ứng được nhu cầu hiện thời của cộng đồng người Mỹ gốc Phi Châu, chấp nhận những người mà các thành viên cộng đồng không cảm thấy xấu hổ, và biểu lộ niềm hãnh diện của họ cho một cử tọa chính lưu.


Một bức bích họa tại một tòa nhà trên đường Dorchester Ave., khu Dorchester, nơi tập trung
cộng đồng Việt Nam tại Boston, Massachusetts - ảnh: Vanessa White/Viễn Đông

Cử tọa đa văn hóa
Trong những thành phố như Boston, có những khu dân cư sắc tộc thiểu số kỳ cựu, thì người ta có thể tìm thấy nền nghệ thuật phản ảnh những cộng đồng đa văn hóa.
Chẳng hạn, một bức bích họa ở bên ngoài một ga xe điện ngầm tại trạm Fields Corner, trong khu Dorchester, cho thấy nhiều người thuộc những màu da khác nhau và có những nét mặt tiêu biểu khác nhau. Một số người đang tương tác trong cuộc chuyện trò, và những người khác đang chơi đá banh.
Xa xa đằng kia, một bức bích họa cho thấy một tòa nhà có gắn những tấm bảng như “Ngân Hàng”, “Bưu Điện” và “Phở”. Dưới gầm một cây cầu trên đường Dorchester Ave., có một bức họa vẽ trên tường với nhiều lá cờ khác nhau, trong đó có quốc kỳ của Mỹ, Jamaica, Cộng Hòa Dominican và lá cờ vàng ba sọc đỏ Di Sản và Tự Do Việt Nam.
Một bức bích họa khác tại một tòa nhà trên đường Dorchester Ave. vẽ những khuôn mặt hầu hết đang mỉm cười của những người thuộc các nhóm chủng tộc thiểu số khác nhau, từ giới trẻ cho tới những người cao niên.
Bên dưới những gương mặt của họ là những chiếc xe điện ngầm, mang lời nhắn: “Cộng đồng chúng ta vững mạnh là vì chúng ta biết truyền thông giao tiếp” (Our community is strong because we communicate). - (VW)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT