Tiêu Thụ

Làm sao để tiếp xúc với luật sư?

Eric Trần/Viễn Đông Saturday, 02/02/2013 - 10:08:51

Vậy luật sư có bao giờ làm sai không? Và những vị “vua” khách hàng phải làm gì để bảo vệ mình khỏi trở thành nạn nhân của những “bậc thầy” ấy?

Eric Trần/Viễn Đông

Luật sư là những người không thể thiếu trong xã hội, ở thượng tầng đã vậy mà cả trong đời sống những người dân bình thường nhỏ bé nhất. Ở thượng tầng xã hội, chúng ta thấy đa số các vị tổng thống Hoa Kỳ đều xuất thân luật sư, từ Tổng Thống Abraham Lincoln, đến Tổng Thống Bill Clinton, và hiện thời là Tổng Thống Obama, tất cả đều là luật sư... Trong đời sống một người dân bình thường, không ai không phải nhờ đến luật sư ít là một lần: Để được bào chữa khi phạm pháp hoặc để tranh thủ những quyền lợi hợp pháp, chẳng hạn khi bị đụng xe, khi quyền lợi bị xâm phạm, khi bị đối xử bất công, bị hành hung, bị bạc đãi... Trong nếp suy nghĩ còn nhiều e dè, đầy mặc cảm của đa số người Việt Nam, chúng ta thường kính trọng luật sư như bậc “thầy”, và ít khi nào dám nghĩ rằng họ sai trái. Thực ra, họ cũng chỉ là một người cung cấp dịch vụ, như muôn vàn những người cung cấp dịch vụ khác. Và đối với họ, chúng ta là khách hàng, chúng ta vẫn là “vua” (customer is king). Vậy luật sư có bao giờ làm sai không? Và những vị “vua” khách hàng phải làm gì để bảo vệ mình khỏi trở thành nạn nhân của những “bậc thầy” ấy?

Luật sư có bao giờ làm sai không?
Câu hỏi này đặt ra cũng bằng thừa, vì có là thánh cũng chẳng khỏi mắc sai lầm, huống hồ là luật sư. Tuy nhiên, như trên đã nói, văn hóa Việt Nam vốn dĩ dành một chỗ cao quí cho những người có học, nên ít khi chúng ta dám đặt thẳng vấn đề ấy với họ. Nhưng trong chỗ riêng tư, chúng tôi đã từng nghe rất nhiều người phàn nàn vì bị luật sư của mình bỏ bê, hoặc cư xử cạn tàu ráo máng đến nỗi tiền mất tật mang.
Đây là một trường hợp cụ thể: Có một người bị đụng xe đến nhờ luật sư đại diện cho mình để đòi hãng bảo hiểm bồi thường chính đáng. Vị luật sư hoan hỉ nhận hồ sơ, vì người khách không có lỗi trong tai nạn. Nhưng có lẽ vì bận rộn, hoặc vì nhận thấy vụ việc không mang lại bao nhiêu lợi lộc. Bởi lẽ đó là một tai nạn liên quan đến nhiều xe, gây ra bởi một xe “húc” cùng lúc nhiều xe khác. Với một nguồn tiền nhỏ bé của một người gây tai nạn chia đều cho nhiều nạn nhân, dĩ nhiên mỗi nạn nhân chẳng nhận được bao nhiêu, nói gì đến công xá cho luật sư: Viễn tượng đó quả thực không mấy hấp dẫn cho những người làm dịch vụ chỉ đánh giá nghề nghiệp qua đồng tiền. Kết quả là “vua” bị bỏ rơi không một lời phân giải. Suốt nhiều tháng trời, luật sư chẳng hề liên lạc với khách hàng. Khách hàng gọi đến nhiều lần, nhưng chỉ được một cô nhân viên văn phòng tiếp phone, và được nghe một câu trả lời rất bảnh “Luật sư đi tòa!”.
Có đến hơn một năm trời khách hàng chờ đợi trong mỏi mòn như vậy trước khi anh đến tâm sự với chúng tôi: “Vấn đề không phải là đồng tiền, nhưng cách xử sự rất kém của vị luật sư làm cho tôi thất vọng!”. Người viết không nghĩ rằng, vị luật sư có ý coi thường khách hàng, chỉ là vì ông/bà ta không may đã mướn phải những người nhân viên thiếu năng lực; hoặc vì, đương sự đã không biết điều hành nhân sự và phân công đúng mức mà thôi. Thực ra, đa số công việc đều có thể giải quyết bởi nhân viên, chứ có mấy khi vị luật sư phải đích thân ra tay? Nhưng dù thế nào chăng nữa, để khách hàng chờ đợi cả năm trời không được một câu hồi đáp quả thực là một sai phạm lớn. Chẳng cần phải làm tới ông này bà kia, chỉ cần có một trí phán đoán bình thường cũng nhận thấy như vậy. Thực tế thì người khách hàng bất hạnh đó không phải chỉ chờ một năm, mà cho đến nay khi chúng tôi viết những dòng này thì vị luật sư đó cũng chưa thèm trả lời trả vốn một câu, bất chấp những lần khách hàng gọi đến để lại lời nhắn, coi như... chìm xuồng!
Nếu bạn thấy câu chuyện nghe khó tin ấy là hi hữu, thì xin mời bạn “thưởng thức” thêm một chuyện có thực khác: Một phụ nữ trung niên ít học đã đến ngày được nộp đơn thi vào quốc tịch Hoa Kỳ. Bà ta rất cần đậu để có thể bảo lãnh con cái. Đậu quốc tịch không khó, nhưng rất tiếc bà lại chẳng biết một chữ tiếng Mỹ nào. Trong thời gian chuẩn bị, thay vì học tiếng Mỹ thì bà lại muốn xin được thi bằng tiếng Việt, với lý do là người bịnh. Có thể bà bịnh thật, hoặc có thể đó chỉ là cái cớ, người viết không thể xác minh. Bà liền chạy đến một luật sư khá nổi tiếng với học vị cao, chức vụ lớn trong nhiều tổ chức, chuyên lo các vấn đề di dân và quốc tịch để trình bày hoàn cảnh và mong muốn của mình. Luật sư là người am tường pháp luật, nhưng chắc chắn không thể biến một người không bệnh trở thành có bệnh một cách hợp pháp được. Tuy nhiên, ông ta vẫn nhận hồ sơ với một lệ phí dịch vụ gần 3.000 Mỹ kim, không kể phí tổn đi thi đóng cho sở di trú. Người phụ nữ mừng lắm, bởi vì được một luật sư tăm tiếng giúp đỡ. Dĩ nhiên, ông luật sư chỉ làm những gì hợp pháp bằng cách nộp đơn cho đương sự đi thi - là việc mà ai cũng có thể tự làm miễn phí - và khi bà được gọi phỏng vấn thì phái một nhân viên đi theo để xin cho bà được thi tiếng Việt. Với cách làm việc chiếu lệ như vậy, yêu cầu thi tiếng Việt bị bác ngay. Có lẽ người luật sư cũng biết trước điều đó, nên ông mới phái một nhân viên người Mỹ - không hề biết một chữ tiếng Việt - đi theo. Không hiểu nếu yêu cầu thi tiếng Việt được chấp thuận thì ai sẽ là người thông dịch cho bà đây? Và dĩ nhiên, bà nhận được giấy báo rớt! Nhưng nhiệm vụ của luật sư đến đây là xong, vì ông đã nói là không bảo đảm kết quả như ý muốn.
Có điều câu chuyện của người phụ nữ đáng thương đến đây chưa phải là hết. Người viết mong gặp lại các bạn trong lần sau để kể tiếp đoan cuối, bảo đảm một bất ngờ đầy chua chát, nhưng cũng không kém ngoạn mục.

Erictran15751@yahoo.com

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT