Thế Giới

Malaysia sẽ mở cửa lại tòa đại sứ ở Bắc Hàn

Tuesday, 12/06/2018 - 08:07:10

Hoa Kỳ và Nam Hàn tuyên bố vụ ám sát là âm mưu của Bình Nhưỡng. Malaysia sau đó đã triệu hồi đại sứ nước này tại Bình Nhưỡng, và tòa đại sứ ngừng hoạt động từ tháng 4, 2017. Malaysia cũng cấm người dân du lịch tới Bắc Hàn, và hủy việc miễn visa cho công dân Bắc Hàn.

KUALA LUMPUR - Thủ Tướng Malaysia Mahathir Mohamad trong cuộc họp báo hôm thứ Hai tại Tokyo, Nhật, cho biết ông sẽ mở cửa lại tòa đại sứ tại Bắc Hàn, và giảm căng thẳng giữa 2 nước sau vụ ám sát ông Kim Jong-nam, anh trai Kim Jong-un. Malaysia và Bắc Hàn xảy ra căng thẳng ngoại giao sau khi ông Kim Jong-nam bị ám sát bằng chất độc tại phi trường ở Kuala Lumpur năm ngoái.
Nói về cuộc gặp giữa Tổng Thống Donald Trump và Chủ Tịch Bắc Hàn Kim Jong-un, ông Mahathir bày tỏ hy vọng hai bên đã sẵn sàng ngừng đối đầu. "Bắc Hàn có quyền được hưởng một số lợi ích riêng, cũng như những lợi ích mà Hoa Kỳ bảo vệ trong bất cứ thỏa thuận nào,” ông Mahathir nói. "Chúng ta không nên hoài nghi. Bạn không thể làm việc với mọi người nếu bạn nghi ngờ họ.”
Mối quan hệ giữa Malaysia và Bắc Hàn sụt giảm nghiêm trọng sau khi ông Kim Jong-nam bị ám sát tại phi trường quốc tế Kuala Lumpur hồi tháng 2, 2017. Đại sứ Bắc Hàn tại Malaysia khẳng định người chết chỉ là một công dân bình thường, qua đời vì đau tim. Hoa Kỳ và Nam Hàn tuyên bố vụ ám sát là âm mưu của Bình Nhưỡng. Malaysia sau đó đã triệu hồi đại sứ nước này tại Bình Nhưỡng, và tòa đại sứ ngừng hoạt động từ tháng 4, 2017. Malaysia cũng cấm người dân du lịch tới Bắc Hàn, và hủy việc miễn visa cho công dân Bắc Hàn.

Cây baobab ngàn năm chết hàng loạt ở châu Phi
CHÂU PHI - Biến đổi khí hậu được cho là nguyên nhân khiến 9 cây baobab tuổi từ 1,100 tới 2,500 năm tuổi ở châu Phi đã chết trong hơn 10 năm qua. Nhiều cây baobab lớn nhất và lâu đời nhất châu Phi, trong đó có những cây sống từ thời Hy Lạp cổ đại, đã bất ngờ chết hoàn toàn hoặc một phần trong hơn 1 thập kỷ qua, theo các nhà nghiên cứu từ Đại học Babes-Bolyai ở Romania thông báo.
Trong số 13 cây baobab nhiều tuổi nhất được thế giới biết đến, 4 cây đã chết hoàn toàn chỉ trong 12 năm qua và 5 cây khác đang chết dần từng bộ phận. "Đây là sự kiện chưa từng có. Thật đáng buồn khi trong cuộc đời ngắn ngủi của mình, tôi lại chứng kiến hàng loạt cái chết như vậy,” ông Adrian Patrut từ Đại học Babes-Bolyai ở Romania, đồng tác giả của nghiên cứu cho biết.
Trong số 9 cây đã chết có 4 cây baobab lớn nhất châu Phi. Nguyên nhân dẫn tới cái chết bất ngờ của những cây cổ thụ khoảng 1,100 đến 2,500 năm tuổi này vẫn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu suy đoán chúng có thể là nạn nhân của biến đổi khí hậu, tình trạng tăng nhiệt toàn cầu và hạn hán. Baobab là loài cây có hoa lớn nhất và sống lâu nhất trên Trái Đất. Chúng có thể sống được 3,000 năm, phát triển tới chiều cao hơn 30 mét và có đường kính thân tương đương chiều dài một chiếc xe bus. Một số cây bao báp có thân lớn đến mức đủ chỗ cho 40 người đứng bên trong.

Bình sứ cổ được bán với giá $19 triệu
PARIS – Một chiếc bình sứ thời thế kỷ 18 của Trung Quốc, từng được xếp trong chiếc hộp giày và cất trên tầng áp mái của một ngôi nhà ở Pháp, đã được bán với giá 16.2 triệu euro ($19 triệu Mỹ kim) trong cuộc đấu giá tại Paris, Pháp, hôm thứ Ba. Mức giá này cao hơn 20 lần so với giá ước tính từ 500,000 đến 700,000 euro của hãng Sothebys. Đây là mức giá cao nhất cho 1 món đồ từng được Sothebys bán tại Pháp.
Chiếc bình cổ này là đồ thừa kế, và từng bị xếp xó trên tầng áp mái, lẫn lộn với nhiều món đồ cũ khác. Một gia đình ở Pháp đã tìm thấy chiếc bình và đem nó tới hãng Sothebys để định giá. Chiếc bình cao khoảng 30 centimét, cổ nhỏ, đáy hình cầu, trang trí bằng các màu xanh lá cây, xanh dương, vàng, và tím, với hình hươu nai, hạc, cùng nhiều động vật khác trong rừng, và được mạ vàng ở miệng bình. Bình sứ này được cho là đồ ngự dụng, và được đóng dấu niên hiệu Càn Long, vị vua nhà Thanh cai trị từ năm 1736 tới 1796.
Cuộc đấu giá kéo dài khoảng 20 phút, một thời gian khá dài so với các cuộc mua bán kiểu này, với nhiều người mua trả giá tranh giành lẫn nhau. Người mua sau cùng đến từ châu Á, và hãng Sothebys không tiết lộ danh tính cũng như quốc tịch của người này. Giá tiền 16.2 triệu euro đã bao gồm chi phí đấu giá 2 triệu euro và tiền hoa hồng cho bên trung gian.

Pháp: Bắt giữ nghi can khống chế con tin
PARIS – Một vụ khống chế con tin kéo dài suốt 4 giờ tại trung tâm thủ đô Paris đã kết thúc bằng việc cảnh sát tấn công, bắt giữ nghi can, và giải cứu thành công những người bị giam, theo lời Bộ Trưởng Nội Vụ Pháp cho biết hôm thứ Ba. “Mọi con tin đều an toàn,” ông Gerard Collomb nói. Ít nhất 2 người đã bị nghi can khống chế. Danh tính nghi can chưa được tiết lộ. Kẻ này đã đòi được nói chuyện với đại sứ Iran khi cảnh sát cố gắng đàm phán. Chưa có dấu hiệu cho thấy đây là một vụ tấn công cực đoan.
Hàng chục cảnh sát với trang bị chống bạo động, cùng lực lượng cứu hỏa và các nhân viên hỗ trợ di tản, đã phong tỏa đường Petites Ecuries trong lúc các chuyên gia tìm cách thuyết phục nghi can. Các con tin bị giữ trong tầng trệt của một tòa nhà trong một khu dân cư đông đúc. Ban đầu có 3 người bị khống chế, nhưng một người đã được nghi can thả ra không lâu sau đó. Con tin được thả là một người đàn ông, được cho là đã bị nghi can tưới xăng và bị đấm vào mặt. Nghi can có vũ khí là một con dao.
Theo truyền thông địa phương, nam nghi can đã đòi nói chuyện với nhiều người, bao gồm cả đại sứ Iran, và có lẽ chính hắn ta cũng không biết mình muốn gì. Nghi can còn tuyên bố hắn có đồng phạm chờ bên ngoài với một trái bom. Cảnh sát đã lục soát các xe hơi tại khu vực, nhưng không phát hiện vật gì khả nghi. Hiện chưa rõ động cơ tấn công của nghi can.

Pháp chỉ trích Ý vô trách nhiệm khi từ chối nhận di dân

PARIS - Tổng Thống Pháp Emmanuel Macron ngày thứ Ba đã cáo buộc Ý "coi thường và vô trách niệm" vì đã từ chối tiếp nhận hàng trăm người di cư, trong đó nhiều phụ nữ và trẻ em, bị kẹt trên một tàu cứu nạn ở Địa Trung Hải. Tổng Thống Macron nói, theo luật hàng hải, "trong các trường hợp hiểm nguy, những nước có đường bờ biển gần nhất với nơi xảy ra sự việc phải có trách nhiệm đối phó với sự việc đó.” Ông Macron khẳng định Pháp sẽ thực hiện nghĩa vụ của nước này theo luật hàng hải nếu gặp phải trường hợp tương tự.
Tuyên bố của ông chủ Điện Elysee được đưa ra sau khi Ý không cho tàu cứu nạn Aquarius chở theo 629 người di cư, trong đó có 11 trẻ em và 7 phụ nữ mang thai, cập cảng nước này. Ông Macron cho rằng hành động của chính phủ Rome là không thể chấp nhận. Ông còn thêm rằng không thể tạo ra tiền lệ cho phép một nước châu Âu dồn gánh nặng cho các quốc gia châu Âu khác, và cho rằng các nước trong Liên Âu (EU) cần thể hiện sự đồng thuận trong vấn đề tiếp nhận người di cư.
Sau khi Ý và Malta không cho tàu Aquarius cập cảng, Tây Ban Nha đã tuyên bố tiếp nhận con tàu này. Trước đó, tàu Aquarius của tổ chức SOS Mediterranee đã cứu 629 người di dân lậu trên biển Trung Địa Trung Hải. Tuy nhiên, cả Malta và Ý đều không mở cảng cho tàu cứu nạn này, khiến tàu Aquarius phải neo ở vùng biển giữa Malta và đảo Sicily của Ý. Hôm thứ Hai, Liên Hiệp Quốc và EU đã hối thúc Ý và Malta hành động có trách nhiệm. Tuy nhiên, chính phủ mới ở Ý tuyên bố nước này từng nhiều lần phải một mình giải quyết vấn đề di dân, và kêu gọi các quốc gia EU, bao gồm cả Malta, nên tăng cường tiếp nhận người di cư từ châu Phi.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT