Thế Giới

Nam-Bắc Hàn ký thỏa thuận, tiếp tục giải trừ hạt nhân

Thursday, 20/09/2018 - 12:13:54

Ngọn núi lửa này được coi là một địa điểm thiêng liêng, và ông Moon từng nói trong hội nghị liên Triều hồi tháng 4 rằng, ông vẫn luôn mơ ước được đi bộ trên ngọn núi này. Sau chuyến thăm núi Paektu, ông Moon sẽ quay về Seoul.

BÌNH NHƯỠNG – Nam Hàn và Bắc Hàn đã đưa ra tuyên bố chung vào thứ Tư, liệt kê thêm các bước mà Bắc Hàn chuẩn bị thực hiện để giải trừ hạt nhân. Chủ Tịch Bắc Hàn Kim Jong Un hứa sẽ đóng cửa vĩnh viễn bãi phóng hỏa tiễn Tongchang-ri và cơ sở thử nghiệm động cơ hỏa tiễn, với sự hiện diện của các thanh tra độc lập. Ông Kim cũng nói rằng ông đang chuẩn bị đóng cửa vĩnh viễn cơ sở sản xuất hạt nhân ở Yongbyon, nhưng chỉ khi nào Hoa Kỳ thực hiện “các bước tương đương,” theo tinh thần của thỏa thuận ngày 12 tháng 6 được ký kết với Tổng Thống Donald Trump. Hiện chưa rõ “các bước tương đương” này sẽ là gì.
Hai miền Triều Tiên cũng đồng ý giảm căng thẳng quân sự trên bán đảo, tăng cường liên lạc, hợp tác, và tổ chức thêm nhiều cuộc đoàn tụ gia đình. Ông Kim hứa “sẽ đến thăm Seoul trong tương lai gần.” Nếu việc này xảy ra, ông Kim sẽ là lãnh đạo đầu tiên của Bắc Hàn đến thăm miền Nam. Các Bộ Trưởng Quốc Phòng hai miền cũng ký một thỏa thuận quân sự, giải trừ vũ khí dần dần ở làng Panmunjom ở biên giới, bắt đầu bằng việc tháo gỡ các bãi mìn ở vùng An ninh chung và dời các trạm gác khỏi khu vực.
Ngoài ra, 2 miền Triều Tiên cũng tuyên bố sẽ cùng tham dự các giải đấu quốc tế như Olympic 2020, và hợp tác để chạy đua tranh quyền đăng cai Olympic 2032. Tổng Thống Moon sẽ thăm núi Paektu cùng ông Kim Jong Un vào sáng thứ Năm. Ngọn núi lửa này được coi là một địa điểm thiêng liêng, và ông Moon từng nói trong hội nghị liên Triều hồi tháng 4 rằng, ông vẫn luôn mơ ước được đi bộ trên ngọn núi này. Sau chuyến thăm núi Paektu, ông Moon sẽ quay về Seoul.

Ấn Độ cấm ly hôn bằng lời nói theo luật Hồi
NEW DELHI - Chính phủ Ấn Độ hôm thứ Tư đã ban hành một sắc lệnh hủy bỏ một nghi thức của đạo Hồi, được gọi là nghi thức “talaq,” vốn cho phép những người đàn ông được ly hôn vợ ngay lập tức chỉ bằng lời nói. Quyết định của New Delhi được đưa ra vào 1 năm sau khi Tối Cao Pháp Viện nước này tuyên bố rằng, việc bỏ vợ bằng cách nói 3 lần từ “talaq,” nghĩa là ly hôn, đã vi phạm quyền hiến pháp của những người phụ nữ Hồi giáo.
Phần lớn trong 170 triệu người Hồi giáo ở Ấn Độ là người Sunni, và những người này giải quyết tranh chấp gia đình theo Luật cá nhân Hồi giáo. Đạo luật tôn giáo này cho phép nam giới được ly dị vợ chỉ đơn giản bằng cách nói 3 lần từ “talaq,” nghĩa là ly hôn theo tiếng Ả Rập, và không cần phải nói liên tục, mà có thể nói vào bất cứ lúc nào, và bằng bất kỳ phương pháp gì, bao gồm cả việc nói qua điện thoại, nhắn tin, hoặc viết lên mạng xã hội. Chính phủ Ấn Độ sẽ có 6 tháng để vận động quốc hội phê chuẩn cho sắc lệnh mới trở thành luật. Trong thời gian này, những người vi phạm sắc lệnh vẫn có thể bị xét xử.
Bộ Trưởng Pháp Luật Ravi Prasad nói, gần 22 quốc gia, bao gồm cả những nước láng giềng Pakistan và Bangladesh, đều đã hủy bỏ việc ly hôn bằng lời nói. Ông Prasad kêu gọi quốc hội nên sớm phê chuẩn dự luật Bảo vệ quyền hôn nhân của phụ nữ Hồi giáo. Sau phán quyết của Tối Cao Pháp Viện, Thủ Tướng Narendra Modi đã đưa ra dự luật hình sự hóa nghi thức talaq, và dự luật này được phê chuẩn bởi Hạ Viện Ấn Độ, nơi đảng của ông Modi chiếm đa số. Tuy nhiên, dự luật vẫn chưa có sự đồng ý của Thượng Viện, nơi phe đối lập đang chiếm phần lớn số ghế.

Tàu Trung Quốc do thám Nga trong cuộc tập trận Vostok 2018
Một viên chức Hoa Kỳ mới đây tiết lộ, Trung Quốc đã dùng tàu do thám Type-815 để theo dõi bài diễn tập trên biển trong cuộc tập trận lớn nhất lịch sử của Nga. "Một tàu do thám Type-815 của Trung Quốc đã bám theo các chiến hạm Nga suốt thời gian diễn ra cuộc tập trận Vostok-2018, trong khi binh sĩ Trung Quốc và Mông Cổ tham gia diễn tập trên bờ biển,” viên chức Hoa Kỳ ẩn danh cho biết. Vostok 2018 diễn ra ngày từ ngày 11 đến 17 tháng 9 tại 5 thao trường trên đất liền, cũng như các khu vực ở biển Nhật Bản, biển Bering và biển Okhotsk.
Trung Quốc được Nga mời tham dự sự kiện này, nhưng không rõ liệu Nga có cho phép Trung Quốc đưa tàu Hải quân đến Vostok 2018 hay không. "Vostok 2018 là cơ hội tuyệt vời để Bắc Kinh học hỏi hoạt động tác chiến phức tạp của Moscow. Nga rất mạnh trong lĩnh vực radar và tác chiến điện tử, tôi không bất ngờ khi Trung Quốc lợi dụng sự kiện này để thu thập dữ liệu về công nghệ và chiến thuật của Hải quân Nga,” một chuyên gia nhận xét.
Việc điều tàu theo dõi những cuộc tập trận của đối thủ được các cường quốc áp dụng từ hàng chục năm nay và không vi phạm luật quốc tế. Tuy nhiên, hành động do thám một đồng minh trong cuộc tập trận chung là rất hiếm gặp. Đây không phải lần đầu Trung Quốc gởi "khách không mời" đến những cuộc diễn tập ở nước ngoài. Bắc Kinh từng đưa 4 chiến hạm tới cuộc tập trận RIMPAC 2014 theo lời mời của Hoa Kỳ, cùng với một chiếc Type-815 không có trong danh sách tham gia. Tàu do thám Type-815 có nhiều radar và camera tầm xa, có khả năng theo dõi và thu thập số liệu, tín hiệu radar, và các liên lạc vô tuyến. Các thông tin này sau đó sẽ được giải mã để xây dựng dữ liệu tình báo cho quân đội Trung Quốc.

Syria: Nga bỏ ý tấn công phe đối lập gần căn cứ Mỹ
SYRIA - Các lực lượng Nga đã rút khỏi khu vực gần căn cứ Al-Tanf của Hoa Kỳ ở Syria, dù trước đó từng đe dọa sẽ tấn công lực lượng đối lập tại đây. Ngũ Giác Đài cho biết các lực lượng quân sự Nga đã rút khỏi vùng giảm xung đột ở miền đông Syria, và không còn tập trung chuẩn bị cho chiến dịch tấn công lực lượng đối lập ở khu vực gần căn cứ Al-Tanf, nơi có nhiều binh sĩ Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ đồn trú. Nga trước đó đã 2 lần gởi khuyến cáo tới Hoa Kỳ rằng họ và quân đội Syria sẽ tấn công phe đối lập ở khu vực nằm sâu trong vùng giảm xung đột khoảng 55 cây số. Moscow cáo buộc Washington đang "dung dưỡng" cho “những kẻ khủng bố” tại đây.
Hoa Kỳ phản ứng bằng cách điều thêm 100 lính Thủy Quân Lục Chiến và trực thăng tấn công tới căn cứ Al-Tanf, đồng thời tổ chức tập trận bắn đạn thật quy mô lớn, nhằm gởi thông điệp răn đe mạnh mẽ đến Nga và Syria. Hai tuần sau đó, Hoa Kỳ không nhận được thêm bất cứ liên lạc nào từ Nga để thông báo hoạt động hay chiến dịch quân sự tại khu vực xung quanh Al-Tanf. Nga mới đây cũng đạt thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ về việc ngừng tấn công vào tỉnh Idlib ở phía bắc Syria, và lập vùng đệm tại đây để giảm thương vong cho dân thường.



Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT