Thế Giới

Nam sinh viên giả gái để đi thi dùm người yêu

Thursday, 14/02/2019 - 08:19:45

Sau sự việc, ông Juan Rios, hiệu trưởng trường Đại học Mayor de San Miguel, cho biết cả Bryan và Jocelin sẽ bị cấm học ở hệ thống đại học công lập của Bolivia.

BOLIVIA - Một nam sinh viên ở thành phố Cochabamba, Bolivia, đã bị bắt trong khi cố gắng cải trang thành nữ giới để dự kỳ thi tuyển sinh tại Đại học Mayor de San Miguel, thay cho một thí sinh nữ. Anh Bryan G., 19 tuổi, vốn là sinh viên ngành Kỹ thuật hệ thống của trường đại học. Vào ngày 6 tháng 2, anh này đã đội tóc giả, trang điểm, và mặc trang phục nữ giới, để dự thi lần nữa dưới tên người khác. Tuy nhiên, nam sinh viên này lại được xếp chỗ ngồi ngay hàng đầu hội trường thi, nơi tất cả giáo sư và phụ tá dễ dàng quan sát.
Do trông lo lắng hơn các thí sinh viên khác, Bryan nhanh chóng thu hút sự chú ý của giám thị. Ngay khi Bryan sắp sửa nhận đề thi, một nhân viên đã đến hỏi anh là ai. Nam sinh viên trả lời "Jocelin C." và bị người đàn ông quát lại: "Cậu không phải người đó.” Quá sợ hãi, Bryan đã thú nhận sự thật.
Khi bị cảnh sát tra hỏi, nam sinh viên 19 tuổi ban đầu nói là anh được thuê qua mạng để đi thi dùm một cô gái. Tuy nhiên, Bryan sau đó đã thay đổi lời khai, nói rằng cô Jocelin C. thật ra là bạn gái của anh, và anh muốn đi thi dùm để bảo đảm bạn gái đậu vào chung trường đại học với anh. Bryan không bị cảnh sát truy tố do anh chưa kịp ký tên vào tờ đề thi. Nếu anh ký tên, đây sẽ là tội giả mạo danh tính. Sau sự việc, ông Juan Rios, hiệu trưởng trường Đại học Mayor de San Miguel, cho biết cả Bryan và Jocelin sẽ bị cấm học ở hệ thống đại học công lập của Bolivia.

Singapore ra mắt máy bán cá hồi tự động
SINGAPORE CITY - Những người yêu thích cá hồi nay có thể mua cá từ máy bán cá hồi tự động tại một số địa điểm ở Singapore, với giá $5.9 Mỹ kim một gói cá hồi đông lạnh, được đóng gói trong túi chân không. Các máy bán cá hồi tự động hoạt động 24/7 và không nhận tiền mặt. Tất cả 9 máy ở Singapore đều được Cơ quan Môi trường quốc gia của nước này phê chuẩn. Các máy bán cá luôn giữ nhiệt độ là âm 20 độ C, và bán loại cá hồi Na Uy, mỗi gói nặng 200 gram. Nếu được giữ đông lạnh, các gói cá này có thể được bảo quản đến 2 năm.
Một số khách hàng tỏ ra thích thú với sự tiện lợi của chiếc máy này. "Nó thuận tiện cho những người làm việc toàn thời gian, bởi vì chúng tôi sẽ không phải đi chợ vào buổi sáng chỉ để mua cá,” bà Mavis Chua, 59 tuổi, cho biết.
Tuy nhiên, bà Chua thêm rằng chiếc máy bán hàng không dùng tiền mặt có thể quá phức tạp với những người lớn tuổi như bà. Ngoài ra, một mối quan tâm khác của khách hàng là độ tươi của cá hồi. "Tôi không biết được nó tươi như thế nào vì tôi không thể nhìn thấy nó. Tôi nghĩ rằng tôi có thể mua được cá với giá rẻ hơn từ chợ gần nhà,” Amoz Lim, 29 tuổi, cho biết.
Trong khi đó, chuyên gia về an toàn thực phẩm khẳng định cá hồi sẽ không có vấn đề gì, miễn là cá được đông lạnh ngay sau khi sơ chế.
Hãng Norwegian Salmon ATM, nhà sản xuất máy bán cá hồi tự động, cho biết họ đang có kế hoạch gắn màn hình digital vào mỗi máy, với thông tin chỉ dẫn và công thức chế biến cá hồi.

Báo đen hiếm gặp xuất hiện ở Phi Châu sau 100 năm
KENYA – Khi nghe tin có một con báo đen lang thang ở miền trung Kenya, nhà sinh vật học Nick Pilfold và các phụ tá đã lắp đặt nhiều camera tự động ở đồng cỏ trong khu bảo tồn Loisaba từ đầu năm 2018. Không lâu sau đó, ông Pilfold nhanh chóng thu được hình ảnh của con báo hoa mai bị nhiễm hắc tố hết sức hiếm gặp. Con báo cái đi cùng một con báo hoa mai khác lớn hơn có màu lông bình thường, nhiều khả năng là mẹ nó.
Trái với chứng bạch tạng, nhiễm hắc tố là kết quả của đột biến gene gây ra tình trạng dư thừa sắc tố ở da hoặc lông động vật, khiến cơ thể chúng có màu đen. Những con báo hoa mai nhiễm hắc tố từng sinh sống ở Kenya trong nhiều thập kỷ, nhưng có rất ít bằng chứng khoa học xác nhận sự tồn tại của chúng.
Được công bố trên tạp chí Sinh thái học Phi châu số tháng 1, loạt hình ảnh về con báo đen là tài liệu khoa học đầu tiên về loài vật này ở Phi châu sau gần một thế kỷ. Tính đến năm 2017, chỉ có duy nhất một trường hợp bắt gặp báo đen được xác nhận.
Đó là bức ảnh chụp báo đen ở Addis Ababa, Ethiopia, vào năm 1909, nằm trong bộ sưu tập ở Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Hoa Kỳ tại Washington, D.C. Khu vực hoạt động của báo đen ở châu Phi đã thu hẹp ít nhất 66% do mất môi trường sống và số lượng con mồi sụt giảm.
Có 9 phân loài báo hoa mai phân bố từ châu Phi đến phía đông nước Nga. Khoảng 11% báo hoa mai còn sống hiện nay được cho là nhiễm hắc tố, nhưng phần lớn tập trung ở Đông Nam Á, nơi những khu rừng nhiệt đới đem lại nhiều bóng râm, giúp báo đen cải trang dễ dàng hơn khi săn mồi.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT