Thế Giới

Nga bắt giữ người mẫu Belarus tự nhận có tin về Trump

Thursday, 17/01/2019 - 08:23:02

Vashukevich nói rằng cô ta sẽ giao ra các đoạn ghi âm mà cô ta sở hữu, nếu Hoa Kỳ giúp cô được thả. Tuy nhiên, cô này sau đó rút lại đề nghị, khiến nhiều người đoán rằng cô có thể đã đạt được thỏa thuận nào đó với tỷ phú Deripaska.

MOSCOW – Một người mẫu Belarus, người vào năm ngoái đã tự nhận rằng cô ta có bằng chứng về việc Nga can thiệp bầu cử Hoa Kỳ, đã bị bắt ngay khi vừa đến phi trường Moscow vào thứ Năm, sau khi bị Thái Lan trục xuất.
Cảnh sát Moscow nói, người mẫu Anastasia Vashukevich cùng 3 người bị trục xuất chung với cô đã bị bắt tại phi trường Sheremetyevo ở Moscow, vì tội dắt mối mại dâm. Vashukevich đã bị giam trong nhà tù Thái Lan từ tháng 2 năm ngoái, sau đó bị xét xử vào thứ Ba và nhận án trục xuất, sau khi cô ta và các đồng phạm nhận tội về việc tổ chức một khóa hướng dẫn tình dục tại Thái Lan.
Vashukevich trước đó nói rằng, cô ta sở hữu các đoạn ghi âm của tỷ phú Nga Oleg Deripaska, nói về việc can thiệp cuộc bầu cử Hoa Kỳ 2016. Tuy nhiên, Vashukevich chưa bao giờ công bố các đoạn ghi âm này.
Tỷ phú Deripaska là người thân cận với Tổng Thống Vladimir Putin, và cũng có quan hệ làm ăn với ông Paul Manafort, cựu quản lý tranh cử của Tổng Thống Donald Trump. Truyền thông Nga cho biết 4 trong 7 người bị Thái Lan trục xuất đã bị bắt tại Moscow, bao gồm cả Vashukevich và Alexander Kirillov, người cố vấn của cô ta về việc mở khóa hướng dẫn tình dục. Nếu bị kết tội dắt mối mại dâm, hai người này sẽ đối mặt với án tù tối đa là 6 năm.
Trong những ngày đầu bị giam tại Thái Lan, cô Vashukevich và các đồng phạm đã gởi thư tới tòa đại sứ Hoa Kỳ để xin tị nạn. Vashukevich nói rằng cô ta sẽ giao ra các đoạn ghi âm mà cô ta sở hữu, nếu Hoa Kỳ giúp cô được thả. Tuy nhiên, cô này sau đó rút lại đề nghị, khiến nhiều người đoán rằng cô có thể đã đạt được thỏa thuận nào đó với tỷ phú Deripaska.

Tàu muốn mua lại nhà máy trong quân cảng cũ của Mỹ ở Phi
MANILA - Hai công ty Trung Quốc, bao gồm cả 1 hãng quốc doanh, đang liên lạc với chính phủ Phi Luật Tân để thảo luận vấn đề mua lại nhà máy đóng tàu Hanjin lớn nhất nước này tại vịnh Subic, nơi từng đặt căn cứ Hải quân của Hoa Kỳ.
Nhà máy này từng do Hanjin Philippines, chi nhánh của tập đoàn Hanjin Nam Hàn, vận hành với diện tích khoảng 303 hecta, chuyên đóng tàu biển cỡ lớn như tàu chở dầu và tàu container. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng trong ngành công nghiệp đóng tàu khiến Hanjin Philippines tuyên bố phá sản.
Việc Phi Luật Tân kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài mua lại nhà máy này để giữ việc làm cho các công nhân đã thu hút sự chú ý của các công ty Trung Quốc. Tuy nhiên, khả năng Trung Quốc hiện diện thường trực tại nơi Hoa Kỳ từng đặt căn cứ quân sự lớn nhất Thái Bình Dương đã khiến một số chuyên gia lo ngại.
"Xưởng đóng tàu Hanjin không phải vấn đề kinh doanh, tài chính hay kinh tế thuần túy, đây là vấn đề an ninh quốc gia,” cựu phó Đô Đốc Hải Quân Phi Luật Tân Alexander Pama khuyến cáo. "Người sở hữu xưởng đóng tàu Hanjin trong vịnh Subic sẽ được tiếp cận không giới hạn tài sản địa lý chiến lược quan trọng nhất về hàng hải và hải quân.”
Ông Pama cho rằng, dù Hanjin là nhà máy đóng tàu thương mại, nhưng chủ sở hữu có thể biến nó thành căn cứ hải quân và cơ sở hàng hải cho các mục đích an ninh khác. Ngoài Trung Quốc, các nhà đầu tư Nhật Bản và Singapore cũng quan tâm đến xưởng đóng tàu Hanjin. Vịnh Subic nằm ở phía tây tỉnh Zambales của Philippines là một vịnh nước sâu có khả năng tiếp nhận chiến hạm trọng tải lớn, và là nơi các tàu Hoa Kỳ thường xuyên ghé qua.

Thủ tướng Úc thăm các đảo quốc Thái Bình Dương
FIJI - Thủ Tướng Úc Scott Morrison đã được đón tiếp một cách long trọng khi đến Fiji vào thứ Năm, 17 tháng 1, trong chuyến thăm nhằm củng cố quan hệ kinh tế và quốc phòng với đảo quốc Thái Bình Dương này.
Trong cuộc họp báo chung với Thủ Tướng Fiji, ông Frank Bainimarama, Thủ Tướng Morrison cho biết, sắp tới, người dân Fiji có thể gia nhập chương trình Pacific Labour Scheme, cho phép người lao động cả nam và nữ tại các đảo quốc được làm việc trong một số ngành nghề tại Úc, bao gồm nông nghiệp và du lịch.
Người dân đảo quốc có thể làm việc tại Úc trong thời gian tối đa là 3 năm. Việc mở cửa thị trường lao động là một trong các nỗ lực của Canberra nhằm tạo thiện cảm với quốc gia láng giềng, để đối phó với sự cạnh tranh ngày càng tăng của Trung Quốc.
Canberra và Bắc Kinh đang chạy đua để giành ảnh hưởng tại các đảo quốc Thái Bình Dương, những nước thưa dân nhưng kiểm soát một vùng biển rộng lớn với nhiều tài nguyên. Cả hai nước đều hứa cung cấp các khoản vay giá rẻ và hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, tuy nhiên, Úc còn muốn thiết lập quan hệ văn hóa với các nước láng giềng. Thủ Tướng Úc hiện đang trong chuyến thăm các đảo quốc Thái Bình Dương dài 3 ngày.
Trước đó vào thứ Tư, ông Morrison đã đến đảo quốc Vanuatu. Tại đây, ông Morrison cho biết Úc sẽ hỗ trợ các lĩnh vực như đối phó thiên tai, viễn thông, năng lượng, giao thông, và cung cấp nước sạch. Ngoài ra, Canberra cũng sẽ cho phép nhập cảng kava, một loại rượu nhẹ quen thuộc của người dân các đảo quốc Thái Bình Dương, và là sản phẩm xuất cảng quan trọng của Vanuatu.

Bắc Hàn sắp hoàn thành khu resort lớn nhất nước
BÌNH NHƯỠNG - Trang web 38 North hôm thứ Năm công bố những hình ảnh vệ tinh được chụp hồi tháng 12, cho thấy hầu hết các tòa nhà trước đây đang được xây dựng của khu resort Wonsan-Kalma đã "gần hoàn thiện bên ngoài và một số tòa nhà mới hoặc được thiết kế lại đang ở giai đoạn xây dựng sau cùng.” "Ảnh vệ tinh từ ngày 28 tháng 12 cho thấy khu resort đang phát triển thành một khu giải trí ven biển rộng lớn,” trang web chuyên theo dõi tình hình Bắc Hàn cho hay.
Khu resort mới có hơn 170 công trình, nằm ven đường bờ biển dài 5 cây số. Khách sạn được xây dựng theo hình kim tự tháp, cao hàng chục tầng cùng các biệt thự sang trọng có hồ bơi. Quá trình xây dựng được Chủ Tịch Kim Jong-un giám sát chặt chẽ và dự kiến khu resort này sẽ được khai trương vào tháng 10 năm nay, khi Bắc Hàn kỷ niệm 74 năm thành lập đảng Lao Động. Kim Jong-un, người được cho là thường xuyên nghỉ hè tại bờ biển này khi còn nhỏ, đã đến thăm công trình ba lần trong năm 2018.
Wonsan-Kalma nằm giữa một phi trường mới và bờ biển phía đông của Bắc Hàn, trong khu vực trước đây được sử dụng cho các cuộc tập trận pháo binh và phóng hỏa tiễn đạn đạo. Khu resort này dự kiến sẽ là tâm điểm của ngành công nghiệp du lịch Bắc Hàn, khi Bình Nhưỡng tìm cách phát triển kinh tế, bất chấp các lệnh trừng phạt quốc tế vì chương trình vũ khí hạt nhân. Bắc Hàn đón khoảng 100,000 du khách nước ngoài mỗi năm, phần lớn là người Trung Quốc. Các chuyên gia nhận xét khu resort Wonsan-Kalma sẽ mang lại cho Bắc Hàn nguồn thu ngoại tệ lớn.

Nam Hàn sắp nhận các chiến đấu cơ F-35 đầu tiên
SEOUL - Hai chiến đấu cơ tàng hình F-35A sẽ được Hoa Kỳ bàn giao cho Không quân Nam Hàn để bắt đầu sử dụng trước tháng 5. "Hai chiếc F-35A đầu tiên do Hoa Kỳ cung cấp sẽ đến Nam Hàn vào cuối tháng 3, và sẽ được giao cho quân đội trong tháng 4 hoặc tháng 5,” truyền thông Nam Hàn dẫn các nguồn tin quân sự cho biết. Nguồn tin tiết lộ Không quân Nam Hàn sẽ được giao tổng cộng 10 chiếc F-35A trong năm 2019, và toàn bộ 40 chiếc trong hợp đồng với Hoa Kỳ sẽ được giao trước năm 2022.
Nam Hàn năm 2014 công bố thương vụ mua 40 máy bay F-35A của tập đoàn quốc phòng Lockheed Martin với giá trị khoảng $7 tỷ Mỹ kim, để tăng cường năng lực chiến đấu. Không quân nước này đã được giao 6 chiếc F-35A nhưng toàn bộ số chiến đấu cơ này vẫn đang được sử dụng để huấn luyện phi công tại căn cứ Luke, tiểu bang Arizona. F-35 là chiến đấu cơ tàng hình thế hệ 5, có thể thực hiện các cuộc tấn công trên đất liền, trên biển và cả nhiệm vụ do thám. Nhờ khả năng tàng hình ưu việt, F-35A được Nam Hàn coi là yếu tố quan trọng trong chương trình tấn công phủ đầu mang tên "Chuỗi tiêu diệt" nhằm răn đe Bắc Hàn.

Trung Quốc đe dọa Canada sẽ lãnh hậu quả nếu cấm Huawei
OTTAWA – Đại sứ Trung Quốc tại Canada vào thứ Năm khuyến cáo rằng, Ottawa sẽ nhận hậu quả nếu cấm hãng công nghệ Huawei cung cấp thiết bị cho mạng 5G của Canada. Đại Sứ Lu Shaye không cho biết chi tiết về “hậu quả” này, nhưng lời đe dọa của ông có thể sẽ làm trầm trọng thêm sự căng thẳng hiện nay giữa Ottawa và Bắc Kinh. Canada hiện đang đánh giá các nguy cơ an ninh tiềm năng đối với mạng 5G, nhưng vẫn chưa ra lệnh cấm hoàn toàn thiết bị của Huawei như một số đồng minh.
“Nếu chính phủ Canada cấm Huawei tham gia mạng 5G, điều này có thể sẽ dẫn đến hậu quả, tôi không chắc, nhưng tôi tin rằng sẽ có hậu quả,” ông Lu nói, và kêu gọi Ottawa “nên đưa ra quyết định khôn ngoan về vấn đề này.” Ông Lu cũng nói rằng, khi Ngoại Trưởng Canada Chrystia Freeland tới Diễn đàn kinh tế thế giới Davos vào tuần tới, bà nên tránh “ngoại giao qua microphone,” và đừng cố vận động kêu gọi ủng hộ.
Đáp lại, Ngoại Trưởng Freeland nói rằng Canada không có ý định thay đổi phương pháp ngoại giao của mình. “Chúng tôi sẽ tiếp tục thảo luận mỗi ngày với các đồng minh về tình hình này,” bà Freeland nói. Quan hệ giữa Trung Quốc và Canada đã trở nên lạnh nhạt trong tháng trước, sau khi Canada bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu, giám đốc tài chính của Huawei, theo yêu cầu dẫn độ của Hoa Kỳ.
Trung Quốc sau đó bắt giữ 2 công dân Canada, và một tòa án địa phương trong tháng này đã tái xét xử và tuyên án tử hình một người Canada vì tội buôn ma túy. Thủ Tướng Canada Justin Trudeau cáo buộc Bắc Kinh sử dụng án tử hình một cách tùy tiện, và kêu gọi các lãnh đạo thế giới ủng hộ Canada.

Phó thủ tướng Trung Quốc sẽ đến Hoa Kỳ đàm phán thương mại
BẮC KINH – Trung Quốc vừa xác nhận phó thủ tướng nước này – ông Lưu Hạc - sẽ tới Hoa Kỳ vào cuối tháng để chuẩn bị cho vòng đàm phán sắp tới. "Nhận lời mời của Bộ Trưởng Tài Chính Hoa Kỳ Steven Mnuchin, và Đại diện thương mại Robert Lighthizer, Phó Thủ Tướng Lưu Hạc sẽ tới Hoa Kỳ từ ngày 30 đến 31 tháng 1 để đàm phán thương mại,” phát ngôn viên Bộ Thương Mại Trung Quốc Cao Phong cho biết hôm thứ Năm. "Họ sẽ tìm cách thực hiện các điều quan trọng đã được lãnh đạo 2 nước đồng ý.”
Ông Lưu Hạc là cố vấn kinh tế hàng đầu của Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, chịu trách nhiệm đàm phán với Hoa Kỳ. Đây sẽ là lần thứ hai ông tới Washington vì việc này, sau cuộc gặp hồi tháng 5 năm ngoái. Lần này, ông đến Hoa Kỳ trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc gặp nhiều thách thức, khiến ông chịu áp lực lớn hơn về việc phải đạt được một thỏa thuận.

Bom nổ tại học viện cảnh sát Colombia, 10 người chết
BOGOTA – Một xe hơi chứa bom đã phát nổ tại một học viện cảnh sát ở thủ đô Bogota của Colombia vào thứ Năm, giết chết 10 người và khiến hàng chục người khác bị thương. Vụ tấn công học viện General Santander là vụ tấn công lớn nhất trong nhiều năm qua nhắm vào một cơ sở an ninh tại Bogota.
Tổng Thống Ivan Duque, vốn đang đi thăm một bang miền tây, đã vội vã trở về thủ đô để giám sát cuộc điều tra của cơ quan công lực. Các bằng chứng ban đầu cho thấy đây có thể là một vụ đánh bom tự sát – điều chưa từng có tiền lệ tại quốc gia vùng Andes này, dù đã trải qua nhiều thập niên xung đột chính trị.
Chánh công tố Nestor Martinez cho biết, thủ phạm tấn công là một người đàn ông 56 tuổi, tên Jose Aldemar Rojas, lái chiếc Nissan pick-up đời 1993, chở 80 ký thuốc nổ pentolite. Chiếc xe được kiểm tra máy lần gần đây nhất là vào 6 tháng trước, tại bang miền đông Arauca, dọc biên giới với Venezuela.
“Đây không chỉ là hành động chống lại cảnh sát, mà còn là hành động chống lại xã hội,” Tổng Thống Duque nói. “Những người liên quan đến vụ khủng bố này sẽ bị trừng phạt.” Bộ Quốc Phòng Colombia nói, 10 người đã thiệt mạng và 66 người bị thương. Trong số người chết có 1 người Panama và 1 người Ecuador.
Nhiều nhân chứng nói rằng tài xế đã lao xe xuyên qua cổng kiểm soát của học viện, theo kiểu tấn công tự sát. Chưa có tổ chức nào nhận trách nhiệm vụ tấn công, nhưng mọi nghi ngờ đang dồn về tổ chức thiên tả National Liberation Army (NLA). Nhóm phiến quân này trong thời gian qua đã gia tăng tấn công vào các mục tiêu cảnh sát, do bế tắc trong việc đàm phán hòa bình với chính phủ Bogota.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT