Người Việt Khắp Nơi

Ngành sân khấu cải lương giỗ tổ

Wednesday, 21/09/2016 - 08:52:08

Giáo sư cũng nêu lên tính cách liên hệ mật thiết, sự ràng buộc giữa người soạn giả và nghệ sĩ trình diễn; sự quan trọng của các nhạc sĩ cổ nhạc và nhiều yếu tố phụ khác mới có thể thực hiện được một vở tuồng cải lương hoàn chỉnh trên sân khấu.

Bài THANH PHONG

FOUNTAIN VALLEY. Mỗi khi bước chân lên sân khấu trình diễn, các nam nữ nghệ sĩ cổ nhạc và cải lương đều vái Tổ, cầu xin Tổ đãi” để được hát hay, hát trọn vở tuồng một cách trôi chảy và được khán giả dành cho những tràng pháo tay thật lâu. Hầu hết các nghệ sĩ đều tin vào lời nguyện đó nên ngoài việc vái Tổ trước khi lên trình diễn, mỗi năm các nghệ sĩ sân khấu còn tổ chức một ngày Giỗ Tổ trang nghiêm. Năm nay, buổi lễ Giỗ Tổ do Hội Ái Hữu Nghệ Sĩ Hải Ngoại và Đoàn Nghệ Thuật Sân Khấu Văn Lang tổ chức long trọng vào tối Thứ Sáu, 16.9.2016 tại Saigon Performing Arts Center thuộc thành phố Fountain Valley, Nam California.
Bàn thờ Tổ được thiết lập trang nghiêm trên sân khấu với đủ lễ vật hương hoa, trà quả. Sau nghi thức chào cờ và mặc niệm, MC. Phạm Khanh, một thành viên trong ban tổ chức giới thiệu và mời Giáo sư Trần Văn Chi (Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị Hội Ái Hữu Nghệ Sĩ Hải Ngoại), cô Mai Chân (Trưởng Đoàn Nghệ Thuật Sân Khấu Văn Lang), các soạn giả Yên Lang, Trần Văn Hương, các nghệ sĩ Phượng Liên, Thúy Uyển, Minh Hùng và ký giả Thanh Huy thuộc Hội Đồng Quản Trị lên niệm hương trước bàn thờ Tổ.


Các nghệ sĩ ngành sân khấu cải lương niệm hương trước bàn thờ trong Lễ Giỗ Tổ hôm 16.9.2016 (Thanh Phong/Viễn Đông)

Trưởng Ban Tổ Chức, cô Mai Chân, lên chào mừng và cám ơn quan khách cùng quý vị mạnh thường quân, các cơ quan truyền thông đã yêu mến ngành nghệ thuật sân khấu đến tham dự lễ Giỗ Tổ với anh chị em nghệ sĩ, và trong giờ phút trang nghiêm, cảm động, cô Mai Chân chắp hai tay thưa: “Để bày tỏ lòng biết ơn, trong tinh thần “uống nước nhớ nguồn, ăn trái nhớ kẻ trồng cây”, hôm nay chúng con xin trân trọng kính cẩn dâng hương hoa, trà quả với tất cả tấm lòng thành kính biết ơn của chúng con. Chúng con biết rằng, ở cõi xa xăm nào đó, các Ngài vẫn luôn hộ trì cho chúng con luôn ca hay, diễn giỏi, duyên dáng trong những giây phút hóa thân, hòa quyện cung ai, cung oán, khóc cười trên sân khấu để mang niềm vui cho nhân thế; đó là nghiệp cầm ca, nghiệp của những nghệ sĩ chúng con, sinh ra với kiếp con tằm nên cả đời chỉ biết nhả tơ...” Cô Mai Chân cũng không quên cám ơn các thân hào nhân sĩ, các nhà mạnh thường quân, quý cơ quan truyền thông và xin tất cả hãy cùng đồng hành với Hội, với Đoàn Nghệ Thuật Sân Khấu Văn Lang đi nốt đoạn đường dài còn dang dở trong công cuộc bảo tồn và phát huy bộ môn nghệ thuật sân khấu cải lương nơi xứ người. Cuối lời phát biểu, cô Mai Chân khẳng định, “Anh chị em nghệ sĩ chúng tôi luôn tâm niệm rằng, mình phải có bổn phận với quê hương xứ sở và cương quyết tiếp tục con đường tiền nhân đã đi. Đi xa nhớ mãi quê nhà, Nhớ câu vọng cổ đậm đà tình thương. Dẫu cho xa cách dặm trường, Vẫn còn hoài vọng cố hương quê mình.”
Giáo sư Trần Văn Chi, một người luôn thiết tha gắn bó với nền văn hóa dân tộc, với nghệ thuật sân khấu, ông đã trình bày một cách cặn kẽ nguồn gốc của bộ môn nghệ thuật cải lương, một nét văn hóa đặc thù mà chỉ có ở đất nước, dân tộc Việt Nam. Giáo sư nói “ Cải lương mang tính đặc thù của Việt Nam hay nói khác đi, đó là một nghệ thuật của dân bản địa, và vì có tính bản địa nên nó chuyên chở sự gần gũi, cái vui, cái buồn được phát xuất từ Nam Kỳ Lục Tỉnh, tức miền Tây Nam phần mà thời Pháp thuộc còn có tên gọi là đất “Đàng Trong”. Giáo sư Trần Văn Chi đã làm mọi người say mê theo dõi và biết được ngọn ngành của bộ môn nghệ thuật mà từ trước tới nay, đa số người dân chỉ thích thưởng thức những tuồng tích hay, những bài ca vọng cổ mùi mẫn mà không tìm hiểu rõ nguồn gốc. Giáo sư cũng nêu lên tính cách liên hệ mật thiết, sự ràng buộc giữa người soạn giả và nghệ sĩ trình diễn; sự quan trọng của các nhạc sĩ cổ nhạc và nhiều yếu tố phụ khác mới có thể thực hiện được một vở tuồng cải lương hoàn chỉnh trên sân khấu. Nhiều khán giả tham dự cho biết, nhờ ông giáo sư này mà mình hiểu thêm về nghệ thuật cải lương để càng yêu mến hơn, vì “vô tri bất mộ”.

Sau lời phát biểu của giáo sư Trần Văn Chi, chương trình bước sang phần trình diễn. Trước hết, tất cả các nghệ sĩ đoàn Nghệ Thuật Sân Khấu Văn Lang lên trình diễn “Liên Khúc Giỗ Tổ” và cũng để mở đầu cho một số trích đoạn tuồng cải lương và vọng cổ và cả tân nhạc mà mọi người đang mong đợi do các nghệ sĩ Bình Trang, Yến Linh, Hà Như Thủy , Ngọc Huyền, Minh Hùng, Thành Đạt, Bảo Sơn, Thanh Vũ, Thanh Hiền, Quốc Nam, Quốc Hải … trình diễn.

Hầu hết khán giả đều ở lại tham dự cho đến khi bế mạc. Độc giả muốn biết thêm về Hội Ái Hữu Nghệ Sĩ Hải Ngoại hay Đoàn Nghệ Thuật Sân Khấu Văn Lang xin liên lạc: Cô Mai Chân (714) 260-3856 hay nghệ sĩ Yến Linh (714) 856-0061.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT