Sức Khỏe

Ngáy

Friday, 21/09/2018 - 08:19:59

Đàn ông dễ bị ngáy hơn đàn bà. Người cân nặng quá khổ hay mập phì dễ bị ngáy hay ngưng thở khi ngủ hơn. Chứng ngáy cũng xẩy ra cho nhiều người trong cùng gia đình hơn.

 


Đường thở của bệnh nhân ngáy và ngưng thở bị tắc nghẽn vì lưỡi và vòm họng giãn ra và thụng xuống.

BS Nguyễn Thị Nhuận

Người ta ước lượng có đến phân nửa nhân loại người lớn ngáy. Chúng ta ngáy khi luồng không khí hít vào đi qua cổ họng đang mềm giãn tối đa khiến phần này rung lên tạo ra âm thanh ngáy. Ngáy gây ra nhiều hậu quả khá nghiêm trọng, kể cả làm tan vỡ những cuộc tình. Người ta ít khi kể triệu chứng khó nói này với bác sĩ nhưng thực ra, cần nói với bác sĩ về chuyện này bởi vì có nhiều phương pháp chữa sau khi nguyên nhân của chứng bệnh được tìm ra.

Triệu chứng
Tùy theo nguyên nhân, những triệu chứng có thể gồm:
- Tiếng động phát ra khi ngủ
- Buồn ngủ vào ban ngày
- Khó tập trung suy nghĩ
- Đau cổ họng
- Ngủ không yên giấc
- Thở hắt hay ngộp thở ban đêm
- Cao huyết áp
- Đau ngực ban đêm
Nên gặp bác sĩ khi bạn ngáy quá to đến nỗi làm người bên cạnh mất ngủ hay bạn thức giấc vì bị thở hắt hay ngộp thở. Những triệu chứng này có thể cho thấy là bạn bị một bệnh nào đó nghiêm trọng, thí dụ như “ngưng thở ban đêm” (sleep apnea). Nếu trẻ em ngáy, nên hỏi bác sĩ của bé vì trẻ em cũng có thể bị bệnh này. Các em còn có thể bị vấn đề ở mũi và cổ họng thí dụ như cục thịt dư cổ họng quá lớn, hay mập phì khiến gây ra bệnh ngưng thở vì bị nghẹt do khí quản bị hẹp lại.

So sánh đường thở bình thường và đường thở của bệnh nhân ngáy và ngưng thở khi ngủ.

Nguyên nhân chứng ngáy
Khi chúng ta rơi vào giấc ngủ, từ ngủ sẽ cho tới ngủ sâu, các bắp thịt ở nóc miệng, lưỡi và cổ họng sẽ giãn ra. Các mô tế bào của cổ họng có thể giãn nở ra đủ để làm nghẹt một phần đường thở và rung lên. Đường thở càng hẹp thì luồng khí vào sẽ càng phải đi mạnh hơn, làm tăng rung khiến càng ngáy to thêm.
Những tình trạng dưới đây có thể ảnh hưởng đến đường thở và gây ra ngáy:
- Cấu trúc cơ thể của miệng: Người có nóc miệng phía sau (soft palate) thấp và dầy thì có thể bị hẹp đường thở. Người mập phì có thể có dư mô tế bào ở phía sau của cổ họng khiến hẹp đường thở. Cũng vậy nếu miếng tiểu thiệt (uvula) tức miếng thịt thòng từ nóc vọng xuống giữa cổ họng quá dài, luồng không khí hít vào có thể bị tắc và sự rung tăng lên khiến gây ra ngáy.
- Uống rượu quá nhiều trước giờ ngủ sẽ làm tăng ngáy vì rượu làm giãn bắp thịt cổ họng và giảm sự đề kháng tự nhiên của cơ thể để chống lại nghẹt thở.
- Mũi có vấn đề: Nghẹt mũi kinh niên hay màng ngăn giữa mũi bị vẹo có thể gây ngáy
- Ngưng thở khi ngủ (sleep apnea): Ngáy có thể liên hệ với chứng ngưng thở khi ngủ. Bệnh nhân bị nghẹt thở khi ngủ vì mô tế bào ở cổ họng bít chặt toàn phần hay một phần đường thở. “Sleep apnea” thường có thể được nhận ra khi bệnh nhân xen kẽ những quãng ngáy thật to với những quãng im lặng. Lúc họ im lặng là lúc họ ngưng thở. Sau cùng, quãng ngưng thở này sẽ làm họ thức giấc với một tiếng khịt to hay tiếng thở hắt ra trước khi họ ngủ lại. Vòng luẩn quẩn này cứ tiếp diễn ít nhất là 5 lần mỗi giờ khiến bệnh nhân ngủ không yên giấc, gây ra chứng buồn ngủ ban ngày.
- Đàn ông dễ bị ngáy hơn đàn bà. Người cân nặng quá khổ hay mập phì dễ bị ngáy hay ngưng thở khi ngủ hơn. Chứng ngáy cũng xẩy ra cho nhiều người trong cùng gia đình hơn.

Biến chứng
Chứng ngáy tự nó đã là một sự khó chịu cho người bệnh và người chung quanh. Không những vậy, nó còn có thể đưa tới những biến chứng khác như:
- Buồn ngủ ban ngày
- Thường khó chịu hay giận dữ
- Khó tập trung suy nghĩ
- Dễ bị cao huyết áp, bị bệnh tim hay tai biến mạch máu não
- Dễ gây gổ với người khác hoặc có vấn đề trong chuyện học hành
- Dễ gây tai nạn xe cộ vì buồn ngủ trong khi lái xe

Định bệnh
Sau khi hỏi về triệu chứng và khám người bệnh, bác sĩ có thể phải cho làm nhiều thử nghiệm để tìm ra nguyên nhân chứng ngáy của bạn. Ngoài những thử nghiệm thường nghe nói đến như chụp quang tuyến X, MRI, CT scan..., bác sĩ có thể cho làm một thử nghiệm đặc biệt là thử nghiệm giấc ngủ (sleep study). Thử nghiệm này thường được thực hiện tại một nơi đặc biệt gọi là sleep center, là nơi bệnh nhân nằm ngủ và được nối liền với nhiều máy móc đo nhịp thở, nhịp tim, sóng não, mức oxygen trong máu, chuyển động của mắt và chân. Từ những thông tin này, bác sĩ có thể tìm ra nguyên nhân chứng ngáy và tùy theo đó để chữa.

Chữa bệnh
Để chữa dứt chứng ngáy, bác sĩ thường khuyên bệnh nhân phải thay đổi lối sống như cố gắng giảm cân, ngưng uống rượu trước khi đi ngủ hoặc đổi thế nằm ngủ. Nếu không hiệu quả hoặc bệnh nhân không làm theo, bác sĩ có thể dùng những cách sau:
- Miếng để vào miệng giúp đưa lưỡi và tiểu thiệt (uvula) ra trước để bớt nghẹt đường thở. Cần phải đến nha sĩ để lấy mẫu làm miếng này vừa với miệng, sau đó cần gặp nha sĩ mỗi 6 tháng để xem miếng này còn vừa không và tình trạng ngáy có đỡ hơn không. Đeo miếng này có thể bị ra nước miếng nhiều, khô miệng, đau hàm và khó chịu nơi mặt.
- CPAP: là một mặt nạ có áp suất cao từ một máy bơm, giúp đẩy không khí vào đường thở khiến đường thở mở hơn. CPAP làm dứt ngáy và chữa bệnh ngưng thở khi ngủ. Đây là cách chữa hiệu nghiệm nhất nhưng nhiều người thấy khó chịu vì vướng víu và tiếng ồn của máy.
- Ngoài ra còn vài cách chữa khác như giải phẫu cắt bớt những mô nơi cổ họng hoặc cách chích vào vòm hầu phía sau làm nó cứng hơn. Những cách này còn đang được nghiên cứu.

Tự giúp
Theo những phương cách dưới đây có thể giúp bớt ngáy:
- Giảm cân nếu bạn bị cân nặng quá khổ hay mập phì
- Nằm ngủ nghiêng một bên, không nằm ngửa
- Nằm giường đầu cao khoảng 4 in (10cm)
- Dùng “nasal strips” mua tự do ở các nhà thuốc dán lên mũi để giúp thông hơn. Nasal strips không chữa ngưng thở khi ngủ được.
- Chữa cho hết bệnh nghẹt mũi, có thể do dị ứng hay vẹo miếng ngăn giữa mũi. Không nên dùng thuốc uống hay xịt trị nghẹt mũi bán tự do quá vài ngày vì dùng lâu ngày có thể bị hiệu ứng ngược khiến bị nghẹt nhiều hơn. Nên xin toa mua thuốc xịt mũi steroid.
- Tránh uống rượu hay thuốc ngủ
- Hát mỗi ngày 20 phút hay hơn cũng làm các bắp thịt vùng cổ họng mạnh hơn, giúp bớt ngáy.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT