Điện Ảnh, Nghệ Thuật

Nghệ thuật khắc gỗ của Phó Đức Bình

Sunday, 10/08/2008 - 12:38:37

Phó Đức Bình và những tác phẩm khắc gỗ đặc biệt Bài và ảnh: Trân Hương Tuần qua quả là thời gian tôi được chìm ngập trong những hình ảnh đẹp và ...

binhpho_true-paradise-sm.jpgLTS: Nhân dịp ông Bình Phó triển lãm những tác phẩm mới nhất tại del Mano Gallery từ ngày 2-30.08.2008, Nhật báo Viễn Đông đăng lại một bài viết của Trân Hương về những cảm nghĩ khi xem cuộc triển lãm “Dòng sông định mệnh” của ông tại Viện Bảo tàng Nghệ thuật Long Beach vào năm 2006.

[Tác phẩm True Paradise của Bình Phó tại cuộc triển lãm 2006]



Phó Đức Bình và những tác phẩm khắc gỗ đặc biệt

Bài và ảnh: Trân Hương

Tuần qua quả là thời gian tôi được chìm ngập trong những hình ảnh đẹp và niềm hãnh diện. Thực ra, thấy một người Việt thành công, mình không hiểu nổi tại sao mình lại hãnh diện. Nhưng cảm giác hãnh diện ấy thì có thật không thể chối cãi, mình thấy hãnh diện như chính mình là người thành công. Trước hết là tôi được biết đến những người trẻ Việt Nam thành công, đa số là trong lãnh vực âm nhạc và thiết kế thời trang, được giới thiệu trên DVD Thúy Nga mới nhất. Thứ hai là được đến xem những tác phẩm của nhà nghệ sĩ khắc gỗ Bình Phó, người đã và đang vang danh trong thế giới nghệ thuật khắc gỗ hiện đại của nước Mỹ từ hơn một chục năm nay.

binhpho_reflection-sm.jpg

[Tác phẩm Reflection của Bình Phó]

Tác phẩm của ông Phó Đức Bình được triển lãm tại Long Beach Museum of Art, một viện bảo tàng gồm nhiều tòa nhà đẹp nằm ngay trên bờ biển Long Beach thật thơ mộng. Phòng trưng bày tác phẩm của Bình Phó là một căn phòng thiết trí thật trang trọng và đẹp mắt với những mặt phẳng ngang khiến người ta có thể chiêm ngưỡng những tác phẩm này đúng với tầm mắt mà không phải rướn lên hay cúi xuống. Một vài tác phẩm cỡ lớn thì được gắn trên tường hay trên những giá riêng. Dĩ nhiên ánh sáng đã được dàn  sao cho có tác dụng làm đẹp tác phẩm tối đa. Mới nhìn vào phòng, người ta dễ có cảm giác ấm cúng, sáng sủa và thân thiện. Khác với một số những cuộc triển lãm khác, những tác phẩm này không phải để bầy bán mà đây toàn là sưu tập của các bảo tàng viện trên khắp nước Mỹ cũng như những nhà sưu tập cá nhân.

Thoạt nhìn toàn bộ tác phẩm của Phó Đức Bình, người ta dễ có cảm nghĩ: Quá đẹp! Quá tao nhã! Quá tỉ mỉ! Quá khéo tay! Không nhìn kỹ, người ta có thể cho rằng sự khéo tay và tỉ mỉ đến mức độ “perfect” đã làm cho những tác phẩm này phần nào mất đi tính nghệ thuật của nó.

Trước khi đến xem triển lãm, tôi đã đọc qua cuốn sách nói về nghệ thuật của Bình Phó nên may mắn hiểu được phần nào những tâm tư của người tạo nên những tác phẩm này cùng ý nghĩa của chúng. Do đó, tôi nhìn kỹ, nhìn nhiều lần, và hiểu được tại sao giới thưởng ngoạn nghệ thuật Mỹ đánh giá thật cao tác phẩm của Bình Phó. Trong cái hoàn hảo của tác phẩm là những nét vẽ bay bướm, những dàn xếp bố cục hài hòa, những mầu sắc tuyệt vời chứng tỏ một tâm hồn nghệ sĩ cao độ. Một chủ nhân phòng tranh đã phát biểu trong cuốn sách: “Đối với nhiều tác phẩm chúng tôi trưng bày ở đây,người ta phải có nhiều kiến thức về nghệ thuật gỗ hiện đại mới hiểu được tác phẩm và tri nhận giá trị của nó. Nhưng tác phẩm của Bình Phó vượt qua những cái đó. Chỉ nhìn những tác phẩm này là đã thấy yêu thích, không cần biết nó là gỗ hay gì khác. Không cần phải hiểu biết về gỗ hay câu chuyện đằng sau những tác phẩm này, người ta cũng có thể yêu thích chúng”.

ANH---BINH-PHO-1.jpgPhó Đức Bình, người nghệ sĩ

Sau khi xem hết những tác phẩm của Bình Phó, tôi hỏi cô tiếp tân về nơi biểu diễn của ông như đã ghi trên tờ flyer. Theo lời chỉ dẫn, tôi ra sân cỏ bên hông tòa nhà  triển lãm của Long Beach Museum of Art để tìm chỗ nghệ sĩ điêu khắc gỗ Phó Đức Bình - Binh Pho đối với người Mỹ - đang biểu diễn nghệ thuật khắc gỗ của ông cho một đám đông, dưới chiếc lều dã chiến. Ngoài chiếc lều của ông còn lều của Hội Tiện Gỗ (Wood Turning Association)  cũng biểu diễn nghệ thuật tiện gỗ thành đủ mọi hình dáng. Khán giả bu quanh bàn làm việc của Bình Phó, đa số là người Mỹ, chỉ có vài người Việt, trong đó có nhạc sĩ Lê Văn Khoa và phóng viên Viễn Đông là tôi.

Phó Đức Bình là một người đàn ông trung niên với nét mặt điềm đạm hiền hòa và mái tóc trắng lơ thơ. Ông mặc một chiếc áo T-shirt trắng đã cũ và chiếc quần đậm mầu đã nhuốm phong sương. Có lẽ đây là trang phục để làm việc của ông. Hai hôm trước, ông đã đóng bộ để dự buổi tiếp tân đặc biệt dành cho giới truyền thông và những người hâm mộ tài ông do Viện Bảo tàng Long Beach tổ chức. Có đến vài trăm người đến tham dự, chứng tỏ sự hâm mộ các tác phẩm của ông từ phía người Mỹ. Trong lúc đó, cộng đồng Việt Nam có lẽ ít nghe nói đến người nghệ sĩ khắc gỗ tài hoa và đặc biệt này, người đã được giới nghệ thuật Mỹ tôn vinh rất nhiều về cả tài năng lẫn chính con người ông.

Bàn làm việc của Bình Phó có rất nhiều máy móc như máy khắc gỗ, máy sơn airbrush, máy tiện... Tác phẩm của ông thường là những chiếc bình giống như bình hoa, tiện từ những khối gỗ quý,  được mài láng, để khô và sau đó được khắc cũng như sơn, dát vàng... lên thành những hình tượng tuyệt đẹp, nói lên một câu chuyện và một ý nghĩa nào đó. Ông cũng sử dụng những hình thái khác nhưng ít hơn.

Hôm nay ông đã tiện gỗ thành một chiếc bát lớn mầu ngà rất mỏng (thường là chỉ dày 1/16 hay 3/32 của 1 inch) có những vân gỗ rất đẹp. Trước khi vẽ lên chiếc bát, ông đã có một số bản vẽ trên giấy những ý tưởng ông định thực hiện trên chiếc bát. Những “mô típ” thường thấy trên tác phẩm của Bình Phó là những con chuồn chuồn, những chiếc lông chim công, những con bướm, những chiếc lá tre. Có lẽ hiện nay, những hình ảnh này đã trở thành “chữ ký” của ông. Với  lối vẽ những hình ảnh này cách đặc biệt nào đó, ông đã tạo cho mình một phong cách riêng. Nhìn những hình ảnh này, người ta phải nghĩ ngay đến tên Bình Phó. Hôm nay cũng không ra ngoài thông lệ, ông đã thực hiện hình những con chuồn chuồn trên chiếc bát. Trước khi sơn  bằng máy air brush, ông dán những mảnh giấy hình chuồn chuồn trên chiếc bát, sau đó sơn đè lên. Sau khi sơn xong bằng những mầu sắc rất hài hòa, ông gỡ bỏ những mảnh giấy ra và hình những con chuồn chuồn xuất hiện, rõ ràng hơn khi ông gắn thêm cho mỗi chú chuồn chuồn hai viên bi nhỏ xíu làm hai mắt.

Một nét đặc biệt khác của tác phẩm Bình Phó là ông đã khắc trên gỗ những miếng “ren” có những đường nét nghệ thuật ngoằn ngoèo tròng tréo lên nhau mà trong đó những “mô típ” chuồn chuồn, lá tre, bướm... có thể được nhận ra dễ dàng. Ông cũng dùng vàng dát lên gỗ hoặc lợi dụng vân gỗ và những chỗ nứt, cháy của gỗ... để tạo hình.

River of Destiny

Những kỹ thuật của Bình Phó dĩ nhiên cũng không phải xa lạ đối với giới khắc gỗ trên thế giới nhưng phần quan trọng là những gì ông đã gửi gấm trong tác phẩm của mình. Nhân dịp cuộc triển lãm tác phẩm của Bình Phó được tổ chức tại Long Beach Museum of Art, mượn từ nhiều Viện Bảo tàng cũng như bộ sưu tập của nhiều người trên khắp nước Mỹ, một cuốn sách có tựa là River of Destiny: The Life and Work of Binh Pho do Mike Wallace, curator từng cộng tác với nhiều bảo tàng viện khác nhau, viết. Cuốn sách in rất đẹp, có hình của hầu hết những tác phẩm của Bình Phó. Đây giống như một cuốn tự truyện, kể lại cuộc đời của Phó Đức Bình từ lúc mới sinh ở Sài Gòn năm 1955 tới hiện tại.

Ông lớn lên trong những năm chiến tranh Việt Nam ác liệt nhất, bị bỏ lại Việt Nam năm 1975 khi cả gia đình ông vượt thoát, ở tù cộng sản hơn 1 năm vì vượt biên đường bộ, sau đó tìm cách trốn thoát vài lần nữa cho đến năm 1979 thì vượt biên thành công. Ông gặp bà Tường Vi, vợ ông, trên chuyến tầu vượt biên và ở đảo Pulau Bidong. Qua Mỹ, cuộc tình duyên của hai người cũng có nhiều trắc trở đến lúc họ thành hôn năm 1985. Sau đó, cuộc sống của gia đình ông là một biểu tượng cho sự thành công của những người tị nạn Việt trên đất Mỹ với hai vợ chồng có công ăn việc làm vững chắc. Họ có hai đứa con, một trai một gái, tạo thành một gia đình hạnh phúc, mẫu mực.

Cách đây khoảng 20 năm, vợ ông tặng ông một chiếc cưa máy. Bình Phó bắt đầu tạo những đồ gỗ và sau đó học về kỹ thuật tiện cũng như rất nhiều kỹ thuật khắc gỗ, kỹ thuật airbrush... với nhiều tay nghề bực thầy cũng như những nghệ sĩ khắc gỗ có tiếng. Sau một thời gian tìm kiếm, nghe theo lời khuyên của một nghệ sĩ, ông tìm ra được hướng đi riêng của mình và bắt đầu tạo nên những tác phẩm khắc gỗ độc đáo, không giống bất cứ  một tác phẩm điêu khắc gỗ nào của người khác. Chẳng bao lâu, danh tiếng của ông trong giới điêu khắc gỗ hiện đại nổi như cồn. Những tác phẩm của ông được trân trọng và đánh giá cao. Rất nhiều người chuyên sưu tập nghệ thuật đặt ông làm riêng cho họ những tác phẩm khắc gỗ đặc biệt này. Tuy nhiên, theo lời Bình Phó trong cuốn sách: “ Nhờ có một nghề để sinh sống riêng biệt, tôi có thể chọn làm những tác phẩm nghệ thuật tôi yêu thích, hơn là phải làm theo đơn đặt hàng”.

binhpho_serenpidity-sm.jpg

[Tác phẩm Serendipity của Bình Phó]

Đọc cuốn sách, với rất nhiều chi tiết thú vị trong cuộc đời khá sôi nổi của Bình Phó, người ta có thể hiểu tại sao ông cho ra đời cuốn sách này. Vì nhiều biến cố và kỷ niệm trong cuộc đời của ông đã trở thành đề tài cho ông dàn trải lên mặt gỗ. Cuốn sách lần lượt in hình những tác phẩm gắn liền với những biến cố cuộc đời ông với những lời giải thích tỉ mỉ. Vì thế độc giả cảm thấy rất thú vị và đọc xong cuốn sách, có thể cảm thấy là một người rất quen với ông, hiểu ông rất rõ, cũng như học được không ít về văn hóa và cuộc chiến Việt Nam.

Đối với ông, con chuồn chuồn có thể mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Máy bay trực thăng được trẻ Việt Nam kêu là máy bay chuồn chuồn. Vì thế trong tác phẩm The Last Helicopter, nhắc đến chuyến vượt thoát bất thành trên sân thượng của Tòa Đại sứ Mỹ ngày 30 tháng 4, 1975, ông đục hình một con chuồn chuồn trên một mặt của chiếc bình khắc như một cánh cửa nhiều chấn song, mặt kia là rất nhiều những con chuồn chuồn khác tượng trưng cho những người bị bỏ lại. Trong tác phẩm Dream in the Wind, những chiếc lông công bay dạt theo cùng một chiều, như giấc mộng đào thoát đang bị thổi bay đi bằng trận gió gây ra từ chiếc máy bay trực thăng cuối cùng. Hình ảnh chuồn chuồn, lông công, bướm, lá tre xuất hiện rất nhiều lần trong các tác phẩm của ông và có thể mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Dòng sông, một hình ảnh quan trọng đối với ông, cũng xuất hiện nhiều lần. Đối với ông, định mệnh là một dòng sông, đưa con người đến những nơi chốn mình không ngờ. Và lời cuối của cuốn sách  là: Destiny: Looking back at the years I was struggling in the communist regime, no one could have imagined that I would one day have the life that I have now... a very fortunate man with a beautiful family. Thank you destiny, I will never doubt you again.

Phó Đức Bình rất khiêm nhượng. Có thể định mệnh đã đóng vai trò quan trọng trong cuộc đời ông. Nhưng qua cuốn sách, người ta có thể thấy Bình đã làm chủ cuộc đời mình nhiều lần, từ những chuyến vượt biên, từ chuyện đi tìm và chinh phục lại người yêu, chuyện học kỹ thuật điêu khắc gỗ, chuyện đi tìm hướng đi cho nghệ thuật của mình. Chính tinh thần vươn lên, tiến tới, không chịu lùi bước của ông đã đưa ông đến cuộc đời tươi sáng hôm nay. Cuốn sách cũng đưa ra lời chứng của rất nhiều người nổi tiếng, những bậc thầy. Ai nấy cũng đều đồng ý rằng Bình Phó là một con người đẹp đẽ đúng với ý nghĩa của nó. Ông rất phóng khoáng, rộng lượng, sẵn sàng chia sẻ kiến thức cũng như những gì ông có với người khác vì ông cảm kích  và tri nhận những gì ông đã được cho từ những người đi trước ông trong nghệ thuật. Cuộc biểu diễn kỹ thuật tiện và khắc gỗ của ông trên sân cỏ Viện Bảo Tàng Long Beach hôm nay chứng tỏ điều đó. Bình Phó đã thực hiện một chiếc bát rất đẹp, một tượng trưng cho nghệ thuật của ông. Biết đâu, một người trong đám đông hôm nay sẽ theo được bước chân của ông.

Cám ơn những người trẻ Việt Nam, cám ơn nhà điêu khắc gỗ Phó Đức Bình, đã cho tôi niềm hãnh diện hôm nay.

16.12.2006

Vien Dong Daily News

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT