Phóng Sự

Nghề tóc của người Việt trên xứ Mỹ (kỳ 3)

Sunday, 15/05/2016 - 10:34:05

“Khi học 600 giờ để lấy bằng instructor, mình không còn học về kỹ thuật của nghề tóc, facial hay nail nữa, mà phải học cách làm sao đánh giá người học trò đó hiểu được mình dạy bao nhiêu, tiếp thu được bao nhiêu.”

Bài BĂNG HUYỀN

Giảng viên ngành thẩm mỹ (phần 1)

Tại Hoa Kỳ, một người sau khi có bằng hành nghề thẩm mỹ toàn phần (Cosmetology ) nếu không muốn trở thành một chuyên viên làm tóc, làm móng tay, săn sóc da mặt, trang điểm, thì có thể làm chủ tiệm supply các sản phẩm tóc, nail, facial. Vì muốn là đại diện cho những sản phẩm nổi tiếng, thì người chủ tiệm supply cần phải có bằng Cosmetology.

Cắt sao cho đều, đẹp
Cô giáo Ngân Lê (bên phải) đang hướng dẫn cho học viên cách cắt tóc tại trường Evons Beauty College. Lê Ngân là một giảng viên ngành thẩm mỹ, chuyên dạy lý thuyết thẩm mỹ toàn phần, môn nail, facial, và luyện thi State Board. Nghề dạy thẩm mỹ có giờ giấc ổn định từ sáng đến chiều. Người dạy vẫn tiếp tục làm nghề thẩm mỹ, nhưng còn có giờ về với con, thay vì đi làm về quá khuya. (Hình: Băng Huyền/ Viễn Đông)



Ngoài ra người có bằng Cosmetology còn có thể mở trường thẩm mỹ (beauty college). Muốn mở trường, người chủ bỏ tiền ra không cần có bằng thẩm mỹ, nhưng người hiệu trưởng của trường thì cần phải có. Nếu người chủ có bằng thẩm mỹ, thì mới có thể điều hành tốt ngôi trường được. Hoặc người có bằng Cosmetology có thể trở thành giảng viên thẩm mỹ, bằng cách học thêm khóa huấn luyện trở thành giảng viên ngành thẩm mỹ (Instructor training) khoảng 600 giờ, rồi đi thi State board.

Đây chính là điều mà chị Ngân Lê, là một giảng viên ngành thẩm mỹ, chuyên dạy lý thuyết thẩm mỹ toàn phần (Cosmetology), môn nail, facial, và luyện thi State Board tại trường Evons Beauty College (thành phố Garden Grove) đã chọn thay vì chỉ dừng lại là một chuyên viên làm tóc. Chị kể vào thập niên 1990 khi qua định cư Hoa Kỳ, sau khi học xong và thi lấy bằng thẩm mỹ toàn phần tại trường Hằng Nga (là tên học viên ngành thẩm mỹ trong cộng đồng Việt Nam quen gọi, tên tiếng Anh của trường là Asian American International Beauty College). Chị đã quyết định học thêm để có thêm bằng giảng viên dạy thẩm mỹ (instructor), trong thời gian học để lấy bằng instructor, cuối tuần chị vẫn đi làm tại tiệm beauty salon để cắt tóc, nhuộm tóc cho khách và học hỏi thêm kinh nghiệm. Đến khi có bằng dạy, chị được nhận về dạy tại trường Hằng Nga từ năm 2000. Suốt thời gian qua, ngoài trường Hằng Nga, chị còn cộng tác một số trường Copas, OVC, Tra Mi Beauty School tại San Diego, ABC, Elite Beauty College, và từ năm 2014, chị dạy toàn thời gian tại Evons Beauty College.

Nói về sở trường cũng như sở thích của bản thân trong vai trò là một stylist và một instructor, chị Ngân Lê cho biết, “Sở trường của tôi là dạy học, khi còn ở Việt Nam, tôi đã là giáo viên. Vì vậy khi qua bên này, được làm cô giáo dạy nghề thẩm mỹ, giống như cá sống vì nước vậy. Tôi có năng khiếu dạy, soạn giáo án nhanh. Nhìn học sinh, tôi có thể biết ưu và khuyết điểm của từng em, cần trau dồi thêm cho các em điều gì.

“Còn khi làm ở ngoài tiệm salon, cũng có cái vui của công việc. Có thể biến một người không đẹp, ra khỏi tiệm trở nên đẹp hơn với mái tóc đẹp, da mặt đẹp, móng tay đẹp. Nhưng thật sự thì sở trường của tôi vẫn là dạy, nên tôi luôn trau dồi việc dạy, thu nhập kiến thức thêm để dạy cho các học viên. Tôi rất yêu thích công việc này, niềm vui của tôi là giúp được học viên khi mới vào trường từ lúc không biết nghề đến khi tốt nghiệp ra trường có bằng hành nghề để đi làm giúp bản thân em đó và gia đình của em.”

Chị Ngân Lê nói thêm, “Ngành này vẫn đang thiếu giáo viên. Nếu ai có khả năng, tiếng Việt lưu loát, tiếng Anh vững vàng, có phương pháp sư phạm tốt và yêu thích ngành thẩm mỹ thì hãy ghi danh đi học để trở thành giảng viên ngành thẩm mỹ. Khi đã là giảng viên rồi, mình cũng cần phải luôn chịu khó học hỏi, tham gia những buổi bồi dưỡng nghiệp vụ thêm, luôn chịu khó học hỏi để trau dồi khả năng của mình càng ngày càng giỏi.

“Thường thì những lần đi bồi dưỡng thêm nghiệp vụ quy định mỗi năm, giảng viên luôn được nhà trường tạo điều kiện cho đi, trường sẽ đóng tiền cho giảng viên, lo chổ ăn, phí di chuyển nếu chổ đó ở xa. Ngành thẩm mỹ tại Hoa Kỳ đang phát triển rất nhanh nên sự bền vững của ngành thẩm mỹ phụ thuộc nhiều vào sự chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm của các giảng viên cho thế hệ tiếp nối.”

Nhận xét về những người gốc Việt trở thành giảng viên ngành thẩm mỹ, chị Linh Nguyễn (Nguyễn Linh Tâm) là giám đốc điều hành và phó chủ tịch hội đồng quản trị của trường Advance Beauty College (Trường ABC) cho biết, “Bây giờ ngày có thêm nhiều người gốc Việt dạy nghề thẩm mỹ hơn hồi xưa. Có người thay vì học nghề thẩm mỹ, đi làm tại các tiệm beauty salon, giờ giấc không ổn định, có khi đi làm đến khuya mới về với gia đình, nếu có con cái thì rất cực, không có thời gian chăm sóc con.

“Vì vậy họ chỉ muốn làm công việc có giờ giấc ổn định từ sáng đến chiều, mà vẫn tiếp tục làm nghề thẩm mỹ, nhưng vẫn có giờ về với con. Hoặc nhiều người làm nghề tóc, nail hay facial đã lâu rồi, có nhiều kinh nghiệm nên muốn trở lại hướng dẫn thế hệ sau để giúp thế hệ sau giỏi tay nghề, thành ra họ quay lại học lấy bằng instructor để vào dạy tại các trường beauty college.”

Chị Linh Nguyễn kể, “Ngay lúc Linh còn nhỏ, bố mẹ đã có ý tưởng là trong tương lai, con gái sẽ nối nghiệp bố mẹ làm trong ngành thẩm mỹ. Khi bố mẹ chưa mở trường, Linh thường ra tiệm làm tóc của mẹ để giúp việc. Đến khi bố mẹ mở trường, Linh đã bắt đầu học Cosmetology trong trường của gia đình. Năm 17 tuổi Linh thi đậu và lấy được bằng Cosmetology. Lúc bấy giờ luật của Cali cho phép 16 tuổi có thể học ngành thẩm mỹ, 17 tuổi được đi thi lấy bằng hành nghề. Còn luật bây giờ thì muốn học ngành thẩm mỹ, học viên phải học xong trung học, phải đủ 18 tuổi, thì mới được học.

“”Sau khi Linh có bằng Cosmetology, Linh tiếp tục học 600 giờ để lấy bằng instructor ngay trong trường của gia đình. Ngoài việc học trong trường thẩm mỹ của gia đình, Linh còn học thêm ngành học Sư Phạm tại UCLA Extension Vocational Credential. Vì Linh muốn có thêm Credential để xin vào dạy ngành thẩm mỹ tại trường công của chính phủ.

“Linh đã dạy đã dạy học tại trường công lập trong học khu Hacienda một vài năm, mới xin nghỉ và về dạy trong trường của bố mẹ sau đó chuyển sang công việc điều hành trường cùng với anh trai của Linh. Sở dĩ trong thời gian điều hành trường ABC, dù đã có bằng Cử Nhân kinh doanh tại Cal. State Fulleton, Linh vẫn tiếp tục học tiếp cao học để lấy bằng MBA cũng tại Cal. State Fulleton vì muốn trang bị cho mình các kiến thức để ứng phó với những đổi thay của thị trường ngành thẩm mỹ trong tương lai.”
Theo chị Linh Nguyễn, chị đã ngưng dạy hơn 10 năm nay, và chuyển sang công việc quản lý hoàn toàn. “Bản thân Linh khi đi dạy, rất thích, vì được gần gũi với học viên, mình thấy được người học viên mới bắt đầu vào học đến lúc ra trường, có sự thay đổi rất nhiều. Khi người ta mới vô học, nhiều người mới qua, đạp xe đạp tới trường học mỗi ngày. Đến khi ra trường, vài tháng sau quay lại thăm giáo viên, lái xe camry mới toanh, cho thấy người ta thành công trong nghề. Điều đó làm cho Linh rất quý công việc giảng dạy của mình.

“ Khi tập trung vào quản lý, cũng có cái vui của công việc quản lý. Nhưng không được tiếp xúc nhiều với học viên. Nhưng Linh thấy tập trung vào quản lý thì mình có thể làm thay đổi nhiều cái hơn, làm cho ảnh hưởng lên nhiều người được tốt hơn, chẳng hạn như chọn những công ty sản xuất sản phẩm có phẩm chất cao hợp tác chung, chọn những bài vở đưa vào dạy trong trường cho thật tốt. Nhờ Linh đã có kinh nghiệm dạy, có thể giúp được cho các thầy cô giáo, cộng thêm công việc của người quản lý, giúp Linh điều hành trường thật tốt. Theo Linh nghĩ, có nhiều chủ trường, nếu không biết nghề sẽ rất khó điều hành công việc tại trường.”

Khi tuyển giáo viên vào dạy trong trường, nhờ Linh có kinh nghiệm nên chọn được những giáo viên tốt cho trường. Vì trường luôn muốn tuyển vào trường những giáo viên giỏi nghề, tận tâm giúp các học viên ra nghề thành công. Khi đã mướn rồi thì luôn muốn đưa ra những quyền lợi tốt nhất cho giáo viên để giữ nhân viên lâu dài với trường.”

Chị Linh Nguyễn cho biết, “Thay vì trường chỉ cần mua những sản phẩm rẻ tiền, chỉ cách cho học viên những căn bản làm trên sản phẩm đó trong quá trình học, nhưng trường ABC luôn muốn dùng những sản phẩm tốt mà hiện nay được dùng trong các salon tóc, nail, facial chuyên nghiệp. Cho nên những công ty mà trường ABC hợp tác cùng luôn là những công ty sản xuất các sản phẩm có tiếng trên thị trường, vì chúng tôi muốn học viên trong thời gian học, làm quen với những sản phẩm có phẩm chất cao.

“Vì vậy, khi mướn một người vào làm giảng viên của trường, thì chúng tôi luôn gửi người giảng viên đó đi bồi dưỡng nghiệp vụ với công ty sản xuất sản phẩm nghề tóc, nail, facial mà trường ABC hợp tác. Sau khi giảng viên đó được bồi dưỡng nghiệp vụ rồi thì mới vào dạy trong trường. Hằng năm, theo quy định của chính phủ thì những giảng viên thẩm mỹ hằng năm phải đi training thêm 12 tiếng về những thay đổi, cái mới của ngành tóc, nail hay facial.

“Khi State Board có những thay đổi về luật lệ, thì giảng viên cũng phải đi học những thay đổi đó để về dạy cho các học viên. Trường thường gửi những nhân viên đi học những cái mới để dạy học viên trong trường. Thật ra những thầy cô giáo mà trường ABC mướn vào đều rất giỏi, có những người từng thắng những giải tạo mẫu tóc ở quận Cam, có những giảng viên chuyên làm chuyên viên tạo mẫu tóc, trang điểm cho những tài tử, ca sĩ, là những người có nhiều kinh nghiệm để hướng dẫn lại cho các học viên.”

Mục tiêu của khóa học trở thành giảng viên thẩm mỹ

Giới thiệu về mục tiêu của khóa học trở thành giảng viên thẩm mỹ, chị Phạm Thảo Vân là chủ nhân của trường Asian American International Beauty College giải thích, “Vai trò của giảng viên ngành thẩm mỹ rất quan trọng, vì khóa học đó có thu hút được học trò hay không là cũng nhờ tài năng và sự tận tâm khi dạy của người instructor.

“Khi học 600 giờ để lấy bằng instructor, mình không còn học về kỹ thuật của nghề tóc, facial hay nail nữa, mà phải học cách làm sao đánh giá người học trò đó hiểu được mình dạy bao nhiêu, tiếp thu được bao nhiêu.”

Chị Phạm Thảo Vân kể, “Vào những năm đầu thập niên 1990 khi Vân quyết định theo lời khuyên của một bà giáo người Mỹ ghi danh học lấy bằng giảng viên ngành thẩm mỹ ở trường Fullerton College. Mùa học đầu tiên, sau khi học được hai tuần, thì bà giáo kêu Vân đứng lớp để thực tập cách dạy. Lúc đó học viên của lớp cũng là bạn học như Vân (học để trở thành instructor), chủ yếu là người Mỹ và Mexican nhiều, chỉ có mình Vân là Việt Nam. Nhưng buổi dạy thử không thành công, quê quá, Vân đã bỏ học Semester đó. Đến semester sau, Vân trở lại học, khi đó Vân có hỏi một anh bạn đang là giáo viên dạy trong đại học, anh đã chỉ cho Vân cách đứng nói chuyện, cách lấy hơi, cách nhấn chữ nào để người ta hiểu mình và cảm thấy lời nói của mình thu hút, nói ngắn gọn, xúc tích chứ không phải nói đều đều gây cho người nghe cảm giác buồn ngủ.”

Chị Phạm Thảo Vân thật thà chia sẻ, “Vân phải thi trên State Board bốn lần mới đậu được bằng instructor. Bằng instructor bấy giờ mình phải thi lý thuyết, thi giảng dạy và thi phần viết bài soạn giáo án. Cả ba phần thi diễn ra trong một ngày. Mỗi ba tháng mới có một lần thi, vì ít người thi lấy bằng giảng viên thẩm mỹ lắm, mỗi lần rớt mình phải đóng tiền thi lại. Hồi đó một lần thi đóng $45 Mỹ kim.

“Vân đã phải theo gần hai năm trời, mới lấy được bằng instructor. Vì vậy khi đi dạy Vân tự tin lắm, do thi rớt nhiều mới tự tin. Những lần thi rớt là do Vân chưa nắm vững bài, khi bị giám khảo (cả 3 giám khảo) hỏi tới, hỏi lui, Vân trả lời không được, bị rớt. Khi thi, ban giám khảo đóng vai học viên, sẽ giơ tay hỏi những câu tào lao về nghề, mình phải trả lời làm sao cho họ hiểu, để xem bản lĩnh của mình ra sao thì mới đậu.”

Sau khi có bằng giảng viên thẩm mỹ, Thảo Vân được nhận vào dạy tại Fullerton khoảng hai năm. Sau đó chị dạy tại Coastline, dạy ở trường Hoàn Mỹ một thời gian, đến năm 1996 mới quyết định mua lại trường đã có sẵn và đặt tên là Elite (nay tên trường đổi lại Asian American International).

Chị Thảo Vân cho biết, mỗi trường dạy nghề thẩm mỹ sẽ được chọn giáo trình của hãng cung cấp sản phẩm nghề tóc, facial, nail mà trường hợp tác, trường sẽ theo giáo trình của hãng đó song song với giáo trình của State Board. Vì vậy người giảng viên phải biết cả 2 giáo trình để dạy cho học viên để họ nắm vững kiến thức nghề nghiệp, đi thi lấy bằng hành nghề của State board.

Kể lại nguyên do trở thành giảng viên thẩm mỹ, và làm chủ trường thẩm mỹ, chị Vân chia sẻ, “Hồi những năm đầu thập niên 1990, quanh vùng quận Cam của mình, đã có được một số trường của người Việt làm chủ như trường Tâm (Tên cũ của trường ABC), trường của cô Hằng Nga, của cô Kim Anh, cô Thanh Lê, cô Lài, cô Thúy (ở thành phố Orange)… là những cô kỳ cựu nhất. Càng về sau này, Vân càng khâm phục những thầy cô kỳ cựu đó một điều, họ là những người Việt Nam tị nạn, bấy giờ tiếng Anh họ không giỏi, mới chân ướt chân ráo qua Mỹ phải gầy dựng lại từ đầu, họ đã chọn được ngành thẩm mỹ để nuôi sống mình và gia đình rồi từ từ gầy dựng để mở trường dạy nghề thẩm mỹ rất thành công. Vân rất khâm phục bản lĩnh của những cô này, vì nếu không có những tấm gương từ những người đi trước này, Vân đã không đủ tự tin làm được như bây giờ. Vân luôn nhìn vào những cô này để học, vẫn luôn nể, phục những người này.”
(Còn tiếp)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT