Hoa Kỳ

Người Idaho không muốn dân California dọn tới ở

Friday, 15/11/2019 - 07:40:21

Cuộc bầu cử thị trưởng hồi đầu tháng 11 này là cuộc đua gay go nhất trong mấy năm gần đây.


Mùa thu tại thành phố Boise (Getty Images)



BOISE, Idaho – Cuộc bầu cử thị trưởng hồi đầu tháng 11 này là cuộc đua gay go nhất trong mấy năm gần đây. Sự bỏ phiếu của người dân đã được xem như một cuộc trưng cầu dân ý về sự tăng trưởng ở thành phố lớn nhất của tiểu bang Idaho, nơi đang phát triển nhanh chóng. Và ứng cử viên Wayne Richey đã tranh cử dựa trên một khẩu hiệu rất đơn giản: Ngăn chặn người California đến sinh sống tại thành phố Boise.
Kế hoạch của ông để thực hiện lời hứa tranh cử đó? “Làm cho nơi đây hết hấp dẫn.”
Theo tin của nhật báo Los Angeles Times, ông Richey cho rằng đó sẽ là cách tốt nhất để giữ cho những người California nhiều tiền không di chuyển đến quê hương có nhiều cây xanh của ông. Ông đổ lỗi cho dân di cư từ California đã đẩy giá nhà và giá thuê lên cao đến mức những người địa phương Boise không đủ khả năng để sống ở đây với mức lương ít ỏi mà hầu hết các công việc ở Idaho được trả.

Tại một cuộc tranh luận giữa các ứng cử viên vào cuối tháng 10, ông đã có một câu trả lời ngắn gọn cho câu hỏi: “Nếu bạn là vua hay nữ hoàng trong ngày, bạn sẽ làm gì để làm Boise trở nên tốt hơn?”
“Xây một bức tường trị giá $26 tỷ,” ông vừa nói vừa cười, nửa đùa nửa thật, nhấn mạnh từng chữ một cách tối đa. Ông muốn xây tường chung quanh Idaho để ngăn chặn dân California đến tiểu bang này.
Thật ra thì sự bài xích dân di cư từ California đã có từ lâu trong lịch sử ở Idaho, nhất là tại Boise nơi có biệt danh là Thung Lũng Kho Báu của Idaho.

Các đợt phát triển đã làm tăng gấp đôi dân số Boise, kể từ cuộc kiểm kê dân số năm 1980. Vào năm đó, bốn tháng trước khi các nhân viên liên bang xuất hiện trên đường phố ở đây để thực hiện công tác đếm dân số, nhật báo Washington Post từng viết một bài phóng sự với tựa đề: “Đối với hầu hết người dân Idaho, người California chính là nạn dịch châu chấu phá hoại mùa màng.”
Trong làn sóng di cư mới nhất đang diễn ra, mối lo ngại về California đã trở thành một chủ đề trong cuộc đua thị trưởng nóng bỏng, chiếm chỗ quan trọng gây tranh cãi trên mạng xã hội Nextdoor.
Một cơn bão đã xảy ra mới đây trên mạng Twitter ngay trong hai định chế thân thiết của thành phố Boise: trường đại học Boise State University và môn thể thao football. Sự náo động trên mạng điện toán đã khiến một số cư dân kêu gọi Thị Trưởng David Bieter hãy lên tiếng bảo vệ bản tính hiếu khách của người dân tại thành phố. Họ tuyên bố rằng dân ở đây vẫn thực sự mến người California, mặc dù trên thực tế đã có bằng chứng ngược lại.
Cuộc tranh luận trên Twitter bắt đầu vào cuối tháng 9, khi cựu cầu thủ footbal của trường đại học Boise, anh Tyler Rausa, bước đến xe của anh và nhìn thấy một tấm giấy được in chuyên nghiệp, màu trắng với đường viền màu xám và vàng than thanh lịch đặt trên xe. Tấm thiệp viết hai dòng ở chính giữa, được viết hoa hết thảy:

VỀ LẠI CALIFORNIA
CHÚNG TÔI KHÔNG MUỐN BẠN Ở ĐÂY
AnhTyler Rausa đã đăng hình tấm giấy lên mạng với một câu trả lời rất ngắn gọn: “Hừm. Tôi không ngờ là tôi có thể nhận được một tấm giấy như thế này ở Boise. Rất cảm ơn.”
Anh Rausa là một cầu thủ có tài năng của đội Broncos thuộc trường Boise State University trong mùa đấu 2015 và 2016. Cầu thủ này là nhân vật nổi tiếng ở Boise. Anh từng ghi được 219 điểm cho đội. Hiện thời anh đang chờ cơ hội đấu cho hiệp hội chuyên nghiệp NFL. Anh vẫn sống ở Boise nhưng xe của anh vẫn giữ bảng số California.
Nhiều người đã lên tiếng sau khi đọc tweet của anh Tyler, trong thời gian rất nhanh, khá nhiều và phần lớn tỏ thái độ cởi mở.

@NitroJen viết: “Tôi mong họ biết xấu hổ về tấm giấy ấy.”
@someone viết: Kệ tía chúng nó. Bạn luôn được tiếp đón ở đây!”
Sau đó, Thị Trưởng Bieter cũng lên tiếng bênh vực anh Tyler: “Tôi hy vọng anh nhận lấy tất cả những ý kiến tích cực và xem nó như thái độ thực sự của người dân Boise.”
# BoiseKind viết: “Chúng tôi rất vui vì bạn ở đây và là một phần của cộng đồng tuyệt vời của chúng tôi.”
Một lời khuyên mà anh Tyler Rausa nhận được trong các cuộc thảo luận trực tuyến là anh nên thay đổi tấm bảng xe California đó - và hãy làm liền đi. Đó cũng là lời khuyên phổ biến nhất trong nhiều năm từ những người Boise thân thiện với những người hàng xóm mới nhất của họ.
Mục sư Bill Roscoe, giám đốc điều hành của Boise Rescue Mission Ministries, đã được một chuyên viên địa ốc khuyên như vậy khi ông chuyển đến Boise từ Redding năm 2002. Ông giữ một tấm bảng nhỏ trên bàn làm việc ghi một câu như sau: “Tôi không sanh ra ở Idaho nhưng tôi đã đến đây nhanh nhất mà tôi có thể làm được.”
“Nếu bạn đến đây và yêu thích nơi đây, mọi thứ rồi sẽ tốt thôi,” mục sư Roscoe nói với báo Times. “Nếu bạn đến đây và treo lá cờ California trước nhà, hãy nhãn California trên xe của bạn, chẳng hạn như miếng giấy Santa Cruz, thì người ở đây sẽ không thích bạn cho lắm.”
Bà Patricia Flanigan cũng mau chóng đổi bảng xe California với bảng xe màu đỏ-trắng-xanh với dòng chữ “củ khoai” nổi tiếng của Idao khi bà chuyển từ Dana Point vào năm 2015 đến vùng ngoại ô Boise. Bà đã về hưu sau những năm giữ vai trò trưởng khoa giáo dục và tài nguyên học tập trực tuyến tại trường đại học Saddleback ở Quận Cam.

“Tôi đã đến Idaho với thái độ là sẽ thích nghi với cộng đồng,” bà nói. Bà có bằng tiến sĩ về giáo dục. Trước đó trong sự nghiệp của mình, bà đã dạy tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai tại ba trường đại học cộng đồng Nam California. Bà cũng điều hành một chương trình ESL tại đại học Cộng Đồng Lake Tahoe.
Khi dọn nhà đến Idaho, bà dự tính tình nguyện làm việc với những người không nói tiếng Anh. Bà có một cuộc phỏng vấn cho việc tình nguyện với giám đốc của một trường cộng đồng gần nhà tại Boise. Nhưng trường không quan tâm đến lời đề nghị giúp đỡ miễn phí của bà. Bà được khuyên nên đến tìm việc ở một trung tâm giúp người tị nạn trong vùng. Bà làm theo lời đề nghị và đã gửi một bản lý lịch. Trung tâm đã không hồi âm.

Tại buổi phỏng vấn ở trường đại học, “Tôi đã ăn mặc chuyên nghiệp, trông giống như một người California,” bà Flanigan kể với Times. “Có lẽ bà giám đốc đã không hài lòng với sự tự tin của tôi. Bà không muốn cho tôi tình nguyện .... Bà muốn đuổi tôi đi.”
Thái độ lạnh lùng chuyên nghiệp đó là hành động chào đón bà đến Idaho, người phụ nữ 66 tuổi nói. Kể từ đó, bà đã thành lập một trang web có tên là “Chiến lược thông minh để kiếm sống thành công.” Bà có một nhóm bạn và một ngôi nhà mà bà yêu thích và sở hữu hoàn toàn. Bà không nhìn lại. “Tôi không đến đây để trở thành người California,” bà nói. “Tôi đến đây để sống như một thành viên của cộng đồng và đóng góp.”
Về cuộc tranh cử thị trưởng Boise, kết quả bỏ phiếu ngày 5 tháng 11 cho thấy ông “xây tường” Wayne Richey đã rớt đài. Còn đương kim thị trưởng, ông David Bieter, 60 tuổi, sẽ phải tranh cử vòng bỏ phiếu thứ nhì với bà Nghị Viên kiêm Chủ Tịch Hội Đồng Thành Phố Lauren McLean, 45 tuổi, vào ngày 3 tháng 12 tới đây.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT