Người Việt Khắp Nơi

Những câu chuyện buồn khi bác sĩ, bệnh nhân không cùng ngôn ngữ

Băng Huyền/Viễn Đông Thursday, 06/12/2012 - 10:17:22

Những lúc như thế, nếu có thông dịch viên y tế chuyên nghiệp, làm cầu nối cho mối giao tiếp giữa người bệnh và bác sĩ được thông suốt, sẽ giúp việc định bệnh và chữa trị dễ dàng, nhanh chóng và chính xác hơn.

Nhu cầu thông dịch viên y tế ở Cali

Băng Huyền/Viễn Đông


QUẬN CAM, California - Khi bệnh nhân đi khám và chữa bệnh, việc thông tin mạch lạc, chi tiết, biết được bệnh trạng chính xác thông qua giao tiếp giữa bác sĩ và bệnh nhân sẽ làm tăng hiệu quả trị bệnh. Nếu thất bại xảy ra trong giao tiếp giữa người bệnh và bác sĩ, nhất là ngay tại phòng cấp cứu với những trường hợp khẩn cấp, hiệu quả điều trị sẽ bị giảm sút và sự an toàn của bệnh nhân cũng có thể bấp bênh hơn. Việc chẩn đoán sai, bệnh nhân đau đớn không cần thiết và những điều trục trặc trong khi điều trị có nguy cơ gây tử vong tại các phòng cấp cứu bệnh viện, có thể bắt nguồn từ sự hiểu lầm của các bác sĩ trong khi nói chuyện với bệnh nhân. Khi những áp lực càng lên cao vì các bác sĩ tại phòng cấp cứu phải đối diện với số lượng bệnh nhân tăng vọt, sự giao tiếp do không hiểu ngôn ngữ của nhau càng đi vào bế tắc. Ngoài ra, các yếu tố khác như nền văn hóa khác biệt, rào cản ngôn ngữ từ những bệnh nhân người Việt không thông thạo Anh ngữ khi trình bày bệnh trạng và những đau đớn của mình với các bác sĩ người Mỹ, sẽ càng làm cho chuyện giao tiếp giữa bác sĩ và bệnh nhân thêm phức tạp. Lúc đó, người bệnh cảm thấy hoàn toàn mất tự chủ vì đau đớn. Họ bất an, đơ cứng, sợ hãi, lo âu, nghĩ đến sự bất hạnh của mình, cùng nhiều cảm giác mơ hồ không rõ ràng khác, khó mô tả, thậm chí không nói được nên lời. Cộng thêm nỗi khó khăn khi diễn đạt những điều mình muốn nói với bác sĩ, y tá bằng một ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ của mình, tâm thần của họ càng thêm căng thẳng. Những lúc như thế, nếu có thông dịch viên y tế chuyên nghiệp, làm cầu nối cho mối giao tiếp giữa người bệnh và bác sĩ được thông suốt, sẽ giúp việc định bệnh và chữa trị dễ dàng, nhanh chóng và chính xác hơn.


Ông Đức Nguyễn - ảnh: Băng Huyền/Viễn Đông

Thế nhưng, hiện nay California vẫn chưa có chương trình thông dịch viên trong chương trình bảo hiểm sức khỏe dành cho người thụ hưởng chương trình bảo hiểm Medi-Cal. Có nhiều bệnh nhân Việt Nam gặp trở ngại về ngôn ngữ, khi được các bác sĩ gia đình là người Việt giới thiệu đến gặp bác sĩ chuyên khoa theo từng bệnh trạng của họ, đã gặp khó khăn vì thông thường các bác sĩ chuyên khoa là các bác sĩ sắc dân khác, không nói được tiếng Việt, lại không có người thông dịch. Nhiều bệnh nhân phải nhờ con hay cháu của mình đưa đi và làm thông dịch giúp, nhưng đôi khi chính những người con, người cháu này với vốn Việt ngữ hạn chế, cũng khó có thể chuyển dịch đầy đủ và chính xác những từ ngữ chuyên khoa y tế cho ông bà hay ba mẹ của mình hiểu rõ.
Đây chính là những mối ưu tư và quan tâm của anh Nguyễn Quốc Bảo, là ủy viên giáo dục Học Khu Garden Grove, và cũng là thành viên của Nghiệp Đoàn Chăm Sóc Tại Gia. Anh Bảo bày tỏ: “Chúng tôi đang đề nghị một chương trình mới ở tiểu bang, để giúp quý vị đang thụ hưởng bảo hiểm Medi-Cal có một thông dịch viên mà quý vị không phải trả tiền khi đi khám bệnh. Vì vậy nếu quý vị từng gặp trở ngại về ngôn ngữ khi nói chuyện với bác sĩ hay y tá về bệnh trạng của mình, xin chia sẻ kinh nghiệm cùng chúng tôi”.
Anh Bảo cho biết, hiện nay anh đang thu thập những câu chuyện có thật, để gửi lên cho Thống Đốc California là ông Jerry Brown xem qua. Hy vọng qua những câu chuyện này, theo anh cho biết, thống đốc sẽ thấy được việc cần thiết cần cung cấp thông dịch viên y tế cho các bệnh nhân trong chương trình bảo hiểm Medi-Cal, đã được nêu ra trong dự luật AB 2392, được bảo trợ bởi Chủ Tịch Hạ Viện John Perez. Đây là chương trình có được từ ngân sách cải cách y tế của Tổng Thống Barack Obama đã đưa ra cách nay hơn 1 năm, nhưng tiểu bang phải thông qua dự luật thì
mới được hưởng ngân sách này.
Anh Bảo cho biết, hiện nay chương trình thông dịch viên y tế chỉ mới có duy nhất tại tiểu bang Washington.
Anh Bảo nói: “Dự luật này đã được sự ủng hộ của các nhà lập pháp của Nghị Viện California, cộng thêm từ phía chúng ta khi đưa ra những câu chuyện cụ thể, hy vọng Thống Đốc sẽ ký ngay dự luật này trong buổi họp đặc biệt về những vấn đề y tế vào tháng 1 năm 2013 sắp tới. Nếu thống đốc ký thông qua, thì dự luật này sẽ thành luật trong vòng 90 ngày. Còn nếu chúng ta bỏ qua thời gian này, chờ đến những buổi họp thường niên của các nhà lập pháp tiểu bang California, thì chúng ta phải đợi 1 năm mới nữa mới hy vọng dự luật này sẽ được thông qua”.

Câu chuyện một thương binh VNCH không nói tiếng Anh
Anh Nguyễn Quốc Bảo cũng kể rằng thời gian qua, trong quá trình thu thập những câu chuyện, anh tiếp xúc được một vài cụ cao niên Việt Nam, lắng nghe những câu chuyện của họ, anh rất buồn và rất muốn tìm cách giúp đỡ. Như trường hợp ông Đức Nguyễn, một người sống tại thành phố Stanton, mà phóng viên Viễn Đông có cơ hội được nghe câu chuyện của ông kể lại cho anh Nguyễn Quốc Bảo trong quá trình thu thập tài liệu của anh Bảo, qua sự giới thiệu của chị Lucy Huỳnh thuộc tổ chức OCAPICA (Hiệp Hội Á Châu Thái Bình Dương).
Ông Đức Nguyễn là một người lính Bộ Binh VNCH, đã nát hết hai chân vì mìn trong một trận chiến năm 1973 tại Mộc Hóa Kiến Tường. Do tình trạng y tế hạn chế trong chiến tranh, bấy giờ bác sĩ bệnh viện Ba dã chiến Mỹ Tho đã cắt bỏ hai chân và đùi của ông, và không nối các dây thần kinh lại, nên để lại những di chứng, khiến ông thường xuyên bị đau nhức mỗi khi trở trời. Những lúc nặng nhất, chúng sẽ kèm theo chứng co giật dữ dội, nên ông cần phải vào bệnh viện để chích thuốc giảm đau liều cao thì mới chịu nổi.
Ông Đức kể rằng, khi ông vượt biên và đến Mỹ vào năm 1981, 5 năm đầu, ông sống tại tiểu bang Louisiana, khi phải vào bệnh viện, ông được sự trợ giúp trận tình của Soeur Hương trong việc thông dịch và đưa đi bệnh viện. Nhưng sau đó, khi ông chuyển về sống tại quận Cam, ông gặp nhiều khó khăn mỗi lần đi bệnh viện, vì không có thông dịch viên.
Đôi khi, ông kể, tại bệnh viện có nhờ được một vài người Việt làm trong bệnh viện đến giúp thông dịch cho ông, có khi đó là những người quét dọn, người làm việc văn phòng, hay y tá, nhưng những người đó có công việc của họ, vì vậy, khi ông cần giúp thêm, thì họ đã không còn ở đó để giúp ông.
Ông Đức Nguyễn kể lại câu chuyện dở khóc dở cười của mình, một lần ông vào bệnh viện và đi đại tiện ra máu, ông đã dùng giấy gói lại, rồi bỏ vào túi áo, khi gặp bác sĩ, họ hỏi thăm, ông không hiểu họ hỏi gì, đã đưa gói giấy đó ra cho bác sĩ xem, để ghi vào hồ sơ bệnh án của ông. Hay một lần khác ông bị viêm đường tiết niệu, khiến ông bị đau buốt khi đi vệ sinh, cộng thêm những cơn co giật ở vết thương hai chân đau quá, nên ông phải vào nhà thương Foutain Valley để chữa trị.
Ông Đức kể: “Tôi nói với nhân viên trong bệnh viện là tôi cần thông dịch viên, nhưng họ cho biết là không có. Vì không đủ chữ để nói nên tôi chỉ vào chỗ tôi bị đau. Bác sĩ người Mỹ nói tiếng Anh lại là ông biết rồi. Lát sau y tá người Philippines đến, cầm ống thông đường tiểu, tôi ra dấu cho biết không cần thông đường tiểu, vì tôi đâu có bị bí tiểu, mà chỉ vì bị đau và rát khi đi vệ sinh thôi, nhưng y tá cứ đặt ống thông, khiến tôi đau đớn vô cùng. Lẽ ra khi đó chỉ cần cho tôi uống thuốc giảm đau, đằng này họ cứ thọt ống thông làm tôi càng đau đớn hơn”.
Ông bảo, sau đó y tá đã chích cho ông mũi thuốc giảm đau rồi, ông cảm thấy đỡ đau nhiều. Lát sau, trước khi ông về, y tá lại chích thêm một mũi nữa, dù ông tỏ ý là không cần. Khi ông về lại nhà, do thuốc mạnh quá, khiến ông bị mệt, nằm li bì suốt mấy ngày.
Ông cũng kể rằng trước đây hơn 5 năm, khi ông đi thông ruột, thông tim, thì bác sĩ gia đình của ông có đề nghị cần thông dịch viên trợ giúp trong hai lần đó, nhưng những lần sau khi ông vào bệnh viện thì không có thông dịch viên nữa.
Ông Đức mong ước khi ông vào bệnh viện sẽ có thông dịch viên, để giúp ông và những người có hoàn cảnh giống ông không phải gặp khó khăn khi nói chuyện với bác sĩ, y tá nữa.
Anh Nguyễn Quốc Bảo giải thích, rõ ràng giữa bệnh nhân và bác sĩ, việc trò chuyện sẽ giúp hiểu rõ hơn bệnh tình như bệnh cấp hay mãn tính; mức độ nặng, vừa, nguy hiểm tính mạng; có cần phẫu thuật hay chỉ dùng thuốc... Điều này sẽ giải tỏa được nhiều những nỗi lo lắng của chính người bệnh, như trong trường hợp như của ông Đức, với rào cản ngôn ngữ, bản thân ông lại không hiểu rõ về những cách thức chữa trị của bác sĩ, càng dễ tăng thêm nỗi hoang mang.
Anh Bảo nói rằng nhờ thời gian làm việc cho nghiệp đoàn chăm sóc tại gia, anh rất quan tâm đến chương trình này, vì muốn phục vụ cho cộng đồng Việt Nam, và muốn tạo thêm việc làm qua nghề thông dịch viên y tế cho California.
Nói thêm với phóng viên Viễn Đông, anh Bảo cho hay rằng qua một số câu chuyện mà anh đã thu thập được, có nhiều vị cao niên Việt Nam do gặp phải rào cản ngôn ngữ mỗi khi đi gặp bác sĩ, họ phải đợi con, cháu đi cùng họ, vì vậy nhiều lúc dẫu cơ thể đau đớn, nhưng vẫn cắn răng chịu đựng, đợi khi con hay cháu rảnh mới nhờ đưa đi.

Người cao niên gặp trở ngại khi bác sĩ không nói cùng ngôn ngữ
Anh Bảo kể thêm câu chuyện của ông Quỳnh Thoại, 71 tuổi, đang hưởng chương trình Medi-Cal, Medicare và chương trình chăm sóc tại gia, được 61 giờ mỗi tháng với sự chăm sóc của nhân viên chăm sóc tại gia. Ông bị bệnh teo cơ, đi đứng khó khăn. Ông có năm bác sĩ theo dõi bệnh tình, ba bác sĩ Việt, một bác sĩ người Ấn ở bệnh viện UCI và một bác sĩ Mỹ về mắt.
Ông Quỳnh Thoại không thể nói được tiếng Anh, nên rất khó khăn để tìm bác sĩ, nhất là bác sĩ chuyên khoa nói tiếng Việt. Mỗi lần đi khám bệnh với bác sĩ Việt Nam, ông phải đi từ Los Angeles tới Santa Ana để chữa trị. Những lần ông cần đi gặp bác sĩ chuyên khoa, ông phải tìm một người nào đó theo thông dịch. Thực không dễ dàng để tìm một thông dịch viên có thì giờ rảnh rỗi vào lúc ông cần, mà ông lại rất cần một thông dịch viên để giúp về sức khỏe cho ông.

Quyền lợi cho cộng đồng Việt
Anh Bảo nói: “Thật ra, vai trò của các nhà lập pháp trong hệ thống luật pháp của một xã hội dân chủ Hoa Kỳ, là luôn luôn lắng nghe nhu cầu của cộng đồng. Nếu quý vị không thạo tiếng Anh sẽ gây nhiều khó khăn khi nói chuyện với bác sĩ. Được người khác hiểu là một quyền lợi của quý vị. Qúy vị rất cần thông dịch viên tiếng Việt nếu quý vị không biết tiếng Anh”.
Anh Bảo mong muốn rằng: “Chúng ta nên tranh đấu để có những quyền lợi cho cộng đồng. Nên đoàn kết lại và kể những câu chuyện của mình để sớm có thay đổi. Vì thời gian cấp thiết, cộng đồng chúng ta nên liên lạc với chúng tôi, để kể những câu chuyện của mình gửi lên thống đốc. Nếu không thành công vận động lần này, thì chúng ta sẽ tiếp tục có những câu chuyện buồn nữa từ việc không có thông dịch giúp đỡ”.
Hiện nay, ngoài những câu chuyện của các bệnh nhân Việt Nam, anh Bảo còn thu thập những câu chuyện do trở ngại ngôn ngữ từ những bệnh nhân các sắc dân khác.
Ai từng gặp trở ngại về ngôn ngữ khi nói chuyện với bác sĩ hay y tá về bệnh trạng của mình, có thể gọi cho Nguyễn Quốc Bảo để kể lại câu chuyện của mình, qua số điện thoại 714-264-6782. - (BH)

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài và hình trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT