Đời Sống Việt

Những niềm vui và hiểu biết khi tham dự Khóa Tu Nghiệp Sư Phạm

Wednesday, 16/08/2017 - 11:12:21

Đó là tên gọi của lớp học do Dr Đông Xuyến phụ trách. Cô được giới thiệu là một trong 30 người có công đóng góp nhiều nhất cho sự phát triển giáo dục ở Orange County.

(Hè 2017 tại Orange County, Nam California)
(phần 1)
Bài PHƯỢNG VŨ

Ngày xưa khi đi học mỗi lần hè đến, gần như ai cũng quen thuộc với câu hát u hoài: "Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn" của nhạc sĩ Thanh Sơn. Qua thế kỷ 21 giáo dục luôn đề cao tinh thần sống lạc quan, năng động, yêu đời, yêu người. Vì thế để phù hợp với tinh thần của nền giáo dục mới, chúng tôi những thầy cô giáo dạy Việt Ngữ xin mạn phép tác giả sửa lại một chút cho phù hợp với hoàn cảnh hiện nay:



"Mỗi năm đến hè lòng vui quá chừng!"
Chúng tôi vui là vì mỗi lần hè đến "Ban Đại Diện Các Trung Tâm Việt Ngữ Nam California lại mở "Khóa Huấn Luyện Và Tu Nghiệp Sư Phạm" cho các thầy cô dạy Việt Ngữ từ khắp mọi nơi kéo về. Khóa tu nghiệp năm nay là lần thứ 29 và con số tham dự vẫn khá đông (168 học viên) từ khắp các tiểu bang nước Mỹ kể cả Canada. Đây là dịp để cho những người yêu tiếng Việt, muốn duy trì tiếng Việt còn lưu mãi đến các thế hệ mai sau, có cơ hội gặp gỡ những người đồng chí hướng, cùng tần số tâm linh muốn giữ gìn Tiếng Việt.

Các khóa tu nghiệp này giúp chúng tôi được dịp trao dồi thêm kiến thức chuyên môn, bổ sung kinh nghiệm cho nhau và cùng nhau vui học, rồi làm văn nghệ chung với nhau. Tham dự các khóa học này mọi người thấy mình như trẻ ra, vì được trở lại không khí "thời cắp sách đến trường" để vui học với nhau. Buổi trưa thì tranh thủ thời gian vừa ăn trưa vừa bàn vụ thi văn nghệ buổi tối, rồi tập dợt cũng rất sôi nổi như thời sinh viên.

Mở đầu chương trình là phần nghi lễ với việc dâng hương lên bàn thờ tổ tiên để khai mạc khóa tu nghiệp. Sau đó là phần giới thiệu các quan khách tham dự, trong đó tôi thấy nổi bật những tà áo dài Việt Nam được mặc bởi các bà hiệu trưởng Mỹ thuộc học khu Westminster và Garden Grove. Đó là nơi có các trường tiểu học với chương trình dạy tiếng Việt, (song ngữ Anh - Việt) trong năm học tới . Mong rằng các phụ huynh Việt Nam có con em tới độ tuổi vô Mẫu Giáo lưu ý để ghi danh cho con em vô chương trình này, vì nó rất có lợi cho các bé nhiều mặt về sau này (vừa giỏi tiếng Anh, vừa giỏi tiếng Việt).
Ngoài ra theo nghiên cứu trẻ em lứa từ 3 tuổi trở đi sẽ thông minh hơn, học giỏi hơn khi các bé học song ngữ từ lúc nhỏ. Đây là chương trình mà nhiều người đã bỏ công sức kiên trì đấu tranh trong một thời gian dài để có được nó. Xin phụ huynh Việt Nam lưu ý đừng bỏ qua rất uổng.

Ngoài ra chương trình phổ biến Tiếng Việt ở các trường công lập cũng bắt đầu được phát triển. Cô Diệu Quyên cho các khóa sinh biết, trong chương trình có một lớp “Để Trở Thành Giáo Viên Dạy Việt Ngữ tại Các Trường Công Lập” do cô Natalie Trần và Dr. Fernando Rodriguez Valls hướng dẫn. Quý Thầy, Cô nào muốn sau này đi dạy trường công nên tham dự lớp học này. Đây là thành quả đấu tranh liên tục nhiều năm mới có được chương trình này.



Trong phần phát biểu của quan khách, giáo sư Đàm Trung Pháp cho biết tiếng Việt, Văn Hóa Việt trong nước đã bị ô nhiễm nên bệnh vô cảm, hèn nhát đang lây lan khắp nơi. Bây giờ người ta chỉ còn biết nghĩ đến quyền lợi bản thân, không cần nhớ tới những tác hại cho người khác.(Vụ Formosa, vụ đổ bùn xuống biển ở Phan Thiết, các nhà máy sản xuất thải hóa chất độc hại ra ngoài làm hại môi sinh...) gây ô nhiễm cho nhiều thế hệ. Văn hóa Việt Nam cũng bị ô nhiễm bởi lối sống chỉ biết vơ vét của các cán bộ.
Ngay cả Truyện Kiều tác phẩm văn học tự hào của Việt Nam, một viên ngọc Quý của nềnVăn Hoá Việt Nam cũng bị ô nhiễm, bôi bẩn khi nó bị 1 kỷ sư cơ khí không am hiểu về văn hóa Việt Nam mà dám cả gan chê truyện Kiều của Đại Thi Hào Nguyễn Du và tự ý sửa lại hơn 1000 câu theo ý riêng của ông ta để dễ hiểu hơn??!!

Vì thế ngày nay chúng ta mỗi người Việt Nam tha hương cần phải ý thức giữ gìn tiếng Việt như là một Quốc Bảo. Và những khóa Tu Nghiệp Sư Phạm chính là một hành trình đi tới để phát triển Tiếng Việt, đồng thời giúp người Việt ở nước ngoài tự hào hơn về Văn Hóa Việt. Trong quá trình đi tới đó Tiếng Việt lần lần được khẳng định vị trí trong nền giáo dục Mỹ. Tiểu bang California đã có những chương trình học tiếng Việt ở bậc college và tiến dần lên bậc đại học. Hiện nay California đã bắt đầu tuyển dụng sinh viên đại học chuyên ngành dạy tiếng Việt với những chương trình "Làm thế nào để trở thành cô giáo dạy Tiếng Việt ở các trường công lập" (Điều này ngày xưa chúng tôi mơ cũng không có!).
Mừng thay tiếng Việt đã được chính thức cấy vào môi trường giáo dục chính. Các bé sẽ được học hai sinh ngữ chính (Anh- Việt) từ lớp mầm non (Pre Preschool) cho đến lớp 8 ở 2 học khu có đông người Việt (Westminster và Garden Grove) Khi học xong lớp 8 các em sẽ sử dụng thành thạo cả 2 ngôn ngữ Anh và Việt về đọc và viết. Quà là một điều đáng mừng vì qua quá trình tranh đấu kiên trì và lâu dài, người Việt chúng ta mới đạt được thành quà này.

Do đó xin quý phụ huynh Việt Nam có con cháu ở lứa tuổi Pre School (từ 3 tuổi trở lên) đừng quên thành quả tuyệt vời này. Hãy mau ghi danh cho các bé vào chuong trình song ngữ bậc Pre School để các bé vừa giỏi tiếng Anh, vừa giỏi tiếng Việt, lại tăng thêm độ thông minh của bé (khoa học đã chứng minh điều này). Chỉ những người may mắn ở California mới được hưởng những điều kiện tuyệt vời này. Xin đừng bỏ qua rất uổng.

Tiếp theo BTC đọc số lượng các thày cô tham gia khóa TNSP kỳ 29 của các trường Việt Ngữ từ khắp nơi (các tiểu bang miền bắc Hoa Kỳ tới Canada). Trong đó năm nào trường Việt Ngữ Thánh Linh cũng đứng đầu với 28 thầy cô. Điều này chứng tỏ BGH rất quan tâm tới chương trình Việt Ngữ, nên không ngại tốn kém đóng lệ phí và khuyến khich các thầy cô tham dự. Trong khi đó có nhiều trường Việt Ngữ khác đông học sinh hơn, học phí đắt hơn nhưng không hể bảo trợ cho bất cứ thầy cô nào tham dự khóa Tu Nghiệp. Xin hoan hô tinh thần vì Tiếng Việt của Sr hiệu trưởng trường Thánh Linh.

Tiếng Việt truyền thống với giới trẻ

Ngày tiếp theo, sáng thứ 7 "Hội thảo Tiếng Việt truyền thống đối với thầy cô giáo trẻ " đã khai mạc cho chương trình TNSPP do diễn giả Trang Đài phụ trách Ngay phần mở đầu cô đã cho biết những giá trị Truyền Thống của tiếng Việt: trong sáng, thể hiện căn tính của người Việt Nam.

Sau đó cô làm một so sánh nhỏ giữa tiếng Việt trong nước và ngoài nước:
Tiếng Việt trong nước: phi văn hóa, bị quốc hữu hóa (do chế độ kiểm duyệt) nên con người và văn hóa đều bị cầm tù, và bị chính trị hóa. Điều này dần dẩn dẫn đến Tiếng Việt trong nước tới chỗ bị què quặt và tụt hậu.

Tiếng Việt Hải Ngoại được định hình từ trước 1975, gằn liền với đời sống hải ngoại của người Việt, sau này bị pha trộn, bị dùng chung với tiếng nước ngoài. Nhưng dù sao được sống trong thế giới tự do, nên tiếng Việt đã góp phần giữ gìn văn hóa Việt, lịch sử của người Việt Nam để giúp thế hệ mai sau còn nhớ đến cội nguồn.

Ngoài ra có một tin vui là trong thời đại mà sách điện tử lên ngôi vì tiện lợi đủ mọi bề thì sách "Quốc Văn Giáo Khoa Thư" mới được in ra và đã được bán sạch trong một thời gian ngắn. Điều này chứng tỏ số người Việt Nam quan tâm tới văn hóa cội nguồn vẫn còn hiện diện nơi đây.

Sau đó, trong bài nói chuyện của mình, cô Nathalie Trần đã cho biết Vietnamese là một trong 16 ngôn ngữ của US Deparment, và là ngôn ngữ được sử dụng nhiều nhất ở Las Vegas (điều này không biết nên buồn hay nên vui?). Ở các tiểu bang miền Tây của nước Mỹ thì English không phải là ngôn ngữ chính, mà là ngôn ngữ của các nước Á châu (Vietnamese, Chinese, Japanese, Korean) . Vì thế theo chương trình giáo dục mới tiếng Việt sẽ được phát triển và dạy từ (1-16), nghĩa là lên tới hết bậc đại học.

Hiện nay hai học khu Westminster và Garden Grove đã có lớp Pre School tiếng Việt. Do đó nhu cầu cần giáo viên tiếng Việt đang tăng cao, và lương hằng năm cũng khá ($59,506 ở Orange County). Xin mời các bạn trẻ có lòng yêu mến tiếng Việt hãy mau mắn tham gia vào đội ngũ giáo viên dạy tiếng Việt. Các bạn vừa thêm cơ hội trau giồi tiếng Việt cho bản thân, vừa giúp tìn giữ và duy trì tiếng Việt ở Hoa Kỳ. Hãy nhớ tới câu nói nổi tiếng của nhà văn hóa lớn Phạm Quỳnh "Tiếng Việt còn, nước Việt còn.”
 Tiếp theo là phần nói chuyện của thầy Trần Chấn Trí (thầy đã 14 năm cộng tác với các khóa tu nghiệp sư phạm). Mở đầu thầy tạm phân loại "thính giả" ra làm hai: Thầy cô trẻ, và thầy cô hết trẻ. Thầy cho biết ở nước ngoài Tiếng Việt đóng vai trò chiếc cầu nối giữa các thế hệ với nhau.

Tiếng Việt được phát triển nhờ ba thành phần chính: thầy cô giáo dạy Việt Ngữ, học sinh và phu huynh. Thiếu một trong ba thành phần này tiếng Việt sẽ không phát triển được ở nước ngoài. Thầy cô trẻ là tấm gương phản chiếu ngôn ngữ Việt và Văn hóa Việt một cách chính thức (đó cũng là mục đích chính của khóa TNSP kỳ này). Do đó các thầy cô trẻ có trách nhiệm học hỏi kiến thức, kinh nghiệm từ người đi trước. Bên cạnh đó phải thường xuyên trao giồi mở mang kiến thức.

Về mặt tâm lý các thầy cô trẻ có những ưu điểm: nói tiếng Anh thoải mái lưu loát, rất thành thạo trong việc sử dụng các kỷ thuật điện toán mới. Còn khuyết điểm là thiếu tự tin, thiếu kiến thức và nghiệp vụ khi dạy Việt Ngữ. Thầy Trí kết luận "Chúng ta lúc nào cũng trẻ và lúc nào cũng già" khi nào chúng ta còn ham học hỏi là chúng ta còn trẻ và khi hết muốn học hỏi là chúng ta đã già.

Ngoài ra thầy cô giáo trẻ còn là chiếc cầu nối giữa thế hệ trước và thế hệ sau. Mỗi thế hệ tre hay măng đều có cái hay riêng của nó.

Ứng dụng Tâm Lý phát triển trong giáo dục (Dr Đông Xuyến)

Đó là tên gọi của lớp học do Dr Đông Xuyến phụ trách. Cô được giới thiệu là một trong 30 người có công đóng góp nhiều nhất cho sự phát triển giáo dục ở Orange County.

Mở đầu buổi học cô đặt câu hỏi: Thành công và thành nhân, điều nào quan trọng hơn và cần thiết hơn? Đa số học viên trả lời "Thành Nhân" quan trọng hơn, vì nó giúp ích cho sự phát triển con người toàn diện. Có lẽ vì học viên trong lớp đều là nhà giáo, chứ nếu đem ra ngoài xả hội hỏi câu hỏi này chắc sẽ có nhiều người trả lời là "thành công". Vì thử nhìn xem thực tế sẽ thấy đa số phụ huynh chỉ quan tâm duy nhất đến vấn đề điểm số trong thi cử và kết quả học tập là chính. Ít ai quan tâm đến nhân cách con em mình phát triển ra sao?

Điều gì giúp các em phát triển những khả năng hạn hẹp của mình để dần dần trỏ thành người hữu ích?. Muốn học có kết quả, các em phải luôn biết đặt câu hỏi, chứ không phải như lối học xưa, chỉ ngồi thụ động "Thầy nói gì nghe nấy!"

Cô cũng cho biết "thùy trán" (tiền não) của các em riếp tục phát triển tới năm 18 tuổi mới xong. Sau đó các em mới bắt đầu có phán đoán chín chắn, và biết điều chế cảm xúc. Nói như vậy để người lớn bớt rầy la khi các em làm sai, vì các em không cố tình làm điều đó, hay vì muốn chống đối lại người lớn. Từ 24 - 27 tuổi các em mới đủ trưởng thành. (Hèn gì luật hôn nhân ở những nước càng văn minh số tuổi được kết hôn càng được nâng cao) Ngoài ra trong thực tế chúng ta thấy khi trình độ văn hóa và hiểu biết càng được bâng cao, người ta lại kết hôn trễ hơn.

Ngoài ra cô cũng nhấn mạnh về tâm lý não cần có những lời hướng về điều tich cực. Ví dụ một em cầm ly nước đầy, chúng ta nhắc nhở "Coi chừng đổ nước" thì em sẽ hướng về "đổ" và ly nước bị đổ thật (hướng tiêu cực). Thay vào đó, chúng ta nói, "Đi chậm, cầm chắc" năng lượng em sẽ hướng về điều tích cực. Ngoài ra cần tránh không khí căng thẳng trong lớp học cũng như trong gia đình vì khi căng thẳng khu vực ngôn ngữ trong não sẽ bị "đóng" lại. Do đó thầy cô, hay cha mẹ càng nổi giận thì trẻ khi sợ sẽ không nói được, chúng sẽ bị ghép vô tội "Lì lợm. Cứng đầu," và càng đánh nó càng lì, đó là câu chính các phụ huynh cũng tự nhận xét thấy.

Bên cạnh đó phụ huynh Việt Nam có khuynh hướng ép con học nhiều, hết học thêm lớp này lại học thêm lớp khác. Hết học thêm toán, ngoại ngữ lại học thêm đàn...Cuối tuần là thời gian các em cần vui chơi giải trí, ra ngoài tiếp xúc với thiên nhiên. Thay vào đó lại là lúc các em có lịch chạy show dày đặc, từ lớp nhạc sang lớp toán, rồi tới lớp đàn. Bên Ân Châu những nước văn minh có nền giáo dục nhẹ nhàng, không có "Home Work." Việc học là ở trường, về nhà cần có thời gian với ba mẹ, anh chị em trong gia đình. Cuối tuần ra ngoài tiếp xúc với thiên nhiên để tiết chế căng thẳng, để vận động cơ thể khỏe mạnh. Ngoài ra rất tốt nếu các em đi sinh hoạt đoàn thể Hướng Đạo, Thiếu Nhi Thánh Thể, Gia Đình Phật Tử. Từ đó nhân cách các em có dịp trau giồi, cọ xát, mở tộng tầm nhìn ra thế giới chung quanh. Ở Âu châu các em được học thêm và nói được ba, bốn sinh ngữ khác nhau, nên càng tăng mức độ thông minh các em lên do não hoạt động nhiều.

Ngoài ra phụ huynh và thầy cô giáo hường hay chú trọng đến kết quả học tập mà lại bỏ quên sức khỏe tâm lý các em. Các em cần có môi trường sinh hoạt thoải mái ở nhà cũng như ở trường, tâm lý các em cần thoải mái ( cười, hát, chơi đùa, tránh sợ hãi...) thì mới tiếp thu tốt. Học sinh (có lẽ người lớn cũng vậy) sẽ dễ nhớ với những gì có ý nghĩa và liên quan tới mình, và được lập đi lập lại.

Trong thực tế chúng ta thấy càng hiểu biết nhiều, càng già, càng lo, lại càng quên. Do đó hãy để cho đầu óc thoải mái thì mới dễ tiếp thu.

Phần thưởng tinh thần

Ở Mỹ và ở nước ngoài, phần thưởng tinh thần có giá trị lớn với các em hơn ở Việt Nam. Do đó phương pháp khen thưởng rất quan trọng và khen thưởng là một nghệ thuật. Làm sao cho tất cả các em đều có cơ hội được khen thưởng, như ghi nhận điểm tốt, điểm tiến bộ của các em. Phần thưởng chỉ có giá trị khi nó là điều các em mong muốn. Chúng ta chắc đã từng đọc những câu chuyện cảm động khi các em được hỏi ý kiến về phần thưởng như "Ba ở nhà chơi với con một bữa" hay "Mẹ ôm con một cái thật lâu." Ngoài ra phu huynh và thầy cô giáo nên nhớ khi cùng làm chung với nhau một điều gì đó sẽ phát sinh chất gắn bó vói nhau (cùng hát chung, đi bộ, ăn chung một bữa ăn, hay làm chung với nhau một điều gì đó). Do đó hãy tao nhiều cơ hội để ở nhà trường cũng như gia đình có nhiều dịp sinh hoạt chung với nhau để mọi người gắn bó và yêu thương nhau hơn.

Hãy phát triển tinh thần tự chủ nơi các em. Ở nước ngoài không có giờ công dân giáo dục, nhưng tinh thần tự chủ giúp các em làm việc rất tốt, như không xả rác nơi công cộng, biết xếp hàng chờ đọi tới phiên, tử tế, cảm thông và sẳn lòng giúp đở người chung quanh... Các lớp học ở Nhật không có lao công dọn dẹp vệ sinh, sau giờ học các em tự lo dọn dẹp vệ sinh, sạch sẽ chung quanh chỗ ngồi và lớp học.Vì thế khi thăm Nhật, bạn sẽ thấy ở đâu cũng rất sạch sẽ vì mọi người đã được rèn luyện từ môi trường học đường lúc còn bé và thầy cô luôn là tấm gương sáng cho các em noi theo.
Để kết thúc lớp học cô đã ghi lên bảng hai câu thơ đầy ý nghĩa đối với ngành giáo dục:
"Tạ ơn thầy dẫn con vào vùng tri thức
Cám ơn cô dắt con đến biển yêu thương"
(Còn tiếp)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT