Chuyện Nước Pháp

Những siêu thị bình dân gốc Đức trên xứ Pháp

Wednesday, 05/03/2014 - 10:08:03

Vào đầu tuần, nhiều người thường đi chợ bình dân, danh từ chuyên môn gọi là “Hard-Discount”. Qua bùng binh ngã năm không đèn hiệu giao thông xanh đỏ, nên cẩn thận trông chừng xe khác vào vòng tròn rồi là phải nhường, chờ họ đi khỏi rồi thò đầu xe quẹo vào ngay, càng nhanh càng tốt kẻo cứ chờ đến mai.

Nguyễn Thị Ngọc Diễm



Ba thương hiệu Đức thông dụng.




Cơ sở mới khang trang rộng rãi hơn chỗ cũ bên kia đường.
 
Vào đầu tuần, nhiều người thường đi chợ bình dân, danh từ chuyên môn gọi là “Hard-Discount”. Qua bùng binh ngã năm không đèn hiệu giao thông xanh đỏ, nên cẩn thận trông chừng xe khác vào vòng tròn rồi là phải nhường, chờ họ đi khỏi rồi thò đầu xe quẹo vào ngay, càng nhanh càng tốt kẻo cứ chờ đến mai.

Giữa bùng binh là bãi đất trống tiêu điều vì mùa Đông quá lạnh, hoa cỏ an thân trong nhà kính chưa được đưa ra trang điểm phố phường. Lối vào siêu thị nhiều xe cộ ra vào thường xuyên nên cũng khá dễ gây đụng chạm, lại có ngả đường độc đạo một chiều, có ngã hai chiều vào ra; tất cả xoay vòng vòng không ai đụng ai nhờ luật lệ nhường phải. Khách bỗng khựng lại vì nhân viên công lộ chận xe không cho vào, thì ra... chợ đóng cửa rồi! Còn đang tiu nghỉu, vị nhân viên trung niên mặc áo xanh thợ làm đường, hiểu ngay và ông giải thích cho tài xế xe nhà biết là chợ đóng cửa không phải vì ngỏm củ tỏi (âm thầm đóng cửa) mà nó đã được khuân vác sang bên kia đường để "tưng bừng khai trương".

Những thứ chợ nhỏ bình dân Hard-Discount (giảm giá nhiều) có nguồn gốc từ Đức quốc, do anh em Albrecht sáng lập từ năm 1948. Trên nguyên tắc, đây là thứ siêu thị “bỏ túi” có diện tích trung bình khoảng 600 mét vuông (ngang 30 dài 20 mét, như bốn ngôi nhà nhập lại, có chỗ tiệm chỉ có 6 mét bề ngang nhưng dài hun hút) với cả ngàn sản phẩm đa số là thức ăn, còn lại là quần áo, dụng cụ làm vườn, đồ gỗ cỡ nhỏ, linh tinh... Đặc biệt, giá cả thấp hơn những siêu thị hay đại siêu thị từ 15 cho đến 30 %. Thành thử, tuy nhỏ nhưng các cơ sở thương mại Đức này đã xâm nhập thành công vào thị trường Châu Âu. Tại Pháp có cả chuỗi tiệm nhỏ trong ba thương hiệu phổ biến nhất là Lidl (đọc là Li-Đơn), Aldi và Norma

Theodor Paul Albrecht sinh năm 1922, 92 tuổi, là một thương gia Đức có cổ phần sáng lập trong công ty siêu thị giá rẻ Aldi, tuổi Sửu, số Cừu trong chiêm tinh tây phương. Người anh của ông tên là Karl Hans sinh năm 1920, cùng đứng tên chủ. Theo tài liệu hiện nay, hai ông này là người giàu nhất nước Đức với tài sản khoảng 24 tỷ Mỹ kim. Một trong hai người đã khuất núi, và gia đình cha mẹ xuất thân bình dân: bố là thợ hầm mỏ và mẹ là chủ tiệm tạp hóa nhỏ. Hai anh em ông Albrecht đã từng làm trong tiệm hay ngành thương mại kề cận để rồi mai sau nối nghiệp thành công vĩ đại. Họ có nếp sống kín đáo, không hề phô trương, thích chơi môn thể thao đi bộ đánh quả banh trắng với gậy dài (Gofl).

Khách quay trở lại vào ngày Thứ Tư, tò mò và háo hức. Thì ra, cả tháng nay bãi đất trống bên cạnh được dọn dẹp sạch sẽ từ khi những cao ốc cũ kỹ bị hủy bỏ, cỏ non mọc xanh rờn. Ai cũng tưởng nó sẽ còn bỏ hoang lâu lắm, có ngờ đâu sáng nay trở lại thấy hai cơ sở khang trang nằm đối diện nhau. Một là siêu thị Li-Đơn, hai là tiệm bán thịt chuyên môn (phụ trội) nhỏ bằng phần tư ngôi chợ chính cùng chủ. Bao bọc chung quanh là bãi đậu có phần chật chội hơn cái parking bên kia đường, nhưng khách hàng tha hồ dùng cả hai. Trụ sở cũ chưa được tháo gỡ vẫn còn đó.

Ngay trước cửa vào, khách tới đông đúc được một nhân viên nam trẻ mặc đồng phục xanh da trời viền trắng có phù hiệu chợ tươi cười tặng ngay cho một cái giỏ xách bằng ny lông cứng chắc bền lâu cả chục năm. Cái giỏ này, bán riêng khoảng mấy đồng Âu kim, dính liền với câu chuyện bao ny-lông làm ô nhiễm môi trường vì chúng nó dai nhách không chịu tự hủy khi dân chúng vứt bừa bãi khắp nơi. Đến nỗi các siêu thị đồng lòng chấm dứt bao ny lông phát không, thay bằng giỏ xách lớn hơn, bền hơn và làm bằng chất liệu tự hủy hoàn toàn trong vài ba năm.

Khổ thay cho dân lành lễ mễ xách theo giỏ lớn giỏ bé chất đầy caddy nếu không, siêu thị lợi dụng bán túi thêm tiền lời. Trên xắc tặng có huy hiệu Lidl (chữ i nghiêng nghiêng) và hình ảnh tượng trưng kèm theo mấy chữ “Trong tiệm chúng tôi, khách hàng là Vua: Chez Nous, le Client est Roi.

Với chiếc giỏ xách trong tay, vừa vào cửa là khách được tiếp đón niềm nở bởi hai cô tiếp viên tóc vàng trẻ trung như... lên máy bay không bằng. Hai cô mời khách dùng bánh mì sừng trâu nóng hổi, thơm phức mùi bơ tươi ngon lành và ly cà-phê ấm áp khi bên ngoài vẫn còn là mùa Đông lạnh lẽo, cây khô trơ cành lá đứng chơ vơ.

Sau vài câu nói trao đổi khen ngợi, các cô cho biết họ chỉ được thuê cho 4 ngày khai trương mà thôi vì khách bảo trông lạ quá. Lời nhận xét không ngoa vì siêu thị bình dân Lidl vào Pháp từ năm 1988 (có bên Đức từ năm 1930, thời gian tràn qua Châu Âu là hơn 50 năm) và bành trướng thành công đến nay với khoảng 1600 tiệm, mạnh nhất trong ba siêu thị bình dân gốc Đức kể trên. Khách hàng từng chứng kiến Aldi sập tiệm vì bị cạnh tranh nhưng Lidl thì không và kể từ năm 2012, thương hiệu này tuyên bố tách rời khỏi hệ thống Hard-Discount. Họ được khen thưởng là chuỗi Tiểu Siêu Thị Khá Nhất nhờ được dân mua hàng bầu lên.

Với đặc điểm nằm gần bùng binh Gia Đình (Rond Point des Familles), và có thêm dịch vụ bánh mì nóng hổi sản xuất tại chỗ (có nơi không thể làm vì chật chội) thơm ngon cả chợ ai cũng ưa chuộng. Vừa vào cửa là gặp quầy hàng bánh mì và bánh bích-quy khô bên cạnh nước ngọt, bia, trái cây, rượu kề bên. Khách lớn tuổi và trung niên rất thích điều này vì các siêu thị lớn cố ý để nước thật xa.

Sau quầy bánh mì đông khách gồm có bánh sừng trâu hai loại bơ tươi và bơ muối mặn, bánh xoắn ốc cẩn nho, bánh nhân táo và vài thứ bánh mì gốc Đức (luôn còn dư nhiều vì Tây chê dở), bánh mì khắc hạt hướng dương hay mè (dân ăn chay khoái khẩu), bánh mì ổ thông dụng ... , khách tới hàng rau cải “Bio” (không bị xịt thuốc trừ sâu) tuy nhỏ mà đầy đủ với khoai tây, quả bơ, bầu bí, táo, cà-rốt. Đặc biệt có khoai lang hồng từ ... Mỹ vượt biển qua! Không kể xoài Phi Châu nhạt nhẽo nhưng quít và cam Tây Ban Nha ngọt lịm và trái thơm Á Căn Đình mọng đường. Có cả nho đỏ Pérou ngọt ngào, nhưng khách chưa bao giờ thấy có nho đỏ không hạt bên Mỹ nhập qua.

Tất cả hàng hóa hầu như được chứa thẳng vào những hộp đựng cạc-tông đặt trên những dãy quầy cứng chắc bên dưới, trừ khu đông lạnh cần tủ nằm là thiết bị đắt tiền. Khu hàng sữa, phô mai, pizza tươi, jambons đều sắp gọn bên dưới gia vị, đồ hộp. Quần áo, giày dép, dụng cụ linh tinh chất trên quầy kim loại đơn sơ.

Giá cả rẻ hơn 30%, điều này đến từ sự tiết kiệm thiết bị chứa hàng và điều đình mua giá hời, vòng quay ít đồ chứa lâu trong kho. Tuy nhiên, mặt trái của chủ nhân là sự lạm dụng khả năng làm việc của nhân viên. Họ phải làm bá chuyện mà giờ nghỉ hầu như rất ít. Cứ một phút phải có khả năng đẩy 30 món hàng qua tia Laser tính tiền dựa trên mã số bao bì ; rồi lau chùi, dọn dẹp, sắp hàng ra chỗ, giải quyết những khi kẹt quầy khách trả hàng lại không điều kiện (khách là Vua nhưng Lidl là Chúa định giá)...

Khách ngẩn ngơ thấy các cô gái trẻ (hoặc chàng trai, bắt đầu có lai rai nam nhân viên ngồi quầy tính tiền, “caissier, caissière”) nhân viên toàn lạ mặt thay đổi đều đều! Bí mật là đây: lương ít mà làm nhiều, lại bị theo dõi bởi máy quay phim đặt lén đâu đó, không có “syndicat” là đại diện nhân viên (nghiệp đoàn) để tự bảo vệ về điều kiện làm việc và lên lương.

Họ vào rồi ra nhanh chóng trong vòng vài tháng nên khách không quen mặt nhân viên như các siêu thị lớn "nhẵn mặt" người làm. Chủ nhân tiết kiệm khoảng tiền thâm niên và hưu bổng. Chính báo chí Đức tại chỗ khui ra những điều này, tuy nhiên vì nguồn thuế cao và người Pháp làm thuê có việc nên mọi chuyện vẫn kéo dài lê thê.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT