Thế Giới

Nicaragua hoài nghi dự án đào kênh "dối trá" của Trung Cộng

Wednesday, 10/09/2014 - 08:32:36

Qua bài viết được đăng đầu tuần này, người ta được biết có sự ngờ vực giữa người địa phương và người Trung Hoa. Nhiều người Nicaragua bình dân gọi dự án này là một “chino cuento,” nghĩa là một câu chuyện kể Trung Hoa, một câu chuyện sai lầm, một lời nói dối trá.


Hình vẽ con kênh vĩ đại xuyên nước Nicaragua.

 

Tổng Thống Daniel Ortega (trái) của Nicaragua bắt tay với đại gia Wang Jing tại thủ đô Managua vào tháng Sáu 2013, để bắt đầu dự án xây kênh nước. (Getty Images)



MANAGUA – Tại một trong các quốc gia nghèo nhất ở Châu Mỹ, Bắc Kinh đang xúc tiến kế hoạch đào một một con kênh ở Nicaragua với số vốn lên tới $50 tỷ Mỹ kim. Nếu được thực hiện đúng như những lời tuyên bố trước công chúng, tiền đầu tư này sẽ giúp ích rất nhiều cho Nicaragua, một quốc gia đang nằm dưới một chế độ thiên tả chống Tây Phương. Tuy nhiên, thực tế còn nhiều khúc mắc, bí ẩn, và hoài nghi mà mới đây được báo chí tại Hoa Kỳ nêu ra.

Nicaragua đã mất nửa năm để chuẩn bị bản báo cáo nghiên cứu khả thi dự án này. Đến tháng Bảy vừa qua, một đại gia ở Hồng Kông có quan hệ mật thiết với quân đội Trung Cộng đã trình bày phiên bản cuối cùng cho dự án vĩ đại. Tuyến đường thủy tương lai sẽ đi từ cửa sông Brito trên bờ Thái Bình Dương đến cửa sông Punta Gorda trên bờ Đại Tây Dương. Chiều dài của con kênh tương lai là 278 km. Tham gia các công việc xây dựng sẽ có 200,000 công nhân.
Trong một cuộc tìm hiểu sự thật ở cấp bậc thấp nhất, một nữ ký giả của nhật báo Los Angeles Times đã đến Brito, một thị trấn nằm ven biển Thái Bình Dương ở Nicaragua để ghi nhận ý kiến của các nông dân Nicaragua.
Qua bài viết được đăng đầu tuần này, người ta được biết có sự ngờ vực giữa người địa phương và người Trung Hoa. Nhiều người Nicaragua bình dân gọi dự án này là một “chino cuento,” nghĩa là một câu chuyện kể Trung Hoa, một câu chuyện sai lầm, một lời nói dối trá.
Các nông dân không nghe ai nói về việc họ có được bồi thường cho ruộng đất bị nhà nước trưng dụng cho dự án. Họ không muốn rời bỏ ruộng đất thuộc về gia đình họ suốt mấy thế hệ. Họ cũng không mấy tin tưởng dự án sẽ được hoàn tất.
Trong công tác đào kênh, các kỹ sư Trung Hoa đi ngang qua các nông dân ở Brito nhưng không nói năng gì cả. Họ chẳng bao giờ dừng chân để nói chuyện, hỏi han.
Tại Brito, nạn hạn hán đang làm cho cây cỏ héo hon, thiêu đốt ruộng đồng, và khiến cho gia súc gầy ốm khẳng khiu. Những cánh đồng một thời xanh tươi đã chuyển sang màu vàng nâu. Sông Brito chỉ là một khe núi khô rốc.
Tuy nhiên, các kỹ sư Trung Quốc và những người thuê họ đều có một viễn tượng khác. Họ nhìn thấy một dòng kênh vận chuyển hàng hóa trị giá $50 tỷ Mỹ kim. Con kênh này có thể chia Nicaragua ra làm đôi khi nó chạy từ Thái Bình Dương đến vùng biển Caribbean ở bên Đại Tây Dương, xuyên qua một hồ lớn nhất Trung Mỹ, và sẽ có tầm vóc rất lớn so với kênh đào Panama bé nhỏ đã được 100 tuổi.
Dòng kênh được dự định đào sẽ sâu tới 30 mét, và cần phải nạo vét nhiều, theo các nhà lập kế hoạch cho biết. Vịnh Brito Inlet có thể trở thành nơi mà kênh vận chuyển của Nicaragua chảy ra trên bờ biển Thái Bình Dương. Dự án này đang được giám sát bởi một nhà kinh doanh Trung Quốc, mà theo tin đồn là có quan hệ với quân đội Bắc Kinh.
Hàng trăm năm qua, Nicaragua đã mơ ước mở một trục lộ bộ-và-thủy xuyên qua lãnh thổ của họ nơi eo đất Trung Mỹ. Một số dự án đã thất bại trong nhiều thập niên.
Bây giờ nếu mọi việc diễn ra theo cách thức do chính phủ Nicaragua ấn định, thì trong năm nay họ sẽ khởi sự công việc đào kênh, cũng như lập một hệ thống hải cảng, đường ống dẫn dầu, phi trường, khu thương mại và hạ tầng kiến trúc khác. Trục lộ kênh đào đã được công bố trong tháng Bảy vừa qua.
Vào tháng Sáu năm ngoái, một quốc hội dưới quyền kiểm soát của Tổng Thống thiên tả Daniel Ortega và Mặt Trận Giải Phóng Quốc Gia Sandinista đã chấp thuận dự án đào kênh, mà hầu như không xảy ra một cuộc tranh cãi nào cả. Họ giao cho ông Wang Jing (Vương Tĩnh) nhượng quyền thời hạn 100 năm kiểm soát một vùng rộng lớn của Nicaragua. Họ cho ông trùm viễn thông này những quyền hạn rộng rãi, khi ông và Công ty Đầu tư Phát Triển Kênh Đào Hồng Kông Nicaragua (HKND) mới được thành lập của ông được quyền xây dựng và quản trị thủy lộ này.
Theo giả định, ông Wang đang quy tụ các nhà đầu tư. Ông nhấn mạnh rằng chính phủ Trung Quốc không ủng hộ ông, và nỗ lực này hoàn toàn có tính cách thương mại.
Wang đã đón tiếp nhiều quan chức và các nhà kinh doanh Nicaragua trong một chuyến đi sang Trung Quốc trong năm qua. Những người tham gia cho biết Wang được đối xử với sự hết sức kính nể ở Bắc Kinh. Ông phô trương quyền lực và phú quý của mình. Bên cạnh ông lúc nào cũng có các sĩ quan quân đội hoặc những giới chức cao cấp khác của Trung Quốc. Xét về mặt địa lý chính trị, bất luận toàn bộ hoăc một phần của dự án kênh đào này được hoàn thành, nó sẽ đem lại cho Trung Quốc một sự hiện diện quan trọng trên một lục địa, mà nước này cố gắng thâm nhập với những khoản đầu tư và mậu dịch thương mại. Và đối với các quốc gia như Venezuela cánh tả, nó sẽ cung cấp một phương thức thay thế cho kênh đào Panama. Nhiều người vẫn còn coi dòng kênh này là do Mỹ kiểm soát.
Trong một cuộc phỏng vấn của Đài Truyền Hình Trung Ương Trung Quốc do nhà nước làm chủ, Tổng Thống Ortega nói rằng dự án kênh đào này sẽ giải thoát Nicaragua ra khỏi “chủ nghĩa đế quốc kinh tế toàn cầu.” Ông quy trách nhiệm cho chủ nghĩa này đã gây ra vô số vấn đề của Nicaragua. Ông Ortega hiếm khi nói chuyện với giới truyền thông Tây Phương.
Trong một chuyến thăm Nicaragua vào tháng Bảy vừa qua để công bố lộ trình của kênh đào, ông Wang cam kết rằng xây dựng đường thủy lộ 173 dặm nối liền hai đại dương sẽ được hoàn thành trong vòng 5 năm.
Những người ủng hộ đang gọi đó là nỗ lực xây dựng lớn nhất “trong lịch sử nhân loại” – tại một trong những quốc gia nghèo nhất của tây bán cầu.
Lời than phiền lớn nhất từ đa số dân chúng Nicaragua là chính phủ càng ngày càng độc tài chuyên chế và bí mật của ông Ortega chỉ đưa ra những chi tiết sơ sài nhất mà thôi.
Thoạt nghe qua dự án vĩ đại này, người ta phải nêu thắc mắc rằng tại sao Trung Quốc lại muốn đầu tư vào một dự án lớn, đắt tiền và có nhiều vấn đề.
Thứ nhất, cách nơi đó 600 km đã có kênh đào Panama dài khoảng 82 km. Sự việc đưa vào hoạt động một đường thủy mới dài hơn gấp ba lần là điều vô lý. Thứ hai, các nhà sinh thái lên tiếng phản đối dự án xây dựng kênh đào ở Nicaragua. Tuyến đường thủy rất dài sẽ đi qua các khu vực thiên nhiên, rừng già độc đáo.
Tuy nhiên, chi phí cho dự án này là cao gấp hai lần so với mức tổng sản lượng GDP của Nicaragua. Đó là một mối lợi cho Nicaragua.
Theo tổng giám đốc của Viện Các Dự Án Khu Vực Ưu Tiên, ông Nikolay Mironov, dự án này phục vụ lợi ích kinh tế cho hai nước. Ông cho biết, “Kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và Châu Mỹ La Tinh đạt $261 tỷ. Để so sánh, kim ngạch thương mại giữa Nhật Bản và vùng Châu Mỹ là $22 tỷ. Hơn nữa, Trung Quốc rất muốn để đến năm 2016 lượng dầu thô cung cấp từ Venezuela lên đến 1 triệu thùng mỗi ngày.
“Tuy nhiên, chỉ có các tàu biển chứa lượng dầu ít hơn 80,000 tấn mới có thể đi qua kênh đào Panama. Còn kênh đào Nicaragua thì sẽ có khả năng lưu thông các tàu chở dầu chứa 330,000 tấn. Với khối lượng dầu như hiện nay, cần phải gửi hại, ba tàu mỗi ngày. Nếu kênh đào Nicaragua được đưa vào hoạt động thì có thể gửi một tàu chở dầu trong bốn ngày. Chi phí sẽ giảm đi.”
Nhưng, các chuyên gia đang hoài nghi về triển vọng của dự án. Nhân viên cơ quan Đại Diện Thương Mại Liên Bang Nga tại Trung Quốc, ông Aleksei Gruzdev lưu ý rằng, công ty HKND phụ trách thực hiện dự án này từng được biết đến qua những tuyên bố đầy tham vọng gây tiếng vang trên thế giới.
Ông Gruzdev nhắc nhở về việc công ty này từng có kế hoạch xây dựng một cảng nước sâu ở Crimea, và thậm chí đã ký thỏa thuận với cựu Tổng Thống Viktor Yanukovych của Ukraine. Tuy nhiên, công ty không thực hiện được kế hoạch đặt ra. Nếu nói về dự án xây dựng con kênh ở Nicaragua thì vẫn không rõ công ty tư nhân HKND sẽ tìm nguồn vốn tài trợ ở đâu.
Tuy nhiên, ông Aleksei Gruzdev lưu ý rằng, phái đoàn thương mại của Nga tại Trung Quốc tiếp tục nghiên cứu khả thi dự án. Không loại trừ khả năng Nga sẽ tham gia thực hiện dự án này.
Vào đầu tháng 11, 2013 ở Managua, tại cuộc họp Ủy Ban Liên Chính Phủ Về Hợp Tác Thương Mại-Kinh Tế Và Khoa Học-Kỹ Thuật giữa Nicaragua và Nga, đại diện của Nicaragua đã nói, nước ông quan tâm đến việc các công ty Nga tham gia xây dựng con kênh này.
Cũng cần lưu ý, Đài tiếng nói nước Nga từng đưa tin về việcNga sẽ cung cấp hỗ trợ chính trị và quân sự cho dự án đào kênh này. Đặc biệt Nga sẽ bảo vệ công trình chống các hành động khiêu khích có thể xảy ra. Về vấn đề này, chính quyền đã Nicaragua ký kết với Nga một thỏa thuận đặc biệt, theo đó các tàu chiến của Nga và máy bay sẽ tuần tra vùng lãnh hải đất nước và bảo vệ kênh trước các hành động khiêu khích có thể xảy ra.
Sự khiêu khích này từ đâu ra, có phải ám chỉ Hoa Kỳ? (tg)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT