Hoa Kỳ

Nixon đã "ném mỏ lết" để phá nỗ lực hòa đàm của Johnson trong cuộc chiến VN năm 1968

Tuesday, 03/01/2017 - 10:00:49

Mặc dù nghi ngờ ông Nixon, Tổng Thống Johnson cũng như các đối thủ phải bỏ cuộc điều tra, vì họ không thể tìm ra bằng chứng cho thấy ông Nixon đã trực tiếp nhúng tay vào việc khuyến khích Miền Nam Việt Nam không dự hòa đàm.



Tổng Thống Richard Nixon và Ngoại Trưởng Henry Kissinger năm 1972. Một năm sau Kissinger được chia sẻ giải Nobel Hòa Bình nhờ đóng một vai trò trong Hiệp Định Ba Lê mà theo đó Miền Nam Việt Nam bị Mỹ bỏ rơi cho cộng sản xâm chiếm. (Keystone/ Getty Images)


Có phải ông Richard Nixon là một chính trị gia gian tà, cố tình cản trở nỗ lực tìm hòa bình của Tổng Thống Lyndon Johnson, không vì quyền lợi của nước Mỹ, càng chắc chắn không vì quyền lợi của dân quân Miền Nam Việt Nam trong cuộc chiến bảo vệ tự do tại một phần của đất nước trước hiểm họa xâm lăng của Cộng Sản Miền Bắc, mà vì ông muốn đắc cử tổng thống năm 1968?

Trong những năm trước khi mất, ông Nixon luôn nói rằng ông không hề can dự vào nỗ lực của Tổng Thống Johnson nhằm mang lại sự ngưng chiến tại Việt Nam. Thế nhưng giờ đây các sử gia đã tìm thấy những tư liệu cho thấy chính cá nhân ông Nixon đã có biết và có tìm cách cản trở kế hoạch hòa đàm của ông Johnson khi cuộc chiến đang leo thang lên cao điểm. Những chứng cớ này nằm ngay trong Thư Viện Tổng Thống Richard Nixon tại thành phố Yorba Linda ở Quận Cam, theo các báo Mỹ cho biết đầu tuần này.

Trong hình chụp ngày 30 tháng Tư, 1970, Tổng Thống Cộng Hòa Richard Nixon thông báo kế hoạch đưa quân Mỹ vào Cam Bốt trong cuộc chiến Việt Nam. Ông tái đắc cử năm 1972 nhưng phải từ chức năm 1974 vì vụ nghe lén Watergate. Ông mất năm 1994, thọ 81 tuổi. (STF/AFP/ Getty Images)



Sử gia tìm ra tài liệu quan trọng này là ông John Farrell, tác giả của cuốn “Richard Nixon: The Life” (Cuộc Đời Của Richard Nixon) sắp được phát hành. Dưới đây là nội dung bài viết của ông Farrell được đăng trên các báo Mỹ trong hai ngày qua.

Trước đây ông Richard Nixon đã phủ nhận với các sử gia, với ký giả David Frost, và với ông Lyndon Johnson về tin đồn ông Nixon đã có hành động gian trá. Đối với tất cả những người này, ông Nixon luôn nói ông không hề tìm cách “thọc gậy bánh xe” để phá nỗ lực nhằm mang đến hòa bình tại Việt Nam vào năm 1968.

“Thượng Đế ơi, tôi không bao giờ làm bất cứ điều gì” để khuyến khích Nam Việt Nam “không ngồi vào bàn hội nghị,” ông Nixon từng nói với ông Johnson trong một cuộc đối thoại được thâu băng trong hệ thống ghi âm tại Tòa Bạch Ốc.

Giờ đây các chứng cớ cho thấy ông Nixon đã nói dối. Một sử gia đã tìm tòi trong những tư liệu còn để lại của ông H.R. Haldeman, một phụ tá thân cận nhất của ông Nixon. Sử gia này đã tình cờ nhận ra tầm quan trọng của những tờ giấy ghi ghép, hoặc thư viết tay với nội dung cho thấy ông Nixon không những đã biết mà còn chỉ đạo ban tranh cử tổng thống của ông phải tìm mọi cách để cản trở nỗ lực hòa đàm của Tổng Thống Johnson. Lúc bấy giờ ông Nixon lo ngại rằng nếu có hòa bình tại Việt Nam thì điều đó sẽ giúp đối thủ của ông là Phó Tổng Thống Hubert H. Humphrey thuộc đảng Dân Chủ sẽ đắc cử. Thời đó dư luận người Mỹ đã chán ngán cuộc chiến Việt Nam và mong sao cho cuộc chiến sớm kết thúc, như trong những năm sau này người Mỹ đã ngán ngẩm sự tham gia của Hoa Kỳ tại Iraq và Afghanistan.

Thế nên ông Nixon lo ngại triển vọng hòa bình tại Việt Nam sẽ giúp đối thủ Humphrey. Lúc đó ông Johnson đã không tái tranh cử tổng thống.

Tài liệu của ông Halderman cho thấy vào ngày 22 tháng 10, 1968 ông Nixon đã ra lệnh cho ông Haldeman hãy “ném mỏ lết” vào đề nghị hòa đàm của ông Johnson. Ném mỏ lết là dịch ý từ chữ “monkey wrench” mà ông Nixon đã dùng như một động tự.

Đến ngày bầu cử năm đó ông Nixon đã đắc cử, trở thành vì tổng thống 37 của nước Mỹ. Tuy trong nhiệm kỳ thứ nhì ông bị tai tiếng trong vụ nghe lén Watergate và phải từ chức năm 1974.

Trong mấy năm gần đây các sử gia có khuynh hướng đề cao những thành quả của ông Nixon, trong lãnh vực đối ngoại cũng như đối nội. Ông được khen ngợi bởi các vị tổng thống sau này (và cả vị tổng thống đắc cử hiện nay)

Thư Viện Nixon đang được tân trang với chi phí lên tới $15 triệu Mỹ kim. Mặc dù không thể phủ lấp hết vụ tai tiếng Watergate, những thành quả của ông Nixon cũng rất đáng được nhắc tới, được xem như những điểm nổi bật chiếu sáng của ông.

Thế nhưng giờ đây những thư ghi chép của ông Haldeman lại đưa người ta trở lại vùng tối tăm, u ám của ông Nixon. Một số người đang cho rằng hành động cản trở hòa bình tại Việt Nam của ông Nixon đã gây tội còn lớn hơn vụ nghe lén Watergate. Vì sao? Vì quá nhiều mạng sống đã phải trả giá cho một tham vọng chính trị. Từ năm 1968 cho đến khi cuộc chiến chấm dứt năm 1975, Miền Nam đã bị Hoa Kỳ bán đứng cho Miền Bắc trong cuộc thương lượng quyền lợi giữa Hoa Thịnh Đốn với Bắc Kinh. Biết bao mạng sống đã chết trên chiến trường, trên đường tản cư của người Miền Nam trước làn sóng bộ đội và chiến xa từ Miền Bắc, và trên đường vượt biển sau khi cộng sản chiếm trọn Miền Nam.

Vào mùa thu năm 1968, ứng cử viên Nixon đã có tỉ lệ ủng hộ cao hơn ứng cử viên Humphrey, thế nhưng khoảng cách đã bắt đầu thu hẹp lại trong tháng 10. Lúc đó nhân vật Henry Kissinger, một cố vấn ngoài dòng của Cộng Hòa, đã xuất hiện và báo cho ông Nixon biết rằng Tổng Thống Johnson đang xúc tiến một cuộc mật đàm để kết thúc cuộc chiến đẫm máu tại Việt Nam. Ngày đó Hoa Kỳ đã có 30,000 người thiệt mạng trong cuộc chiến. Điều kiện được đưa ra là nếu Hoa Kỳ ngưng oanh tạc Miền Bắc thì Liên Xô sẽ gây áp lực với Hà Nội, buộc Hà Nội phải hòa đàm để ngưng chiến với Miền Nam. Sau ngày bầu cử ông Kissinger được ông Nixon tưởng thưởng với chức ngoại trưởng.

Khi chưa là tổng thống, ông Nixon đã có một đường dây liên lạc với chính phủ Miền Nam Việt Nam tại Sài Gòn qua một phụ nữ có thế lực là bà Anna Chennault. Bà đóng góp nhiều cho đảng Cộng Hòa, thường tổ chức tiệc gây quỹ cho đảng và đặc biệt cho ông Nixon tại Hoa Thịnh Đốn. Bà Anna Chennault cũng là thành viên của một nhóm vận động hành lang cho Trung Quốc.

Trong sổ ghi chép lệnh của Nixon, ông Haldeman có viết nghệch ngoặc rằng ông Nixon muốn ông “Giữ cho bà Anna Chennault làm việc” với Miền Nam Việt Nam. “Có cách nào khác để ném mỏ lết không? Mọi thứ mà RN có thể làm,” ông Halderman viết lại chỉ thị của ông Nixon về nỗ lực cản trở cuộc hòa đàm của Johnson. RN là chữ viết tắt tên ông Nixon.

Thời gian đó Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu của Miền Nam Việt Nam đang ngần ngại, sợ rằng Tổng Thống Johnson sẽ bán đứng Miền Nam cho cộng sản để chấm dứt sự tham dự của quân đội Mỹ vào cuộc chiến. Qua thư của ông Halderman, người ta được biết ông Nixon muốn bà Anna Chennault liên lạc với Tổng Thống Thiệu và thuyết phục ông đừng tham gia hòa đàm. Sự việc chần chừ càng lâu của ông Thiệu sẽ giúp ông Nixon càng có lý do để nói với mọi người rằng nỗ lực của ông Johnson chỉ là một chiêu chính trị hầu giúp ứng cử viên Humprey.

Ông Nixon cũng nhắc ông Haldeman hãy liên lạc bà Rose Mary Woods, thư ký riêng của ông Nixon, để bà liên lạc với ông Louis Kung, một doanh gia có lập trường bênh vực Trung Quốc. Nixon muốn Louis Kung cũng gây áp lực với ông Thiệu để không dự cuộc hòa đàm do ông Johnson chủ trương. Nixon nói, “Bảo ông ấy (Tổng Thống Thiệu) hãy giữ vững lập trường.”

Ông Nixon cũng liên lạc với Tổng Thống Tưởng Giới Thạch của Đài Loan để được giúp đỡ trong vụ này. Và cũng qua phụ tá Haldeman, ông Nixon yêu cầu ứng cử viên phó tổng thống Spiro Agnew phải đe dọa Giám Đốc CIA Richard Helms. Nixon muốn ông Helms phải cung cấp những gì mà CIA biết về nỗ lực hòa đàm. “Nói với ông ấy (Helms) rằng chúng ta muốn sự thật, bằng không ông ta sẽ mất việc sau này,” Nixon bảo phụ tá Haldeman.

Trong những năm làm tổng thống và sau này, ông Nixon luôn lo sợ rằng sự can dự của ông vào nỗ lực hòa bình tại Việt Nam trước đây sẽ bị tiết lộ.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho ký giả David Frost vào năm 1977, ông Nixon lập lại rằng, “Tôi đã không làm gì để phá họ. Với những người như Bà Chennault hoặc bất cứ người nào, tôi không ra lệnh cho họ và tôi cũng không biết có sự liên lạc nào với Miền Nam Việt Nam vào lúc bấy giờ, khuyên họ không dự hòa đàm.”

Sau vụ Watergate, ông còn khẳng định như thể để bảo vệ tư cách của mình. “Tôi không thể làm như vậy với lương tâm.”

Ông Nixon có lý do để nói dối. Hành động của ông có thể vi phạm luật liên bang. Luật này cấm một công dân trong tư cách riêng tư không thể tìm cách “đánh bại những biện pháp của chính phủ Hoa Kỳ.” Các luật sư của ông từng tranh đấu rất quyết liệt, để giữ cho những hồ sơ, tài liệu liên quan đến cuộc vận động tranh cử năm 1968 không bị công khai.

Mặc dù nghi ngờ ông Nixon, Tổng Thống Johnson cũng như các đối thủ phải bỏ cuộc điều tra, vì họ không thể tìm ra bằng chứng cho thấy ông Nixon đã trực tiếp nhúng tay vào việc khuyến khích Miền Nam Việt Nam không dự hòa đàm.

Sử gia John Farrell viết: “Nay thời gian đã dần dần cho thấy những bí mật mà ông Nixon muốn chôn giấu. Những thư viết tay của ông Haldeman từng được triển lãm một cách âm thầm tại thư viện của Nixon vào năm 2007, khi mà tôi đến để nghiên cứu các tài liệu nhằm mục đích viết một cuốn tiểu sử của cựu tổng thống. Những thư này chứa đựng những viên đá quý, chẳng hạn như ông Haldeman đã ghi chép một lời hứa của Nixon với các đảng viên Cộng Hòa tại Miền Nam, rằng ông sẽ xóa bớt các luật dân quyền, không đụng đến mấy thứ bênh vực người Da Đen, nếu đắc cử tổng thống. Cũng có những tờ giấy ghi chép từ cuộc tranh cử thống đốc tại California vào năm 1962, khi mà ông Nixon và các phụ tá bàn thảo về nhu cầu cần đặt máy nghe lén các đối thủ chính trị của họ.”

Sử gia cho biết khi nghe tin ông Nixon nhúng tay vào vấn đề Việt Nam, Tổng Thống Johnson đã ra lệnh cho FBI theo dõi bà Anna Chennault. Một báo cáo của FBI cho biết bà “đã tiếp xúc với Đại Sứ Bùi Diễm của Việt Nam Cộng Hòa và cố vấn ông rằng bà đã nhận một thông điệp từ sếp của bà và muốn gặp ông đại sứ để trao thông điệp là Hãy giữ yên. Chúng tôi sẽ thắng. Xin ông nói lại với sếp của ông là hãy giữ yên.”

Sử gia John Farrell cho biết vào ngày 4 tháng 11, 1968, những cố vấn thân cận nhất của ông Johnson đã khuyên ông hãy lật tẩy ông Nixon về tội “phản quốc.” Thế nhưng ông Johnson nói là họ không thể tiết lộ với công chúng vì thiếu “chứng cớ xác thực.” Qua ngày hôm sau, ông Nixon đắc cử tổng thống.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT